21/09/2024 | 12:44 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Mỏ sắt Thạch Khê, mỏi mòn đợi hết “khê”

Nguyễn Tri Thức
Phải nói ngay rằng, “khê” ở đây là khẩu ngữ liên quan đến tiền bạc, vốn liếng bị đọng lại, không luân chuyển sinh lợi được. Nhưng với mỏ sắt Thạch Khê, việc “khê” vốn liếng không chỉ đã kéo dài tròn 1 con giáp, nó còn khiến biết bao bà con 5 xã trong huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh buồn nản, bế tắc trong cuộc sống hằng ngày, mỏi mòn đợi ngày hết “khê”. mo_sat_thach_khe.pngNhiều người dân ở xã Thạch Khê mạnh dạn đầu tư lớn phát triển kinh tế và chấp nhận rủi ro_Ảnh: D.M

1. Năm 1960, mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) được phát hiện, được cho là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Mỏ sắt nằm trên địa bàn 6 xã vùng bãi ngang ven biển (nay là 5 xã gồm Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc), tổng diện tích đất sử dụng là 4.821ha, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 14.517,2 tỷ đồng. Theo đánh giá, trữ lượng, tài nguyên mỏ sắt khoảng 544 triệu tấn, trong đó 369 triệu tấn được huy động vào thiết kế khai thác. Thời gian tồn tại của mỏ là 52 năm. Năm 2008, Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) đầu tư khoảng 14.500 tỷ đồng cho dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê. Diện tích đất TIC đã ký hợp đồng thuê đất là 552ha. Có khoảng 7.000 hộ dân (27.000 nhân khẩu) bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án.

Phải nói ngay rằng, “khê” ở đây là khẩu ngữ liên quan đến tiền bạc, vốn liếng bị đọng lại, không luân chuyển sinh lợi được. Nhưng với mỏ sắt Thạch Khê, việc “khê” vốn liếng không chỉ đã kéo dài tròn 1 con giáp, nó còn khiến biết bao bà con 5 xã trong huyện Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh buồn nản, bế tắc trong cuộc sống hằng ngày, mỏi mòn đợi ngày hết “khê”.

Lễ khởi công dự án được tổ chức vào tháng 9-2009 với biết bao hy vọng về sự đổi đời cho một vùng quê nghèo rộng lớn của tỉnh nghèo Hà Tĩnh. Nhiều lao động nông nghiệp ở 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà khấp khởi mừng vui, đợi chờ cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập. Những niềm hy vọng càng nhân lên khi trong giai đoạn 2008 - 2011, đã có khoảng 12,7 triệu mét khối đất tầng phủ được bóc, độ sâu -34m so với mực nước biển, 3.000 tấn quặng đã được khai thác. Nhưng rồi sự cố ập đến khi dự án gặp vướng mắc về huy động và góp vốn, kéo theo hàng loạt hệ lụy đáng buồn: chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, thiếu tiền thanh toán cho nhà thầu tư vấn lập thiết kế kỹ thuật và xây dựng khu tái định cư. Tháng 11-2011, Chính phủ quyết định tạm dừng dự án để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông. Những âu lo xuất hiện.

Cuối năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh có báo cáo gửi Trung ương đề xuất tạm dừng dự án với nhiều lý do, như: công nghệ, kỹ thuật khai thác chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động lớn đến môi trường; phương thức vận chuyển quặng khó khả thi, hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn; thị trường tiêu thụ quặng sắt chưa chắc chắn...

Cuối tháng 3-2022, chúng tôi có dịp trở lại mỏ sắt Thạch Khê. Vẫn những khung cảnh từng gặp hơn 3 năm về trước. Khu vực moong mỏ biến thành những hồ nước rộng lớn, sâu hàng chục mét. Nhiều ống nhựa cỡ lớn nối từ bờ ra moong mỏ chưa được thu dọn. Trụ sở một số công ty cho thuê máy móc, thiết bị xây dựng, kinh doanh đất đá, cát sỏi,... đóng cửa, bỏ hoang. Nhiều nhà cửa của người dân đã bàn giao cho chủ đầu tư nhưng chưa đập bỏ. Nhiều ngôi nhà 4 - 5 thế hệ chung sống vì trong diện quy hoạch... Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Thạch Hà - khi thấy tôi nhắc đến chuyện từng đến Thạch Hà, đã vào mỏ sắt Thạch Khê, chỉ nói ngắn gọn rằng, “mỏ sắt vẫn đang dừng. Hệ lụy đeo bám dai dẳng, đời sống bà con rất khó khăn”.

2. Chúng tôi trở lại Thạch Khê - xã trung tâm mỏ sắt. Vẫn những con đường, khung cảnh làng quê quen thuộc. Thoạt để ý thì không thấy bóng dáng gì của những làng quê trong diện quy hoạch cả. Những ngôi nhà cấp bốn, thậm chí cả biệt thự, hiện diện trong các ngôi làng thuần nông. Những cánh đồng mướt xanh rau màu, ngô, lúa. Những trường học tấp nập học sinh. Các khu chợ ven đường nhộn nhịp người mua bán. Nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài đã “khoác tạm” hơn 1 thập niên trở lại đây. Bên trong, mọi thứ dường như đều dừng lại.

Ông Lưu Xuân Đồng - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Khê - cho biết, xã nằm trong quy hoạch, từ năm 2011 đến nay mỏ chưa có lộ trình khai thác, mọi thứ đều dừng lại. Nhân dân băn khoăn, trăn trở rất nhiều. Không băn khoăn, trăn trở sao được, khi kết cấu hạ tầng không được xây dựng, người dân không thể chia tách hộ dù có đất, có điều kiện, không thể yên tâm làm ăn, sản xuất... Tất cả đều trong trạng thái tạm dừng, chờ đợi. Đã thế, gần 750ha khu mỏ đã lộ hình hài cũng tác động tiêu cực đến những người dân “sống tạm”. Tình trạng cạn kiệt nước ngầm diễn ra thường xuyên. Cây cối chết vì khô hạn. Mưa lũ thì bị ngập lụt...

“Việc quy hoạch cấp đất dân cư không được tiến hành, nhiều gia đình 4 - 5 thế hệ phải sống chung rất chật chội, bí bách. Trụ sở xã xuống cấp nghiêm trọng mà chỉ có thể sửa chữa, vá víu. Thu ngân sách chưa được 460 triệu đồng so với tổng chi 4 tỷ đồng. Rất khó trong quản lý, lãnh đạo, điều hành”, ông Đồng than thở. Đúng là điều kiện làm việc như vậy, kinh tế như vậy rất cần được sự sẻ chia, cảm thông. Cán bộ xã khó khăn, khổ sở mọi nhẽ, người dân cũng trong tình trạng như vậy, bởi mọi chuyện đều đặt ở chế độ chờ. Đầy thấp thỏm, âu lo. Không an cư, sao có thể lạc nghiệp. Ông Trần Hậu Thành - Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Thạch Khê - cho biết, thu nhập bình quân đầu người của bà con chỉ ở mức 16 triệu đồng/ người/năm. Khó khăn lớn nhất là xã nằm trong vùng quy hoạch, với gần 800/hơn 1.200 hộ bị ảnh hưởng. Diện tích đất bỏ hoang nhiều. Nhiều phần moong mỏ bị sạt lở. “Hơn 1 thập niên tạm dừng đến nay chưa thấy động tĩnh gì, người dân hoang mang không biết tương lai ra sao”, ông Thành nói.

Quả thực, việc tìm gặp những hoàn cảnh khó khăn do tác động của việc dừng khai thác mỏ sắt, chưa di dời tái định cư ở Thạch Khê quá dễ dàng, bởi hơn 800 hộ thì có rất nhiều hộ mấy thế hệ chung sống. Nhà ông Dương Đinh Hiền ở thôn Thanh Lan có 3 thế hệ, với 10 người sinh sống trong 2 nhà cấp 4 chật chội, cũ kỹ. Ông Hiền sinh năm 1985 mà thoạt nhìn phải già hơn chục tuổi, ngang với tuổi mỏ sắt tạm dừng khai thác. Nhà ông chỉ có 3 sào ruộng, không được chia thêm để canh tác. Ông phải đi làm thợ xây để kiếm thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. “Khó khăn chứ, nước thì phèn, mưa thì ngập lụt. Nhà có 3 cháu đang đi học, nhưng học kém”, ông Hiền thật thà. Và tất nhiên, ông Hiền cũng như bao hộ dân khác, như lãnh đạo xã Thạch Khê đều chỉ có một mong muốn sớm được biết lộ trình khai thác của mỏ sắt. Đóng cửa hay tiếp tục cũng cần rõ ràng. Tất nhiên, trong quá trình chờ đợi dai dẳng, mỏi mòn, bà con không thể ngồi im mãi. Họ vẫn cố gắng tìm những giải pháp tình thế để kiếm tìm những nguồn thu chính đáng, bất chấp có thể phải đánh đổi...

3. Gần chục năm qua, nhiều người dân ở 5 xã vùng mỏ Thạch Khê, dù đã đến nơi tái định cư, nhưng vẫn tiếc nuối quay trở về nơi ở cũ để sinh sống, làm ăn, khi mà mỏ bỏ hoang. Nhà cửa chưa bị phá, ruộng đồng chưa thành khai trường, nhiều người trở lại và tiếp tục sinh sống, canh tác, chăn nuôi “nhờ”. Những người chưa đến lượt tái định cư vẫn tiếp tục công việc chuồng trại, đồng áng thường ngày. Những ai mạnh dạn đầu tư làm ăn lớn buộc phải chấp nhận thiệt hại nếu sau này mỏ hoạt động. Những ai mạnh dạn xây nhà để bớt chật chội, nắng nóng, mưa dột cũng đều phải đánh đổi như vậy. Ông Phan Xuân Hội - Bí thư chi bộ thôn Thanh Lan, xã Thạch Khê - cho rằng, xã nằm trong vùng quy hoạch nên phát triển kinh tế hơi khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có những mô hình kinh tế xuất hiện. Như mô hình trồng hoa lan của ông Phạm Văn Huy là một ví dụ tiêu biểu.

Vẫn biết xã nằm trong vùng quy hoạch, có thể phải di dời bất cứ lúc nào, nhưng lần lữa mãi, ông Huy cũng mua vườn của người dân và được xã tạo điều kiện thuận lợi về mặt chủ trương, chính sách để có được diện tích đủ lớn cho việc trồng lan công nghệ. Tất nhiên, gia đình phải cam kết chấp nhận mất sạch vốn đầu tư nếu mỏ khai thác trở lại. Ông Lê Văn Sơn - Trưởng Ban Tuyên giáo huyện ủy Thạch Hà - cho biết, không riêng ông Huy, tất cả các gia đình muốn xây nhà, đầu tư phát triển kinh tế ở cả 5 xã vùng mỏ đều phải chấp nhận mất vốn đầu tư nếu mỏ lại hoạt động. Cũng dễ hiểu thôi, họ sẵn sàng đánh đổi bởi đã hơn chục năm rồi, mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á coi như bỏ hoang. Mà cơ hội làm ăn đâu phải lúc nào cũng xuất hiện, đời người đâu phải khi nào cũng sung sức, tỉnh táo, đủ quyết tâm để làm ăn lớn.

Ông Bùi Quốc Việt - em ông Huy, người chịu trách nhiệm kỹ thuật vườn lan - cho biết, gia đình bắt đầu làm vườn lan từ tháng 2-2022, đã hình thành 2.500m2 vườn lan hồ điệp, tổng đầu tư khoảng 10 tỷ đồng nhà lưới, khoảng 3 tỷ đồng cây giống với hơn 5 vạn cây. “Lan là thị trường lớn, mình nhập từ Trung Quốc nhiều quá, nhưng thị trường trong nước vẫn còn rộng mở. Năm nay là vụ đầu tiên, sản phẩm chúng tôi hướng đến thị trường Hà Nội, Nghệ An, Quảng Bình. Ông chủ còn ý định mở rộng diện tích trồng lan, nếu có điều kiện”, ông Việt nói và mong mỏi sớm có quyết định từ Trung ương để bà con yên tâm sinh sống, sản xuất kinh doanh. Tất nhiên, chính quyền địa phương, Trung ương cũng rất bận tâm về vấn đề mỏ sắt tạm dừng hoạt động.

Ngày 11-6-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác đi khảo sát thực trạng mỏ sắt Thạch Khê. Qua kiểm tra, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đơn vị liên quan báo cáo thêm một số nội dung về chất lượng quặng sắt tại Thạch Khê; số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án... Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đang xuất hiện ý kiến trái chiều giữa lợi ích kinh tế từ dự án và quy hoạch phát triển du lịch, đời sống người dân địa phương. Do đó, cần phải có sự tính toán theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể để lựa chọn hướng đi phù hợp trong thời gian tới. Thủ tướng nhấn mạnh, việc quyết định dừng hay tiếp tục triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê phải có đánh giá khoa học, khách quan; có đánh giá tác động tổng thể từ kinh tế đến tính chất xã hội, đời sống người dân, môi trường và các vấn đề liên quan; việc đánh giá cũng phải mang tính dự báo dài hơi. Sau đánh giá, trường hợp có lợi thì tổ chức triển khai, nếu chưa có lợi thì dừng lại và tiếp tục nghiên cứu. Phải sớm có quyết sách đúng đắn, bảo đảm cơ sở khoa học và hợp lòng dân để ổn định đời sống dân cư địa phương.

Mới nhất, ngày 17-3-2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã có buổi làm việc với huyện Thạch Hà về tình hình phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua và nhiệm vụ sắp tới. Tất nhiên, không thể thiếu nội dung liên quan đến mỏ sắt Thạch Khê. Ông Hải chia sẻ với địa phương và bà con về những khó khăn của người dân vùng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Ông cho biết, tỉnh đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương có giải pháp, chủ trương phù hợp đối với dự án.

Và người dân 5 xã vùng bãi ngang trong phạm vi dự án mỏ sắt nói riêng, huyện Thạch Hà nói chung, lại có thêm niềm hy vọng về sự rõ ràng của việc đóng hay mở cửa mỏ sắt. Người dân đã sẵn sàng đón đợi cả 2 phương án, chỉ chờ sự hết “khê” của mỏ sắt Thạch Khê, để họ sớm “an cư, lạc nghiệp”./.
31 July 2023