21/09/2024 | 12:26 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Nghĩa tình nơi xứ lạ

Nguyễn Tri Thức
Nghĩa tình nơi xứ lạ Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại nhà hát Opera Sydney_Ảnh: D.M
Trong nhiều chuyến đi học tập, công tác, du lịch nước ngoài, tôi may mắn được gặp những người Việt đang học tập, làm ăn, sinh sống ở đất nước sở tại. Lần nào cũng cảm nhận đậm sâu nghĩa tình nơi xứ lạ. Bà con ta chỉ cần nhìn thấy người Việt, nghe được tiếng Việt là nhiệt tình giúp đỡ hết sức chân tình, hiệu quả.

Vừa chân ướt chân ráo đến thành phố Sydney, Australia, chúng tôi đã được doanh nhân Trần Trung Kiên - đồng hương của một thành viên trong đoàn - dẫn đi những địa điểm không thể không đến ở mảnh đất này, nói theo cách giới trẻ hay dùng là buộc phải check-in, nếu không thì coi như chưa đặt chân đến. 

Đó là nhà hát Opera Sydney - công trình biểu tượng đỉnh cao của Sydney nói riêng, nước Úc nói chung. Từ xa, ai cũng có thể dễ dàng nhận ra nhà hát đồ sộ với thiết kế hình con sò (cũng có thể ví là những cánh buồm no gió) độc đáo, màu trắng nổi bật trên nền trời trong vắt, mặt nước biển xanh thẫm ở bến cảng Sydney.Lòng vòng nhà hát, thả sức ngắm biển và quang cảnh thành phố trong tiết trời se se lạnh ở Bennelong Point lộng gió, thênh thang tầm mắt rồi chúng tôi tản bộ lòng vòng phố xá, ngắm nhìn Sydney Hobour - cây cầu thép lớn nhất thế giới, một biểu tượng khác của “xứ sở chuột túi”. Sydney Hobour bao gồm 2 tuyến đường sắt, 8 làn xe ô tô và 1 làn dành riêng cho người đi bộ. 

Đây là địa điểm bắn pháo hoa hoành tráng nhân dịp năm mới, hoặc là nơi công bố những sự kiền tầm thế giới của nước Úc. Điều đặc biệt, Sydney Habour còn là địa điểm mà nhiều cặp tình nhân tin rằng họ sẽ mãi hạnh phúc khi cầu hôn hoặc tổ chức đám cưới tại đây. Thế nên, đã có hơn 4.000 lời cầu hôn, khoảng 30 đám cưới được tổ chức ở địa điểm biểu tượng này.

Chiều muộn, khi mời đoàn dùng bữa tối tại một nhà hàng sang trọng ngay bên bờ Vịnh Sydney, cách chân cầu Sydney Hobour một đoạn, đối diện nhà hát con sò, Kiên có mời thêm những người Việt thân thiết của anh ở Sydney, đó là bố con doanh nhân Nguyễn Thế Dũng, là vợ chồng trẻ chuyên kinh doanh nhà hàng đã tạm thời giải nghệ là Nguyễn Minh Thành và Nguyễn Thúy Liễu. 

Mới gặp lần đầu mà ai cũng rôm rả chuyện trò hết sức cởi mở, chân thành như thể đã quen biết từ lâu. Anh Dũng đưa cả gia đình sang Australia, sau khi con trai du học tại đây. Nhưng, vợ chồng anh vẫn “chạy đi chạy lại”, bởi ngoài kinh doanh bất động sản ở Úc, vợ chồng anh còn sở hữu một doanh nghiệp dược ở Việt Nam. 

Trong khi đó, Thành kể rằng, sau khi đóng cửa quán vì dịch COVID-19, vợ chồng anh tạm thời sống chậm, thay đổi quan niệm về mục đích của cuộc sống. Hằng ngày, anh dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc sách, đi bộ, bắt chuyện, làm quen với người dân sở tại trên đường đi. Và rồi, anh ngày càng trở nên thân thiết, hiểu biết hơn về mảnh đất, con người xứ lạ nơi mình sinh sống. Tiền không phải là mục tiêu đeo đuổi số một của vợ chồng anh nữa.

Sau khi thưởng thức bữa tối với rượu vang cùng hải sản Úc, từ phía đối diện thấy nhà hát con sò lung linh, rực rỡ, đầy sắc màu hơn khi soi mình xuống Vịnh Sydney. Vòng quanh những điểm đến nổi tiếng ở Sydney, chúng tôi đi tàu điện về nơi nghỉ mà thấy thật thoải mái, nhẹ nhõm. 

Thời gian ít ỏi của chuyến công tác ở Sydney, Kiên còn hỗ trợ đoàn công tác nhiều việc một cách rất tận tình, chu đáo. Đó không chỉ là vì mối quan hệ với anh bạn đồng hương cùng đoàn, mà là tình cảm thể hiện đậm nét một điều rất xưa cũ rằng, thấy người Việt ở đâu, nghe tiếng Việt cất lên, đặc biệt khi ở nơi xứ lạ, là đồng bào mình sẵn sàng giúp đỡ nhau. 

Như tôi từng chứng kiến nhiều lần, cả chuyến công tác ở Australia và New Zealand dịp đó, cũng như các chuyến công tác, học tập, thậm chí đi du lịch nước ngoài cùng gia đình trước đây. 

Ví như khi hạ cánh ở sân bay Melbourne từ New Zealand vào nửa đêm, khi đang hối hả tìm hành lý thì một nhân viên sân bay chợt nghe chúng tôi trao đổi, biết là đồng hương nên vội vã chủ động hỗ trợ hết sức nhiệt tình rồi mới trở về nghỉ ngơi sau ca làm việc. 

Hay như trong hành trình trở về nước, vì sự cố chậm chuyến quá lâu nên buộc phải đổi giờ và chặng bay, chúng tôi may mắn được anh Cường - đại diện Vietnam Airlines tại Melbourne - đến tận sân bay giúp đỡ hết sức nhiệt tình trong việc đổi vé, làm thủ tục lên máy bay cho kịp chuyến về Việt Nam, không phải bay trở lại sân bay Sydney rồi ngày hôm sau mới được về nhà. Quá bối rối vì sự cố đến bất ngờ đầy âu lo, gấp gáp, tôi còn không kịp hỏi đầy đủ họ tên của anh Cường. Chỉ biết rằng, anh đã hết thời gian làm nhiệm vụ ở Melbourne và chuẩn bị về nước công tác.

Hay như Trương Uy Vũ - cậu lái xe người Việt đã sang New Zealand định cư được gần 15 năm - thông thạo đường xá, hiểu biết khá sâu sắc đã dành cả buổi sáng để đưa chúng tôi đi cách Thủ đô Wellington khoảng 140km chỉ để đến làng chài Ngawi bé nhỏ nằm cách Cape Palliser - điểm cực Nam của Đảo Bắc - chừng 5km để làm một việc duy nhất là ngắm nhìn, trêu đùa đàn hải cẩu tự nhiên dạn người leo lên cả những bãi đá, vạt cỏ sát mép đường. 

Dọc đường đi, Vũ liên tục giới thiệu về đất nước New Zealand thanh bình, tĩnh tại cùng những đặc sản, biểu tượng của đất nước mà bò và cừu còn đông hơn con người nhiều lần này.Tôi đã may mắn được đặt chân lên khắp 5 châu. Ở đâu cũng gặp những người Việt bà con mình, xa xôi như châu Phi hay Mỹ, Canada. Lần nào gặp cũng ấm áp nghĩa tình, chân chất, thân thiện như thể đã quen biết từ lâu lắm. Lần nào cũng nhận được sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình. 

Tất nhiên, có những người chỉ gặp một lần trong đời. Có những người vẫn duy trì mối liên hệ về sau, không phải vì công việc, mà chỉ bởi tình thương mến thương. 

Trước Tết Giáp Thìn 2024 vừa rồi, khi về nước tất niên cùng công ty, Kiên có mời tôi tới dự và được gặp lại anh Dũng, gặp lại Phạm Đình Khánh (Khánh Phạm) - chàng trai trẻ tốt nghiệp đại học y nhưng bỏ nghề kỳ công theo đuổi để chuyển sang buôn bán bất động sản, nghề mà nhiều người Việt ở Australia và cả trong nước, đang lựa chọn. 

Những chuyện trò mới ngày nào mà như đã lâu lắm rồi, nổ như ngô rang. Những cuộc gặp lại thú vị như vậy càng thêm khẳng định rằng những nghĩa tình nơi xứ sở xa lạ thuở ban đầu ngày càng trở nên gần gũi, bền chặt hơn, không hề toan tính, vụ lợi gì./.

11 March 2024