14/07/2025 | 22:26 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tội ác chiến tranh ở Iraq và Afghanistan?

Tường Linh
Tội ác chiến tranh ở Iraq và Afghanistan? Binh sĩ Mỹ tấn công một vị trí của Taliban ở làng Layadira, tỉnh Kandahar, tháng 2-2013_Ảnh: The New York Times
Theo thời gian, những tiết lộ về việc lính Mỹ có thể đã phạm tội ác chiến tranh ở Iraq và Afghanistan đang làm chấn động công chúng Mỹ và thế giới, trở thành một vấn đề thời sự chính trị nóng bỏng với nước Mỹ.

Những hồ sơ chết chóc

Một lính Mỹ ở Iraq thiệt mạng vì trúng bom gài bên đường, cả toán lính Mỹ đã xông vào nhà dân và bắn chết tất cả 24 người, từ phụ nữ, trẻ em tới người già. Chuyện xảy ra ngày 19-11-2005, khi một đoàn xe của Sư đoàn Thủy quân lục chiến số 1 bị vấp bom gài bên vệ đường ở Haditha - thành phố phía Tây Iraq. 

Một chiếc Humvee nổ tung khiến binh sĩ Miguel Terrazas thiệt mạng và 2 người khác bị thương. 10 phút sau, lính Mỹ bắt đầu xông vào một ngôi nhà ở bên cạnh đường và nổ súng ngay khi cửa vừa mở ra. 

Chủ nhà là A. Hamid, một ông già 76 tuổi bị mù và phải ngồi xe lăn. Ông chết vì các phát đạn bắn vào bụng và đầu. Vợ ông và 5 người khác trong gia đình cũng thiệt mạng với những vết đạn khắp thân thể.

Chưa dừng lại, toán thủy quân lục chiến tiếp tục xông vào ngôi nhà bên cạnh, nơi có 9 người đang sống. Lúc họ trở ra, 8 người đã không còn thở nữa, trong đó có 5 trẻ em. Người sống sót duy nhất là cô bé 12 tuổi tên Safa, nhờ giả chết. 

Địa điểm trở thành “vật tế thần” thứ 3 là một chiếc taxi đậu bên vệ đường. 4 sinh viên đại học và người tài xế cùng bị lôi ra và lập tức gục xuống sau những loạt đạn chát chúa. 2 giờ sau, “hung thần” lại xuất hiện và mục tiêu là gia đình ông E. Ahmed. Lần này, lính Mỹ “nhân đạo” hơn khi tách riêng ông cùng 4 người con trai rồi nổ súng giết sạch.

Vào ngày 9-11-2004, trong trận chiến ở thành phố Fallujah ở miền Bắc Iraq, các binh sĩ thuộc Đại đội Kilo, Tiểu đoàn 3, Sư đoàn Thủy quân lục chiến số 1 đã đột nhập vào một ngôi nhà và phát hiện 4 người đàn ông không rõ danh tính, cùng với khẩu AK-47 và đạn dược. Khi họ báo cáo tình hình qua bộ đàm với cấp trên thì nhận được câu hỏi: “chúng đã chết chưa?”. 

Theo lời khai sau này, chỉ huy đại đội dường như hiểu câu hỏi đó là lệnh giết và nói với các thuộc cấp cần “chăm sóc” những người bị bắt giữ để đơn vị có thể tiếp tục di chuyển. Kết quả là cả 4 người đàn ông bị bắt đều bị bắn chết.

Vào cuối năm 2002, 2 tù nhân Afghanistan đã chết tại căn cứ không quân Bagram. Người đầu tiên là Mullah Habibullah, được phát hiện bất tỉnh trong phòng giam trong tình trạng bị treo lủng lẳng bằng cùm tay nối với trần nhà. 

Một tuần sau, một tài xế taxi 22 tuổi, chỉ được biết đến với cái tên Dilawar, cũng được tìm thấy trong tình trạng tương tự. Khám nghiệm tử thi sau đó xác định rằng cả Habibullah và Dilawar đều chết do bị thương ở chân và cái chết của họ là do bị giết.

Những phát hiện sau này cho thấy 2 người đàn ông trên và những tù nhân khác ở Bagram đã bị ngược đãi bằng nhiều hình thức khác nhau. Họ bị giam trong các phòng biệt lập, bị làm cho mất cảm giác vì phải đội mũ trùm đầu, đeo kính râm và bịt tai. 

Họ còn không được ngủ và phải đứng trong thời gian dài, cổ tay bị xích. Lính canh nhiều lần sử dụng một loại đòn đánh vô hiệu hóa, được gọi là đòn đánh vào xương mác với những người bị giam. Chính đòn đánh này cùng với việc dùng đầu gối thúc mạnh vào đùi những người bị giam giữ đã gây tử vong trong trường hợp của Habibullah và Dilawar.

Cũng ở Afghanistan, một số binh sĩ Mỹ đã thành lập “đội giết người” khét tiếng, chuyên săn lùng thường dân Afghanistan một cách ngẫu nhiên chỉ để mua vui, thậm chí lưu trữ các bộ phận cơ thể của nạn nhân để làm chiến lợi phẩm. 

Năm 2012, kẻ giết người khét tiếng Robert Bales - một trong những thành viên của nhóm - đã giết 16 thường dân Afghanistan tại một ngôi làng gần căn cứ quân sự của Mỹ, hầu hết là phụ nữ và trẻ em. 

Vụ việc của Robert Bales khiến người ta nhớ lại Trung úy William Calley, người đã ra lệnh và tham gia vào vụ thảm sát “Mỹ Lai” năm 1968 trong Chiến tranh Việt Nam khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng.

Gian nan đi tìm công lý

Trên đây chỉ là vài số vụ việc trong tổng cộng gần 800 hồ sơ mà nhóm điều tra có tên In the Dark tập hợp, liên quan đến những tội ác chiến tranh có thể xảy ra ở Iraq và Afghanistan kể từ sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ. Trong số đó, có 151 vụ việc về sau được các nhà điều tra cáo buộc là phạm tội ác chiến tranh.

Sự quan tâm nổi lên từ khi xảy ra vụ lính thủy đánh bộ do Trung sĩ Frank Wuterich chỉ huy giết hại 24 dân thường ở Haditha, ngày 19-11-2005. 4 trong số những lính thủy đánh bộ đó, bao gồm cả Wuterich, bị buộc tội giết người. 

Tuy nhiên, sau đó 3 trong số các bị cáo được tuyên án không phạm tội, còn Wuterich chỉ nhận một tội danh duy nhất là thiếu trách nhiệm trong nhiệm vụ và bị giáng cấp. Một vụ truy tố tội ác chiến tranh nghiêm trọng lại đi đến một kết luận nhẹ nhàng như vậy khiến nhóm điều tra In the Dark cho rằng mình phải hành động.

Dựa vào Đạo luật tự do thông tin (FOIA), nhóm điều tra bắt đầu gửi yêu cầu lên quân đội. Năm 1974, sau vụ thảm sát ở Mỹ Lai và việc truy tố không thành công khoảng 20 quân nhân Mỹ vì tội giết người, Lầu Năm góc bắt đầu yêu cầu các quân chủng phải duy trì các báo cáo và các vụ điều tra về cáo buộc tội ác chiến tranh của quân nhân Mỹ. 

Nhóm điều tra đã yêu cầu tiếp cận với các tài liệu lưu trữ của quân đội Mỹ nhưng nhận được rất ít phản hồi. Hải quân thậm chí gửi thư trả lời rằng đã xác định được kho lưu trữ nhưng không có bất kỳ hồ sơ nào. Theo quy định, khi thủ phạm là quân nhân Mỹ, quân đội Mỹ sẽ bắt họ chịu trách nhiệm. 

Quân đội được cho là phải lưu giữ một cách có hệ thống hồ sơ về các hành vi sai trái. Nhưng quân đội đã không làm được như vậy, khiến công chúng không thể xác định liệu quân đội có đưa các thành viên của mình ra trước công lý vì những hành động tàn bạo mà họ đã gây ra hay không.

Không còn lựa chọn nào khác, nhóm điều tra bắt đầu rà soát các bài báo lưu trữ, báo cáo nhân quyền, tạp chí pháp lý và y khoa, kho lưu trữ hồ sơ về tra tấn và ngược đãi tù nhân mà Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ (ACLU) đã thu thập. 

Trong hơn 4 năm, với sự hỗ trợ của các nguồn tài liệu, nhóm điều tra đã có thể xác định 151 vụ việc có chứng cứ để có thể khẳng định phạm tội, rằng các quy tắc giao tranh đã bị vi phạm hoặc việc sử dụng vũ lực là không chính đáng. 

Đó là những vụ như một lính mũ nồi xanh giết rồi cắt tai nạn nhân để giữ lại làm kỷ niệm, hành vi tàn ác với những người bị giam giữ tại nhà tù Abu Ghraib và tại cơ sở giam giữ căn cứ không quân Bagram ở Iraq.

Nhóm điều tra cũng xác định được 572 thủ phạm bị cáo buộc có liên quan đến 151 vụ phạm tội ác chiến tranh. Trong số đó, 127 người đã bị xử lý nhưng hiếm khi phải chịu án tù. 

Thông thường, chỉ huy của những người phạm tội trừng phạt cấp dưới của mình bằng các hình thức như tăng ca, giáng chức hoặc khiển trách, hoàn toàn không có việc truy tố chính thức. 

Bản thân các chỉ huy dường như không bao giờ phải đối mặt với hậu quả do hành vi sai trái của cấp dưới. Chỉ chưa tới 1/5 số bị cáo bị kết án tù và mức án trung bình chỉ là 8 tháng. Tỷ lệ kết án và tuyên án với loại tội phạm nghiêm trọng này trong quân đội thấp hơn nhiều so với trong hệ thống dân sự.

Chiến tranh thường kéo theo bạo lực, trong đó có những hành vi bạo lực nằm ngoài ranh giới của luật pháp, đòi hỏi phải có hình phạt. Cuộc đấu tranh đòi công lý của In the Dark còn chưa dừng lại, nhưng điều khiến nhóm điều tra băn khoăn là mỗi vụ án trong 151 vụ nói trên đều là câu chuyện riêng rẽ. 

Tuy nhiên, đa số các vụ đều bắt đầu và kết thúc theo cùng một cách: xảy ra một tội ác khủng khiếp do các binh sĩ Mỹ gây ra nhưng sự trừng phạt thường nhẹ hoặc không trừng phạt gì cả./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện