Chuyện về vị tướng, tiến sĩ đầu tiên của dân tộc Jrai
Nguyễn Văn Chiến
Những chiến công thầm lặng
Thoạt đầu, tôi cứ nghĩ gặp được ông rất khó nhưng suy nghĩ ấy nhanh chóng tan biến bởi sự tiếp đón chân thành, cởi mở của ông. Không câu nệ tiểu tiết, ông thoải mái, hào sảng, thân thiết như những người bạn lâu ngày gặp lại. Ông Ral Lan Lâm vào chuyện ngay: “tôi vừa chạy xuống huyện Kbang, có việc dân phản ánh, mình phải đến tận nơi để nắm tình hình”. Phong cách sát người, sát việc đã trở thành lối sống hằng ngày của ông, kể từ khi còn làm lính trinh sát cho tới phó phòng, rồi Trưởng phòng An ninh đối nội của Công an tỉnh Gia Lai.
Trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, ông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn tu dưỡng cho mình phẩm chất cách mạng theo 6 điều Bác Hồ dạy. Thận trọng, tỉ mỉ, nhanh chóng, chính xác, khách quan là những yêu cầu bao giờ cũng được ông đặt lên hàng đầu để cùng với đồng đội lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh trên địa bàn tỉnh Gia Lai và của cả khu vực Bắc Tây Nguyên.
Khi được hỏi về dấu ấn trong những lần “đánh án”, ông Lâm vẫn nhớ rõ sự kiện ngày 2-2-2001, khi ông là Trưởng phòng An ninh đối nội, hàng nghìn người dân tộc thiểu số ở một số huyện trong tỉnh Gia Lai bị bọn phản động Fulro trong và ngoài nước kích động, ùn ùn kéo về trung tâm thành phố tỉnh lỵ Pleiku biểu tình bạo loạn, gây rối... Ông và cán bộ, chiến sĩ trong phòng nhanh chóng xây dựng phương án tác chiến tỉ mỉ, tham mưu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc vận động và chỉ trong một ngày, hàng nghìn người dân bị kích động, lôi kéo đã biết lỗi, tự nguyện rời thành phố Pleiku trở về nhà.
Tuy nhiên, bọn phản động Fulro vẫn không từ bỏ âm mưu chống đối, chúng quyết lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của đồng bào dân tộc thiểu số để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết, đòi thành lập cái gọi là “Nhà nước Đê-ga tự trị” tại Tây Nguyên. Khi ấy, ở nước ngoài còn có các tổ chức phản động như Quỹ người Thượng (MFI) do Ksor Kơk cầm đầu; Hội nhân quyền người Thượng ở Mỹ (MHRO) do Nay Rông cầm đầu; Hội người Thượng tị nạn (MRO) do Rah Lan Ngol cầm đầu và Hội người Thượng Đê-ga (MDA) do Siu Y Hlena cầm đầu. Ở trong nước thì có 52 đối tượng thuộc 6 nhóm rải rác ở nhiều huyện và thành phố Pleiku do tên Yú ở xã Ia Băng, huyện Đak Đoa cầm đầu, tập trung vào địa bàn phía Nam huyện Đak Đoa và phía Bắc huyện Chư Sê. Tại các vùng này, chúng xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng, hoạt động manh động, liều lĩnh, vừa khống chế người dân vừa tổ chức chống phá chính quyền, kể cả việc hạ sát cán bộ, chiến sĩ công an làm nhiệm vụ.
Ông Ksor Phước - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai - nhớ lại, trước tình hình rất phức tạp đó, Bộ Công an, Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo Công an tỉnh phải nhanh chóng bắt bằng được những đối tượng cốt cán, cầm đầu, không để chúng phát triển lực lượng. Chuyên án B036 do ông Ral Lan Lâm chỉ huy được thành lập. Bằng chiến thuật đồng bộ cả công khai lẫn bí mật, cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh đối nội phối hợp với nhiều lực lượng khác truy lùng, truy quét bóc gỡ cơ sở trong từng làng, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tổ chức tuần tra, thị uy,... tạo ra thế trận an ninh nhân dân, làm cho bọn cốt cán, cầm đầu rối loạn, không dám nằm im một chỗ mà phải di chuyển khắp nơi nên xuất đầu lộ diện, rơi vào thế giăng bẫy của trinh sát.
Trước tình thế như “cá nằm trên thớt”, Yú và một số tên cốt cán khác hoảng loạn tìm đường trốn sang Campuchia. Nắm được ý đồ trốn chạy của Yú, một kế hoạch liên hoàn được ban chuyên án triển khai thực hiện. Theo đó, 2 trinh sát là người dân tộc thiểu số nhập vai người từ Campuchia thực hiện chỉ đạo của Fulro ở nước ngoài thâm nhập vào nội địa dẫn đường cho bọn chúng vượt biên. Ở một nhánh khác, 2 trinh sát đóng giả người của cơ sở bên trong tìm cách tiếp cận các cơ sở của chúng để chuyển “mật thư”, thu xếp cho bọn Yú sớm lên đường. Đúng như lời hẹn trong thư, tất cả tập trung tại ngã ba Hàm Rồng (thành phố Pleiku) để xe đón chở lên biên giới. Đúng 0 giờ ngày 4-1-2005, chiếc xe vận tải chở 9 đối tượng, có cả Yú lọt vào vòng vây của ta. Chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Khi Yú biết tài xế và người dẫn đường đều là trinh sát của Phòng An ninh đối nội, hắn lẩm bẩm: “tôi không ngờ”. Tiếp đó, đến tối 8-3-2005, chuyên án bắt tiếp 3 tên theo phương án này mà cả bọn Fulro trong và ngoài nước đều không hay biết. Chuyên án khép lại, kẻ địch bất ngờ trước thất bại mà không tìm ra manh mối. Còn “dân trong nghề” thì cho rằng đây là “trận đánh hoàn hảo”.
Năm 2006, ông Ral Lan Lâm được điều sang làm Trưởng phòng chống Fulro, Công an tỉnh Gia Lai. Nhiệm vụ số một khi ấy là tìm bắt cho bằng được tên Kpă Bình - tự xưng là tỉnh trưởng Fulro và đồng bọn hoạt động ở địa bàn các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Phú Thiện, Ayun Pa, Chư Prông, Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) và Ea Hleo (tỉnh Đắk Lắk). Qua công tác trinh sát, ban chuyên án phát hiện toán của Kpă Bình có 26 tên, chia thành 3 nhóm hoạt động ở các địa bàn nói trên bằng tiền của tổ chức Fulro ở nước ngoài. Mục đích của nhóm phản động này là tuyên truyền thành lập cái gọi là “Nhà nước Đê-ga” tự trị ở Tây Nguyên và ráo riết chuẩn bị tổ chức biểu tình bạo loạn.
Trong các đối tượng do Kpă Bình cầm đầu, tên là Siu Byơi (huyện Chư Sê) hoạt động cực kỳ ma mãnh. Siu Byơi chỉ đạo cho gia đình đào hầm ngụy trang để hắn ẩn náu, khi cần thì trốn thoát. Miệng hầm được ngụy trang từ bếp ăn và đào ra tới giếng nước nên rất khó phát hiện. Thường các buổi tối, đêm khuya, Siu Byơi lén lút ra rừng gặp Kpă Bình cùng đồng bọn tổ chức hàng chục cuộc họp với hàng trăm lượt đối tượng tham gia. Đáng chú ý là trong đó có 6 cuộc họp tuyên truyền chủ trương biểu tình bạo loạn cho số cốt cán và 2 cuộc họp tuyên truyền kích động nhân dân. Chúng đã chuẩn bị băng rôn, khẩu hiệu, lương thực, thực phẩm, gậy, dao, ná,... để khi cần thiết thì tổ chức biểu tình bạo loạn. Ngoài ra, bọn chúng còn khống chế hàng loạt cán bộ cơ sở và nhân dân, gây hoang mang trong quần chúng đến mức có người phải tự sát rất đau lòng như ông Siu Bum - trưởng thôn Su B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh.
Nhận thấy tình hình vô cùng nguy hiểm, ban chuyên án quyết định phải tấn công. Bằng những biện pháp và kế hoạch cụ thể, các trinh sát cũng đã “câu” được Kpă Bình, Kpă Chin, Siu Byơi và Kpuih Kre ra khỏi “hang” để bắt sống.
Với hàng loạt những chiến công xuất sắc, tháng 3-2020, Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh Gia Lai được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới. Thành tích là của cả tập thể, nhưng công sức của ông Ral Lan Lâm thật là không nhỏ.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành nhận xét trong lễ phong hàm thiếu tướng, ngày 4-1-2021: “trong quá trình công tác, ông Ral Lan Lâm đã chỉ huy nhiều chuyên án đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, lưu vong Fulro, bọn Tin lành Đê-ga, đấu tranh xóa bỏ tà đạo Hà Mòn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên với nhiều chiến công xuất sắc, được Đảng bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai quý trọng, tin yêu”.
Đời thường bình dị, sát dân, vì bình yên cuộc sống
Ông Ral Lan Lâm nói rằng, làm công việc giữ bình yên cuộc sống cho nhân dân thì phải sát dân, tin dân, chăm lo thật sự cho dân. Anh em dưới quyền cho biết thêm, tuần nào giám đốc cũng có lịch đi cơ sở dù bận đến mấy. Nghe tin có chuyện gì phức tạp ở đâu, lập tức ông sắp xếp đến tận xã, xuống từng buôn làng để nghe dân nói, giải quyết tại chỗ những vướng mắc ngay tại cơ sở. Vì thế, ở Gia Lai những năm gần đây không có các “điểm nóng” hoặc những bất ổn trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Ông bảo: “dân là của mình, còn dân là có tất cả, mình phải làm cho dân hiểu, dân tin, phải lo cho dân”.
Ông chân thành nói với chúng tôi: “mình không nghĩ lại làm đến Giám đốc Công an tỉnh, lại trở thành tướng đâu”. Bên cạnh việc hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, Thiếu tướng Ral Lan Lâm còn tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học. Ông cũng là người đầu tiên và duy nhất hiện nay của dân tộc Jrai bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài: Khoa học an ninh và trật tự xã hội được ứng dụng các giải pháp của đề tài vào thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác an ninh trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai - cho biết: “trong suốt hơn 40 năm công tác tại Công an tỉnh Gia Lai, anh Ral Lan Lâm luôn sống giản dị, gần gũi, chân tình với đồng chí, với nhân dân, luôn biết dựa vào nhân dân, được nhân dân đùm bọc, sống ở đâu cũng được dân thương, che chở và bảo vệ”. Còn Trung tướng Kso Nham - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, người từng sát cánh với ông Lâm nhiều năm - nhận xét: “điều đặc biệt ở anh Ral Lan Lâm là người có khả năng tập hợp, đoàn kết nội bộ tốt; là người tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang do nhân dân, vì nhân dân”. Tôi cảm nhận như trong ông luôn giàu năng lượng, nhiệt huyết, mềm mại nhưng rất quyết liệt, để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng đồng đội và đồng bào các dân tộc ở Gia Lai. Ông chia sẻ: “mình cứ sống giản dị, khiêm tốn và cố gắng hết sức mình sẽ được đồng chí quý mến, đồng bào yêu thương”.
Với những chiến công xuất sắc trong quá trình công tác, Thiếu tướng Ral Lan Lâm đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 3 Huân chương Chiến công hạng Nhì; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; danh hiệu Chiến sĩ thi đua Công an nhân dân; 2 Huân chương Hoàng gia của Nhà nước Campuchia.
Những ngày cuối năm Tân Sửu, trong một ngôi nhà nhỏ ở thành phố Pleiku, ông Ral Lan Lâm đón đứa cháu ngoại từ tay người con gái út cũng là một chiến sĩ công an, nét mặt ông rạng ngời nhìn lên tấm ảnh Bác Hồ treo trang trọng ở giữa nhà. Xuân Nhâm Dần đang tới, tôi nhìn ra phía ngoài đường tấp nập nhưng thật bình yên giữa đất trời Tây Nguyên bất khuất./.