Tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” nơi biên cương Tổ quốc
LÂM QUÂN
Nỗ lực xây dựng thế trận lòng dân
Với chức năng và nhiệm vụ đặc thù, bộ đội biên phòng chủ yếu đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới - những nơi có địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt. Nhưng với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng luôn biết cách vượt lên tất cả để bám sát cơ sở, gắn bó mật thiết với nhân dân, củng cố niềm tin trong đồng bào các dân tộc; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc nhằm giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh, quốc phòng biên giới quốc gia...
Những điều này chúng tôi đã thấy trong chuyến công tác hồi tháng 3-2024 vừa qua tại Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu.
Đứng chân trên địa bàn xã Sin Suối Hồ, Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 9,272km đường biên tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc và 3 xã biên giới (Sin Suối Hồ, Nậm Xe và Bản Lang) người dân chủ yếu là dân tộc Mông.
Trung tá Nguyễn Văn Thu - Đồn trưởng, Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ - cho biết: “nơi này thời tiết rất khắc nghiệt, trong năm có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa nhiều gây nên lũ ống, lũ quét, sạt lở đường sá, cây cối; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, thời tiết lạnh giá, nhiệt độ xuống thấp, sương mù dày đặc...”.
Thấy chúng tôi trầm trồ, thán phục về diện mạo khang trang, sạch đẹp cũng như đời sống của người dân nơi đây, Trung tá Thu kể, “nhiều năm trước, cuộc sống của bà con người Mông khắp các bản làng ở xã Sin Suối Hồ luôn đối diện với nhiều khó khăn, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám lấy họ. Trăn trở trước thực trạng đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ đã chủ động đổi mới, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để bám sát địa bàn; tìm kiếm, thí điểm nhiều phương án với mong muốn giúp bà con phát triển kinh tế; đồng thời, cùng với chính quyền địa phương vận động quần chúng nhân dân, củng cố hệ thống chính trị để chung sức, đồng lòng xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc”.
Nhờ thực hiện tốt chủ trương “3 bám, 4 cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) gắn với khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật; mà còn hỗ trợ, giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo thông qua nhiều mô hình thiết thực.
Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm bản Sin Suối Hồ đón trên 20.000 lượt khách trong nước và quốc tế, doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng/năm, thu nhập hơn 20 triệu đồng/người/năm. |
Đơn cử, từ mô hình nuôi dê tại bản Sàng Mà Pho, hiện nay đã nhân rộng ra các bản Chảng Phàng, Dền Sung, Sin Suối Hồ; các mô hình làm homestay, trồng địa lan, chè, thảo quả,... đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Chỉ riêng năm 2023, Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ đã xây dựng, hoàn thiện 12/12 căn nhà theo Đề án số 645 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu sớm hơn kế hoạch; tham gia giúp dân thu hoạch, chăm sóc hoa màu; khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân: cùng với việc sửa chữa 2 điểm trường, 4 phòng học, Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ còn vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí làm mới 2 phòng học, tặng đồ dùng học tập cho học sinh trị giá 100 triệu đồng.
Thấu hiểu, sẻ chia với đời sống còn nhiều khó khăn, vất vả của người dân, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ luôn gần gũi, giúp đỡ nhân dân bằng nhiều việc làm cụ thể.
Ngoài việc phân công cán bộ, chiến sĩ phụ trách giúp đỡ 176 hộ gia đình, Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ còn triển khai nhiều chương trình như: “Nâng bước em đến trường - Con nuôi đồn Biên phòng” tại 3 xã biên giới, nhận đỡ đầu 7 cháu học sinh với số tiền trung bình 500.000 đồng/tháng/cháu; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại các xã biên giới, đã hỗ trợ 150 triệu đồng; chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng đã thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái”, đùm bọc, sẻ chia...
Dân giàu, bản sạch đẹp, biên cương vững chắc
Điều này rất đúng với những gì đã, đang hiện diện tại các bản thuộc xã Sin Suối Hồ. Dù nằm cheo leo trên đỉnh núi cao hơn 1.400m so với mực nước biển, đường sá ngoằn ngoèo, hiểm trở, nhưng bản Sin Suối Hồ - bản trung tâm của xã Sin Suối Hồ - bây giờ là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước khi đến với tỉnh miền núi Lai Châu.
Đi vào Sin Suối Hồ là những con đường bê tông uốn lượn, sạch đẹp; rác thải được thu gom gọn gàng cho vào các thùng rác công cộng để sẵn hai bên đường. Không chỉ nhà cửa khang trang, bà con trong bản còn tự trồng, chăm sóc cây xanh quanh nhà để tạo cảnh quan, tạo nên diện mạo mới cho bản vùng cao hôm nay.
Trưởng bản Vàng A Chỉnh nhớ lại: “khoảng 20 năm trước, đời sống của người dân trong bản gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người dân nghiện rượu và hút thuốc phiện, bản chìm trong đói nghèo, lạc hậu và kéo theo đó là tệ nạn xã hội tràn lan, tương lai của thế hệ trẻ mịt mù. Khi nhận nhiệm vụ, tôi trăn trở và quyết tâm làm gì đó để bản hết nghèo”.
Nghĩ là làm, Trưởng bản Vàng A Chỉnh chủ động phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền xã, người có uy tín trong bản cùng lực lượng biên phòng trực tiếp “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân cai nghiện thuốc phiện, hạn chế uống rượu; đưa cây, con giống có năng suất cao vào trồng trọt, chăn nuôi. Từ những nỗ lực đó, bản đã xóa được tệ nạn ma túy, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, an ninh quốc phòng được giữ vững.
Trưởng bản Vàng A Chỉnh cho biết: từ năm 2005, du lịch tại Sin Suối Hồ bắt đầu manh nha, nhưng du khách chỉ đến tham quan một lúc rồi đi.
Trăn trở với câu hỏi là làm sao khai thác được lợi thế, tiềm năng do thiên nhiên ban tặng để phát triển kinh tế cho gia đình và bà con dân bản, năm 2008, gia đình ông tiên phong đầu tư, tu sửa nhà cửa, trồng địa lan để đón khách du lịch tham quan: cùng với đó, từ sự mạnh dạn học hỏi, đầu tư làm du lịch của bà con dân bản, Sin Suối Hồ ngày càng thu hút được nhiều khách du lịch.
Từ đó, người dân bắt đầu có ý thức nhắc nhở nhau làm đẹp từng ngõ, từng nhà, giữ gìn vệ sinh, trồng cây cảnh, hoa địa lan thu hút du khách.
Với những thành quả đạt được, năm 2015, bản Sin Suối Hồ được Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu công nhận là điểm du lịch cộng đồng. Mỗi gia đình được hỗ trợ 160 triệu đồng để tu bổ, xây dựng lại căn nhà đang ở bảo đảm tiêu chuẩn khai thác homestay; vệ sinh môi trường được đầu tư đúng mức; hàng quán ăn uống phục vụ khách du lịch được xây dựng mới.
Hiện nay, bản Sin Suối Hồ có gần 150 hộ dân, gần 800 nhân khẩu, bà con 22 hộ hoạt động kinh doanh homestay có thể đón khách du lịch và phục vụ ăn nghỉ tại nhà. Người dân trong bản trồng và chăm sóc hơn 30.000 cây địa lan, 187,7ha chè, 232ha thảo quả,... để vừa tạo dựng cảnh quan, vừa thêm nguồn thu...
Trưởng bản Vàng A Chỉnh khẳng định: “nhờ có Đảng, Nhà nước quan tâm thông qua nhiều chính sách; sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân, đặc biệt là sự gần gũi, kịp thời động viên, hướng dẫn tận tình của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ cho bà con chúng tôi biết cách làm kinh tế để xóa đói, giảm nghèo”.
Nhìn lại những đổi thay của Sin Suối Hồ, càng trân trọng những việc làm cụ thể, thiết thực của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ nói riêng và Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu nói chung đã vượt khó để củng cố niềm tin, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân yên tâm lao động sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
“Những việc làm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ đã làm tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” nơi biên cương Tổ quốc. Từ đó, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, Đại tá Lê Công Thành - Phó Chính ủy, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu - khẳng định./.