Đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước: Những câu chuyện ấm lòng - Kỳ 1: Linh hoạt tháo gỡ việc khó
Vũ Toàn“Sinh ra trên đời, bất kỳ ở đâu người ta đều kỳ vọng được tham gia vào các tổ chức đem lại lợi ích chính đáng cho mình. Đảng của chúng ta là một tổ chức như thế, vậy sao có những người không nhận thức được để phấn đấu vào Đảng. Nói như vậy để thấy công tác phát triển, xây dựng Đảng trong DNNNN là cực kỳ khó khăn”.
Đó là tâm sự đầu tiên của ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch kiêm Phó Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng bộ Công ty cổ phần dệt may Hoàng Thị Loan, trụ sở đóng tại phường Bến Thủy, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Tâm sự này gợi mở những câu chuyện sát thực và gần gũi.
Cực kỳ khó khăn ở đâu?
Giải thích “sự khó” này, ông Thanh nêu một thực tế mà ông đã trải: để trở thành người đảng viên trong DNNNN khó hơn nhiều lần so với doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Bởi, mục tiêu quan tâm số một của doanh nghiệp là hướng tới lợi nhuận. Vì thế, việc DNNNN thường bổ nhiệm người thực giỏi, thực tài mặc dù họ là kỹ sư trẻ, chưa phải đảng viên là chuyện bình thường.
Một lẽ khác, người lao động trong DNNN khi tham gia các tổ chức sinh hoạt như học tập chính trị trong giờ làm việc vẫn được chấm công, ngược lại với DNNNN. Một lẽ khác nữa, rất nhiều lao động là quần chúng trong DNNNN chỉ quan tâm tới mức thu nhập cao hay thấp. Họ ít kỳ vọng việc bổ nhiệm cán bộ cấp cao. Trong lúc đó, họ có thể mất niềm tin trước những cán bộ, đảng viên tiêu cực, tham nhũng, tù đày bên cạnh nhiều bức xúc của người dân chậm được giải quyết. Khi nhận diện được những cái khó đó, người đứng đầu phải trăn trở cách nghĩ, đưa ra giải pháp xử lý ngay.
Đề án phát triển tổ chức Đảng, đảng viên trong DNNNN Đề án do Tỉnh ủy Nghệ An ban hành từ năm 2014. Năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đánh giá và kết luận tiếp tục thực hiện. Năm 2023, Ban chỉ đạo thực hiện đề án của Tỉnh ủy Nghệ An có báo cáo sau 3 năm thực hiện kết luận nêu trên. Báo cáo cho biết: Nghệ An hiện có 12.584 doanh nghiệp (55 DNNN; 12.529 DNNNN. Sau 3 năm thực hiện kết luận nêu trên, toàn tỉnh đã kết nạp được 469 quần chúng trong DNNNN vào Đảng tại 19 đơn vị, trong đó có 20 đồng chí là chủ doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 209 tổ chức Đảng trong DNNNN, đạt 21% - 30%. Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu đạt từ 30% - 40% số DNNNN thành lập được tổ chức đảng. |
Giải pháp xử lý chính là cách đặt vấn đề đối với công việc phát triển, xây dựng Đảng. Theo ông Thanh, tiêu chí đầu tiên trong cách đặt vấn đề là “người đứng đầu phải gương mẫu, phải tiên phong, phải đạo đức”. Nếu người đứng đầu không làm đúng theo tiêu chí này thì phản tác dụng. Kinh nghiệm cho thấy, đối với người lao động, việc đầu tiên là họ đặt niềm tin vào người có trách nhiệm nói đúng, làm đúng đối với họ. Kinh nghiệm thứ hai, hành động của người đứng đầu phải thiết thực. Nghĩa là tạo điều kiện tốt cho người lao động phấn đấu vào Đảng nhưng không để ảnh hưởng đến năng suất lao động là “đồng tiền nối liền khúc ruột” của họ. Họ là đối tượng ưu tiên, cần được nâng bậc, kể cả bổ nhiệm vào vị trí thích hợp. Đây là ưu tiên + (ưu tiên cộng). Nhưng nếu là đảng viên thì sẽ được ưu tiên hơn.
Kinh nghiệm tiếp theo, sinh hoạt chất lượng, ngắn gọn; quan tâm quyền dân chủ cơ sở của người lao động. Tất cả các nội dung phát triển của công ty đều được người lao động đóng góp ý kiến, kể cả kiến nghị. “Tôi hiểu, nếu người lao động kiến nghị, dù chỉ là kiến nghị nhỏ như yêu cầu cấp từ 2 bộ quần áo bảo hộ lên 3 bộ cho mỗi người mỗi năm thì cũng phải xử lý sớm. Hoặc, trước đây khi trời nóng nực, công ty cử người đi mua từng cân đá lạnh, giờ có kiến nghị, chúng tôi mua hẳn một dàn máy làm đá lạnh phục vụ công nhân. Người lao động rất quan tâm những chi tiết sát thực với đời sống như thế này”, ông Thanh phân tích.
Chốt lại câu chuyện này, ông Thanh trăn trở ý nghĩ, khi lãnh đạo công ty quan tâm đến người lao động thì nói người ta mới nghe. Nếu anh nói xạo, người ta biết rồi nên không nghe. Anh hứa xạo, người ta biết rồi nên không tin. Anh đề ra công việc, người ta không làm. “Lòng tin của quần chúng vào tổ chức Đảng rất quan trọng”, ông Thanh nói rồi dẫn ra thông tin, “Công ty cổ phần dệt may Hoàng Thị Loan có 493 cán bộ, nhân viên, công nhân thì có 84 đảng viên. Hôm 19-5 vừa rồi, công ty vừa kết nạp 3 đảng viên đúng ngày sinh nhật Bác Hồ cũng là ngày thành lập công ty (19-5-1986). Hồi ấy, công ty là DNNN thu hút nhiều lao động của tỉnh Nghệ An.
Chi bộ thành đảng bộ
Tại Công ty cổ phần bến xe Nghệ An, ông Nguyễn Văn Hòe - Trưởng phòng xây dựng cơ bản kiêm Phó Bí thư đảng ủy công ty - mở đầu câu chuyện bằng chi tiết khá thú vị, “hằng năm chúng tôi kết nạp 3 - 4 đảng viên, trong đó ưu tiên phát triển đảng viên nữ. Lý do đơn giản, công ty chúng tôi đang ít đảng viên nữ”. Chi tiết thú vị hơn, trước khi cổ phần (năm 2004) Xí nghiệp bến xe Nghệ An chỉ có 1 chi bộ văn phòng, gồm 17 đảng viên nhưng 5 năm sau khi chưa cổ phần hết (còn vốn của nhà nước), Công ty cổ phần bến xe Nghệ An thành lập thêm 2 chi bộ, gồm Chi bộ bến xe chợ Vinh, 17 đảng viên và Chi bộ bến xe Vinh (nay là Bến xe phía Bắc Vinh), 16 đảng viên. Tổng số đảng viên đã là 50 người trong tổng số 135 cán bộ, nhân viên toàn công ty.
Tương ứng với 3 chi bộ này, công ty có 3 tổ chức chính trị - xã hội là chi đoàn thanh niên, tổ chức công đoàn và Hội phụ nữ. Thông qua hoạt động đoàn và các phong trào tình nguyện, mái ấm tình thương, tặng sách giáo khoa cho học sinh miền núi, đã chọn lọc, giới thiệu nguồn đảng viên mới cho các chi bộ. “Chính sự kết hợp hài hòa giữa công tác của đảng ủy với các hoạt động chuyên môn của Công ty và hoạt động của các đoàn thể giúp Đảng ủy ra những nghị quyết sát thực với nhu cầu cần thiết trong đời sống của người lao động. Kết quả cho một đáp số là Công ty có chủ trương, có nghị quyết, có chính sách ưu đãi đối với đảng viên. Ví như, hằng tháng các đảng viên được nhận thêm 5% lương tối thiểu vùng (khoảng hơn 200.000 đồng/tháng). Nếu là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì đạt luôn danh hiệu lao động tiên tiến. Theo đó, sang năm kế tiếp, đảng viên này sẽ được tăng 12% lương tối thiểu vùng. “Khác với một số DNNNN khác, chúng tôi ưu tiên bố trí nhân sự vào các vị trí chủ chốt của công ty phải là đảng viên. Tổng giám đốc công ty chúng tôi còn là Bí thư đảng uỷ”.
Bàn thêm về câu chuyện này, ông Hòe kể: “Công ty cổ phần bến xe Nghệ An có 16 trưởng các bến xe, nhưng chỉ có 1 trưởng bến xe ở Cửa Lò chưa phải là đảng viên. Một lần, tôi trực tiếp đi kiểm tra, cốt để biết tâm tư, nguyện vọng của trưởng bến xe này như thế nào, có vướng mắc gì không mà chưa vào Đảng. Trưởng bến xe này thành thực thổ lộ là “rất muốn vào Đảng nhưng do vướng một chút về hoàn cảnh gia đình nên đành phải đứng ngoài Đảng”. Vậy chúng tôi mới yên tâm”./.