Sơn Động - vùng cao hoang sơ dưới chân Tây Yên Tử
NGUYỄN THỜI
Nằm ở phía Tây núi Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang là vùng đất tâm linh, lưu giữ nhiều dấu ấn trên con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Vùng đất này là nơi sinh sống của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh, Cao Lan, Sán Chỉ... Núi rừng hoang sơ, tươi đẹp cùng với những huyền tích về Phật giáo, sự đa dạng về bản sắc văn hóa của các dân tộc,... là nguồn tài nguyên quý báu để huyện Sơn Động đẩy mạnh phát triển du lịch.
Cảnh tiên nơi cõi Phật
Con đường từ thị trấn An Châu đến vùng đất tâm linh Tây Yên Tử như một dải lụa uốn lượn quanh các triền núi. Hai bên là những cánh rừng xanh ngát, dưới chân núi vực sâu thẳm. Cảnh rừng núi, đèo cao, vực sâu nơi đây giống như những con đường lên miền Tây Bắc xa xôi. Vượt đèo Vá, đèo Chinh, đèo Bụt..., qua những đoạn đường quanh co, sườn núi Tây Yên Tử hiện ra phía trước. Thị trấn Tây Yên Tử nằm dưới chân ngọn núi linh thiêng với nhiều truyền tích về Phật phái Trúc Lâm Yên Tử. Non cao trùng điệp, Mặt trời mọc, sương tan, mây trắng, thác bạc, suối trong, hoa rừng nở..., cảnh vật ở đây kỳ vĩ hiếm thấy.
Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử trải rộng dưới chân núi là điểm khởi hành trên con đường hành hương lên cõi Phật. Đứng đây nhìn lên đỉnh núi, chùa Đồng xa tít giữa trời mây. Sau khi thắp hương, chiêm bái ở chùa Hạ, qua một cây cầu có kiến trúc như Vạn Lý Trường Thành bắc ngang một thung lũng là nhà ga cáp treo Tây Yên Tử. Tuyến cáp treo dài khoảng 2km từ từ cao dần đưa du khách lên chùa Thượng - ngôi chùa ở vị trí cao nhất bên sườn Tây Yên Tử. Càng lên cao đất trời càng bao la, núi rừng tươi xanh, trùng điệp. Những cánh rừng trên sườn Tây Yên Tử rậm rạp, nhiều cây cổ thụ cao lớn, tán sum xuê, tròn trịa, cành lá đều tăm tắp như được ai đó cắt tỉa gọn gàng. Rừng núi ở đây nổi tiếng với hoa mai vàng, giống trúc xanh và nhiều loại thảo mộc quý hiếm. Vào mùa xuân, các loài hoa nở rộ, sắc hoa vàng, tím ngợp trời mây. Giữa rừng xanh thẳm có những dãy núi cao, vách đá dựng đứng, trông tựa cảnh trong tranh thủy mặc. Đàn chim từ đâu đó dưới tán cây rừng chợt tung cánh bay giữa không trung, ríu rít gọi nhau.
Trên vùng cao Sơn Động, cùng với chùa Thượng linh thiêng giữa mây trời, Khe Rỗ hoang sơ, Khe Chảo trong xanh còn có nhiều điểm du lịch đặc sắc: thác Ba Tia bạc trắng giữa núi cao, rừng sâu; cao nguyên Đồng Cao sương giăng mù mịt; bản Mậu đẹp tươi, bản sắc... và nhiều lễ hội dân gian, di tích lịch sử, văn hóa. Đây là nguồn tài nguyên phong phú, dồi dào để vùng cao này khai thác, đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh, văn hóa, sinh thái, trải nghiệm, cộng đồng. |
Từ điểm dừng cuối tuyến cáp treo, men theo sườn núi thoai thoải có một con đường bằng đá màu vàng nhạt dẫn đến chùa Thượng (Linh Thông Thiền Tự). Ngôi chùa được xây dựng bằng gỗ theo lối kiến trúc cổ, tường xây gạch chỉ, mái ngói cong vút, trang trí hoa văn rồng, phượng. Trời mây mênh mang, không gian tĩnh lặng, mùi hương trầm thoang thoảng trong gió. Mặt trước chùa Thượng là một không gian thoáng rộng giữa trời mây bao la. Những cánh rừng xanh ngát nối tiếp nhau trải dài từ đây xuống phía chân núi xa tít tắp. Sau khi dâng hương, tụng niệm trước ban thờ Tam Tổ Trúc Lâm, khách thập phương có thể dừng chân nghỉ ngơi, vãn cảnh, chiêm ngưỡng núi rừng đẹp tươi, hùng vĩ và tận hưởng một bầu không khí trong lành, thuần khiết. Mây trắng lờ lững, thông reo vi vu, rừng xanh bất tận..., không gian, cảnh vật nơi cõi Phật an nhiên, trầm mặc, thanh khiết hiếm thấy trên trần thế. Từ đây đi theo hướng Đông, qua cánh rừng trúc xanh ngắt là đoạn đường dốc lên chùa Đồng nơi đỉnh núi.
Qua mấy bản người Dao dưới chân Tây Yên Tử có một con đường rừng lên đỉnh núi. Nhiều Phật tử không đi bằng cáp treo mà thành tâm hướng Phật, lội suối, xuyên rừng, men theo vách đá,... lên chùa Đồng hành lễ. Cây rừng rậm rạp lá xanh xòa xuống phủ lối đi. Rừng già nhiều cây cao lớn, thân xù xì, nứt nẻ vươn lên thẳng đứng, tán lá đan nhau che kín khoảng trời phía trên. Mấy nhánh phong lan tươi xanh trên cành cây mục. Lấp ló giữa đám cây rừng vài khóm địa lan hoa phơn phớt tím. Bên kia bờ suối cây trà hoa vàng cao như cây bằng lăng nở hoa vàng rực. Không chỉ là đường hành hương của các Phật tử, con đường vượt suối, xuyên rừng này còn là sự lựa chọn của những người yêu rừng núi, thiên nhiên bao la, kỳ vĩ.
Vùng cao nguyên sơ, tươi đẹp
Con đường từ An Châu đi Tây Yên Tử xuyên qua những cánh rừng xanh bạt ngàn. Đến giữa đèo Hạ My rẽ xuống bản Tẩu, xã Long Sơn có một hồ nước xanh như ngọc, rộng mênh mông, hoang sơ, thơ mộng, đó là hồ Khe Chảo. Rời bến từ bờ hồ phía Tây, con thuyền đưa đoàn du khách từ từ rẽ sóng “ra khơi”. Xung quanh là những dãy núi xanh lơ chạy xa tít. Trên sườn núi cao có những rừng hoa vàng, hoa trắng. Sát mặt nước là những rừng cây cao, rậm rạp. Mặt hồ rộng, gợn sóng lăn tăn, nước trong vắt. Sau khi lênh đênh cùng sóng nước, du khách có thể dừng chân giữa những rừng cây ven hồ cắm trại, vui chơi, ngắm cảnh,...
Trời gần trưa, Mặt trời đứng bóng, khung cảnh nơi đây đẹp như một bức tranh sơn thủy. Trời xanh ngắt, núi xanh lơ, rừng xanh lá, mặt hồ mênh mông xanh biếc. Cuối thu sang đông, sắc màu thay đổi, màu xanh không còn ngự trị. Quanh hồ là những rừng cây lá vàng im lìm soi bóng xuống mặt nước phẳng lặng. Con thuyền thả neo trên bến vắng. Từng đàn chim tung cánh bay về phương Nam. Không gian mênh mông, sâu thẳm... Cảnh hồ Khe Chảo cuối thu đẹp như thơ, gợn buồn man mác. Với núi cao, rừng xanh, mặt nước mênh mông..., Khe Chảo là nơi lý tưởng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, trải nghiệm và tổ chức các hoạt động ngoài trời, như đua thuyền, bơi lội, câu cá, trekking...
Nằm giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, Khe Rỗ ở thôn Nà Ó, xã An Lạc là một điểm du lịch trải nghiệm, sinh thái, cộng đồng hấp dẫn. Con đường từ quốc lộ 31 vào Khe Rỗ đi qua nhiều núi, đồi, ruộng nương. Ven lưng đồi mấy ngôi nhà sàn nép mình dưới rặng tre xanh rủ bóng. Hai bên đường qua các thôn, bản trồng nhiều hoa. Trước cổng, trong sân, ngoài vườn của các ngôi nhà đều thấy sắc hoa rực rỡ. Không chỉ có hoa, núi rừng ở đây còn được điểm tô bằng sắc màu của những bộ trang phục truyền thống. Trên ruộng lúa, nương ngô, bên khung cửi mấy cô sơn nữ với màu áo xanh, chàm, đỏ,... đang cắm cúi làm nương, dệt vải. Đi dọc con suối vài cây số vào phía khu rừng nguyên sinh, trước cửa rừng, dưới chân một ngọn núi cao có một homestay tuyệt đẹp nằm bên bờ suối vắng. Đó là Hợp tác xã dịch vụ du lịch cộng đồng An Lạc. Trước homestay có một dàn hoa leo màu tím. Mấy giò phong lan đang nở hoa đung đưa theo gió. Bên bờ suối những khóm hoa hồng, hoa cúc tươi thắm soi bóng xuống mặt nước long lanh. Núi rừng bình yên, thiên nhiên đẹp tươi, thơ mộng. Từ đây, qua một cây cầu sang bên kia suối là đường đi vào khu rừng thượng nguồn Khe Rỗ.
Theo ông Nguyễn Văn Thức - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sơn Động - chúng tôi men theo bờ suối, giữa lớp cây rừng rậm rạp đi sâu vào bên trong. Rừng vắng, núi cao, không khí trong lành mát rượi. Tiếng chim ca rộn ràng. Dưới nắng vàng, đàn bướm trắng nhởn nhơ nô đùa trên mấy khóm hoa dọc bờ suối. Nước suối trong vắt, chảy róc rách qua các khe đá. Đứng trên bờ có thể thấy rõ từng viên đá cuội chơ vơ nằm sâu dưới đáy nước. Ven bờ suối có nhiều bãi đá rộng dưới bóng cây râm mát. Khung cảnh đẹp tươi hiếm thấy. Đây là điểm du khách có thể dừng chân, cắm trại, nghỉ ngơi, ngắm cảnh, nghe chim hót, vui đùa bên dòng suối trong mát...
Đứng trên mỏm đá ven bờ suối, ông Thức giới thiệu: “đến Khe Rỗ, du khách có thể trải nghiệm cuộc sống nơi vùng cao thôn dã, với các việc làm thường ngày, như mò ốc, đánh cá, hái thuốc nam, tắm suối...”. Tối đến, ở các homestay có những món ăn dân dã hương vị núi rừng dành cho thực khách. Trên nhà sàn, các món ẩm thực đã bày sẵn. Ở giữa là một con lợn sữa quay vàng ruộm. Xung quanh là các món xôi trứng kiến, nhộng ong rừng, cá suối rán, măng trúc luộc, lá sau sau và mấy hũ rượu men lá. Khi trăng ngang đỉnh núi, cuộc vui ở các homestay bắt đầu chuyển sang màn giao lưu văn nghệ. Mấy “cô” then trong trang phục truyền thống của người Tày cùng ngân nga một điệu then cổ. Tiếng hát trong trẻo hòa với tiếng đàn tính, tiếng suối chảy róc rách giữa rừng khuya mênh mông, sâu thẳm.../.