Sức bật ở “vùng trũng” Lương Tài
Dũng Minh1. Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh - cho rằng, nói đến Bắc Ninh là nói đến công nghiệp, Lương Tài là “vùng trũng” có nhiều khó khăn nhưng nội bộ đoàn kết, ổn định, Đảng bộ trong sạch vững mạnh, các mảng công tác về văn hóa, giáo dục, phụ nữ, thanh niên,... luôn trong tốp đầu của tỉnh. Nói chung, Lương Tài là điểm sáng tinh khiết của địa phương.
Ông Hoàng Văn Trường - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lương Tài - cụ thể hóa rằng, nông nghiệp, thủy sản,... bao giờ cũng đứng đầu tỉnh, năng suất lúa đạt 68,2 tạ/ha, thủy sản có 1.268ha, với 822 lồng nuôi cá trên sông Thái Bình cho năng suất, giá trị tương đối cao; nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn. Mấy năm gần đây là các loại cây trồng, cây ăn quả đặc sản cho giá trị kinh tế cao.
Ông Phạm Xuân Sản - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lương Tài - thống kê cụ thể, toàn huyện có 4.400ha đất lúa với 2 vụ chính là vụ xuân và vụ mùa, 1.200ha đất vụ đông. Huyện hình thành vùng sản xuất lúa năng suất cao, cây vụ đông có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là tại 4 xã ven đê sông Thái Bình và 3 xã khác tập trung trồng cà rốt và tỏi. “Tỏi ở Lương Tài có thể nói là ngon hơn cả tỏi Lý Sơn nổi tiếng, nhưng diện tích ít và chưa hình thành thương hiệu nên còn ít người biết”, ông Sản nói.
Vì là huyện thuần nông duy nhất, nông nghiệp luôn đứng vị trí số 1 của tỉnh công nghiệp. Nhưng số 1 ấy không phải ngẫu nhiên mà có, không phải là chuyện đương nhiên, mà là cả quá trình phấn đấu bền bỉ, không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền, người dân ở “vùng trũng”. Để có sự chuyển mình, bứt phá ấy, không thể không nhắc đến nghị quyết của huyện về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa từ đầu tháng 10-2017.
Ông Hoàng Văn Trường cho biết, từ đó đến nay, Lương Tài đã chuyển được 350ha đất lúa không hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn quả, nuôi cá... Cùng với đó, huyện tạo nhiều điều kiện, cơ chế, chính sách thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hàng hóa. Nhờ đó, đã hạn chế tình trạng bỏ ruộng, có điều kiện tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đến cuối năm 2019, cả 13/13 xã của huyện đã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Tuy nhiên, khó khăn còn không ít, bởi duy trì được các tiêu chí mới của xã nông thôn mới đã là khó khăn, để đạt được chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu thì cần sự cố gắng rất nhiều. Đặc biệt, các tiêu chí về y tế, văn hoá, thông tin - truyền thông, môi trường, chất lượng sống,... rất khó đạt vì nhiều nội dung đưa ra tương đối cao, trong khi quỹ đất, kinh phí rất hạn chế nên nguồn vốn đầu tư hết sức hạn chế.
Nhưng khó cũng phải làm, vì nông thôn mới mang lại lợi ích rất nhiều cho bà con nông dân. “Cả huyện chỉ có xã An Thịnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021, nhưng giờ đối chiếu với các tiêu chí mới nâng cấp thì lại không đạt. Huyện chỉ đạo An Thịnh và tất cả các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, từng bước đạt tiêu chí kiểu mẫu”, ông Trường quyết tâm.
Quyết tâm của ông Trường về xây dựng nông thôn mới không chỉ bởi đặc thù vì Lương Tài là huyện thuần nông duy nhất của tỉnh. Quyết tâm ấy có cơ sở, bởi những gì đã làm được, đang và sẽ triển khai với không ít hy vọng và cả những trở trăn, băn khoăn cần lời giải đáp thấu đáo, thỏa đáng.
2. Sát trưa mùa thu mà nắng oi ả như giữa hè. Đi một đoạn trang trại chuyên trồng cam Vinh, cam canh, chanh vàng Úc, bưởi da xanh,... ở thôn My Xuyên, xã Mỹ Hương mà áo đã đẫm mồ hôi. May mà có bóng mát của bạt ngàn, ngát xanh những cây ăn quả đã cho thu hoạch năm thứ hai. Anh Nguyễn Hữu Hoàn - quản lý trang trại cho anh trai là Nguyễn Hữu Hà - nói rằng, việc thu chi cụ thể thì không rõ, nhưng mọi việc ở trang trại anh rành rẽ, vì làm từ những ngày bắt đầu đầy gian khó.
Năm 2017, Hợp tác xã nông sản Phú Quý ở xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên lên Lương Tài đấu thầu được 12ha đất vùng trũng, thuê trong vòng 20 năm để cải tạo trồng cây ăn quả, những giống mà Hợp tác xã đã có thương hiệu là chanh vàng Úc, cam canh, cam Vinh. Trang trại đầu tư hệ thống quản lý tiên tiến, công nghệ tưới nước nhỏ giọt, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap...
“Ban đầu, khi cho máy múc đất nhỏ xuống thì chìm nghỉm luôn. Phải thay máy múc to hơn để cải tạo đất, từ A đến Z, ròng rã 3 tháng trời mới xong và bắt đầu trồng cây vào năm 2018”, anh Hoàn cho biết. Ấy thế mà khi đi trên con đê nho nhỏ, anh Hoàn chỉ mặt nước sông và bảo rằng, “cải tạo như thế mà mặt bằng vẫn thấp hơn mực nước sông. Chúng tôi phải hết sức chú ý đến việc tưới tiêu trong trang trại, nếu không sẽ ngập úng, chết hết cây”.
Trưởng phòng Nông nghiệp Phạm Xuân Sản đi cùng cho biết thêm, cánh đồng này nằm dưới mực nước biển 30cm, trước toàn là ruộng trũng, gần như dân đều bỏ không, cho đến khi huyện có chủ trương cơ cấu lại, chuyển đổi cây trồng...
Bây giờ, sau 6 năm đầu gian khó, với tổng đầu tư gần 20 tỷ đồng cùng bao công sức, mồ hôi, cánh đồng chiêm trũng một vụ lúa năm xưa đã tốt tươi, mướt mát xanh đẫm các loại cây ăn quả cho thu hoạch vụ thứ hai, khi cây đã già, khỏe... Anh Hoàn cho biết, năm ngoái thu hoạch được gần 300 tấn, nhưng giá giảm, trừ mọi chi phí còn thu được 5 tỷ đồng. “Lái buôn đến thu mua hết, năm ngoái giá rẻ quá, vẫn chưa có lời, phải mất 3 - 4 năm mới thu hồi được vốn”, anh Hoàn tính toán.
Với kỹ thuật, kinh nghiệm trồng trọt từ “đất cây” Văn Giang, Hưng Yên mang lên, trang trại Phú Quý đã rõ hình hài, đã trông thấy tương lai. Giờ chưa thu hồi được vốn, nhưng còn hơn chục năm nữa, lợi nhuận đã trông thấy rõ ràng. Trang trại thường xuyên sử dụng 10 lao động, tiền công 200.000 đồng/ngày/người, “chủ yếu là các bà già 50 - 70 tuổi người địa phương”.
Khác với trang trại Phú Quý, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Minh Tiến ở thôn Cáp Trên, xã Trung Kênh khởi nghiệp là do sự tình cờ, ngẫu nhiên. Giám đốc Hợp tác xã Đỗ Văn Lên kể rằng, trước năm 2001 ở khu vực này có mấy chục lò gạch, sau đó bỏ hoang. “Tôi đấu thầu rồi san thành ruộng, kéo đường điện ra, kết hợp làm đường bờ kè, nuôi thủy sản. Sau đó, tôi liên hệ với đoạn quản lý đường sông để thuê mặt nước, thành lập hợp tác xã với 7 thành viên, đầu tư 84 lồng nuôi cá các loại, chủ yếu là cá lăng, chép, trắm, diêu hồng.
Giờ hợp tác xã có hơn 100 lồng, chưa kể 14 hộ nuôi ao trong đê”, ông Lên kể. Thành lập hợp tác xã, được hỗ trợ 15 triệu đồng/lồng, các thành viên bỏ thêm 10 triệu đồng/lồng, nhưng giá thực tế bây giờ phải hơn 50 triệu đồng/lồng. Các hộ ở nuôi ao thì chủ yếu là cá giống, khi đủ lớn, khỏe rồi thì mang ra nuôi lồng ngoài sông. Ông Lên cho biết, bình thường mỗi lồng đạt sản lượng 7 - 8 tấn, cao nhất là 14 tấn/lồng, giá bán bình quân 55.000 đồng/kg... “Hợp tác xã tự sản xuất cám để nuôi cá, đầu tư cực kỳ nhiều, nhưng chúng tôi xác định có lợi mới làm. Mỗi năm trừ hết mọi chi phí chắc cũng thu được 5 tỷ đồng. Còn lại là tiền vứt xuống sông”, ông Lên cười cười chỉ tay ý nói rằng vốn và lãi là các loại cá đang ở những lồng dưới sông nên không tính chi ly được.
Ông Phạm Văn Vy - Bí thư Đảng ủy xã Trung Kênh - cho biết thêm, toàn xã có 640 lồng nuôi cá, thu hoạch hơn 1.000 tấn/năm, cả trong ao khoảng 40ha nữa, cũng cỡ 1.000 tấn/năm. Thu nhập từ nuôi trồng thủy sản là nguồn thu đáng kể cho nhiều hộ dân trong xã, riêng ông Đỗ Văn Lên đã được tôn vinh là 1 trong 100 doanh nhân tiêu biểu toàn quốc nhờ nuôi cá lồng thắng lợi lớn...
3. Trồng cây rau màu, cây ăn quả, nuôi cá trong ao, ngoài sông là những hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế thấy rõ. Nhưng Lương Tài là huyện nông thôn mới, về cơ bản vẫn phải là cây lúa, phải giữ vững, từng bước nâng cao những tiêu chí nông thôn mới đã đạt được, để phấn đấu lên nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Nhưng khó khăn lớn nhất là về kinh phí.
Ông Nguyễn Đình Văn - Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ Lương Tài - không giấu diếm khi nói rằng, huyện thu ngân sách được khoảng 200 tỷ đồng/năm trong khi chi ngân sách cỡ 1.000 tỷ đồng/năm. Mấy năm nay, huyện đều không đạt dự toán thu ngân sách, chủ yếu do đấu giá quyền sử dụng đất không đạt. Trong khi đó, các tiêu chí nông thôn mới liên quan rất lớn đến nguồn thu từ ngân sách, từ đấu giá đất. Thiếu kinh phí đầu tư nên rất khó khăn để đạt được, giữ vững các tiêu chí... Huyện cũng đã đề xuất, tham mưu trình tỉnh phê duyệt phương án quy hoạch khu công nghiệp ở diện tích đất nông nghiệp không có hiệu quả kinh tế cao.
Ông Văn cho biết, Công ty cổ phần sản xuất lúa gạo Gia Lương (xã Quảng Phú, huyện Lương Tài) đã làm thủ tục đầu tư để được tiến hành xây dựng khu sản xuất, chế biến lúa gạo, giống theo hướng hữu cơ, thu mua, chế biến các sản phẩm từ gạo. Huyện đã có ý kiến đồng ý nhưng chưa được tỉnh phê duyệt. “Nếu dự án của Gia Lương đi vào hoạt động sẽ có tác động rất lớn đến nông nghiệp toàn huyện, vì vậy chúng tôi rất mong tỉnh sớm có chủ trương, cơ chế, phê duyệt để doanh nghiệp đi vào hoạt động”.
Tôi vào trang chủ của Công ty cổ phần sản xuất lúa gạo Gia Lương, thấy đậm nét dòng chữ “Gia Lương - gạo sạch Kinh Bắc tiến Vua” cùng sứ mệnh “xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ vùng chuyên canh lúa gạo sạch, hướng hữu cơ, chất lượng cao, tới nhà máy chế biến, tạo dựng thương hiệu lúa gạo Gia Lương phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu thương phẩm. Nâng tầm hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế” và “tầm nhìn năm 2030 sẽ trở thành nhà trồng trọt và sản xuất gạo sạch hàng đầu nằm trong top 3 Việt Nam”. Đọc xong những thông tin nổi bật ở ngay trang chủ ấy, cũng chợt thấy những gì lãnh đạo huyện kỳ vọng là có cơ sở.
Thế nên, biết đâu đấy, khi dự án đi vào hoạt động, Lương Tài lại có thêm “sức bật” mới, để vững chắc là huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu mai này.../.