05/02/2025 | 21:48 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Đông Nam Á: Những thách thức trong năm 2025

Phạm Thanh Hằng - Nguyễn Tuyết Thanh
Đông Nam Á: Những thách thức trong năm 2025 Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 29-1-2024 khởi đầu năm ASEAN 2024 với chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường”_Ảnh: VGP
Năm 2025, bối cảnh thế giới sẽ tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, tác động mạnh mẽ đến chiều hướng chính sách và quan hệ giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn nhằm tái định hình trật tự thế giới mới. Do vậy, các chuyên gia dự báo, khu vực Đông Nam Á sẽ vẫn là một trong những khu vực chịu tác động lớn, đối mặt với nhiều thách thức về chính trị, kinh tế, an ninh bởi khu vực này là tâm điểm của cạnh tranh chiến lược và tập hợp lực lượng giữa các nước lớn.

Thách thức đối với vai trò trung tâm của ASEAN

Thứ nhất, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp như hiện nay, các nước lớn đều ra sức củng cố và mở rộng ảnh hưởng tại khu vực; đẩy nhanh thực thi các sáng kiến; thắt chặt và nâng cấp quan hệ đồng minh, đối tác, thiết lập các cơ chế hợp tác an ninh toàn diện. 

Do đó, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ đối mặt với áp lực từ các nước lớn, nhất là từ sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhiều chuyên gia nhận định, dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump giai đoạn tới, Đông Nam Á sẽ được “chú ý” hơn bởi nhu cầu bảo đảm an ninh của Mỹ để cân bằng với Trung Quốc, Nga hoặc các cường quốc khác. 

Do đó, đối với các nước vừa và nhỏ, áp lực “chọn bên” sẽ ngày càng lớn, gây nên nhiều khó khăn trong xử lý quan hệ với nước lớn. Các nước trong khu vực đứng trước yêu cầu cấp thiết về nâng cao năng lực tự chủ và xây dựng cấu trúc an ninh khu vực.

Thứ hai, ASEAN và các nước thành viên cũng đang đối mặt với thách thức trong quá trình xây dựng Cộng đồng, sức ép từ các nước lớn cũng như các tập hợp lực lượng do nước lớn dẫn dắt. Các vấn đề về đoàn kết nội khối, quyền tự chủ, khả năng thực thi, hành động đều là những thách thức lớn đối với ASEAN. 

Đáng chú ý, vai trò của ASEAN sẽ suy giảm nếu không xử lý được sức ép “kéo” và “đẩy” của các nước lớn, không duy trì được đoàn kết, thống nhất trong những vấn đề thuộc lợi ích chung. 

Nhiều học giả cho rằng, để xây dựng được đoàn kết nội khối, niềm tin giữa các quốc gia thành viên là yếu tố vô cùng quan trọng, trong khi đây lại là điểm hạn chế giữa các nước thành viên của ASEAN trong một số vấn đề.

Thứ ba, năm 2025, nền kinh tế Đông Nam Á được dự báo tăng trưởng khoảng 4,5% - 5% nhờ đẩy mạnh thương mại nội khối và tận dụng cơ hội từ việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu. Các quốc gia như Việt Nam, Indonesia và Philippines sẽ dẫn đầu nhờ lực lượng lao động dồi dào và sự ổn định chính trị tương đối. 

Tuy nhiên, nếu kịch bản về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục diễn ra thì triển vọng tăng trưởng của khu vực sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có thể gây thiệt hại về kinh tế cho các nước Đông Nam Á do gián đoạn xuất khẩu của một số nước đến thị trường Trung Quốc và Mỹ. 

Thêm vào đó, dự báo đồng USD có xu hướng tăng giá, trong khi đồng nhân dân tệ (NDT) có xu hướng giảm, điều này gây áp lực lớn đến các loại tiền tệ châu Á khác. Các ngân hàng trung ương ở khu vực châu Á có thể phải gia tăng lãi suất để bảo vệ đồng nội tệ, dẫn tới nguy cơ nền kinh tế của các nước Đông Nam Á phát triển chậm lại. Song, đây cũng được coi là cơ hội cho các nước ASEAN. 

Bởi xu hướng chuyển dịch kinh tế của Mỹ và tách khỏi Trung Quốc sẽ tăng tốc vào năm 2025. Xu hướng này được thể hiện qua việc các tập đoàn toàn cầu có nhà máy sản xuất đặt tại Trung Quốc đã bắt đầu di dời ra khỏi Trung Quốc; số lượng phê duyệt đầu tư ở hầu hết các nước Đông Nam Á và một số khu vực khác ngoài Trung Quốc đã tăng vọt. 

Nhờ đó, các nước Đông Nam Á sẽ thu hút và tiếp nhận được nhiều khoản đầu tư nước ngoài, tận dụng nguồn vốn thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh hiện nay cũng như tạo cơ hội mở rộng phát triển các ngành, nghề, lĩnh vực quan trọng như điện tử, ô tô, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo (AI)...

Thứ tư, Đông Nam Á là khu vực tồn tại nhiều điểm nóng, tiềm ẩn nguy cơ xung đột, chiến tranh và các vấn đề an ninh phi truyền thống. Với sự đa dạng về chế độ chính trị, văn hóa, mức độ phát triển giữa các quốc gia, sự góp mặt của nước lớn cùng nhiều lợi ích và ưu tiên chiến lược, khu vực luôn tiềm ẩn các thách thức an ninh. 

Các chuyên gia nhận định, một số điểm nóng như Biển Đông, Myanmar thời gian tới sẽ có những diễn biến phức tạp, căng thẳng gia tăng hơn so với năm 2024. Trong đó, xung đột tại Myanmar chưa thấy có dấu hiệu được hòa giải, trong khi việc thúc đẩy thực thi Đồng thuận 5 điểm của ASEAN còn khó khăn, do đó sẽ tiếp tục là thách thức của ASEAN. 

Tình hình Biển Đông được dự báo vẫn sẽ duy trì trạng thái tương đối ổn định nhưng vẫn có nhiều diễn biến phức tạp và căng thẳng, nhất là trên thực địa. ASEAN còn gặp nhiều khó khăn do bất đồng lợi ích giữa các bên trong thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc. 

Điều này làm gia tăng căng thẳng, buộc các quốc gia trong khu vực phải đối mặt với bài toán duy trì hòa bình và bảo vệ chủ quyền. Vì vậy, Biển Đông vẫn tiếp tục là vấn đề phức tạp, căng thẳng giữa ASEAN và Trung Quốc trong thời gian tới sẽ là một trong những vấn đề cạnh tranh chiến lược ngày càng quyết liệt giữa Trung Quốc và Mỹ cùng các đồng minh của Mỹ ở trong hoặc ngoài khu vực. 

Trong khi đó, hợp tác tiểu vùng sông Mekong cũng đang đứng trước nguy cơ trở thành một phần trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực do nhiều đối tác quốc tế đã và đang tăng cường can dự mở rộng ảnh hưởng, thúc đẩy lợi ích kinh tế song phương với các nước trong tiểu vùng và tranh thủ các cơ chế liên kết tiểu vùng.

Gia tăng tính tự lực, chủ động và sáng tạo

Một là, để có thể ứng phó nhanh chóng và hiệu quả với các diễn biến phức tạp như hiện nay, trước hết, ASEAN cần triển khai các bước đi cụ thể nhằm cập nhật Hiến chương ASEAN, cho phép áp dụng linh hoạt hơn nguyên tắc đồng thuận và các nguyên tắc khác, như không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực... 

Điều này sẽ giúp bảo đảm rằng không quốc gia nào “bị bỏ lại phía sau” mà vẫn không làm chậm tiến trình chung của Cộng đồng.

Hai là, ASEAN cần nỗ lực bảo vệ vai trò trung tâm của mình. Trong bối cảnh hiện nay, ASEAN cần đóng vai trò dẫn dắt trong việc thu hút các đối tác bên ngoài tham gia giải quyết những vấn đề chung. 

Vị thế của ASEAN với tư cách là nhân tố trung tâm trong việc định hình trật tự khu vực là rất quan trọng và việc nắm bắt rõ diễn biến bối cảnh địa - chính trị phức tạp hiện nay là điều rất cần thiết để bảo vệ lợi ích chung. Cần nỗ lực xây dựng bản sắc riêng của khối và tăng cường sự gắn kết để thực hiện các mục tiêu xây dựng Cộng đồng.

Ba là, việc tăng cường quan hệ với các đối tác ngoài khu vực có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là khi Đông Nam Á đã trở thành địa bàn cạnh tranh trong bối cảnh căng thẳng địa - chính trị giữa các cường quốc. Bằng cách thúc đẩy hội nhập khu vực và gia tăng khả năng phục hồi thông qua nhiều sáng kiến khác nhau, ASEAN có thể làm sâu sắc quan hệ với nhiều đối tác trong khu vực và toàn cầu, đặc biệt là các cường quốc. 

Cách tiếp cận đa phương, đa chiều này cho phép ASEAN cân bằng các lợi ích khác nhau và tránh bị tác động bởi nhân tố bên ngoài, góp phần tạo nên một khu vực ổn định và thịnh vượng trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng căng thẳng.

Một Đông Nam Á tự lực, tự cường sẽ giúp khu vực có khả năng chống đỡ trước mọi khó khăn. Bên cạnh đó, thông qua các cơ chế hợp tác khu vực, như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hợp tác kinh tế ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Ấn Độ; các sáng kiến hội nhập khu vực như Đặc khu kinh tế Johor (Malaysia) - Singapore sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực. 

Hơn nữa, Đông Nam Á đã tăng cường khả năng phục hồi trước các cú sốc bên ngoài thông qua việc các ngân hàng trung ương xây dựng được vị thế uy tín hơn trên thị trường tài chính, có cơ chế giám sát tốt hơn, nền kinh tế đa dạng hơn, dự trữ ngoại hối lớn. Những yếu tố này giúp Đông Nam Á trở nên an toàn và ổn định hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Có thể nói, năm 2025 sẽ là một năm khó khăn, nhất là về kinh tế với khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên, nếu các quốc gia thành viên ASEAN chung tay cùng hành động, đoàn kết thì sẽ duy trì được sự ổn định và sức mạnh kinh tế, cũng như tận dụng được nhiều cơ hội từ sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng của toàn cầu và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn./.

5 February 2025
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 6 Sau