Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Australia rất đặc biệt, chí tình, chia sẻ
Thứ nhất, Australia là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (ngày 26-2-1973). Australia cũng là nước phương Tây đầu tiên đón lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thăm chính thức, gồm Chủ tịch Quốc hội (năm 1990), Thủ tướng Chính phủ (năm 1993) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1995). Dù khác biệt về thể chế chính trị, 2 nước ngày càng tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, đã xây dựng quan hệ Đối tác toàn diện (năm 2009), Đối tác toàn diện tăng cường (năm 2015), Đối tác chiến lược (năm 2018).
Thứ hai, 5 thập niên qua, Australia luôn chủ động phát triển quan hệ với Việt Nam, với việc hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) bắt đầu ngay từ năm 1974. Sau khi đóng góp tích cực trong giải quyết vấn đề Campuchia, Australia là nước phương Tây đầu tiên nối lại ODA, đến nay giúp Việt Nam tổng cộng 3 tỷ AUD, trong đó hỗ trợ thiết thực cho một số kết cấu hạ tầng quan trọng như đường dây 500kV Bắc - Nam, 2 cây cầu Mỹ Thuận và Cao Lãnh, giúp phát triển viễn thông và ngân hàng. Gần đây, nhiều nước phương Tây cắt giảm ODA song Australia vẫn hỗ trợ Việt Nam hằng năm 80 triệu AUD, năm 2023 tăng 18% lên 93 triệu AUD.
Thứ ba, về giáo dục, học bổng được trao cho sinh viên Việt Nam tới Australia từ tháng 2-1975. Đại học nước ngoài đầu tiên lập cơ sở tại Việt Nam là Học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (RMIT) của Australia (năm 2000). Đến nay, các đại học 2 nước đã có 45 chương trình liên kết đào tạo, 200 chương trình hợp tác giảng dạy và tuyển sinh liên thông; có 26.000 du học sinh đang học ở Australia, 15.000 người đang học tại các cơ sở của Australia ở Việt Nam. Tính đến nay, đã có hơn 80.000 du học sinh Việt Nam tốt nghiệp các trường ở Austalia...
Thứ tư, Australia luôn chí tình hỗ trợ Việt Nam giải quyết những vấn đề đang đặt ra, cần sự giúp đỡ, sẻ chia, điển hình như trong đại dịch COVID-19, dù Australia cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Australia là nước hỗ trợ vaccine đầu tiên cho Việt Nam trong số các nước khu vực Đông Nam Á, tổng số các đợt lên tới 26,4 triệu liều vaccine...
Dù có nhiều bước tiến, đạt được không ít thành tựu trong quan hệ giữa 2 nước trong suốt 50 năm qua, nhưng cũng còn những vấn đề cần cải thiện. Theo Đại sứ Nguyễn Tất Thành, Kế hoạch hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2020 - 2023 xác định 3 trụ cột hợp tác gồm kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng và đổi mới - sáng tạo...
“Để quan hệ 2 nước đem lại hiệu quả thiết thực hơn, chúng tôi trông đợi ngoài các lĩnh vực trên, hai bên cần hợp tác toàn diện, nhất là trên các lĩnh vực mới, cùng có lợi như ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, năng lượng sạch, kinh tế tri thức, chuyển đổi số và hợp tác đa phương”, Đại sứ Nguyễn Tất Thành hy vọng.
Trước đó, đoàn công tác Tạp chí Cộng sản đã có buổi làm việc với Đại học Quốc gia Australia (ANU). TS. Đỗ Nam Thắng - giảng viên cao cấp ANU - cho biết, Việt Nam và Australia đều quyết tâm và có nhiều nỗ lực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Cả 2 nước đều có chung mục tiêu đạt phát thải ròng về 0 vào 2050.
Việt Nam và Australia đều có tiềm năng lớn về năng lượng Mặt trời và gió, đặc biệt là gió ngoài khơi; đều có những trải nghiệm thuận lợi và khó khăn trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu có thể trao đổi, học hỏi thông qua hợp tác. Bên cạnh đó, các lĩnh vực về nông nghiệp giữa 2 nước cũng rất có nhiều dư địa hợp tác, đặc biệt là về giống cây, chăn nuôi... N.T.T
16 November 2023
MỚI NHẤT
Các bài cũ hơn
Không ngừng củng cố và phát triển mối “lương duyên đặc biệt” Việt Nam - Pháp
(28/10/2024 09:31:42)
Hội nghị cấp cao ASEAN 44 - 45: Thúc đẩy kết nối và tự cường
(28/10/2024 09:33:17)
Hội nghị thượng đỉnh Tương lai: Đưa chủ nghĩa đa phương trở lại
(11/10/2024 11:14:09)
Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh 2024: Thúc đẩy hòa bình vì tương lai chung của nhân loại
(11/10/2024 10:18:30)