14/07/2025 | 21:27 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tăng cường vũ trang được ưu tiên

Lý Mạc Phù

Ở cả 2 cuộc gặp cấp cao vào cuối tháng 6-2025 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), nổi bật hàng đầu trên chương trình nghị sự là nội dung tăng cường vũ trang và kết quả nổi bật hàng đầu của cả 2 sự kiện cũng là sự nhất trí giữa các thành viên của EU và NATO về tăng cường vũ trang.

32 thành viên NATO, trong đó chỉ có Mỹ và Canada ở bên ngoài châu Âu, ngoại trừ Tây Ban Nha đã nhất trí tăng ngân sách quốc phòng hằng năm lên mức 5% GDP quốc gia trong thời gian đến năm 2035. 

Ở cuộc gặp cấp cao của EU được tiến hành sau đó, 27 thành viên EU, trong đó đa số đồng thời là thành viên NATO, cũng nhất trí tăng cường rõ rệt và nhanh chóng năng lực, sức mạnh quân sự, quốc phòng bằng nhiều biện pháp chính sách khác nhau. Các thành viên còn nhất trí giao cho Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) nhiệm vụ tham gia tài chi và điều tiết tài chính phục vụ việc thực hiện những biện pháp chính sách nói trên. 

Chủ đề nội dung về tăng cường vũ trang trên châu lục hiện được cả NATO lẫn EU dành cho ưu tiên hàng đầu, vượt lên trên cả chủ đề nội dung trong suốt thời gian dài vừa qua luôn chế ngự và chi phối hoàn toàn chương trình nghị sự của NATO và EU là hậu thuẫn Ukraina chiến tranh với Nga.

Tăng cường vũ trang mạnh mẽ và gấp gáp như thế là diễn biến chưa từng thấy ở châu Âu cũng như trong EU và NATO, kể từ khi EU và NATO được thành lập đến nay. Nó có nguyên nhân ở cuộc chiến tranh giữa Nga với Ukraina và ở những quan điểm chính sách của chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với NATO và EU, đối với Ukraina và Nga. 

Việc tăng cường vũ trang này là sự ứng phó của các thành viên EU và NATO ở châu Âu trước những diễn biến bất lợi về an ninh, quốc phòng và quân sự xuất xứ từ chính sách của ông D. Trump và từ sự thắng thế của Nga trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraina. 

Cụ thể ở đây là 2 vấn đề đặt ra cho NATO và EU. Thứ nhất, làm sao để tiếp tục hậu thuẫn Ukraina chiến tranh với Nga và thắng Nga trong bối cảnh tình hình Mỹ buông bỏ Ukraina và tăng cường xích lại gần Nga. Thứ hai, làm sao đối phó Nga về lâu dài khi không còn có thể tin tưởng và tiếp tục dựa cậy được nữa vào cam kết bảo hộ an ninh của Mỹ.

Tăng cường vũ trang được EU và NATO hiện coi là thượng sách nhưng xem ra còn là sự bắt buộc không thể khác, nếu không muốn bị “mất cả chì lẫn chài” ở Ukraina và bị gạt ra ngoài lề ở chuyện chính trị an ninh châu lục thời sau cuộc chiến tranh ở Ukraina./.

10 July 2025