21/09/2024 | 08:19 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Bầu cử Tổng thống Indonesia 2024: Chuyển giao quyền lực suôn sẻ

Khánh Chi
Bầu cử Tổng thống Indonesia 2024: Chuyển giao quyền lực suôn sẻ Ứng cử viên Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở thành phố Bogor, ngày 14-2-2024_Ảnh: AFP
Ngày 14-2-2024, gần 205 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu bầu Tổng thống Indonesia nhiệm kỳ mới. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Prabowo Subianto giành chiến thắng thuyết phục sau khi kết quả kiểm phiếu không chính thức được công bố. Kết quả bầu cử tổng thống lần này được ấn định sớm và không cần tổ chức bầu cử vòng 2 cho thấy sự thống nhất ý chí cao của người dân Indonesia, khởi động suôn sẻ quá trình chuyển giao quyền lực tại đất nước vạn đảo này.

Kết quả phù hợp với các dự báo

Đây là lần thứ hai kể từ cuộc bầu cử năm 2019, Indonesia áp dụng quy chế bầu cử đồng thời tổng thống/phó tổng thống và cơ quan lập pháp các cấp kéo dài trong một ngày, được đánh giá là lớn nhất và phức tạp nhất trên thế giới. 

Theo quy định, nếu không có cặp ứng cử viên nào giành được trên 50% tổng số phiếu bầu tại cuộc bỏ phiếu ngày 14-2-2024 thì 2 cặp ứng cử viên có tỷ lệ phiếu bầu cao nhất sẽ bước vào vòng 2 được tổ chức vào ngày 26-6-2024.

Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ do các tổ chức giám sát độc lập công bố, cặp ứng cử viên Tổng thống - Phó tổng thống Prabowo Subianto - Gibran Rakabuming Raka giành được 59,33% số phiếu bầu, cặp ứng cử viên Anies Baswedan - Muhaimin Iskandar được 24% số phiếu và cặp ứng cử viên Ganjar Pranowo - Mafud MD được 16,6%. 

Mặc dù kết quả chính thức dự kiến được công bố vào ngày 20-3-2024, nhưng gần như chắc chắn cặp ứng cử viên Prabowo - Gibran giành chiến thắng ngay từ vòng 1. Giới kinh doanh và thị trường tài chính Indonesia phản ứng khá thận trọng trước kết quả bầu cử sơ bộ. 

Thị trường chứng khoán Jakarta giảm điểm mạnh sau khi ông S. Prabowo dẫn đầu cuộc đua vào ghế tổng thống. Các nhà đầu tư lo ngại trước những bất ổn chính trị và khả năng ông S. Prabowo sẽ đảo ngược các cải cách thị trường của chính phủ hiện tại, thay vào đó là những chính sách mang tính dân túy và bảo hộ mậu dịch cao hơn. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng các lo ngại trên chưa chắc đã trở thành hiện thực, bởi ông S. Prabowo có thể sẽ phải điều chỉnh chính sách ổn định vĩ mô nhằm đáp ứng kỳ vọng vào sự kiểm soát của các thiết chế truyền thống.

Nhìn chung, kết quả bầu cử này không gây bất ngờ bởi nó phù hợp với nhiều dự đoán trước đây, cũng như cán cân lực lượng chính trị tại Indonesia hiện nay. Chiến thắng áp đảo của cặp ứng cử viên Prabowo - Gibran xuất phát từ một số nguyên nhân sau:

Một là, cá nhân ông S. Prabowo, 72 tuổi, là chính trị gia giàu kinh nghiệm, từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong quân đội và chính phủ; 2 lần ra tranh cử tổng thống và có ảnh hưởng lớn tại các khu vực như tỉnh Banten, Tây Java cũng như trong giới chính trị và quân đội. 

Ứng cử viên Phó tổng thống Gibran Rakabuming, 37 tuổi, con trai cả của đương kim Tổng thống Joko Widodo, là một lãnh đạo trẻ, năng động, do vậy nhận được sự ủng hộ rộng rãi của giới trẻ, thanh niên, sinh viên Indonesia.

Hai là, ông S. Prabowo nhận được sự hậu thuẫn “ngầm” của Tổng thống đương nhiệm J. Widodo. Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống J. Widodo gần như thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối đối với cặp ứng cử viên Prabowo - Gibran.

Ba là, trong chiến dịch tranh cử, cặp ứng viên Prabowo - Gibran khẳng định sẽ tiếp nối các chính sách của Tổng thống J. Widodo, khẳng định mục tiêu xây dựng Indonesia trở thành cường quốc tầm trung, thể hiện vai trò dẫn dắt ở khu vực, quốc tế thông qua việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, gắn với các mục tiêu an sinh xã hội, bảo đảm người dân được thụ hưởng các thành quả phát triển; tập trung xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tạo động lực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nền kinh tế; cam kết thực hiện chính sách ngoại giao “không liên kết”, cân bằng quan hệ với nước lớn và duy trì quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng; chú trọng nâng cao tiềm lực quốc phòng, bảo đảm khả năng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, độc lập đất nước trong mọi tình huống. 

Đây là những vấn đề quan trọng, giành được sự quan tâm của đại đa số cử tri.

Bốn là, xây dựng chiến dịch vận động tranh cử hiệu quả. Ông S. Prabowo và Gibran đã triển khai chiến dịch vận động quy mô lớn và hiệu quả trên nhiều phương tiện truyền thông và mạng xã hội, qua đó thu hút được cử tri trẻ tuổi. 

Bên cạnh đó, cặp ứng cử viên này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ giới doanh nghiệp, có nhiều nguồn lực tài chính để triển khai các chiến dịch vận động tranh cử.

Kỳ vọng lớn vào chính phủ mới

Cử tri Indonesia hy vọng, đội ngũ lãnh đạo mới sẽ “chèo lái” “Xứ sở vạn đảo” vượt qua những thách thức về an ninh lương thực, biến đổi khí hậu,... và có chiến lược phát triển đúng hướng. Kết quả của cuộc bầu cử này có thể phần nào ảnh hưởng đến việc liệu nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á có đạt được vị thế phát triển vào năm 2045 như mục tiêu đặt ra hay không? 

Theo đó, nền kinh tế Indonesia cần tăng trưởng ổn định ở mức 6% đến 7% để bảo đảm Indonesia có thể đứng vào nhóm quốc gia có thu nhập cao trước khi bước vào thời kỳ già hóa dân số. Nếu không, Indonesia có thể bị kẹt trong bẫy thu nhập trung bình với tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp kéo dài, dân số già, chất lượng cuộc sống kém và năng lực công nghệ thấp.

Ông S. Prabowo cũng đối mặt với nhiệm vụ tiếp tục lộ trình “Indonesia Vàng 2045” của người tiền nhiệm với mục tiêu đưa nước này trở thành 1 trong 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Sự thành công của chính phủ mới sẽ phụ thuộc lớn vào khả năng xử lý và giải quyết những vấn đề trên một cách hiệu quả để bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của Indonesia trong tương lai.

Tân Tổng thống S. Prabowo cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức về kinh tế, trong đó có vấn đề lạm phát, tác động của các thách thức địa - chính trị khu vực, an ninh hàng hải, nhân quyền, biến đổi khí hậu và các vấn đề phát triển bền vững...

Chính phủ mới cũng cần phải giải bài toán về vấn đề việc làm, đặc biệt là cho thế hệ trẻ vì giới trẻ đã trở thành yếu tố then chốt cho kết quả của cuộc bầu cử lần này (hơn 50% số cử tri có độ tuổi từ 17 đến 40 và hơn 30% là cử tri dưới 30 tuổi).

Nếu nhà lãnh đạo mới tiếp tục thực hiện các chính sách của Tổng thống J. Widodo, trong đó tập trung đầu tư vào khai thác mỏ (chỉ chiếm 1% tổng số việc làm) thì khó có thể cải thiện vấn đề nguồn lực lao động của Indonesia và có thể khiến tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm.

Dựa trên những tuyên bố, phát biểu về lập trường của ông S. Prabowo trong chiến dịch tranh cử, có thể dự báo một số định hướng chính sách của Chính phủ Indonesia trong nhiệm kỳ tới:

Về đối nội, chính phủ mới có thể sẽ tập trung ổn định nội bộ và củng cố liên minh như thời kỳ Tổng thống J. Widodo. Nhiều khả năng Liên minh Tiến lên Indonesia (KIM) do ông S. Prabowo lãnh đạo sẽ mở rộng và thu hút sự tham gia của các đảng phái thuộc các liên minh từng ủng hộ cho những ứng cử viên khác. 

Về đường lối chính sách, dự kiến Chính phủ của Tổng thống S. Prabowo sẽ tiếp tục thực hiện các kế hoạch, chính sách của chính phủ trước đây, tập trung vào mục tiêu tăng trưởng bền vững, triển khai các dự án phát triển kinh tế chiến lược và xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm, xây dựng chuỗi giá trị nội địa và chi tiêu nhiều hơn cho các chương trình phúc lợi và trợ cấp xã hội, thúc đẩy chiến lược “Trục hàng hải toàn cầu”; có khả năng chính phủ mới sẽ tăng cường can thiệp, bảo hộ và kiểm soát nhà nước đối với các lĩnh vực then chốt, như năng lượng, lương thực, tài chính,... để tiếp tục thu hút sự ủng hộ của nhân dân.

Về đối ngoại, ông S. Prabowo là Bộ trưởng Quốc phòng nên nhiều khả năng chính phủ mới sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại độc lập; điều chỉnh quan hệ với Mỹ theo hướng cân bằng hơn; tăng cường hợp tác kinh tế, an ninh với Trung Quốc và Nga; phát huy vai trò để nâng cao vị thế của Indonesia trong kết nối khu vực thông qua Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các cơ chế liên khu vực khác, như Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G-20), tổ chức các nước Hồi giáo, thúc đẩy một số sáng kiến hợp tác, như Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; đẩy mạnh hợp tác kinh tế, kết nối kết cấu hạ tầng với các nước lớn, như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản để tranh thủ nguồn lực phục vụ mục tiêu tăng trưởng; tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực.

Về quốc phòng - an ninh, ông S. Prabowo nhiều lần nhắc đến việc Indonesia cần tăng cường tiềm lực và khả năng quốc phòng, đặc biệt là hải quân và không quân, để có thể tự bảo vệ chủ quyền biển, đảo trước các nguy cơ từ bên ngoài, góp phần bảo đảm an ninh và ổn định xã hội.

Cho dù chính sách của chính phủ mới như thế nào, song điều rõ ràng là Indonesia phải sẵn sàng thực hiện các ưu tiên cho phát triển sáng tạo để đối phó với những thách thức. Các chính sách đề xuất của ứng cử viên tổng thống trước bầu cử được cho là chưa đủ sâu rộng để giải quyết những thách thức đang chờ đợi Indonesia, đặc biệt khi nước này có khát vọng đạt được sự phát triển vượt bậc. 

Tuy nhiên, với kỹ năng, quyền lực và sự hỗ trợ chính trị mạnh mẽ có thể sẽ giúp ông S. Prabowo dẫn dắt đất nước Indonesia tiếp tục đạt thêm những thành tựu mới./.

14 March 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 Sau