Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 10: “Cơ hội” đối với các nước vừa và nhỏ
Xuân Sơn
Nơi thể hiện tiếng nói đa dạng về các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu
Trước những căng thẳng của tình hình an ninh quốc tế hiện nay, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 10 mang đến cho các nước, bất kể lớn hay nhỏ, một nền tảng đối thoại thẳng thắn, góp phần trao đổi tốt hơn, hiểu rõ hơn về quan điểm của nhau để cùng giải quyết các vấn đề chung. Diễn đàn này vẫn là một trong số hội nghị hiếm hoi mà thế giới có thể thấy một vị tướng Mỹ thảo luận cởi mở với người đồng cấp Nga hay một chuyên gia an ninh của Saudi Arabia trao đổi thiện chí với người đồng nghiệp đến từ Iran. Do đó, Trung Quốc hy vọng sự kiện này sẽ giúp củng cố tầm nhìn về một thế giới an toàn hơn, đồng thời đưa các nước đang phát triển xích lại gần nhau.
Phát biểu tại phiên khai mạc diễn đàn, Thượng tướng Trương Hựu Hiệp - Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc - cho rằng, cộng đồng quốc tế luôn phải nỗ lực hết mình để đạt được hòa bình và an ninh bền vững khi thế giới vẫn còn không ít điểm nóng xung đột, cũng như phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống.
Năm 2022, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI), do đó, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 10 được cho là thể hiện quyết tâm của Trung Quốc mong muốn cùng hợp tác với tất cả các nước để hiện thực hóa sáng kiến này, nhằm bảo đảm an ninh cho mọi quốc gia trong bối cảnh tình hình thế giới đang biến chuyển nhanh chóng, phức tạp và khó lường.
Diễn đàn cũng là dịp để Trung Quốc triển khai toàn diện khái niệm “cộng đồng toàn cầu vì một tương lai chung” - nội hàm cốt lõi của GSI; đồng thời, là cơ hội để bước đầu đánh giá mức độ hiệu quả của GSI mà Trung Quốc đề xuất thực hiện, qua đó tạo điều kiện để các nhà lãnh đạo tham dự diễn đàn suy ngẫm và xem xét khả năng tham gia, cũng như hỗ trợ GSI.
Do đó, tại 4 phiên họp toàn thể, các đại biểu tham dự tập trung bàn thảo về nhiều nội dung quan trọng, như: 1- Trách nhiệm của các nước lớn và hợp tác an ninh toàn cầu; 2- Vai trò của các nước đang phát triển trong an ninh toàn cầu; 3- Cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Hiện tại và tương lai; 4- An ninh và phát triển khu vực: Mục tiêu và đường hướng. Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về xu hướng an ninh và tình hình an ninh ở khu vực Đông Bắc Á; vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong cấu trúc hợp tác an ninh khu vực; cấu trúc an ninh mới ở khu vực Trung Đông; tái cấu trúc hòa bình ở khu vực châu Âu; ngăn chặn và quản lý khủng hoảng quân sự hàng hải, rủi ro hạt nhân và toàn cầu; an ninh trí tuệ nhân tạo (AI); hợp tác quân sự quốc tế trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.
Có thể thấy, không chỉ nổi bật với quy mô hay sự tham gia đông đảo của các nước tại diễn đàn, mà những ưu tiên, chủ đề nghị sự phong phú còn thu hút sự quan tâm đặc biệt của thế giới khi thể hiện tính toàn diện và bao quát cao hơn nhiều so với trước đây. Phần lớn diễn đàn an ninh quốc tế hiện nay, nhất là những diễn đàn có sự hiện diện mạnh mẽ của lực lượng quân đội, có xu hướng tập trung vào cân bằng sức mạnh giữa các quốc gia. Đối với các diễn đàn đó, năng lực của các quốc gia được đánh giá quan trọng hơn nhiều so với ý chí chính trị.
Ở nhiều diễn đàn an ninh thông thường, sức mạnh tổng hợp quốc gia luôn được coi trọng hơn các giá trị đạo đức đúng - sai, bởi xét cho cùng, sức mạnh cứng luôn được cho là chiếm ưu thế trước sức mạnh mềm. Vì vậy, tiếng nói của các nước vừa và nhỏ thường bị lấn át. Tuy nhiên, sự điều chỉnh nội dung, chủ đề, hình thức thảo luận của Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 10 năm 2023 cho thấy, đây là nền tảng hiếm hoi để các nước đang phát triển lên tiếng và khuyến khích các nước vừa và nhỏ tham gia đối thoại. Điều này phản ánh xu thế của một thế giới đa cực, nơi mọi người dân đến từ nhiều nền văn hóa, ý thức hệ khác nhau có thể cùng thảo luận về những giải pháp để thúc đẩy hòa bình một cách hiệu quả với tâm thế tôn trọng lẫn nhau.
Xu hướng dịch chuyển từ cân bằng sức mạnh sang cân bằng lợi ích
Thế giới chính trị thực dụng (realpolitik) luôn được nhìn nhận là “chính trường tàn khốc”, đặc biệt đối với các quốc gia vừa và nhỏ. Nếu các nước lớn có năng lực bảo vệ chủ quyền mạnh mẽ và sự độc lập gần như không bị giới hạn về chính sách đối ngoại, các nước vừa và nhỏ hơn thường chỉ có 2 lựa chọn: một là, tìm kiếm thế cân bằng giữa các quốc gia hùng mạnh để tránh xung đột, qua đó tự bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; hai là, bị lôi kéo, đứng vào hàng ngũ của đồng minh mạnh hơn để tìm sự bảo trợ, ngay cả khi việc lôi kéo đó gây bất lợi cho chính nước vừa và nhỏ đó hoặc tổn hại đến lợi ích của quốc gia khác. Điều này dường như phản ánh rõ nét thế bất lợi của các nước vừa và nhỏ trong quan hệ quốc tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới ngày càng quan ngại trước những bất ổn an ninh liên tục diễn ra, cộng đồng quốc tế đang thể hiện xu hướng dịch chuyển từ cân bằng sức mạnh sang cân bằng, hài hòa lợi ích giữa các nước, đồng thời có sự tham gia đồng đều hơn của các nước vừa và nhỏ trong môi trường an ninh chung. Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh năm 2023 chính là nơi cho thấy rõ xu hướng này.
Thực tế, trước khi Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 10 diễn ra, dư luận quốc tế cho rằng, sự kiện lần này chủ yếu tập trung bàn thảo về sức mạnh quân sự của các quốc gia, song trên thực tế, các nhà lãnh đạo tham dự diễn đàn đã đề cập nhiều hơn đến vấn đề lợi ích, an ninh quốc gia. Bầu không khí bao trùm diễn đàn cho thấy, câu hỏi lớn được cộng đồng quốc tế quan tâm là cách thức để chuyển từ cân bằng quyền lực sang cân bằng lợi ích nhằm tạo dựng nền tảng cho trật tự an ninh toàn cầu mới.
Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh, cùng các diễn đàn, đối thoại khác như Hội nghị An ninh quốc tế Moscow tại Nga, Đối thoại Shangri-La tại Singapore, đã và đang ngày càng khẳng định là diễn đàn an ninh quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Việc tham dự các diễn đàn này là cơ hội để Việt Nam cùng các nước tăng cường hợp tác, đối thoại, tạo dựng lòng tin chiến lược để bảo đảm an ninh khu vực và trên thế giới, vun đắp môi trường hòa bình để phát triển bền vững. |
Cân bằng lợi ích được cho là đem lại hòa bình lâu dài hơn cân bằng cán cân sức mạnh. Chính trị thực dụng gây sức ép đối với các quốc gia về việc phải thay đổi cán cân sức mạnh nghiêng về phía có lợi cho mình. Dù các nước có thành công trong việc thực hiện nhiệm vụ đó hay không, nguy cơ xung đột vẫn luôn hiện hữu. Đơn cử như, nếu một quốc gia có sức mạnh tổng hợp vượt trội so với các nước khác có xu hướng muốn tận dụng tối đa sự chênh lệch sức mạnh để tranh giành ảnh hưởng, qua đó phát sinh xung đột với nước yếu hơn.
Trong khi đó, nếu một nước rơi vào thế yếu hơn nước khác, có xu hướng không chấp nhận thực tại và luôn cảm thấy bất an về chủ quyền, đồng thời không muốn chịu sự áp đặt của nước mạnh hơn, điều này cũng dễ phát sinh xung đột. Vì thế, việc chạy đua để đạt sự cân bằng sức mạnh giữa các quốc gia sẽ dẫn tới nguy cơ bất ổn an ninh cao hơn khi các bên cùng cân bằng được lợi ích.
Nhìn chung, cân bằng lợi ích vẫn là một khái niệm cần được khái quát hóa và vận dụng một cách phù hợp, do vậy, cộng đồng quốc tế khó có thể mong đợi diễn đàn lần này đưa ra được câu trả lời chi tiết trước không ít câu hỏi nảy sinh từ khái niệm này. Không có 2 quốc gia nào có lợi ích giống nhau cho dù những lợi ích này có thể trùng lặp hay chồng chéo.
Vậy, làm thế nào để có thể vạch ra ranh giới giữa lợi ích “chính đáng” và “không chính đáng” của một quốc gia; và liệu có quốc gia nào sẵn sàng “giới hạn” tham vọng của mình để đáp ứng lợi ích của đối thủ nhằm đạt được một thỏa hiệp bền vững,... là những câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng việc chuyển từ cân bằng quyền lực sang cân bằng lợi ích có ý nghĩa quan trọng nếu thế giới muốn đạt sự bảo đảm an ninh toàn cầu. Trật tự toàn cầu không thể dựa trên luật lệ “cá lớn nuốt cá bé”, mà tương lai bền vững thuộc về những quốc gia có trách nhiệm, sẵn sàng tôn trọng lẫn nhau và điều chỉnh sự cân bằng lợi ích hài hòa chứ không phải sự cân bằng quyền lực áp đặt.
Chỉ bằng cách thay đổi căn bản tư duy của các quốc gia, thế giới mới có thể đạt được “an ninh chung và hòa bình lâu dài” - chủ đề, mục tiêu của Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 10 năm 2023 đề ra./.