G-7 năm 2025: Đoàn kết trong biến động, khẳng định vai trò giữa trật tự thế giới phân mảnh
Thủy Nguyễn
Biến động địa - chính trị và thử thách đoàn kết nội khối
Hội nghị thượng đỉnh G-7 năm 2025 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những “cơn sóng ngầm” địa - chính trị đầy phức tạp và khó lường, nổi bật là cuộc xung đột Nga - Ukraina chưa có hồi kết và căng thẳng leo thang tại khu vực Trung Đông.
Những “điểm nóng” này không chỉ phủ bóng lên chương trình nghị sự, mà còn đặt ra bài toán hóc búa về sự thống nhất nội khối - nền tảng sức mạnh của G-7 trong suốt nửa thế kỷ qua.
Tại hội nghị, cuộc xung đột Nga - Ukraina tiếp tục là một trong những chủ đề trọng tâm. Bước sang năm thứ 3, cuộc xung đột tại khu vực Đông Âu vẫn đang kéo dài với tổn thất ngày càng nặng nề cả về nguồn nhân lực, vật lực và lòng tin chiến lược.
Tham dự hội nghị G-7 năm 2025, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskyy đã kêu gọi sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ cộng đồng quốc tế, bao gồm cả viện trợ quân sự, tài chính và tăng cường sức ép trừng phạt đối với Nga. Tuy nhiên, khác với sự đồng thuận cao trong những kỳ hội nghị trước, lập trường của các thành viên G-7 năm 2025 bắt đầu có sự phân hóa rõ rệt.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai từ chối ký tuyên bố chung về vấn đề Ukraina đã dẫn tới kết quả chưa từng có tiền lệ, đó là nước chủ nhà Canada buộc phải công bố một bản “Tóm tắt của chủ tọa” thay vì thông cáo chung chính thức của toàn khối. Đây không chỉ là biểu hiện của bất đồng chính trị, mà còn là chỉ dấu rõ rệt về sự suy giảm tính thống nhất, vốn là giá trị cốt lõi của G-7 kể từ khi thành lập.
Tình hình khu vực Trung Đông bất ổn trở lại khiến không khí của hội nghị thêm phần căng thẳng. Cuộc xung đột vũ trang giữa Israel và Iran nổ ra đúng vào thời điểm các nguyên thủ G-7 nhóm họp, kéo theo sự quan ngại sâu sắc về nguy cơ bất ổn lan rộng và những tác động dây chuyền đối với vấn đề an ninh năng lượng toàn cầu.
Trong khi phần lớn quốc gia thành viên G-7 kêu gọi các bên kiềm chế và tuân thủ luật pháp quốc tế, việc Tổng thống D. Trump bất ngờ rút khỏi một số phiên họp đã để lại “khoảng trống” đáng kể trong tiến trình thảo luận.
Khoảng cách về ưu tiên chiến lược, khác biệt trong phản ứng trước khủng hoảng và sự thiếu vắng đồng thuận trong các tuyên bố chung đang khiến G-7 đối mặt với một thách thức không nhỏ là làm sao giữ vững sự thống nhất hành động trong bối cảnh niềm tin chính trị và lợi ích quốc gia - dân tộc đang ngày càng đa dạng hóa.
Từ cuộc xung đột tại Ukraina, Trung Đông đến bất đồng về tuyên bố chung, G-7 năm 2025 cho thấy rõ sự đồng thuận của khối đang bị suy giảm bởi các tính toán chiến lược riêng rẽ. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, G-7 không những cần củng cố vai trò phản ứng trước các cuộc khủng hoảng toàn cầu, mà còn phải tự củng cố vai trò như một tập thể chính trị có năng lực điều phối, chia sẻ trách nhiệm và duy trì sự hiện diện thống nhất trên trường quốc tế.
Hội nghị thượng đỉnh G-7 năm 2025 có sự tham dự của 7 lãnh đạo quốc gia thành viên, trong đó có sự tham dự lần đầu tiên của Thủ tướng Canada Mark Carney, Thủ tướng Anh Keir Starmer, Thủ tướng Đức Friedrich Merz, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru, Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngoài ra, nước chủ nhà Canada còn mời lãnh đạo Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, Brazil, Mexico, Nam Phi, Ukraina,... tham dự hội nghị. |
Trước áp lực gia tăng từ cạnh tranh chiến lược toàn cầu và những đứt gãy trong chuỗi cung ứng mang tính hệ thống, G-7 năm 2025 dành ưu tiên đáng kể cho việc bảo vệ và củng cố vấn đề an ninh kinh tế - công nghệ, coi đây là một trong những trụ cột chiến lược đối với giai đoạn chuyển tiếp hiện nay.
Theo đó, một trong những nội dung nổi bật được các nhà lãnh đạo G-7 đưa ra bàn thảo là tăng cường liên kết nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng - nguyên liệu nền tảng cho chuyển đổi số, công nghiệp quốc phòng và công nghệ cao.
Với tư cách nước chủ nhà G-7 năm 2025, Canada đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sáng kiến hợp tác với các đối tác chiến lược ngoài khối, như Australia, Indonesia và Brazil, hướng tới hình thành mạng lưới cung ứng bền vững, ít phụ thuộc vào những nguồn cung đơn lẻ, dễ bị gián đoạn.
Lĩnh vực công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), tiếp tục trở thành một trong những ưu tiên chiến lược hàng đầu. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo G-7 thống nhất thông qua bộ nguyên tắc phát triển AI “lấy con người làm trung tâm”, đề cao tính minh bạch, đạo đức, an toàn và trách nhiệm trong ứng dụng công nghệ.
Đây không chỉ là sự khẳng định lập trường chung về phát triển công nghệ có kiểm soát, mà còn là lời cảnh báo đối với xu hướng sử dụng AI thiếu kiểm soát có thể gây bất ổn xã hội và xói mòn nền tảng dân chủ.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo G-7 cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực then chốt, như máy tính lượng tử, bảo mật không gian mạng và quản trị dữ liệu xuyên biên giới. Những nỗ lực này cho thấy G-7 không chỉ tìm cách giữ vững lợi thế công nghệ hiện có, mà còn chủ động xây dựng hàng rào phòng vệ trước nguy cơ bị cạnh tranh, thao túng bởi các đối thủ bên ngoài.
Chương trình nghị sự của G-7 năm 2025 cũng đặt trọng tâm vào vấn đề môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuyên bố hợp tác mang tên “Hiến chương Kananaskis” tập trung vào cơ chế cảnh báo sớm, phòng ngừa và khắc phục hậu quả cháy rừng đã được thông qua như một minh chứng cho cam kết của G-7 trong việc hành động trước những thách thức khí hậu ngày càng khốc liệt.
Sáng kiến phản ánh trách nhiệm ứng phó với thiên tai tại các quốc gia thành viên G-7, đồng thời thể hiện tầm nhìn toàn cầu của nhóm trong việc bảo vệ lợi ích chung mang tính xuyên quốc gia.
Có thể thấy, thông qua những nội dung mang tính dài hạn và chiến lược, G-7 đã phát đi một thông điệp rõ ràng - bảo vệ an ninh kinh tế - công nghệ không còn là phản ứng mang tính tình huống, mà trở thành định hướng phát triển cốt lõi nhằm duy trì vị thế và vai trò dẫn dắt của các nền công nghiệp hàng đầu thế giới trong bối cảnh cấu trúc quyền lực toàn cầu đang chuyển dịch sâu sắc.
Mở rộng quan hệ đối tác, khẳng định vai trò trong trật tự toàn cầu
Trong bối cảnh thế giới ngày càng phân mảnh bởi cạnh tranh chiến lược và bất bình đẳng phát triển, G-7 đang nỗ lực mở rộng quan hệ đối tác nhằm củng cố vai trò dẫn dắt toàn cầu. Tại G-7 năm 2025, sự tham dự của các nhà lãnh đạo đến từ những nền kinh tế mới nổi, như Ấn Độ, Brazil, Mexico hay các quốc gia tầm trung như Nam Phi, Indonesia và Hàn Quốc, trở thành điểm nhấn đáng chú ý.
Việc mời các đối tác ngoài khối tham dự không chỉ mang ý nghĩa ngoại giao, mà còn thể hiện rõ định hướng chiến lược của G-7 trong việc chủ động mở rộng không gian hợp tác, thúc đẩy đối thoại toàn diện và cùng xây dựng một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, công bằng và bao trùm.
Tuy nhiên, những nỗ lực mở rộng hợp tác bên ngoài vẫn không thể làm lu mờ các thách thức nội khối. Việc không đạt được tuyên bố chung về vấn đề Ukraina cùng với những đề xuất gây tranh cãi như mời Nga quay trở lại đối thoại, đã cho thấy rõ sự thiếu thống nhất trong tư duy và ưu tiên giữa các quốc gia thành viên G-7. Những khác biệt này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả phối hợp và đặt ra câu hỏi về khả năng duy trì vai trò trung tâm của G-7 trong hệ thống hợp tác đa phương.
Nhìn chung, trong suốt nửa thế kỷ qua, G-7 đã góp phần hình thành và bảo vệ nhiều chuẩn mực quốc tế cốt lõi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu G-7 không duy trì được sự đồng thuận và khả năng hành động chung, những nền tảng đó có nguy cơ bị suy giảm hoặc thay thế bởi các mô hình đối trọng. Hội nghị G-7 tại Kananaskis vì vậy không chỉ là dịp đánh giá thực trạng, mà còn là cơ hội để G-7 điều chỉnh định hướng, đổi mới cách tiếp cận và khẳng định lại vai trò trong trật tự toàn cầu đang chuyển dịch sâu sắc.
Năm 2026, Pháp sẽ đảm nhận vai trò nước Chủ tịch G-7. Trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp và đa cực, năng lực thích ứng, đoàn kết nội khối được cho là yếu tố then chốt quyết định vị thế của G-7 trong giai đoạn tới./.
MỚI NHẤT
Các bài cũ hơn


