Trung Quốc thúc đẩy gắn kết và hợp tác với các nước Đông Nam Á
Phạm Thị Thanh Huyền
Tăng cường gắn kết, hợp tác cùng có lợi và chia sẻ cơ hội phát triển
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Trung Quốc cùng Việt Nam, Campuchia và Malaysia đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Với Việt Nam, hai bên đã đưa ra Tuyên bố chung và ký kết được 45 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, góp phần mở ra cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực và khả năng kết nối kết cấu hạ tầng.
Đặc biệt, hai bên nhất trí thành lập cơ chế Ủy ban hợp tác đường sắt giữa 2 chính phủ để thúc đẩy hợp tác xây dựng các dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng; thúc đẩy hợp tác phát triển trên các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng sạch, phát triển xanh và kinh tế số...
Với Campuchia, hai bên ký kết 37 thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại, giáo dục, tài chính, thông tin truyền thông, việc làm cho thanh niên, nông nghiệp, y tế, thủy lợi, du lịch...
Trung Quốc và Campuchia cam kết tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện thông qua xây dựng một “Cộng đồng chung vận mệnh thời kỳ mới trong mọi hoàn cảnh”, tuyên bố năm 2025 là Năm Du lịch Trung Quốc - Campuchia; tăng cường hợp tác thực tế trên các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, thúc đẩy xây dựng Khuôn khổ hợp tác kim cương, Hành lang phát triển công nghiệp, Hành lang gạo và cá...
Với Malaysia, hai bên trao đổi 31 biên bản ghi nhớ (MoU) và các văn bản hợp tác giữa 2 nước trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, kinh tế số, AI, du lịch... Bên cạnh đó, hai bên đạt thỏa thuận về miễn thị thực chung cho những người sở hữu hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông.
Một số chuyên gia phân tích nhận định, các nội dung hợp tác này tạo cơ sở để các nước Đông Nam Á tiếp cận và chia sẻ nhiều hơn cơ hội thúc đẩy phát triển với Trung Quốc, qua đó mang lại lợi ích kinh tế mới cho cả khu vực.
Ông Thong Mengdavid - giảng viên tại Viện Nghiên cứu quốc tế và chính sách công của Đại học Hoàng gia Phnom Penh - đánh giá, trong những năm qua, các dự án quan trọng trong Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc tại Campuchia đã mang lại những lợi ích cho người dân địa phương. Đơn cử như, Khu kinh tế đặc biệt Sihanoukville đã trở thành một trung tâm công nghiệp thu hút hơn 200 doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, tạo ra 32.000 việc làm...
Phát biểu tại cuộc họp báo trước cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tại Khu phức hợp Seri Perdana, với tư cách là Chủ tịch ASEAN và là điều phối viên quốc gia về quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tái khẳng định cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc.
Bước đi chiến lược của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á
Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ với các nước láng giềng nhằm thể hiện vai trò là một đối tác khu vực đáng tin cậy và có trách nhiệm.
Chuyến thăm này cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc làm sâu sắc quan hệ hữu nghị, truyền thống, mở rộng hợp tác thực chất và thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai với các nước láng giềng, góp phần vào sự ổn định và thịnh vượng của khu vực; thể hiện sự kiên định của Trung Quốc ủng hộ hội nhập kinh tế khu vực trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu và chủ nghĩa đơn phương tiếp tục gia tăng.
Nhìn từ góc độ tổng thể, các chuyên gia phân tích cho rằng, chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình không chỉ là sự lựa chọn chiến lược trước bối cảnh thế giới và khu vực chứa đựng nhiều bất ổn, nhất là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, mà còn là biểu hiện của quá trình tái cân bằng chiến lược trong bối cảnh địa - chính trị toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ, góp phần củng cố vai trò đối tác kinh tế đáng tin cậy, tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực của Trung Quốc.
Đối với các nước Đông Nam Á, chuyến thăm cho thấy giá trị của sự ổn định và nhu cầu hợp tác của các bên. Những điều này sẽ tạo nên mảnh ghép quan trọng trong bức tranh tổng thể đang hình thành của trật tự khu vực và toàn cầu.
Tại cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ vui mừng khi thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, đồng thời thay mặt Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc nhiệt liệt chúc mừng Việt Nam kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 80 năm Ngày thành lập nước và 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; khẳng định Trung Quốc kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam, luôn coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng, luôn ủng hộ Việt Nam phát triển phồn vinh, nhân dân hạnh phúc. |
Chuyến thăm lần này đặc biệt hơn bởi việc ký kết số lượng lớn văn kiện hợp tác, bao gồm các lĩnh vực có giá trị chiến lược như đường sắt, thương mại, nông nghiệp, khoa học - công nghệ, kinh tế số.
Điều này chứng tỏ Trung Quốc và 3 nước Đông Nam Á đang hướng tới một mối quan hệ kinh tế - thương mại mở rộng về quy mô, đi vào chiều sâu về chất lượng, thực chất chứ không chỉ là trên văn bản.
Sau cùng, chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á mang hàm ý chiến lược toàn cầu, cũng như truyền tải tín hiệu đến cộng đồng quốc tế rằng, Trung Quốc đang là một đối tác phát triển chủ động và có khả năng “dẫn dắt sự thịnh vượng của khu vực” trong bối cảnh trật tự thế giới đang tái định hình.
Đồng thời là sự khẳng định ưu tiên chiến lược của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á, nhất là đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nơi đang nỗ lực duy trì ổn định cục diện khu vực trước sự gia tăng hiện diện của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ.
Đối với Việt Nam, đây là lần thứ năm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thực hiện chuyến thăm chính thức. Điều đáng chú ý là kết quả của mỗi chuyến thăm đều đánh dấu nấc thang mới trong quan hệ song phương: từ việc khẳng định vị thế đặc biệt của Việt Nam (năm 2011), nâng tầm quan hệ đối tác (năm 2015), kết nối chiến lược phát triển (năm 2017), thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai (năm 2023) đến việc tìm kiếm không gian phát triển mới hiện nay (năm 2025).
Mặt khác, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn, nhất là cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc đang nỗ lực điều chỉnh lại các tuyến đường thương mại truyền thống, đồng thời tìm cách giảm thiểu rủi ro từ việc các tập đoàn đa quốc gia có xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc, Việt Nam nổi lên như điểm sáng về sản xuất trong khu vực, là một mắt xích quan trọng cần được kết nối chặt chẽ.
Chính vì vậy, Trung Quốc đẩy mạnh các dự án hạ tầng liên kết như đường sắt xuyên biên giới, các khu hợp tác kinh tế vùng biên nhằm tạo điều kiện cho dòng chảy thương mại, đầu tư không bị gián đoạn.
Có thể thấy, chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình được đánh giá là một bước đi chiến lược, đa mục tiêu. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng phức tạp giữa các cường quốc, vai trò của các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam nổi lên như một đối tác linh hoạt, độc lập và được đặt ở trung tâm trong tính toán lợi ích chiến lược của những nước lớn.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với các nước Đông Nam Á đó là việc duy trì chính sách đối ngoại cân bằng giữa các bên để không rơi vào thế bị kẹt trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc. Các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, cần khéo léo, linh hoạt trong triển khai chính sách đối ngoại với các nước lớn để không bị cuốn vào các tranh chấp thương mại, cũng như cạnh tranh địa - chính trị tại khu vực./.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
MỚI NHẤT
Các bài cũ hơn


