Tàn dư sau 20 năm cuộc chiến tranh Iraq
Nguyễn Quang Khai
20 năm trước, liên minh do Mỹ dẫn đầu đã lật đổ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein và kiểm soát các thành phố lớn của Iraq. Một chính phủ mới được lập ra, nhưng làn sóng bạo lực và những vụ đánh bom của các phần tử khủng bố diễn ra triền miên đã tàn phá đất nước Iraq. 20 năm sau, Thủ đô Baghdad của Iraq giờ đây rất khác. Những làn sóng bạo lực và những vụ đánh bom tuy không còn diễn ra nhưng đất nước này vẫn còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn bởi sự đối đầu giữa các phe phái, tình trạng tham nhũng và nghèo đói, mâu thuẫn chính trị và tôn giáo vẫn tồn tại, cản trở sự phát triển của đất nước, khiến Iraq trở thành quốc gia duy nhất có trình độ phát triển thấp trong một khu vực sở hữu nguồn tài nguyên giàu có là dầu mỏ.
Chi phí và thiệt hại của cuộc chiến
Đối với Mỹ, theo báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), chi phí dài hạn cho toàn bộ cuộc chiến Iraq lên tới khoảng 2.400 tỷ USD, trong đó 1.900 tỷ USD được chi trực tiếp cho các hoạt động quân sự, tương đương 6.300 USD cho mỗi công dân Mỹ.
Giáo sư Joseph Stiglitz - nhà kinh tế học người Mỹ tại Đại học Columbia (Mỹ), người được tặng Giải thưởng Nobel về Khoa học kinh tế - đã tính toán tổng chi phí của Mỹ cho chiến tranh Iraq là hơn 3.000 tỷ USD. Con số này không chỉ bao gồm chi phí cho cuộc chiến, mà còn cả chi tiêu cho Phái bộ ngoại giao của Mỹ tại Thủ đô Baghdad, chi phi y tế để chăm sóc các cựu chiến binh và lãi suất của số tiền mà Mỹ vay để chi trả cho toàn bộ cuộc chiến.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, tính đến khi Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Iraq (tháng 12-2011), số lượng lính Mỹ bị tử trận lên tới 4.487 người và bị thương là 32.000 người, bên cạnh đó còn có 238 binh sĩ của các nước khác tham gia liên quân bị thiệt mạng. Bộ Lao động Mỹ xác nhận, có hơn 3.000 nhà thầu Mỹ và hơn 1.500 nhà thầu nước ngoài bị thiệt mạng tại Iraq. Nhiều người sống sót, nhưng mang những “vết sẹo” về thể chất và tinh thần. Nhiều người Mỹ thừa nhận rằng, đất nước họ đã mắc sai lầm khi phát động cuộc chiến vào 20 năm trước.
Đối với Iraq, theo con số khảo sát của Tổ chức Sức khỏe gia đình Iraq, đã có tới 1.033.000 người Iraq bị chết trong cuộc chiến của Mỹ cùng các cuộc xung đột sắc tộc khác. Còn Dự án Thiệt hại chiến tranh của Đại học Brown (Mỹ) cho biết, khoảng 200.000 dân thường Iraq đã thiệt mạng dưới tay quân lính Mỹ, tổ chức Al-Qaeda, quân nổi dậy Iraq hoặc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS); và có khoảng 45.000 thành viên của quân đội và cảnh sát Iraq cùng ít nhất 35.000 quân nổi dậy Iraq cũng thiệt mạng, cùng hàng chục nghìn người khác bị thương.
Năm 2015, trong cuộc trả lời phỏng vấn Hãng tin CNN, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã thừa nhận và xin lỗi về các sai lầm trong cuộc chiến Iraq. Cựu Tổng thống Mỹ George Bush cho biết, các thông tin của Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) thu được đã bị làm sai lệch, Iraq không có vũ khí hủy diệt hàng loạt. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đã coi việc ông khẳng định Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt trong phát biểu tại Liên hợp quốc năm 2003 là một “vết nhơ” trong cuộc đời ngoại giao của ông. |
Hậu quả của cuộc chiến
Cuộc chiến của Mỹ tại Iraq 20 năm trước đã để lại những hậu quả lâu dài và sâu rộng đối với toàn bộ khu vực Trung Đông. Chế độ của Tổng thống Saddam Hussein sụp đổ gây ra xung đột giữa người Shiite, người Sunni, Kurd và các nhóm sắc tộc khác vốn đang chung sống hòa thuận. Bên cạnh đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, gây ra phản ứng dây chuyền về các cuộc khủng hoảng nhà nước ở một số quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi, đỉnh cao là bùng nổ phong trào “Mùa xuân Arab” năm 2010.
Cuộc chiến tranh Iraq để lại hậu quả hết sức nặng nề đối với đất nước Trung Đông này. 20 năm trôi qua, người dân Iraq vẫn phải trả giá cho cuộc chiến này. Đến nay, Iraq vẫn không có hòa bình, dân chủ, thịnh vượng, đất nước chìm trong bất ổn, xung đột giữa các phe phái và nạn tham nhũng tràn lan.
Kể từ năm 2006 trở đi, Iraq rơi vào thời kỳ đen tối chưa từng có của bạo lực giáo phái khủng khiếp. Sau khi Mỹ rút quân khỏi Iraq, năm 2013, các lực lượng khủng bố bắt đầu nổi dậy, đánh chiếm những vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền Bắc Iraq và một phần lãnh thổ Syria, tuyên bố thành lập IS, lấy thành phố Mosul làm thủ đô. Luật Sharia - một bộ luật và các quy tắc trong đời sống hằng ngày của người Hồi giáo - nghiêm ngặt được áp đặt trên tất cả các vùng lãnh thổ mà IS kiểm soát, buộc hàng chục nghìn dân thường vô tội phải bỏ nhà cửa sang các nước láng giềng tị nạn.
Ngày nay, Iraq vẫn là một trong những nơi bạo lực hoành hành nhất trên thế giới. Kể từ khi IS bị đánh bại khỏi thành phố Mosul (tháng 7-2017) cho đến nay, hơn 10.000 dân thường đã thiệt mạng trên khắp đất nước Iraq. Trước khi cuộc chiến nổ ra, người dân Iraq được sống trong khung cảnh hòa bình, ổn định, không có bất kỳ tổ chức khủng bố nào. Nhưng đến giữa năm 2014, khoảng 1/3 đất nước đã rơi vào tay của các lực lượng khủng bố. Ngày nay, mặc dù đã bị đánh bại, nhưng các tổ chức khủng bố vẫn là mối đe dọa lớn đối với Iraq và khu vực Trung Đông.
Bên cạnh đó, nạn tham nhũng tràn lan cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Năm 2021, tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Iraq tăng vọt, đạt khoảng 390 tỷ USD nhờ nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ, đưa Iraq trở thành nền kinh tế lớn thứ 50 trên thế giới. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Iraq Barham Salih cho biết, kể từ năm 2003 đến nay, nạn tham nhũng đã khiến 150 tỷ USD của Iraq bị thất thoát. Năm 2022, Iraq xếp thứ 157 trong số 180 quốc gia về chỉ số tham nhũng hằng năm theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế.
Năm 2022, Iraq bị xếp vào nhóm nước có thu nhập trung bình kém nhất trên thế giới và đứng ở vị trí thứ 115 trong số 163 quốc gia về tiến độ đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Iraq là một trong những nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, nhưng lại có đến 1/3 dân số, tức là khoảng 15 triệu người dân Iraq vẫn sống dưới mức nghèo khổ. Đến nay, Iraq vẫn ở trong tình trạng thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt, hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe còn nhiều thiếu thốn.
Michael Hirsh - nhà bình luận về chính sách đối ngoại - viết trên Tờ Foreign Policy, số ra ngày 17-3-2023 rằng: “20 năm trôi qua, chiến tranh vẫn định hình chính sách đối ngoại của Mỹ theo hướng tồi tệ hơn. Bài học lịch sử rút ra từ cuộc chiến Iraq là không thể chỉ dựa trên tiền bạc và sức mạnh của một siêu cường mà có thể thay đổi được kết quả trên thực địa nếu không có một chính phủ hợp pháp tại chỗ”./.