21/09/2024 | 08:18 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2024: Bước ngoặt cho nền chính trị mới của châu Âu

Phạm Thị Lan Hương* - Trần Ngọc Ninh**
* Ban Đối ngoại Trung ương - ** Học viện Ngoại giao
Bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2024: Bước ngoặt cho nền chính trị mới của châu Âu Cử tri bỏ phiếu bầu cử Nghị viện châu Âu ở Baarle-Nassau, Hà Lan, ngày 6-6-2024_Ảnh: AFP/TTXVN
Từ ngày 6 đến ngày 9-6-2024, hơn 400 triệu cử tri tại 27 nước thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu để bầu chọn 720 đại biểu của Nghị viện châu Âu (EP) cho nhiệm kỳ 2024 - 2029. Theo kết quả sơ bộ công bố ngày 10-6, các đảng cực hữu đã giành được thắng lợi đáng kể, nhất là ở những quốc gia được phân bổ số ghế lớn như Đức và Pháp. Điều này phần nào cho thấy diện mạo chính trị châu Âu sẽ có những thay đổi trong ít nhất 5 năm tới.

Bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2024 diễn ra trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraina kéo dài, sự mở rộng của các lực lượng cực hữu ở châu Âu, cuộc khủng hoảng người nhập cư mới và nền kinh tế châu Âu phục hồi chậm chạp. 

Do vậy, cuộc bầu cử lần này nhận được nhiều sự quan tâm nhất ở châu Âu trong những thập niên gần đây. Các học giả đánh giá, cuộc bầu cử này là cuộc đấu chính trị xoay quanh sự sống còn của mô hình EU hiện tại, đồng thời là phép thử đối với các đảng phái châu Âu trước thềm cuộc bầu cử của quốc gia và được coi là cuộc bầu cử then chốt quyết định hướng phát triển của EU trong những năm tới.

Trong cuộc bầu cử lần này, số ghế tại EP được nâng từ 705 lên 720 ghế, phản ánh sự thay đổi trong cơ cấu dân số của các nước thành viên. 

Theo kết quả sơ bộ được công bố ngày 10-6, Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) được 189 ghế (tăng 10 ghế so với năm 2019), chiếm 26,25%; Liên minh Chủ nghĩa xã hội và dân chủ (S&D) được 135 ghế (giảm 4 ghế so với năm 2019), chiếm 18,75%; Đảng Đổi mới châu Âu (RE) được 83 ghế (giảm 18 ghế so với năm 2019), chiếm 11,53%; Đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu được 73 ghế (tăng 4 ghế so với năm 2019), chiếm 10%; nhóm Bản sắc và Dân chủ được 58 ghế (tăng 9 ghế so với năm 2019), chiếm 8,06%; Đảng Xanh/Liên minh tự do châu Âu được 53 ghế (giảm 18 ghế so với năm 2019), chiếm 4,86%; các thành viên không liên kết (NI) được 43 ghế (giảm 17 ghế so với năm 2019), chiếm 6,25%; các thành viên khác được 50 ghế, chiếm 6,94%.

Tác động đến chính sách EU trong thời gian tới

Trước cuộc bầu cử, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhiều lần cảnh báo châu Âu trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Ông còn tuyên bố rằng, EU đang trải qua một cuộc khủng hoảng dân chủ; thậm chí châu Âu có thể bị lụi tàn. 

Bản thân châu Âu hiện phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng cả bên trong lẫn bên ngoài. Bên ngoài là cuộc xung đột Nga - Ukraina kéo dài đã đặt ra những thách thức mới đối với an ninh châu Âu. 

Bên trong là mâu thuẫn giữa các quốc gia thành viên EU, giữa các quốc gia thành viên và các thể chế EU, giữa các nước Tây Âu với các nước Trung và Đông Âu ngày càng gia tăng, khiến EU dần bị chia rẽ. 

Tổ chức tư vấn châu Âu từng nhận định, tương lai của EU sẽ phải đối mặt với 3 nguy cơ lớn: một là, sự mở rộng của lực lượng cực hữu; hai là, tình hình địa - chính trị đang ngày càng trở nên xấu đi, trong đó xung đột Nga - Ukraina tác động mạnh mẽ đến tình hình an ninh ở châu Âu; ba là, những khó khăn trong phát triển kinh tế khiến triển vọng phát triển kinh tế trở nên ảm đạm.

Nghị viện châu Âu là một trong 7 cơ quan trực thuộc Liên minh châu Âu và là cơ quan duy nhất do cử tri châu Âu trực tiếp bầu ra. Bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra 5 năm một lần. Toàn bộ đảng phái chính trị ở 27 nước thành viên EU đều được tham gia tranh cử.

Kết quả bầu cử lần này đã làm gián đoạn nghiêm trọng nền chính trị ở một số quốc gia châu Âu. Ngay sau khi kết quả sơ bộ được công bố, Tổng thống Pháp E. Macron tuyên bố giải tán Quốc hội, kêu gọi tổ chức bầu cử trước thời hạn. 

Trong khi đó, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo tuyên bố từ chức ngay sau khi đảng của ông chịu thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử; Đảng Dân chủ xã hội của Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng nhận kết quả tồi tệ chưa từng có.

Tuy phe cực hữu của châu Âu chưa thể đạt được đa số ghế, nhưng vẫn được cho là một kết quả thành công trong cuộc bầu cử lần này, đặc biệt là việc có được số phiếu cao nhất ở các quốc gia là Pháp, Italia, Áo và số phiếu cao thứ hai ở Đức. 

Một số chuyên gia nhận định, các lực lượng cực hữu là những người chống nhập cư, có xu hướng dân túy, và điều này sẽ mang lại sự bất ổn lớn cho tương lai khu vực. 

Cùng với đó, EU sẽ có nhiều thay đổi về chính sách trong 5 năm tới, chẳng hạn như giảm thiểu việc tập trung vào các vấn đề môi trường, tăng cường tập trung vào sản xuất, nông nghiệp và an ninh, có quan điểm cứng rắn với vấn đề nhập cư; đồng thời sẽ đối mặt với thách thức trong triển khai Thỏa thuận xanh (EU cam kết thực hiện giảm 90% lượng khí thải nhà kính vào năm 2040), trong việc đạt được thỏa thuận liên quan đến xung đột Nga - Ukraina...

Bên cạnh đó, các chuyên gia dự báo, kết quả này khiến việc thông qua các dự luật chung của châu Âu sẽ trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, theo Trưởng Văn phòng đại diện Hãng thông tấn TASS (Nga) tại Bỉ, mặc dù phe cánh hữu trỗi dậy và gia tăng ở một số ghế trong EP, nhưng sẽ không làm thay đổi quá nhiều chính sách đối nội, đối ngoại của châu Âu trong thời gian tới. 

Do EP không có vai trò quyết định trong việc hoạch định chủ trương, chính sách của EU, mà tất cả đều được xác định bởi Ủy ban châu Âu (EC) và Hội đồng châu Âu. Các đảng cánh hữu chỉ sử dụng “cánh hữu” để tranh giành quyền lực, nhưng khi lên nắm quyền, quan điểm của họ vẫn sẽ có những điều chỉnh, thay đổi chiến lược đối với các đối tác liên minh.

Một số chuyên gia khác cho rằng, các chính trị gia cực hữu sẽ tham gia các vị trí ở các ủy ban của EP, nhưng lực lượng chính sẽ vẫn nắm giữ quyền lực ở các vị trí quan trọng. Trong khi đó, một số học giả Nga nhận định, chính sách của châu Âu với Nga và với xung đột Nga - Ukraina sẽ không phụ thuộc vào lá phiếu của các chính trị gia thuộc các đảng phái phân bổ trong EP, mà phụ thuộc vào quan điểm, lập trường của các quốc gia quan trọng trong EU, như Pháp, Đức...

Sau cuộc bầu cử EP năm 2024, tiếng nói của chủ nghĩa dân túy châu Âu, đặc biệt là phe cực hữu đã lớn hơn bất kỳ lúc nào kể từ cuộc bầu cử EP trực tiếp đầu tiên (năm 1979). Hiện nay, sự ủng hộ dành cho các đảng chính trị chính thống của châu Âu đang giảm sút, ủng hộ phe cực hữu tăng dần lên, khiến hệ thống đảng phái châu Âu đã và đang phân mảnh, và sẽ còn phân mảnh hơn nữa ở cấp độ quốc gia và trong toàn khối EU. 

Bên cạnh đó, nhiều người lo ngại kết quả này sẽ làm đảo ngược quá trình hội nhập châu Âu. Kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc (năm 1945), châu Âu đã đi theo con đường nhất thể hóa. Trong vài thập niên qua, tiến trình nhất thể hóa châu Âu đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, như việc tạo ra thị trường chung thống nhất và phát hành đồng tiền chung châu Âu (đồng euro). 

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự xuất hiện các cuộc khủng hoảng nhập cư, khủng hoảng lạm phát và xung đột địa - chính trị, chủ nghĩa hoài nghi châu Âu,... đã đặt ra hàng loạt thách thức đối với tiến trình này.

Nhiều chuyên gia nhận định, cuộc bầu cử này không chỉ tác động đến các nước châu Âu mà còn ảnh hưởng đến các quốc gia khác ngoài châu Âu, trong đó có cả Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở các lĩnh vực như thương mại, phát triển bền vững, môi trường và nhập cư. 

Thứ nhất, xu hướng chủ nghĩa dân tộc gia tăng có thể đồng nghĩa với việc EU ít có xu hướng hỗ trợ hợp tác với khu vực Đông Nam Á. Mặc dù các nước ASEAN hiện quan tâm mở rộng quan hệ kinh tế với EU, nhưng nếu các nhà lãnh đạo cực hữu không “mặn mà” với chiến lược này sẽ làm quá trình gặp nhiều bất lợi, khó khăn. 

Thứ hai, phe cực hữu chống lại các chính sách chuyển đổi xanh của EU. Trong khi đó, các nước Đông Nam Á đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn tài trợ của EU cho các chính sách chuyển đổi xanh. Việt Nam và Indonesia đã ký kết thỏa thuận tham gia các Chương trình chuyển đổi năng lượng công bằng - sáng kiến do G-7 dẫn đầu với sự tham gia của EU và một số quốc gia châu Âu. 

Theo đó, chương trình sẽ cung cấp hơn 20 tỷ euro cho những khoản vay ưu đãi và đầu tư để tài trợ cho các chương trình nghị sự xanh ở các quốc gia Đông Nam Á, như việc EU hỗ trợ tài chính cho Philippines trong các dự án liên quan đến biến đổi khí hậu.

Có thể nói, chiến thắng của lực lượng cực hữu vẫn sẽ tiếp tục tạo ra các dư chấn chính trị trong thời gian tới và sẽ có những cải tổ chính trị tại nhiều quốc gia. Phiên họp đầu tiên của EP trong tháng 7-2024 sẽ tiếp tục định hình tương lai cho các chính sách của châu Âu./.

26 June 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 Sau