21/02/2025 | 02:52 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời kỳ Tổng thống Donald Trump “phiên bản 2.0”: “Đi cùng nhau hay bước một mình”?

Anh Thư
Chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời kỳ Tổng thống Donald Trump “phiên bản 2.0”: “Đi cùng nhau hay bước một mình”? Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh Mỹ sẽ rời khỏi Tổ chức Y tế thế giới, ngày 20-1-2025_Ảnh: Reuters/TTXVN
Việc ông Donald Trump tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 Tổng thống Mỹ, chính thức bước vào Nhà Trắng ngày 20-1-2025, đồng nghĩa với sự trở lại mạnh mẽ của chính sách đối ngoại “nước Mỹ trên hết”, báo hiệu khả năng siêu cường số 1 thế giới sẽ chuyển mạnh sang hướng “bảo hộ” hơn. Mặc dù khoảng cách giữa những lời hứa trong chiến dịch tranh cử và những điều có thể thực hiện trong nhiệm kỳ tổng thống vẫn còn là một ẩn số, nhưng chắc chắn, chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ D. Trump sẽ có tác động sâu rộng tới nước Mỹ và thế giới.

Chấm dứt xung đột có trở thành hiện thực?

Tổng thống D. Trump bước vào Nhà Trắng lần thứ 2 trong bối cảnh xung đột gay gắt vẫn tiếp diễn tại nhiều nơi trên thế giới, cùng với đó là tình hình kinh tế khó khăn, ảnh hưởng đến cuộc sống và tâm lý của người dân Mỹ. Nhiều ý kiến cho rằng, việc cử tri Mỹ bỏ phiếu bầu cho ông D. Trump là do những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông (2017 - 2021) và kỳ vọng một sự thay đổi - điều mà ông D. Trump cam kết lúc tranh cử. 

Không chỉ người dân Mỹ, cộng đồng quốc tế cũng đặc biệt quan tâm đến khả năng Tổng thống D. Trump có thể nhanh chóng giải quyết các điểm nóng xung đột. Do đó, một nội dung quan trọng trong chính sách đối ngoại dưới thời kỳ Tổng thống D. Trump 2.0 là lời hứa chấm dứt “những cuộc chiến tranh bất tận”, đồng thời khẳng định hình ảnh ông D. Trump - một “người gìn giữ hòa bình”.

Đối với cuộc xung đột Nga - Ukraina, ông D. Trump có những phát biểu mạnh mẽ, tuy nhiên, cho đến nay ông chưa ra phương án rõ ràng nào để có thể thực hiện lời hứa chấm dứt cuộc xung đột này. Tổng thống D. Trump đã bổ nhiệm đặc phái viên hòa bình về vấn đề Nga - Ukraina, cũng như đưa ra một số kịch bản giải quyết, như tạm dừng việc kết nạp Ukraina vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hay đóng băng xung đột với một thỏa thuận ngừng bắn. 

Động thái được cho là khá bất ngờ khi ông D. Trump ra lệnh xem xét toàn diện mọi khoản viện trợ nước ngoài, trong đó có viện trợ cho Ukraina và đóng băng các khoản viện trợ đó trong vòng 90 ngày. 

Trong khi đó, theo báo The Independent (Anh), có tới 40% nhu cầu quân sự của Ukraina phụ thuộc vào Mỹ. Như vậy, gánh nặng trợ giúp Ukraina có thể sẽ dồn sang Liên minh châu Âu (EU), một điều mà EU chắc hẳn không đồng thuận. 

Đối với NATO, Mỹ vẫn duy trì vị thế gây sức ép để các đồng minh phải ngồi vào bàn đàm phán cho cuộc xung đột Nga - Ukraina. Trong khi đó, đối với Nga, Tổng thống D. Trump từng nhấn mạnh đến mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

Trên thực tế, trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống D. Trump, đã từng có lúc quan hệ Mỹ - Nga hứa hẹn một tương lai nồng ấm, khi ông và người đồng cấp Nga thường dành cho nhau những lời “có cánh”. Tổng thống D. Trump đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga và nhiều khả năng sẽ thực hiện cuộc gặp mặt trực tiếp trong 100 ngày đầu tiên nắm quyền. 

Như vậy, câu hỏi đặt ra là, liệu mối quan hệ “đã từng” đó có tạo thêm lợi thế cho Nga trong bối cảnh hiện nay và liệu Tổng thống D. Trump có khả năng đạt được thỏa thuận với Tổng thống V. Putin, đồng thời Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky có phải nhượng bộ nhiều trên bàn đàm phán?

Còn tại khu vực Trung Đông, triển vọng hòa bình ở Dải Gaza dường như khả quan hơn. Ông D. Trump có thể sẽ gây áp lực để các bên liên quan tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza và trao đổi con tin đã đạt được vào ngày 19 -1-2025. Tuy nhiên, trên thực tế, Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ vẫn là người “bạn thân thiết” của Israel. 

Năm 2018, ông D. Trump đã chuyển Đại sứ quán Mỹ từ thành phố Tel Aviv (Israel) đến Thủ đô Jerusalem (Israel) - một động thái được coi là “mốc son lịch sử” đối với Israel, nhưng lại “phủ bóng đen” lên tiến trình hòa bình Trung Đông. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống D. Trump ngay sau đó đã lập tức “xoa dịu” dư luận khi đứng ra làm trung gian cho Hiệp định Abraham nhằm chính thức hóa quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa Israel và một số quốc gia Arab. 

Chính vì vậy, nhiều ý kiến dự đoán, Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ và cung cấp vũ khí cho Israel, dẫn đến những chiến dịch quân sự tàn khốc hơn, đi ngược lại cam kết hòa bình của ông D. Trump và giải pháp căn cơ “hai nhà nước” sẽ khó trở thành hiện thực. 

Ngoài ra, ông D. Trump có thể sẽ tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn đối với Iran, bao gồm cả lệnh trừng phạt hoặc hành động quân sự. Trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ trước đây, ông D. Trump đã đưa Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. 

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu chính sách quốc tế Nancy Okail quan ngại xung đột ở Trung Đông đã “âm ỉ” và chính quyền Tổng thống D. Trump 2.0 “có thể thúc đẩy sự bùng nổ”. Liệu trong nhiệm kỳ mới này của Tổng thống D. Trump, sự bi quan trên có trở thành hiện thực? Trung Đông có tránh xa được bờ vực “chiến tranh toàn diện” tiếp tục là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Thương mại - “nước Mỹ trên hết”

Chính sách đối ngoại của Tổng thống D. Trump chủ yếu xoay quanh khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết”. Để đạt được mục tiêu này, các giá trị như “vị thế toàn cầu của Mỹ” hay “kỳ vọng quốc tế” về vai trò của Mỹ,... bị coi là “trừu tượng” và có thể sẽ phải nhường chỗ cho những lợi ích kinh tế thiết thực. 

Theo đó, Mỹ sẽ chuyển trọng tâm sang chủ nghĩa bảo hộ, giảm bớt cam kết có khả năng đe dọa nguồn lực của Mỹ, đưa hoạt động sản xuất trở lại trong nước. Qua những tuyên bố của mình, cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục và ông D. Trump gần như chắc chắn sẽ tập trung chính sách đối ngoại đối với Trung Quốc vào vấn đề kinh tế - thương mại, áp dụng lập trường cứng rắn hơn, bao gồm áp dụng mức thuế quan cao hơn (có thể lên tới 60%), cạnh tranh gay gắt hơn trong các công nghệ quan trọng và mới nổi, cũng như tận dụng các liên minh như “Tứ giác kim cương” (QUAD) và quan hệ hợp tác ba bên với Nhật Bản, Australia.

Không chỉ Trung Quốc mà cả các đối tác, như EU hay Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), được dự báo sẽ đối mặt với những khó khăn ngày càng gia tăng trong việc tiếp cận thị trường Mỹ, với mức thuế toàn diện 10% cho tất cả mặt hàng. 

Điều này có khả năng ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và khiến mối quan hệ thương mại giữa Mỹ với các đối tác chính trở nên căng thẳng hơn. Chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ cũng có thể ảnh hưởng đến những doanh nghiệp tư nhân, làm giảm nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ vào khu vực Đông Nam Á - điều vốn đang đóng vai trò duy trì quan hệ kinh tế hai bên.

Theo Tổ chức nghiên cứu và tư vấn Solace Global, chính sách đối ngoại 2.0 của Tổng thống D. Trump bao gồm 4 khía cạnh vừa liên quan, vừa mâu thuẫn lẫn nhau: 1- Nước Mỹ trên hết: ưu tiên tuyệt đối cho nước Mỹ, đáp ứng các nhu cầu trong nước; giảm chi phí và trách nhiệm trong một số cơ chế đa phương và chính sách can thiệp ở nước ngoài; 2- Cứng rắn (Hawkish policy) có chọn lọc: tiếp cận cứng rắn hơn và can thiệp nhiều hơn, mạnh mẽ hơn đối với các thách thức quốc tế cụ thể; 3- Ngoại giao giao dịch: tận dụng sự phụ thuộc của các quốc gia vào Mỹ trong bảo đảm an ninh và quyền lực để đạt được lợi ích và buộc các quốc gia phải tuân thủ; 4- Khó đoán định: một nhóm cố vấn và quan chức được bổ nhiệm có các quan điểm đa dạng đối với chính sách đối ngoại.

Ngoài ra, với những tuyên bố, như đưa nước Mỹ dẫn đầu trở lại về kinh tế với những dự án mở rộng mạnh mẽ nhiên liệu hóa thạch, Tổng thống D. Trump sẽ tập trung vào kế hoạch độc lập năng lượng, nhằm định vị Mỹ là nước xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới.

Ngay trong ngày đầu nhiệm kỳ thứ 2, ông D. Trump đã ký lệnh hủy bỏ quy định về việc cấm khai thác dầu khí ở một số khu vực Bắc Cực và vùng ven bờ của Mỹ, đồng thời tuyên bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng, từ đó đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các kết cấu hạ tầng nhiên liệu hóa thạch mới.

Đồng thời, Mỹ có thể áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran hay Nga - những cường quốc năng lượng để gia tăng vị thế thống trị trong lĩnh vực này. Kế hoạch đó có thể sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và châu Âu phải chuyển hướng sang nhập khẩu năng lượng từ Mỹ với giá đắt hơn.

Đối ngoại D. Trump 2.0: Một “kỷ nguyên” không dễ đoán định

Tổng thống D. Trump từng nhiều lần bày tỏ quan điểm, các tổ chức quốc tế, như Liên hợp quốc, NATO đã không còn hoạt động hiệu quả, đồng thời đe dọa Mỹ sẽ rút khỏi các hiệp định hợp tác đa phương. Ngay trong ngày đầu nhiệm kỳ mới, ông D. Trump đã ký khoảng 100 sắc lệnh, trong đó có việc rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về khí hậu. 

Ông D. Trump cũng tuyên bố Mỹ sẽ rời Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào ngày 22-1-2026 và chấm dứt mọi khoản đóng góp về tài chính. Đối với NATO, Tổng thống Mỹ yêu cầu các thành viên khác của liên minh này tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) so với mục tiêu hiện tại là 2%, với lý do Mỹ phải chi tiêu nhiều để bảo vệ các thành viên NATO, trong khi Mỹ không được các thành viên NATO bảo vệ. 

Quan điểm cứng rắn này làm dấy lên mối quan ngại của các nước thành viên NATO về mức độ bảo đảm an ninh và sự hỗ trợ từ Mỹ. Đối với EU, liên minh này được cho là “có nhiều thứ để mất”, đặc biệt về kinh tế. Thậm chí nhiều nhà phân tích từng đề cập đến cơ chế G-6, mà không phải là G-7 như trước đây. Đối với hợp tác tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, dường như Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) sẽ trở nên suy yếu hơn, thậm chí bị xóa bỏ hoàn toàn. Việc Mỹ tái gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhiều khả năng không trở thành hiện thực.

Sự quan tâm của Mỹ đối với Biển Đông chỉ giới hạn trong chừng mực phục vụ cho lợi ích thiết thực của Mỹ. Còn tại khu vực Đông Nam Á, nếu chính quyền tiền nhiệm khá coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thì chính sách đối ngoại 2.0 của ông D. Trump có thể sẽ ưu tiên xu hướng triển khai các thỏa thuận thương mại song phương thay vì các hiệp định hợp tác đa phương. 

Thế nhưng, liệu Mỹ có dễ dàng chấp nhận để lại những “khoảng trống quyền lực” trong khu vực, ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ cũng là một ẩn số.

Nhìn chung, với tuyên ngôn “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống D. Trump về cơ bản sẽ được thúc đẩy bởi những gì được cho là tốt nhất đối với nước Mỹ. Cách tiếp cận quyết đoán đó sẽ tác động như thế nào đối với thế giới, khu vực và các liên minh do Mỹ đang dẫn dắt khó có được ngay câu trả lời. 

Song, thế giới sẽ phải chuẩn bị cho sự thay đổi và sẵn sàng ứng phó trước những bất ngờ. Nước Mỹ dưới thời kỳ của tổng thống thứ 47 sẽ tận dụng tối đa lợi thế siêu cường và tầm ảnh hưởng lớn đối với thế giới để nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia, “song phương” khi có thể, “đa phương” khi cần thiết, giành lợi ích tối đa cho nước Mỹ./.

15 February 2025
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 6 Sau