BRICS 15: Nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng trong một thế giới đầy biến động
Từ Anh TuấnCơ chế hợp tác của các nền kinh tế mới nổi
Ngày 16-6-2009, cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên diễn ra ở thành phố Yekaterinburg (Nga) đánh dấu sự ra đời chính thức của một lực lượng mới mang tên BRIC trên vũ đài quốc tế. Năm 2010, BRIC kết nạp thêm Nam Phi. Từ đó, BRIC chính thức đổi tên thành BRICS (là từ ghép bởi chữ cái của 5 nước thành viên, bao gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Các quốc gia thành viên BRICS có đặc điểm chung là dân số đông, diện tích rộng, tiềm lực quân sự hùng mạnh, chiếm 26% diện tích lãnh thổ toàn cầu và hơn 40% dân số thế giới (hơn 3 tỷ người). Đây cũng là những nền kinh tế đang nổi, có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Tất cả thành viên BRICS đều là thành viên Liên hợp quốc, trong đó Nga và Trung Quốc là những Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Không đơn thuần chỉ là tập hợp của một số quốc gia, BRICS còn là sự hội tụ của các quốc gia có thế mạnh trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Brazil có thế mạnh về nông nghiệp, Nga sở hữu nguồn năng lượng khổng lồ, Ấn Độ duy trì lợi thế về công nghệ thông tin, Trung Quốc nổi tiếng với danh hiệu công xưởng của thế giới và Nam Phi được xem là một trong những trung tâm tài chính lớn trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Một khả năng tương tác mạnh mẽ nội khối như vậy đã và đang đưa cơ chế từng bị nghi ngờ về sức mạnh khi mới ra đời, trở thành một diễn đàn có tiếng nói ngày càng lớn bên cạnh những thể chế, như: Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7) hay Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20).
Chính vì vậy, trong bối cảnh trật tự kinh tế thế giới đang thay đổi với tốc độ nhanh chóng, BRICS được các nước thành viên kỳ vọng sẽ tiếp tục nổi lên như một đại diện cho các quốc gia đang phát triển, củng cố hơn nữa hợp tác Nam - Nam. Không những thế, BRICS được xem là “bệ phóng” để mỗi nước thành viên nâng cao vị thế và ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Kể từ khi thành lập đến nay, BRICS đã tổ chức 14 hội nghị thượng đỉnh thường niên do các quốc gia thành viên lần lượt đăng cai và luân phiên tổ chức theo chu kỳ 2 năm/lần.
Là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, Việt Nam luôn sẵn sàng tham gia và đóng góp tích cực tại các cơ chế, tổ chức, diễn đàn đa phương toàn cầu và khu vực. Tại BRICS 15, Việt Nam là 1 trong số 71 quốc gia được nước chủ nhà Nam Phi mời tham dự hội nghị. Việt Nam luôn quan tâm theo dõi tiến trình thảo luận về mở rộng thành viên của BRICS. |
Ngày càng khẳng định vị thế
Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15, với chủ đề “BRICS và châu Phi: Quan hệ đối tác vì tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững và chủ nghĩa đa phương bao trùm”, các nhà lãnh đạo BRICS tập trung thảo luận và thông qua Tuyên bố Johannesburg trải rộng trên nhiều vấn đề. Cụ thể:
Về mở rộng thành viên, BRICS đạt đồng thuận kết nạp thêm 6 thành viên mới, bao gồm: Argentina, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), trong tổng số khoảng 20 nước chính thức nộp đơn xin gia nhập, nâng tổng số thành viên BRICS lên 11 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2024). Sự tham gia của các thành viên mới góp phần làm gia tăng đáng kể sức mạnh tổng hợp của BRICS. Theo số liệu thống kê, quy mô dân số của BRICS+6 sẽ chiếm tới 46,5% dân số thế giới và gần 40% nền kinh tế toàn cầu. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của BRICS hiện vượt GDP của G-7 và khoảng cách này được dự báo sẽ ngày càng lớn hơn vào năm 2024. GDP của BRICS+6 tính theo sức mua tương đương (PPP) sẽ vào khoảng 65.000 tỷ USD, đưa tỷ trọng của khối trong GDP toàn cầu tăng từ 31,5% hiện tại lên 37%. Trong khi đó, tỷ trọng GDP của G-7 hiện ở mức khoảng 29,9%. Ngoài ra, BRICS+6 sẽ chiếm gần 1/2 sản lượng lương thực của thế giới (G-7 là 19,1%) và chiếm khoảng 38,3% sản lượng công nghiệp toàn cầu, so với 30,5% của G-7.
Về chính trị, Tuyên bố Johannesburg khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với “chủ nghĩa đa phương bao trùm”, kiến tạo “trật tự thế giới thượng tôn pháp luật” trên cơ sở các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc; đề cao vai trò trung tâm của Liên hợp quốc nhưng kêu gọi cải tổ để Liên hợp quốc gia tăng tính dân chủ, tính đại diện và hiệu quả hơn. Tuyên bố bày tỏ quan ngại về tình hình xung đột bất ổn tại nhiều nơi trên thế giới, như Nga - Ukraina, các “điểm nóng” ở Trung Đông, châu Phi, mong muốn tìm ra giải pháp ổn định tình hình, bảo vệ nhân quyền, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, phản đối ngoại giao cưỡng ép, cường quyền.
Về kinh tế, nhất trí đẩy mạnh tiến trình phi đô-la hóa trong giao dịch nội khối; giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước thành viên BRICS nghiên cứu cơ chế, công cụ và nền tảng hỗ trợ thanh toán bằng các đồng nội tệ, báo cáo tại BRICS năm 2024; giao nhiệm vụ cho Nhóm Đặc trách về thanh toán đẩy nhanh việc nghiên cứu khả năng khớp nối, đồng bộ hóa các cơ chế thanh toán xuyên biên giới giữa các thành viên BRICS; đồng thời, kêu gọi các nước lớn giúp giải quyết vấn đề cơ cấu nợ cho các nước nghèo; đề nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) điều chỉnh hạn ngạch quyền rút tiền theo hướng ưu tiên hơn cho các nước đang phát triển.
Về phát triển bền vững, Tuyên bố khẳng định nhiệm vụ nòng cốt là ủng hộ và triển khai toàn diện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs), những cam kết tại các Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP); ghi nhận nhiều hoạt động hợp tác tích cực trong BRICS; cam kết tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về y tế, công nghệ dược, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, phòng chống thiên tai, phát triển giáo dục - đào tạo...; kêu gọi các nước phát triển giữ đúng cam kết huy động 100 tỷ USD/năm từ năm 2020 đến năm 2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về giao lưu nhân dân, hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội, Tuyên bố khẳng định BRICS sẽ đẩy mạnh toàn diện các mảng hợp tác giao lưu thanh niên, phụ nữ, học giả; mở rộng thêm các mảng hợp tác về thể thao, văn hóa - xã hội...
Về củng cố thể chế, do BRICS đang trong lộ trình tiếp tục thể chế hóa sâu rộng hơn, theo đó các nhà lãnh đạo BRICS giao Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên BRICS xây dựng tiêu chí đối tác và danh sách các đối tác tiềm năng của BRICS để trình trước Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2024; giao nhóm đặc trách “Sherpa” nghiên cứu định hướng biện pháp tăng cường thể chế hóa bộ máy và củng cố hiệu quả hợp tác của BRICS.
Nhìn chung, các nội dung trong Tuyên bố Johannesburg khá rộng, bao quát hầu hết các vấn đề an ninh và phát triển toàn cầu. Điều này cho thấy BRICS đang đẩy mạnh hướng tới một mô hình hội nhập toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội góp phần quan trọng vào giải quyết các thách thức toàn cầu.
Hàm ý và những tác động trong thế giới nhiều thay đổi
Sự thành công của BRICS năm 2023 mang theo nhiều hàm ý và tác động, thể hiện ở một số khía cạnh sau:
Thứ nhất, sự lớn mạnh của BRICS phản ánh một trật tự thế giới đang thay đổi. Từ chỗ chỉ là một tập hợp lực lượng 5 thành viên trong suốt hơn 1 thập niên, BRICS đang thay đổi cả về số lượng và chất lượng, nổi lên trở thành một tập hợp lực lượng duy nhất không có Mỹ tham gia, song vẫn đủ thu hút mạnh mẽ nhiều quốc gia quan tâm và mong muốn gia nhập. Đây được xem là minh chứng cho thấy Mỹ dường như không còn đóng vai trò dẫn dắt thế giới. Một trật tự đa cực, đa chủ thể đang trong quá trình định hình.
Thứ hai, sức mạnh tổng hợp quốc gia của Mỹ và phương Tây có sự suy giảm tương đối, nhất là về quyền lực mềm và khả năng chi phối, gây ảnh hưởng tới các nước vừa và nhỏ. Việc Saudi Arabia và UAE - những đồng minh truyền thống - cùng lựa chọn tham gia BRICS, cũng là dấu hiệu cho thấy Mỹ và phương Tây không còn được xem là “chỗ dựa” an toàn. Các nước vừa và nhỏ cần nhiều lựa chọn đa dạng hơn đối với an ninh và phát triển của quốc gia.
Thứ ba, sự gia tăng mối quan tâm đến BRICS của nhiều quốc gia trên thế giới phản ánh tâm thế đề cao tự chủ chiến lược của nhiều nước vừa và nhỏ. Xu hướng mới là nhiều nước không chọn bên mà chọn “chủ động trung lập” hoặc “đa liên kết” vì lợi ích quốc gia - dân tộc.
Thứ tư, BRICS tạo sức ép khiến Mỹ và các nước đồng minh phải nghiêm túc xem xét đáp ứng yêu cầu của các nước vừa và nhỏ trong việc cải cách những thể chế đa phương đã kém thích nghi với trật tự thế giới đang thay đổi cùng những thách thức an ninh phi truyền thống đang ngày càng diễn ra gay gắt hơn. BRICS đang đóng vai trò như một kênh mới để các nước vừa và nhỏ có thể phát huy tiếng nói trong quản trị toàn cầu, cũng như tạo thế đòn bẩy nhằm đối trọng với các thể chế cũ.
Thứ năm, BRICS có tiềm năng tạo thêm một lựa chọn giảm bớt các rủi ro về kinh tế và tài chính cho các nước vừa và nhỏ. Xu thế bất an đối với tình hình kinh tế thế giới và việc Mỹ “phi đô-la hóa” cũng là một lý do khiến nhiều nước vừa và nhỏ quan tâm hơn đến BRICS trong bối cảnh nền kinh tế thế giới trong thời gian dài vận hành trên cơ sở bản vị USD vốn tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Bên cạnh nhiều tiềm năng, BRICS cũng tồn tại không ít vấn đề cần giải quyết. Đó là, mức độ thể chế hóa của BRICS chưa cao, trình độ phát triển và thể chế chính trị giữa các nước còn có sự khác biệt. Các cặp quan hệ Nga - Trung Quốc, Trung Quốc - Ấn Độ vẫn tồn tại những mâu thuẫn tiềm tàng trong mục tiêu thúc đẩy BRICS. Việc mở rộng BRICS cũng dẫn đến nhiều sự khác biệt và đa dạng giữa các thành viên... Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, sự đa dạng về kinh tế và phân tán về mặt địa lý đang giúp BRICS hướng tới một viễn cảnh toàn cầu rộng khắp, với tầm ảnh hưởng ngày càng lớn hơn./.