21/11/2024 | 16:40 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Cục diện Trung Đông từ xung đột Hamas - Israel

Lê Xuân Thuận
Vụ Trung Đông - châu Phi - Mỹ Latinh, Ban Đối ngoại Trung ương
Cục diện Trung Đông từ xung đột Hamas - Israel Người dân Palestine rời khỏi thành phố Khan Younis (miền Nam Dải Gaza) khi lực lượng Israel ném bom các khu vực lân cận, ngày 30-1-2024_Ảnh: Reuters
Cuộc xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel bùng phát kể từ ngày 7-10-2023, đến nay đã kéo dài hơn 6 tháng. Xung đột leo thang, mở rộng không chỉ ở Dải Gaza, mà còn lan sang các khu vực khác tại Trung Đông, gây ra nhiều hệ lụy lâu dài. Tình hình chiến sự được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp và cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song với nỗ lực của cộng đồng quốc tế, có khả năng các bên sẽ đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời trong ngắn hạn.

Tình hình chiến sự

Cuộc xung đột hiện bước sang giai đoạn mới với ưu thế vượt trội nghiêng về Israel. Tại Dải Gaza - chiến trường chính của xung đột, Israel duy trì sự chủ động, tiến công cường độ thấp, tập trung vào các mục tiêu đầu não, quan trọng của lực lượng Hamas tại khu vực trung tâm và phía Nam Dải Gaza. 

Một mặt, nước này đẩy mạnh chính sách phong tỏa, chia cắt, cô lập Dải Gaza, duy trì sự hiện diện tại các cứ điểm chiến lược ở miền Bắc Dải Gaza, đồng thời gia tăng cô lập, bao vây và chuẩn bị tấn công trên bộ thành phố Rafah ở miền Nam; mặt khác, kiểm soát chặt chẽ giao thông và hoạt động cứu trợ nhân đạo. 

Trong khi đó, Hamas cùng các lực lượng dân quân Palestine tập trung phòng ngự, bảo toàn lực lượng, phối hợp với Hezbollah, Houthi và các lực lượng ủng hộ, tiến công ở khu vực phía Bắc và Nam Israel, cao nguyên Golan, Bờ Tây nhằm phân tán lực lượng của Israel.

Chiến sự leo thang kéo dài khiến tổn thất gia tăng đối với cả Israel, Hamas và Palestine, nhất là người dân tại Dải Gaza. Tính tới đầu tháng 4-2024, chiến sự đã khiến hơn 33.000 người ở Dải Gaza thiệt mạng và hơn 75.000 người bị thương. 

Theo Liên hợp quốc, khoảng 60% kết cấu hạ tầng tại Dải Gaza bị phá hủy, 85% dân số buộc phải rời bỏ nơi cư trú. Lương thực, nước uống, thuốc men thiếu thốn trầm trọng, giá cả leo thang. Thiệt hại kết cấu hạ tầng tại Dải Gaza ước khoảng 18,5 tỷ USD.

Israel và lực lượng Hamas chịu tổn thất ngày càng lớn, cả về kinh tế và nhân lực. Đối với Israel, kể từ khi chiến sự bùng phát, đã động viên 287.000 binh sĩ dự bị, đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng khiến thâm hụt ngân sách gia tăng từ 2,25% tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2023 lên 6,6% GDP năm 2024. 

Tính tới đầu tháng 4-2024, có 260 binh sĩ Israel bị thiệt mạng khi tham gia tác chiến tại Dải Gaza. Đối với lực lượng Hamas, một số lãnh đạo cấp cao và khoảng hơn 13.000 binh sĩ thiệt mạng. Các cơ sở trọng yếu tại phía Bắc Dải Gaza bị phá hủy.

Tác động toàn diện tới khu vực với những hệ lụy lâu dài

Thứ nhất, chiến sự mở rộng sang các nước láng giềng, nhất là khu vực miền Nam Lebanon và Nam Biển Đỏ, dẫn tới:

Gián đoạn vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ, giá cước vận chuyển tăng. Trong khi Hezbollah đẩy mạnh tấn công các mục tiêu quân sự của Israel ở phía Bắc Israel, lực lượng Houthi tăng cường các cuộc pháo kích, bắn rocket, sử dụng máy bay không người lái (UAV) tấn công các thành phố, căn cứ quân sự phía Nam Israel và các tàu phương Tây khi đi qua Biển Đỏ nhằm phản đối sự ủng hộ của phương Tây đối với Israel.

Tác động tiêu cực đến triển vọng giải quyết các điểm nóng khu vực. Các lực lượng đồng minh của Hamas, như Iran, Houthi, Hezbollah lên án Mỹ và phương Tây hậu thuẫn Israel gây bất ổn ở khu vực, nghi ngờ động cơ, thiện chí của Mỹ và phương Tây trong đàm phán, khiến triển vọng giải quyết các điểm nóng khu vực, như nội chiến ở Yemen, khủng hoảng chính trị ở Lebanon, vấn đề hạt nhân Iran,... tiếp tục rơi vào bế tắc.

Bất ổn, xung đột gia tăng tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố ở khu vực. Sau cuộc tấn công khủng bố đẫm máu tại Iran vào ngày 3-1-2024, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiếp tục thực hiện một cuộc tấn công gây thương vong lớn khác tại Nga, cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của IS, đe đọa an ninh khu vực và quốc tế. Ngày 24-3-2024, Đại sứ Mỹ tại Iraq nhận định IS vẫn là mối đe dọa với an ninh khu vực, đồng thời cho biết cuộc chiến tiêu diệt IS chưa hoàn tất.

Thứ hai, tập hợp lực lượng nước lớn tại khu vực thay đổi, với sự suy giảm tương đối vị thế, uy tín của Mỹ và phương Tây do cách tiếp cận “thiên vị” dành cho Israel và ảnh hưởng gia tăng của Nga và Trung Quốc.

Nhất quán mục tiêu tham gia giải quyết xung đột, bảo đảm an ninh tại khu vực Trung Đông, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden gia tăng can dự cả về chính trị, đối ngoại và viện trợ kinh tế, quân sự dành cho Israel. Bên cạnh đó, tích cực tham gia trung gian đàm phán ngừng bắn giữa Israel với lực lượng Hamas và giữa Israel với lực lượng Hezbollah. 

Liên minh hàng hải do Mỹ dẫn đầu tại Biển Đỏ tiếp tục duy trì các hoạt động tuần tra, giám sát, tấn công các căn cứ của lực lượng Houthi tại Yemen nhằm làm giảm nguồn lực quân sự của lực lượng này.

Tuy nhiên, sự ủng hộ của Mỹ và các nước phương Tây đối với Israel không chỉ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của các lực lượng ủng hộ Hamas, mà còn của các quốc gia vốn theo đuổi chính sách trung lập trước đó, bao gồm cả các đối tác, đồng minh thân cận của Mỹ tại khu vực, như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hay Qatar. 

Nhiều quốc gia lên án “tiêu chuẩn kép về dân chủ, nhân quyền” mà Mỹ đang thực hiện khi sẵn sàng sử dụng các biện pháp cứng rắn, cả về quân sự với các quốc gia mà Mỹ cho là vi phạm các giá trị dân chủ, nhân quyền, song lại “dung túng” cho hành động tấn công của Israel tại Dải Gaza.

Trong khi đó, cách tiếp cận có phần “cân bằng” hơn của Nga và Trung Quốc khi lên án hành động tấn công của Israel vào dân thường tại Dải Gaza, đồng thời thừa nhận vai trò quan trọng của lực lượng Hamas trong giải quyết xung đột, nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của các nước khu vực.

Thứ ba, xu hướng bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel và các nước Arab bị đẩy lùi, thậm chí gia tăng tính “thù địch” giữa cộng đồng Arab với chính quyền Israel.

Chiến sự leo thang với nhiều cuộc tấn công của Israel vào các cơ sở dân sự khiến chia rẽ địa - chính trị giữa Israel và các nước Arab ngày càng lớn. Tháng 1-2024, Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia tuyên bố nước này sẽ không bình thường hóa quan hệ với Israel nếu vấn đề Palestine chưa được giải quyết.

 Biểu tình phản đối quan hệ với Israel tại một số quốc gia Arab đã bình thường quan hệ với Israel, như Bahrain, Morocco, Jordan gia tăng. 

Các quốc gia, tổ chức khu vực, như Liên đoàn Arab, Ai Cập, Saudi Arabia, Qatar, Bahrain, UAE,... ngày càng lên án mạnh mẽ các hành động của Israel, yêu cầu Israel: 1- Chấm dứt mọi hành động đơn phương làm suy yếu triển vọng hòa bình công bằng, bao gồm xây dựng khu tái định cư tại khu vực còn tranh chấp, thay đổi hiện trạng lịch sử và pháp lý ở Jerusalem và các điểm linh thiêng Hồi giáo và Công giáo; 2- Tuân thủ lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza theo Nghị quyết số 2728, ngày 25-3-2024, của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; 3- Thực hiện giải pháp 2 nhà nước, trong đó thành lập Nhà nước Palestine độc lập như là giải pháp cốt lõi giải quyết xung đột hiện nay; 4- Chấm dứt cưỡng bức di dời người Palestine cũng như kế hoạch tấn công trên bộ của Israel vào thành phố Rafah. 

Trong khi đó, Iran, Syria đẩy mạnh lên án các hành động cực đoan, mang tính thù địch của chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, kêu gọi các nước Hồi giáo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel, thúc đẩy một mặt trận quốc tế cô lập Israel.

Triển vọng tình hình

Trong thời gian tới, cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến mới, theo chiều hướng phức tạp hơn, với sự đối đầu trực diện giữa một bên là Israel, một bên là lực lượng Hamas và đồng minh, tác động ngày càng sâu sắc tới cục diện khu vực. 

Israel nhiều khả năng sẽ triển khai chiến dịch tấn công bộ binh vào thành phố Rafah ở miền Nam Dải Gaza, nơi được cho là thành trì quân sự cuối cùng của Hamas. Theo thông tin tình báo từ các nước khu vực công bố, thời gian bắt đầu chiến dịch dự kiến nằm trong khoảng giữa tháng 4-2024 (thời điểm kết thúc tháng lễ Ramadan) tới đầu tháng 5-2024, diễn ra từ 4 đến 8 tuần với sự tham gia của các lực lượng bộ binh, thiết giáp, pháo binh và không quân yểm trợ. 

Lực lượng Hamas và đồng minh tuyên bố không chịu đầu hàng và sẽ đáp trả tương ứng, leo thang xung đột tại các mặt trận phía Bắc và Nam Israel cũng như Biển Đỏ.

Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi các bên kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng, nỗ lực tham gia cứu trợ nhân đạo và đóng vai trò trung gian đàm phán hòa bình. 

Nếu Israel thực hiện chiến dịch tấn công Rafah với thương vong lớn, không loại trừ khả năng cộng đồng quốc tế, bao gồm cả các nước phương Tây, sẽ lên án mạnh mẽ Israel, thực hiện các hành động pháp lý để gây áp lực, làm giảm quy mô chiến dịch. 

Theo dự báo, khi chiến dịch diễn ra, khoảng 1,5 triệu người sẽ buộc phải di dời, tạo ra làn sóng di cư lớn với những hệ lụy nhân đạo nghiêm trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh những động thái leo thang căng thẳng, cả Israel và lực lượng Hamas vẫn tiếp tục theo đuổi các cuộc hòa đàm do áp lực cả trong và ngoài nước. Mặc dù khó đạt được một thỏa thuận chấm dứt chiến sự toàn diện do khác biệt còn lớn, song giới chuyên gia cho rằng, hai bên có thể đạt được thỏa thuận ngừng bắn tạm thời trong ngắn hạn./.

25 April 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 Sau