21/11/2024 | 14:50 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Cục diện thế giới nhìn từ cuộc xung đột Nga - Ukraina

Hoa Nguyễn
Ngày 13-7-2023, tại trụ sở Tạp chí Cộng sản diễn ra Tọa đàm khoa học “Cục diện thế giới nhìn từ cuộc xung đột Nga - Ukraina”, với sự tham gia của các chuyên gia nghiên cứu quốc tế thuộc các cơ quan Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ban Đối ngoại Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn... PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản - chủ trì tọa đàm.


Các đại biểu tham dự Tọa đàm khoa học chụp ảnh lưu niệm_Ảnh: Hoa Nguyễn

Cục diện thế giới là một chỉnh thể gồm các nhân tố chính yếu, có mối liên hệ với nhau. Nếu một trong các nhân tố thay đổi, sẽ tác động đến các nhân tố khác. Theo GS, TS. Hoàng Khắc Nam - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - cục diện gồm 7 yếu tố chính: 1- Sự phân bố sức mạnh/quyền lực được thể hiện qua tương quan so sánh lực lượng; 2- Mẫu hình quan hệ phổ biến trong quan hệ quốc tế là những xu hướng quan hệ chính mà các nước đi theo; 3- Luật lệ chung gồm luật pháp quốc tế, các chuẩn mực chung và tương đối có hiệu lực; 4- Lực lượng: có thể phân chia theo các lĩnh vực khác nhau; 5- Những xu hướng chung trong đời sống quốc tế (như toàn cầu hóa, phát triển khoa học - công nghệ...); 6- Những vấn đề chung như các vấn đề xuyên quốc gia, các vấn đề toàn cầu như môi trường, dịch bệnh...; 7- Chính sách của các nước lớn.

Những yếu tố này ảnh hưởng lớn đến toàn bộ cục diện thế giới, có thể làm thay đổi cục diện. Có thể thấy, cuộc xung đột Nga - Ukraina đang có những tác động đến sự vận động và biến đổi của các yếu tố trên, từ đó đem lại những biến chuyển trong cục diện thế giới.

Tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraina đến cục diện thế giới

Cuộc xung đột Nga - Ukraina là một trong những sự kiện chính trị nổi bật hiện nay, tác động nhiều chiều, sâu sắc đến quan hệ quốc tế và là vấn đề mà nhiều nhà khoa học tham dự tọa đàm tranh luận, bàn thảo. Đại sứ Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - đặt vấn đề, về bản chất, cuộc xung đột có thể chưa làm thay đổi cục diện thế giới nhưng nó có nhiều biểu hiện, có tác động làm xoay chuyển hướng phát triển của thế giới. Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hiếm khi có một cuộc chiến giữa cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân với một quốc gia châu Âu, xảy ra xung đột trực tiếp trên bộ, ngay giữa lòng châu Âu. Theo Trung tướng Đỗ Lê Chi - nguyên Cục trưởng Cục khoa học, Chiến lược và Lịch sử, Bộ Công an - cuộc xung đột vũ trang tại Ukraina hiện nay, nhìn từ góc độ quan hệ quốc tế, là một biểu hiện cụ thể, tất yếu của tiến trình cạnh tranh chiến lược nước lớn. Thiếu tướng, GS, TS. Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng - cũng cho rằng, phải nhìn sâu hơn từ cuộc xung đột Nga - Ukraina, đó là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trong việc điều hành, quản lý trật tự thế giới mới.

Trước khi cuộc xung đột Nga - Ukraina xảy ra, quan hệ giữa các nước lớn luôn có sự cạnh tranh đan xen hợp tác. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, yếu tố cạnh tranh nhiều hơn hợp tác, thể hiện rõ qua cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc trên nhiều tầng nấc, phạm vi, lĩnh vực và gần đây là cuộc chiến Nga - Ukraina. Đây được coi là cuộc chiến phức hợp đan xen nhiều yếu tố, thể hiện rõ nét nhất là cuộc chiến mang tính chất ủy nhiệm; đồng thời là “cuộc chiến nhiều trong một”, không chỉ giữa các cặp quan hệ Nga - Ukraina mà còn là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa trục Nga/Trung Quốc với Mỹ, NATO và các nước phương Tây, là cuộc chiến toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế, ngoại giao, không chỉ trên chiến trường khốc liệt mà còn trên không gian mạng, trên mặt trận thông tin..., một cuộc chiến ngày càng mang tính khốc liệt, tàn bạo với sự viện trợ những loại vũ khí tối tân hiện đại. Cuộc xung đột này được dự báo sẽ còn kéo dài, hậu quả khôn lường, với nhiều hệ lụy vô cùng tàn khốc, không chỉ ảnh hưởng ở châu Âu mà còn trên toàn thế giới.

Theo PGS, TS. Đặng Đình Quý - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc - cuộc xung đột Nga - Ukraina tác động trực tiếp, trước mắt đến các bên tham gia, đồng thời gây thiệt hại đến các nước, nhất là các nước/trung tâm lớn thay đổi chính sách đối với nhau; làm thay đổi cách nhìn của lãnh đạo và giới cố vấn chính sách về môi trường quốc tế, thách thức, cơ hội đối với lợi ích của họ (và cách thực hiện lợi ích của họ). Sự tác động gián tiếp, lâu dài đó là: 1- Làm thay đổi tương quan lực lượng giữa các nước lớn; 2- Làm thay đổi các xu hướng lớn; 3- Làm thay đổi vai trò của các tổ chức/cơ chế đa phương; 4- Làm trầm trọng thêm các điểm/vấn đề nóng trên thế giới.

Nhiều chuyên gia đánh giá, thế giới đang trong thời khắc nguy hiểm nhất. Nếu diễn biến chiến trường leo thang, khả năng chiến tranh sẽ lan rộng, thậm chí có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân và mất kiểm soát. PGS, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Học viện Ngoại giao - cho rằng, xung đột Nga - Ukraina đã làm gia tăng căng thẳng, đối đầu trên thế giới và đẩy thế giới vào tình trạng đa cực hỗn loạn. Cuộc xung đột Nga - Ukraina thúc đẩy các nước theo đuổi việc hình thành các khối liên kết mới lấy Mỹ và Trung Quốc làm trung tâm: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước đồng minh của Mỹ một bên mâu thuẫn và xung đột với Nga, Trung Quốc cùng các đồng minh của Nga (Iran, CHDCND Triều Tiên, Belarus, Syria...) ở bên kia có khả năng tạo ra một cuộc Chiến tranh lạnh mới. Điều đó có nghĩa, cục diện thế giới đang chuyển dần từ trật tự đa cực hỗn loạn sang lưỡng cực theo hướng sức mạnh thế giới đang chuyển từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam. Các khu vực Trung Á, Kavkaz, Balkan, châu Phi, Mỹ Latin và châu Á - Thái Bình Dương đang trở thành những trận địa cạnh tranh, tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga. Họ thông qua việc tài trợ cho các dự án kết cấu hạ tầng hay các thỏa thuận đáng chú ý về hợp tác thương mại, quân sự hay ngoại giao để lôi kéo các nước. Điều này làm cho các nước đang phát triển, nhất là những nước vừa và nhỏ, đứng trước sức ép phải chọn bên.

Dự báo cục diện thế giới đến năm 2030

Thứ nhất, gia tăng cạnh tranh nước lớn. Theo dự báo của PGS, TS. Đặng Đình Quý, đến năm 2030, các nước lớn cạnh tranh gay gắt, xung đột, tác động tiêu cực đến toàn bộ đời sống kinh tế - chính trị toàn cầu. Xu hướng khu vực hóa tiếp tục tiến triển, các hình thức tiểu đa phương nở rộ. Hệ thống luật pháp quốc tế vẫn chỉ là vũ khí để đấu tranh chính trị, ngoại giao, dư luận, nhưng các nước lớn sẽ có xu hướng dùng chính trị, kinh tế để “lạm dụng”, “bóp méo” luật nhiều hơn. Thiếu tướng, GS, TS. Nguyễn Hồng Quân nhận định, quan hệ quốc tế trong thời gian tới có xu hướng căng thẳng hơn, đối đầu sẽ lấn át đối thoại, lòng tin chiến lược giữa các nước lớn sẽ suy giảm sâu sắc hơn. Trật tự 2 khối hình thành ngày càng rõ nét. Nước lớn đe dọa và tỏ ra sẵn sàng sử dụng vũ lực khi cần thiết; muốn viết lại và điều hành luật chơi mới dựa trên sức mạnh, chèn ép nước vừa và nhỏ; lôi kéo các quốc gia vào những cuộc phiêu lưu, xung đột mới.

Thứ hai, vai trò của nhóm không liên kết tích cực. Hầu hết các quốc gia châu Á, châu Phi, Mỹ Latin tỏ ra thận trọng hơn trước cuộc xung đột Nga - Ukraina, tránh bị lôi kéo vào cạnh tranh giữa các cường quốc. Các quốc gia “không liên kết” mới đang ở vị thế mạnh hơn trước, tính toán kỹ và lựa chọn từng vấn đề theo lợi ích quốc gia của họ.

Thứ ba, kinh tế thế giới bị phân tách thành chiến tuyến. Kinh tế thế giới đang phân tách thành chiến tuyến, một bên là Mỹ - phương Tây và bên kia là Trung Quốc - Nga, với công nghệ, thị trường và hệ thống tiền tệ riêng rẽ, ngày càng trở nên độc lập với nhau.

Thứ tư, xu hướng tăng ngân sách quốc phòng, tăng quân số. Việc các quốc gia tăng ngân sách quốc phòng, dấy lên nguy cơ chạy đua vũ trang, gia tăng căng thẳng, khó quản lý khủng hoảng, tiềm ẩn bùng phát xung đột...

Ở chiều cạnh khác, Trung tướng Đỗ Lê Chi cho rằng, tương lai của cục diện thế giới, trật tự quan hệ quốc tế toàn cầu có thể sẽ được định hình từ nay cho đến giữa thế kỷ XXI với một số đặc điểm đáng chú ý sau:

Thứ nhất, diễn ra trên phạm vi toàn cầu, ở mọi khu vực, song trận địa chính nằm ở 2 khu vực châu Âu - Đại Tây Dương và châu Á - Thái Bình Dương

Thứ hai, 3 chủ thể chính trong cục diện thế giới là: 1- Chủ thể quốc gia; 2- Chủ thể liên quốc gia; 3- Chủ thể phi quốc gia. Trong đó, chủ thể quốc gia mang tính quyết định nhất, tập trung vào các nước lớn.

Thứ ba, đây là một tiến trình lâu dài, toàn diện trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế và an ninh thể hiện trong trong chính sách, chiến lược của mọi chủ thể - quốc gia; tuy nhiên lấy cái nào làm phương tiện, biện pháp chính thì tùy thuộc vào chính sách và thế mạnh của từng chủ thể cũng như tình hình cụ thể của chủ thể được áp dụng.

Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa 3 cường quốc Mỹ, Trung Quốc, Nga cũng đang thúc đẩy hình thành những xu hướng tập hợp lực lượng mới, trong đó, Mỹ vẫn chiếm thế chủ đạo trong các tập hợp lực lượng có tính quân sự, an ninh, mặc dù Trung Quốc có thế mạnh trong các tập hợp về kinh tế. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng một liên minh thực sự sẽ được hình thành giữa Nga và Trung Quốc nếu như Mỹ tiếp tục duy trì cùng lúc 2 mặt trận đối đầu như hiện nay, đó là châu Á - Thái Bình Dương.

Một vài hàm ý chính sách đối với Việt Nam

Theo nhận định của PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, thời gian tới, cục diện khu vực, thế giới sẽ thêm phức tạp, khó khăn. Cạnh tranh nước lớn thêm gay gắt, sự phân hóa ngày càng rõ nét, đặt các quốc gia trước khả năng lựa chọn giữa an ninh với phát triển kinh tế. Nhiều chuyên gia dự tọa đàm nhất trí cho rằng, tình hình đó đòi hỏi Việt Nam phải:

Thứ nhất, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, luôn xem xét kỹ lưỡng, tránh bị kẹt, tránh rơi vào thế bị đối đầu hay bị lợi dụng trong quan hệ với các nước lớn.

Thứ hai, định vị rõ Việt Nam ở đâu trong dòng chảy của thời đại. Nghiên cứu sâu sắc hơn, cập nhật chiến lược mới của các nước lớn, sự điều chỉnh chính sách của các nước láng giềng để hiểu rõ nét hơn các đối tác, từ đó đề xuất chính sách của Việt Nam cho phù hợp, khả thi và hiệu quả.

Thứ ba, nhất quán thực hiện chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Phát huy vai trò ngoại giao đa phương, chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương khu vực và toàn cầu.

Thứ tư, thực hiện chính sách “bốn không”, đó là không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế./.

7 August 2023
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 Sau