21/11/2024 | 16:41 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Chiến lược An ninh quốc gia của Đức: Ứng phó với các thách thức lớn

Nhất Tiến
Ngày 14-6-2023, Đức lần đầu tiên thông qua Chiến lược An ninh quốc gia (NSS). Với khẩu hiệu “mạnh mẽ, linh hoạt, bền vững”, chiến lược dài 74 trang này đưa ra các ưu tiên an ninh của Đức để đối phó với những thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống mới nổi trên toàn cầu.


Thủ tướng Đức Olaf Scholz (thứ ba, từ trái sang) cùng các thành viên chủ chốt của nội các công bố Chiến lược An ninh quốc gia tại Thủ đô Berlin, ngày 14-6-2023_Ảnh: Reuters

Những nét chính trong Chiến lược An ninh quốc gia

Chiến lược An ninh quốc gia của Đức được xây dựng trong bối cảnh cấu trúc an ninh của châu Âu đã thay đổi hoàn toàn liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina, cũng như sự cố sau vụ nổ đường ống Dòng chảy phương Bắc. Chiến lược nhấn mạnh 3 mục tiêu về an ninh của Đức: 1- Năng lực phòng thủ quốc phòng mạnh, bao gồm tăng chi tiêu quân sự và các nỗ lực răn đe; 2- Khả năng thích ứng, phục hồi, tập trung vào việc bảo vệ các giá trị và luật pháp của Đức cùng các đồng minh; 3- Tính bền vững, liên quan tới chống biến đổi khí hậu, khủng hoảng đa dạng sinh học và khủng hoảng hệ sinh thái, tăng cường an ninh lương thực toàn cầu, cũng như phòng, chống các đại dịch toàn cầu.

Với mục tiêu đó, NSS của Đức thể hiện 3 nội dung lớn:

Thứ nhất, NSS tuân theo nguyên tắc “an ninh tích hợp”, trong đó không chỉ liên quan tới vấn đề quốc phòng, mà còn cả về ngoại giao, phát triển và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Khái niệm “an ninh tích hợp” là chủ đề xuyên suốt của văn bản này khi được đề cập 35 lần. Nguyên tắc này thể hiện rõ qua cách Đức xây dựng 3 trụ cột an ninh theo hướng “chủ động”, “chống chịu” và “bền vững” trong NSS.

Chiến lược nhấn mạnh, Đức sẽ tăng cường sức “chống chịu” của an ninh quốc gia thông qua “bảo vệ các giá trị”, giảm sự phụ thuộc kinh tế vào “đối thủ”, ngăn chặn các cuộc tấn công mạng, duy trì an ninh không gian và bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc. Trong đó, nâng cao năng lực phòng thủ chủ động là trọng tâm hợp tác với các nước đồng minh mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đóng vai trò then chốt, với từ khóa “NATO” xuất hiện 36 lần xuyên suốt văn bản chiến lược này. Đặc biệt, bên cạnh cam kết thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên, Đức khẳng định kể từ năm 2024 sẽ tăng chi tiêu quốc phòng từ 1,5% GDP lên 2% GDP theo định mức của NATO đưa ra.

Thứ hai, châu Âu vẫn tiếp tục là địa bàn trọng tâm trong chính sách an ninh của Đức. Trong đó, NSS chỉ ra “Nga hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và an ninh ở khu vực”.Theo Đức, hoạt động quân sự của Nga tại Ukraina là nguyên nhân then chốt dẫn đến tình trạng khủng hoảng an ninh quốc phòng, năng lượng hay lương thực tại khu vực. Mặc dù vậy, Đức khẳng định “không muốn đối đầu hay đụng độ” với Nga; đồng thời, ủng hộ cần duy trì các kênh liên lạc chính trị, quân sự khẩn cấp giữa Nga và NATO.

Thứ ba, câu chuyện về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Trung Quốc. Trong NSS của Đức, từ khóa “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” chỉ xuất hiện 1 lần. Cụ thể, tài liệu nhận định khu vực này “vẫn còn tầm quan trọng đặc biệt” với Đức và châu Âu. Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại cụ thể đối với các nước lớn không được đề cập đến mà chỉ đề cập đến vấn đề xây dựng một chiến lược riêng với Trung Quốc. Chiến lược đánh giá Trung Quốc là “đối tác, đối thủ cạnh tranh và đối thủ có hệ thống” và lưu ý rằng, sự cạnh tranh đã “tăng lên trong những năm qua”. Dù vậy, Đức coi Trung Quốc là một đối tác không thể thiếu trong hợp tác giải quyết các thách thức và khủng hoảng toàn cầu.

Nhà nghiên cứu cấp cao Benjamin Tallis (ảnh) tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Đức cho rằng, chiến lược không đề ra những hành động cụ thể và chưa thực sự mang lại tầm nhìn mới cho điều mà đất nước này cũng như các đối tác đang cần. Chuyên gia Claudia Major tại Viện Các vấn đề quốc tế và an ninh (Đức) nhận xét: “ở một mức độ nhất định nào đó, chiến lược này chưa thể liên kết giữa mục tiêu và phương thức thực hiện bởi không đề cập rõ ràng tới vấn đề ngân sách”.

Cách tiếp cận chưa toàn diện

Đối với NSS lần đầu tiên được thông qua, giới chuyên môn đánh giá đây là sự thay đổi lớn mang tính biểu tượng của Đức. Song, động thái này dường như không thỏa mãn kỳ vọng của các nước đồng minh bởi chiến lược không đưa ra bất kỳ câu trả lời nào về việc Đức sẽ đối phó với các mối đe dọa cấp bách nhất.

Một là, NSS chỉ đề cập 1 lần đến cụm từ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và không đề cập đến các đồng minh của Đức trong khu vực, bao gồm Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản.Hơn nữa, NSS không đề cập đến lợi ích chính của Đức đối với sự ổn định của eo biển Đài Loan (Trung Quốc), vốn là một điểm nóng nghiêm trọng về vấn đề an ninh; cũng như đến mối quan hệ Trung Quốc - Nga đang phát triển - vốn đang trở thành mối quan tâm an ninh đối với nhiều quốc gia châu Âu.

Về mặt quan hệ đối tác, NSS bỏ qua các quốc gia có liên quan như Anh và Ba Lan - quốc gia đi đầu trong cuộc chiến của châu Âu chống Nga. Thay vào đó, chiến lược tập trung nhiều hơn vào các tổ chức như Liên minh châu Âu (EU), NATO và các diễn đàn đa phương như G-7 và G-20.Với tình trạng “ nước đôi chiến lược” này có thể sẽ gây khó khăn trong việc truyền đạt các ưu tiên chiến lược của Đức tới cộng đồng quốc tế và khiến các đối tác xuyên Đại Tây Dương của Đức thất vọng.

Hai là, mặc dù các nhà lãnh đạo của Đức từng nhất trí với đề xuất nâng cao năng lực “tự chủ chiến lược” do Pháp khởi xướng, song cụm từ này lại không xuất hiện trong NSS của Đức. Bên cạnh đó, liên quan đến khoản chi 2% GDP cho NATO, thay vì cam kết rõ ràng về việc chi 2% GDP hằng năm cho quốc phòng, NSS lại nhấn mạnh Đức sẽ phân bổ 2% GDP trong khoảng thời gian nhiều năm, để đạt được các mục tiêu năng lực của NATO thông qua quỹ đặc biệt dành cho quốc phòng mới được thành lập.Nói cách khác, không có căn cứ để bảo đảm rằng Đức sẽ kiên trì khoản chi 2% GDP trong thời gian dài.

Ba là, trong khi NSS ghi nhận địa - chính trị là động lực chính, nhưng lại không mang tính thuyết phục cho cách tiếp cận tương lai của Đức đối với khả năng phục hồi kinh tế và công nghệ.

Hướng về phía trước

Bất chấp những hạn chế trên, NSS của Đức vẫn thể hiện những nhận thức mới về các mối đe dọa liên quan lẫn nhau và quan điểm toàn diện về an ninh - cơ sở quan trọng để đưa ra những thay đổi chính sách cần thiết.Với NSS, Đức đang gửi một thông điệp chính trị rõ ràng tới người dân và cộng đồng quốc tế rằng, nước này dự định thực hiện một cách tiếp cận toàn diện hoặc “tích hợp” mới đối với vấn đề an ninh và khẳng định rằng, với sức mạnh kinh tế, ảnh hưởng ngoại giao và lịch sử tồn tại của mình đòi hỏi Đức phải có trách nhiệm đóng góp nhiều hơn đối với an ninh châu Âu.

NSS đóng vai trò là tiền đề để phát triển các chiến lược liên quan của Đức đang được hình thành, chẳng hạn như các chiến lược tập trung vào Trung Quốc, an ninh không gian và chống các thông tin sai lệch. Phương thức sẽ là chuyển các nguyên tắc và định hướng của NSS thành các chính sách cụ thể, góp phần làm rõ cách thức Đức dự định sử dụng các nguồn lực của mình để đạt được các mục tiêu.Trong phần mở đầu tài liệu, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhận định: “chiến lược này không phải đích đến, mà mới chỉ là nơi bắt đầu”.

Chiến lược An ninh quốc gia đầu tiên của Đức đã đưa ra cái nhìn tổng quan về chính sách đối ngoại của Đức, vốn đã chuyển hướng sang ưu tiên an ninh nhiều hơn lợi ích kinh tế. Chiến lược này cũng thể hiện rằng, Đức sẵn sàng đóng một vai trò lớn hơn, tương xứng hơn với tiềm năng kinh tế của mình. Việc thực hiện được các mục tiêu đã đề ra trong bản NSS hay không lại tùy thuộc vào ý chí của Chính phủ Đức, như Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbocknói, câu trả lời sẽ “phụ thuộc vào ý chí của chúng ta”./.

2 August 2023
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 Sau