Hàn Quốc: Những nỗ lực ổn định tình hình chính trị
Đình HùngNguồn cơn bất ổn
Ngày 3-12-2024, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bất ngờ tổ chức họp nội các, sau đó ban bố lệnh thiết quân luật với cáo buộc phe đối lập làm tê liệt hoạt động của Chính phủ thông qua các nỗ lực luận tội các thành viên và ngăn cản những đề xuất về ngân sách của Chính phủ.
Việc Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố tình trạng thiết quân luật đã trở thành đỉnh điểm mâu thuẫn giữa Chính phủ và Quốc hội, sau thời gian dài xảy ra căng thẳng xung quanh việc giành quyền lực chính trị và điều hành đất nước giữa chính quyền do Đảng Quyền lực nhân dân (PPP) của Tổng thống cầm quyền với phe đối lập là Đảng Dân chủ (DP) do Quốc hội kiểm soát.
Trong cuộc bầu cử năm 2022, ông Yoon Suk Yeol thắng cử nhờ hơn đối thủ Lee Jae Myung của Đảng Dân chủ khoảng 240.000 phiếu bầu. Đảng Dân chủ từ vị thế đảng cầm quyền trở thành đảng đối lập, tuy nhiên Đảng Dân chủ vẫn chiếm đa số tại Quốc hội.
Tại cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 4-2024, khoảng cách về số ghế giữa hai bên càng được nới rộng khi phe đối lập giành chiến thắng lớn. Hiện tại, Quốc hội Hàn Quốc có 300 thành viên, trong đó Đảng PPP chỉ giữ 108 ghế, trong khi phe đối lập với nòng cốt là Đảng DP giữ thế đa số với 192 ghế.
Do không thể kiểm soát được Quốc hội, chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol đã gặp rất nhiều khó khăn trong điều hành đất nước bởi vấp phải sự phản đối của Quốc hội trong các vấn đề tài chính, ngân sách, luật pháp...
Bên cạnh đó, trong thời gian cầm quyền, Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng đã có những quyết sách gây tranh cãi, không được lòng một bộ phận người dân Hàn Quốc. Cuộc khủng hoảng y tế tại Hàn Quốc vào giữa năm 2024 đã tạo ra những bất đồng sâu sắc, làm uy tín của tổng thống và đảng cầm quyền thêm giảm sút.
Phe đối lập quyết tâm luận tội
Sáng ngày 4-12-2024, Quốc hội Hàn Quốc tổ chức phiên họp khẩn cấp và thông qua nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ lệnh thiết quân luật. Tổng thống Yoon Suk Yeol phải nhượng bộ, tuyên bố dỡ bỏ lệnh thiết quân luật, chỉ 6 tiếng sau khi ban hành.
Trong phát biểu bãi bỏ lệnh thiết quân luật, ông Yoon Suk Yeol kêu gọi Quốc hội chấm dứt các hành động “thiếu trách nhiệm” và khẳng định sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước trong giai đoạn khó khăn.
Mặc dù tổng thống đã bãi bỏ quyết định của mình, nhưng phe đối lập vẫn chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Yoon Suk Yeol, cho rằng ông không còn đủ năng lực để lãnh đạo và kêu gọi ông phải từ chức hoặc bị luận tội.
Trước tình thế vụ việc bị đẩy đi xa hơn, ngày 7-12-2024, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã công khai xin lỗi về tuyên bố thiết quân luật của mình, khẳng định sẽ không lặp lại vụ việc tương tự như vậy, đồng thời ông sẽ để đảng cầm quyền quyết định về nhiệm kỳ của mình nhằm ổn định đất nước. Nhờ vào sự ủng hộ của các nghị sĩ Đảng PPP, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu đề nghị luận tội tổng thống do phe đối lập đề xuất.
Tuy nhiên, phe đối lập đã không từ bỏ ý định luận tội tổng thống, tuyên bố sẽ tiếp tục tìm cách kiến nghị việc này ở các phiên họp Quốc hội. Chỉ 2 tuần sau, ngày 14-12-2024, Quốc hội do phe đối lập kiểm soát đã thông qua đề xuất luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol với 204 phiếu thuận, 85 phiếu chống, 3 phiếu trắng và 8 phiếu không hợp lệ.
Nghị quyết nêu rõ, lý do luận tội tổng thống là “vi phạm Hiến pháp và luật pháp khi ban bố tình trạng thiết quân luật khẩn cấp”. Với việc phe đối lập chỉ nắm giữ 192 ghế trong số 300 thành viên của Quốc hội, kết quả bỏ phiếu cho thấy đã có ít nhất 12 nghị sĩ của Đảng PPP ủng hộ việc luận tội tổng thống, quan điểm đã thay đổi so với lần bỏ phiếu trước và đi ngược lại lập trường chính thức của Đảng PPP, làm mâu thuẫn nội bộ Đảng PPP gia tăng, khiến cho đảng cầm quyền đứng trước nguy cơ suy yếu, thậm chí tan rã.
Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết luận tội tổng thống, ông Yoon Suk Yeol lập tức bị đình chỉ chức vụ và phải chờ phán xét của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc. Trước đó, ông đã bị cấm xuất cảnh và buộc phải hợp tác điều tra với cơ quan chức năng.
Tiến thêm một bước, ngày 29-12-2024, nhóm điều tra việc ban hành lệnh thiết quân luật đã đề nghị Tòa án quận Tây Seoul ra lệnh bắt giữ ông Yoon Suk Yeol với cáo buộc đứng đầu cuộc nổi loạn và lạm dụng quyền lực khi tuyên bố thiết quân luật.
Ngày 31-12-2024, Tòa án quận Tây Seoul Hàn Quốc phê chuẩn lệnh bắt giữ Tổng thống Yoon Suk Yeol. Trước đó, ngày 27-12-2024, Quốc hội Hàn Quốc cũng đã tiếp tục bỏ phiếu luận tội ông Han Duck Soo sau chưa đầy hai tuần ông lên nắm quyền Tổng thống thay Tổng thống Yoon Suk Yeol, do ông đã từ chối không ký các dự luật về điều tra ông Yoon Suk Yeol.
Các diễn biến cho thấy, việc ban hành lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol đã đẩy Hàn Quốc lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong nhiều thập niên qua, với việc các nhân vật chính trị hàng đầu bị luận tội, đối mặt nguy cơ bị xét xử, nền chính trị bất ổn dẫn đến uy tín quốc tế bị ảnh hưởng, khiến Hàn Quốc đứng trước nhiều khó khăn.
Nỗ lực ổn định tình hình chính trị
Sau khi Quốc hội thông qua các nghị quyết luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol và quyền Tổng thống Han Duck Soo, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Choi Sang Mok đã trở thành quyền Tổng thống và quyền Thủ tướng Hàn Quốc từ ngày 27-12-2024.
Quyền Tổng thống Choi Sang Mok khẳng định ưu tiên của chính phủ hiện nay là bảo đảm an ninh quốc gia, duy trì ổn định đời sống người dân, bảo vệ trật tự công cộng và củng cố nền kinh tế quốc gia. Ông cũng chỉ thị Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tăng cường thông tin thông qua các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài, khẳng định rằng chính sách đối ngoại của Hàn Quốc không thay đổi và mọi hoạt động trao đổi, thương mại với các quốc gia khác vẫn diễn ra bình thường.
Về khía cạnh kinh tế, Bộ Tài chính Hàn Quốc đã khuyến nghị các doanh nghiệp nước này tiếp tục thể hiện vai trò tích cực và chủ động, bảo đảm hoạt động kinh doanh được thông suốt cũng như các hoạt động đầu tư, xuất khẩu được tiến hành theo đúng kế hoạch.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) cũng cam kết sẽ giữ thị trường ổn định, nêu rõ sẽ sử dụng tất cả các công cụ chính sách sẵn có, đồng thời phối hợp với Chính phủ để ứng phó cũng như ngăn chặn mọi nguy cơ biến động trên thị trường tài chính và ngoại hối.
Theo Hiến pháp Hàn Quốc, Tòa án Hiến pháp phải đưa ra phán quyết về việc luận tội tổng thống trong vòng 180 ngày. Ngày 15-12-2024, lãnh đạo phe đối lập đã thúc giục Tòa án Hiến pháp nước này nhanh chóng ra phán quyết về việc phế truất Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Theo ông Lee Jae Myung - Chủ tịch Đảng DP - ra phán quyết nhanh chóng là cách duy nhất để giảm thiểu tình trạng hỗn loạn trên chính trường Hàn Quốc hiện nay. Ngày 16-12-2024, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc thông báo đã khởi động các thủ tục tư pháp cho phiên luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol và tổ chức phiên điều trần đầu tiên vào ngày 27-12-2024 theo giờ địa phương.
Tiến trình đưa ra phán quyết của Tòa án có thể dẫn đến 2 khả năng: một là khôi phục vị trí cho ông Yoon Suk Yeol, nếu ông được phán quyết là vô tội; hai là sẽ bãi nhiệm ông và đưa đến những hệ quả tiếp theo, nếu ông được phán quyết có tội.
Trường hợp khôi phục quyền hạn tổng thống có thể nói là có rất ít cơ hội cho ông Yoon Suk Yeol, do sức mạnh trên chính trường của ông đã suy yếu, đồng thời ông không nhận được sự ủng hộ đầy đủ từ các thành viên trong đảng của ông.
Trường hợp còn lại, nếu Tòa chấp nhận quyết định luận tội, ông Yoon Suk Yeol sẽ bị bãi nhiệm, trở thành tổng thống thứ hai trong lịch sử Hàn Quốc bị bãi nhiệm sau bà Park Geun Hye (năm 2017) và một cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày sau đó.
Có thể thấy rằng, với tình hình chính trị Hàn Quốc hiện nay, nhiều khả năng chính trường Hàn Quốc sẽ phải chờ đợi đến cuộc bầu cử sắp tới mới có thể ổn định trở lại. Các chuyên gia dự báo, nếu khủng hoảng chính trị kéo dài, những thiệt hại kinh tế của Hàn Quốc có thể tiếp tục gia tăng, kể cả sau khi khủng hoảng chính trị chấm dứt.
Hiện Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực để giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng chính trị đến nền kinh tế. Ổn định chính trị - xã hội cũng là mong muốn của người dân./.