21/11/2024 | 23:10 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Xây dựng đô thị di sản làm động lực phát triển

Trần Nhàn
Xây dựng đô thị di sản làm động lực phát triển Cổng Đoan Môn - cửa chính phía Nam, Hoàng thành Thăng Long - được xây dựng vào thời nhà Lê Trung Hưng được tu sửa vào thời nhà Nguyễn_Ảnh: hoangthanhthanglong.com
Đô thị di sản là khái niệm có thể hiểu rất rộng. Trong đô thị di sản có di sản, nhưng chỉ di sản không thôi lại chưa thể đủ để làm nên đô thị di sản. Điều mấu chốt nhất ở đây là giá trị tổng hợp của đô thị trên mọi phương diện xứng đáng được coi là di sản.

Mở ra cơ hội phát triển cho nhiều ngành

Cho đến nay, trên thế giới chưa có nhận thức thống nhất chung về đô thị di sản; cũng chưa có quy định chung về những tiêu chí, điều kiện để xác nhận hay công nhận thành phố nào được mang danh là đô thị di sản. 

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) chỉ công nhận di sản chung của nhân loại, chứ không đặt vấn đề công nhận đô thị di sản. 

Trên thế giới từ năm 1993 đã có Tổ chức các thành phố di sản thế giới (OWHC), đến nay đã có hơn 250 thành viên, nhưng tất cả thành viên đều là những thành phố trên thế giới tự nguyện tham gia.

Dù vậy, cách hiểu không chính thức nhưng được công nhận và phổ cập chung về đô thị di sản là đô thị có sự tổng thể hài hòa những giá trị vật thể và phi vật thể, hữu hình và vô hình trên mọi phương diện của đô thị; là đô thị có truyền thống về lịch sử và văn hóa; có bản sắc riêng về điều kiện thiên nhiên và lịch sử kiến trúc đô thị; có bề dày phát triển và tiềm năng phát triển.

Từ giác độ phát triển, đô thị di sản có lịch sử phát triển và truyền thống phát triển, có bản sắc phát triển và nội lực phát triển riêng. Xây dựng đô thị di sản là quá trình vừa khai thác di sản sẵn có trong đô thị, vừa gây dựng di sản mới cho đô thị để tạo nên hiệu ứng cộng hưởng cho phát triển đô thị. 

Cho nên, xây dựng đô thị di sản có thể tạo động lực cho phát triển chính đô thị ấy, cho phát triển vùng và phát triển quốc gia.

Đô thị di sản là một danh hiệu. Có được danh hiệu này tức là đô thị được xác nhận và công nhận sở hữu những thế mạnh nổi trội trên nhiều phương diện khác nhau; lôi kéo, cuốn hút du khách và đối tác hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, có uy tín và được tin cậy. 

Cơ hội phát triển đô thị nảy sinh từ đấy. Xây dựng đô thị di sản tạo động lực phát triển trước hết cho ngành du lịch, mở ra cơ hội cho phát triển nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ khác.

Việc tạo ra động lực phát triển từ xây dựng đô thị di sản có thể khởi đầu từ việc tận dụng những giá trị về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng,... sẵn có trong đô thị và đã được tổ chức UNESCO công nhận, hoặc thế giới bên ngoài ghi nhận để phục vụ cho phát triển đô thị. 

Kết hợp hài hòa với việc này là việc tạo dựng những giá trị di sản mới cho đô thị. Cả hai hợp nhất hài hòa tạo nên tổng thể giá trị di sản chung cho đô thị, giúp đô thị trở thành đô thị di sản, được công nhận chung là đô thị di sản. 

Những giá trị di sản mới giúp tạo nên động lực phát triển mới cho đô thị và cả hai cùng nhau tạo nên động lực phát triển mới cho đô thị.

Tạo tiền đề cần thiết để xây dựng mạng lưới các giá trị di sản

Việc xây dựng đô thị di sản nhằm tạo động lực phát triển được thực hiện đồng thời trên hai phương diện. Thứ nhất là xây dựng đô thị di sản tạo động lực phát triển cho chính đô thị di sản ấy. Thứ hai là xây dựng đô thị di sản tạo động lực phát triển cho cả vùng và cho cả quốc gia.

Thủ đô Hà Nội là một ví dụ. Hà Nội có một số di sản được tổ chức UNESCO công nhận là di sản chung của nhân loại theo những chủng loại di sản khác nhau: Khu hoàng thành Thăng Long, Lễ hội Đền Gióng và đền Sóc, 82 bia tiến sĩ triều Lê - Mạc ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám... 

Hà Nội không có di sản thiên nhiên được tổ chức UNESCO công nhận. Thế mạnh của Hà Nội trên phương diện này là lịch sử và văn hóa. Vì thế, tạo động lực phát triển từ xây dựng đô thị di sản đối với Hà Nội trước hết là tạo giá trị gia tăng cho phát triển du lịch, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, gây dựng sức mạnh mềm cho phát triển Thủ đô thông qua việc bảo tồn, phát huy giá trị của những di sản này.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn có thể tận lợi rất nhiều cho phát triển từ khai thác truyền thống và di sản trên các lĩnh vực như kiến trúc đô thị, ẩm thực và phong tục, tập quán đặc thù của Hà Nội, để làm giàu thêm và đóng góp cụ thể vào tổng thể hoàn chỉnh của tất cả mọi giá trị di sản của Thủ đô, tạo ra từ đó những động lực phát triển mới cho Thủ đô. Đối với Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) cũng tương tự.

Nhìn rộng và xa hơn, xây dựng đô thị di sản trên thực tế là xây dựng trung tâm phát triển cho cả vùng và cho đất nước. Ở đâu cũng vậy, trên thế giới, đô thị luôn là trung tâm, là đầu tàu phát triển cho cả vùng, ở tầm vóc cao hơn sẽ là cho đất nước. 

Xây dựng đô thị di sản tạo tiền đề cần thiết để xây dựng mạng lưới các giá trị di sản của cả vùng và đất nước; giúp khai thác và phát triển cả những giá trị di sản ở vùng xung quanh đô thị di sản. Qua đó, đô thị di sản mở ra cơ hội phát triển, tạo động lực phát triển mới cho cả những nơi bên ngoài phạm vi đô thị di sản.

Giúp quảng bá hình ảnh đô thị và quốc gia ở thế giới bên ngoài

Việc xây dựng đô thị di sản còn tạo động lực phát triển cho đô thị, cho vùng và cho quốc gia thông qua hiệu ứng rất tích cực từ danh tiếng, uy tín của đô thị di sản ở thế giới bên ngoài quốc gia. Xây dựng đô thị di sản trên thực tế giúp quảng bá hình ảnh đô thị và quốc gia ở thế giới bên ngoài, tham gia tích cực vào công cuộc hội nhập quốc tế của quốc gia, gia tăng sức mạnh mềm cho quốc gia.

Việc xây dựng đô thị di sản làm động lực phát triển được coi trọng rộng rãi trên thế giới, mỗi nơi có cách làm khác nhau tuỳ thuộc vào điều kiện, tình hình thực tế ở nơi đó. Đối với các đô thị ở Việt Nam, xây dựng đô thị di sản là một định hướng phát triển cần thiết và khả thi, hứa hẹn đưa lại thành quả và hiệu ứng tích cực. 

Để thành công trong việc xây dựng đô thị di sản, tạo động lực phát triển từ xây dựng đô thị di sản, trước hết, vấn đề quy hoạch phát triển đô thị cần được giải quyết đúng đắn.

Quy hoạch xây dựng đô thị di sản phải bao quát được hết mọi giá trị di sản đã có; có thể cũng như dự định được gây dựng nhất quán cho lâu dài, chứ không thể nhằm vào ngắn hạn. 

Chỉ khi quy hoạch đúng đắn, đô thị mới có thể khai thác được hết mọi tiềm năng về giá trị di sản; có được tính liên tục, nhất quán trong quá trình xây dựng đô thị di sản; kết hợp được mọi giá trị di sản sẵn có, sẽ được gây dựng thành tổng thể hài hòa và thống nhất; từ đó mới có thể tạo ra động lực mạnh mẽ mới cho công cuộc phát triển đô thị.

Tiếp theo đó, cần có cách tiếp cận thực tế về lộ trình, lĩnh vực được tập trung và ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng đô thị di sản. Như thế mới phù hợp với điều kiện đặc thù của đô thị liên quan đến thực trạng và tiềm năng di sản của đô thị./.