21/11/2024 | 23:31 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Quan trọng là giữ gìn, phát huy giá trị di sản

Trí Minh
Quan trọng là giữ gìn, phát huy giá trị di sản Một góc thành phố cảng Liverpool (Anh)_Ảnh: PA
Trên thế giới có nhiều di sản được UNESCO công nhận, nhưng không phải di sản nào cũng chung số phận sau khi được vinh danh. Ở chừng mực nào đó, việc được công nhận là di sản hay không không quan trọng bằng việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản, mang lại những điều tốt đẹp, tích cực cho cộng đồng.

Trong các di sản được UNESCO công nhận, có những di sản sau đó là cơ sở quan trọng, là tiêu chí cứng để được công nhận danh hiệu khác (cũng có thể là danh hiệu phái sinh), bởi một tổ chức quốc tế, ấy là đô thị di sản. 

Tuy nhiên, cho đến nay, trên thế giới vẫn chưa có khái niệm thống nhất về đô thị di sản. Trong tiếng Anh, đô thị di sản là heritage city hoặc heritage - city, đơn thuần chỉ là từ ghép 2 từ đô thị và di sản mà thành. Nhưng nó cũng chỉ được sử dụng khu biệt trong phạm vi hẹp, đối với những đô thị có di sản đã được công nhận.

Năm 1993, Tổ chức các thành phố di sản thế giới (OWHC) được thành lập tại Quebec (Canada), với sự tham gia của hơn 300 thành phố thành viên là các thành phố trong danh sách được UNESCO công nhận là Di sản thế giới (Việt Nam có Huế và Hội An). 

Mục tiêu của OWHC khi ra đời là nhằm hỗ trợ các đô thị cổ nâng cao chất lượng công tác quản lý và bảo tồn di sản thông qua trao đổi, chia sẻ kiến thức và các thông tin liên quan, hướng tới sự phát triển chung của các thành phố di sản thế giới.

Xét rộng hơn, di sản thế giới là một địa điểm hay những địa điểm có chung đặc điểm được lựa chọn bởi UNESCO. Các địa điểm này có thể là rừng, dãy núi, hồ, sa mạc, tòa nhà, quần thể kiến trúc hay thành phố,... do các nước có tham gia Công ước Di sản thế giới đề cử cho Ủy ban Di sản thế giới, được công nhận bởi những giá trị văn hóa hay ý nghĩa vật lý đặc biệt và được quản lý bởi Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO. 

Đó có thể là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới và công viên địa chất toàn cầu. Tất nhiên, gắn với đô thị di sản thì các di sản thế giới này bắt buộc phải nằm trong đô thị.

Việt Nam có 39 di sản được UNESCO vinh danh, với 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 13 di sản văn hóa phi vật thể, 7 di sản tư liệu, 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới và 3 công viên địa chất toàn cầu. 

Nếu chiếu theo tiêu chí là các đô thị có Di sản thế giới được UNESCO công nhận, ở chiều cạnh nào đó, Việt Nam có thể có nhiều hơn 2 đô thị di sản là Huế và Hội An. Ví như Thủ đô Hà Nội với khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, tỉnh Quảng Ninh với Vịnh Hạ Long, tỉnh Ninh Bình với quần thể danh thắng Tràng An... 

Ấy là trên phạm vi thế giới, còn ở Việt Nam, nhiều địa phương cũng có không ít đô thị với những di sản rất giá trị, đầy ý nghĩa, là địa điểm nổi tiếng trong nước và trên thế giới.

Xin được nhắc lại, đô thị di sản là loại hình đô thị được công nhận bởi một tổ chức quốc tế, được thừa nhận trên thế giới. Nhưng ngay cả trên thế giới cũng có những sự không thống nhất về khái niệm này, không chịu sự chi phối bởi khái niệm của OWHC, nên đô thị di sản cũng chỉ là một tên gọi tương đối, không bó buộc, áp đặt với mọi đô thị có di sản đã được hay chưa được UNESCO công nhận. 

Tất nhiên, đó cũng không phải là khái niệm độc quyền của OWHC. Thế nên, mỗi quốc gia có cách gọi đô thị di sản theo tiêu chí, chuẩn mực, thang đo, mục đích mà mình đề ra, phù hợp với định hướng phát triển của địa phương, vùng miền hay quốc gia. Thậm chí, ở mỗi thời kỳ, giai đoạn nhất định, các tiêu chí phân loại đô thị di sản ở mỗi quốc gia cũng có sự đổi thay cho phù hợp, chứ không cứng nhắc, bất biến.

Thực tế, được công nhận là đô thị di sản mặc nhiên được vinh danh, thừa nhận rộng rãi. Khi ấy, đô thị di sản không chỉ là danh hiệu, danh dự, uy tín, vị thế mà còn là cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống mọi mặt của cư dân đô thị và những người có liên quan, tham gia cùng đô thị di sản. 

Nhưng ngay cả khi chưa được công nhận danh hiệu cao quý ấy, nhiều đô thị di sản vẫn nổi tiếng khắp trong và ngoài nước, vẫn là địa chỉ thu hút du khách muôn phương, luôn tạo điều kiện để người dân sống trong và ngoài đô thị có điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế có liên quan như du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, lễ hội, các hoạt động biểu diễn văn hóa - nghệ thuật...

Tôi may mắn được đặt chân đến một số đô thị di sản, từng tận mắt chiêm ngưỡng những di sản trong đô thị, cả ở trong và ngoài nước. Đến đâu, cũng thấy đau đáu vấn đề chính quyền và người dân tìm cách gìn giữ, phát huy giá trị di sản, thấy những mâu thuẫn trong việc bảo tồn, tôn tạo và cải tạo, nâng cấp, xây mới đô thị, đô thị di sản. 

Sự cân bằng hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản luôn là bài toán không dễ dàng tìm lời giải thỏa đáng. Cuộc sống luôn vận động không ngừng nghỉ, luôn song hành hai mặt tích cực và tiêu cực. 

Nhưng nhu cầu của con người là không có điểm dừng, khó định lượng giới hạn, thậm chí chỉ phụ thuộc vào số ít người có vai trò, quyền hạn đối với di sản. Thế nên, đã có không ít bài học đáng tham khảo về sự khai thác tốt di sản đô thị, đô thị di sản.

Nhưng cũng xuất hiện không ít bài học đắt giá từ sự tận lực khai thác vô tội vạ giá trị di sản đô thị, đô thị di sản trên khắp thế giới. Thậm chí, có những thành phố phát triển nóng quá mức đến nỗi đứng trước nguy cơ và bị tước danh hiệu di sản thế giới, như thành phố cảng Liverpool (Anh), “thành phố của những cây cầu” Venice (Italia), thành phố “trái tim của châu Âu” Budapest (Hungary) chẳng hạn... 

Giữa được và mất, giữa thành công và thất bại, giữa danh hiệu của một tổ chức và sự ghi nhận của cộng đồng,... đâu phải là tuyệt đối, bất biến, giống nhau.

Vậy nên, một đô thị di sản có được công nhận hay không đâu phải là đích đến, là sự bắt buộc bằng được. Vấn đề quan trọng nhất là các di sản nói chung, những di sản trong đô thị đó có được gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị, mang lại những tác động tích cực đến đời sống người dân, đến đô thị, địa phương, quốc gia hay không. 

Và khi ấy, chính di sản đô thị nói riêng, di sản nói chung và những giá trị không đo đếm, trường tồn, không gì đánh đổi của di sản mới thực sự có ý nghĩa, cả trong lịch sử, ở hiện tại lẫn tương lai./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện