06/10/2024 | 00:39 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Ninh Bình và hành trình trở thành “Đô thị di sản thiên niên kỷ”

Ngọc Oanh
Ninh Bình và hành trình trở thành “Đô thị di sản thiên niên kỷ” Quang cảnh Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình nhìn từ trên cao_Ảnh: baoninhbinh.org.vn
Ninh Bình - vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa - với tài nguyên di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, đa dạng, có giá trị nổi bật, mang đậm bản sắc văn hóa đặc sắc riêng có, hội tụ đầy đủ tiềm năng, thế mạnh để trở thành “Đô thị di sản thiên niên kỷ”.

Chiều sâu lịch sử và văn hóa của vùng đất, con người cố đô

Vùng đô thị cố đô - di sản Hoa Lư là một miền đất cổ, nơi có con người sinh sống từ cách nay hơn 3 vạn năm, với các di tích khảo cổ học tiền sử trong các mái đá, hang động vùng di sản Tràng An. Nơi đây ghi dấu ấn đậm đặc các giá trị lịch sử - văn hóa. 

Những phát hiện khảo cổ học gần đây cho thấy, vào thời Bắc thuộc, tại khu vực Cố đô Hoa Lư từng tồn tại một châu trị lớn, đã là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa.

Thế kỷ X, Hoa Lư được Vua Đinh Tiên Hoàng chọn làm nơi đóng đô của nhà nước Đại Cồ Việt. Thời Trần, là nơi triều đình chọn lựa đặt dựng hành cung Vũ Lâm lãnh đạo nhân dân Đại Việt kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược. Thời Lê sơ, là lỵ trấn Vân Sàng của trấn Sơn Nam Hạ. 

Truyền thống lịch sử - văn hóa đó đã để lại cho vùng đất này hệ thống di sản đồ sộ, đa dạng, có giá trị đặc sắc, mang tầm quốc gia và quốc tế, với những giá trị nổi bật toàn cầu đã được ghi nhận.

Tính chung huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình có 468 di tích đã được kiểm kê (chiếm 25,7% số di tích được kiểm kê trên địa bàn tỉnh). Đến hết năm 2022, toàn vùng có 106 di tích đã xếp hạng (chiếm 26,8% số di tích được xếp hạng của tỉnh) gồm 76 di tích cấp tỉnh, 28 di tích cấp quốc gia, 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 1 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. 

Về di sản văn hóa phi vật thể, theo kết quả kiểm kê, toàn vùng hiện có 104 di sản được kiểm kê (chiếm 18% số di sản toàn tỉnh), gồm 6 loại hình, trong đó 2 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Lễ hội Hoa Lư và Nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (chiếm 50% số di sản được ghi danh của tỉnh).

Trong hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, đa dạng, phong phú này, có nhiều di sản văn hóa vật thể có giá trị đặc biệt, tạo nên nét khác biệt, độc đáo của Ninh Bình như: di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư; danh lam thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc - Bích Động; di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Non Nước.

Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An - di sản hỗn hợp đầu tiên và duy nhất ở khu vực Đông Nam Á được UNESCO công nhận - với các giá trị đặc biệt, nổi bật toàn cầu về địa chất địa mạo, cảnh quan thiên nhiên kỳ thù, chứa đựng kho tư liệu đồ sộ, đầy đủ, phong phú và nguyên vẹn về nhân loại thời tiền sử, thể hiện cách thức thích ứng của nhân loại trước những biến đổi lớn về môi trường địa cầu trong hàng vạn năm qua. 

Tràng An còn có những giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật, với các nền văn minh thời đại kim khí, văn minh Đông Sơn, nơi được lựa chọn để đặt kinh đô Hoa Lư của nhà nước Đại Cồ Việt, cùng hàng trăm đền, chùa, miếu, phủ, các công trình kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng hiện hữu trong các hang động, mái đá hay bên sườn núi đồng điệu cùng thiên nhiên và có kiến trúc mang tính kỹ thuật, mỹ thuật cao, các lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc mang hồn cốt văn hóa của người dân Ninh Bình nói riêng, Việt Nam nói chung.

Ngày 23-8-2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU, “Về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2030”. 

Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 là: “thực hiện hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, đồng thời sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gắn với định hình tính chất đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là đô thị di sản, dựa trên các giá trị độc đáo về địa tự nhiên - sinh thái, văn hóa - lịch sử, sở hữu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. 

Đồng thời, hoàn thiện các tiêu chí công nhận đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là đô thị loại I trực thuộc tỉnh”. Theo đó, thành phố Hoa Lư trong tương lai sẽ bao trùm gần như toàn bộ phạm vi Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình. Thành phố mới sẽ có gần 30% là diện tích vùng lõi Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Cố đô Hoa Lư là di tích cấp quốc gia đặc biệt, một trong những di tích quan trọng bậc nhất của Việt Nam, được Bộ Văn hóa xếp hạng cấp quốc gia đợt đầu tiên của cả nước năm 1962. Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước Đại Cồ Việt, nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên, nơi phát tích sự nghiệp 3 triều đại: Đinh - Tiền Lê và khởi đầu triều Lý ở thế kỷ X. 

Cùng với Thăng Long - Hà Nội, Huế, Hoa Lư là 1 trong 3 kinh đô ổn định lâu dài của nước Đại Việt - Việt Nam thống nhất, tự chủ với các giá trị đặc biệt quan trọng về vai trò, vị thế của kinh đô - triều đại, di sản khảo cổ học, kiến trúc nghệ thuật, lễ hội, tập quán tín ngưỡng và lối sống,... bảo lưu và trao truyền đến hiện tại.

Thành phố Ninh Bình cũng sở hữu di tích cấp quốc gia đặc biệt núi Non Nước, nơi duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được các văn bia ma nhai với số lượng lớn (48 văn bia), ghi dấu bút tích các bậc tao nhân mặc khách, công hầu khanh tướng, danh nhân văn hóa các triều đại từ thời Lý - Trần đến đầu thế kỷ XX.

Với những giá trị đặc biệt trên, Ninh Bình hội tụ đầy đủ điều kiện để xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ - đô thị mang đặc trưng một vùng di sản, đô thị duy nhất ở Việt Nam vừa sở hữu cố đô, vừa sở hữu di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, di sản tư liệu, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mang tầm khu vực và thế giới, bảo đảm đầy đủ điều kiện để Ninh Bình được áp dụng Phân loại đô thị và Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị có yếu tố đặc thù theo quy định tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15, để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận. 

Bên cạnh mục tiêu bảo tồn các giá trị di sản, việc xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố di sản còn mang ý nghĩa tôn vinh giá trị thương hiệu của thành phố Ninh Bình nói riêng, tỉnh Ninh Bình nói chung, góp phần quảng bá du lịch, làm nền tảng định hướng và phát huy tiềm năng phát triển của thành phố Ninh Bình một cách hiệu quả, bền vững.

Phát huy tiềm năng, lợi thế giá trị nổi bật, bản sắc riêng có

Với tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, văn hóa, lịch sử của vùng đất cố đô, thời gian qua, Ninh Bình đặc biệt chú trọng khai thác khai thác các tiềm năng, thế mạnh, phát huy giá trị bản sắc riêng của những di sản để tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, mang tính đặc thù, đáp ứng nhu cầu của du khách, như: hệ thống sản phẩm du lịch gắn với Quần thể danh thắng Tràng An, hệ thống sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, hệ thống sản phẩm du lịch sinh thái, sản phẩm du lịch làng nghề, sản phẩm du lịch lễ hội truyền thống, sản phẩm du lịch đô thị... 

Nhờ vậy, những tiềm năng, thế mạnh của di sản đã được phát huy, đem lại những thay đổi tích cực trong phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của địa phương, nâng cao sinh kế cho người dân trong vùng.

Tỉnh Ninh Bình đang là một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, với lượng khách du lịch đến ngày càng nhiều và thời gian lưu trú ngày càng dài, Ninh Bình trở thành 1 trong 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước (năm 2022, lượng khách tham quan du lịch tỉnh Ninh Bình khoảng 3,7 triệu lượt, gấp 3,6 lần so với năm 2021, năm 2023, lượng khách đến tỉnh Ninh Bình cán mốc trên 6,5 triệu lượt, doanh thu đạt trên 6.500 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2022). 

Đặc biệt, tại giải thưởng thường niên về du lịch của Booking.com, Ninh Bình là địa phương duy nhất của châu Á góp mặt và đứng thứ 7 trong danh sách 10 vùng đất thân thiện nhất thế giới năm 2023. Trong giải thưởng du lịch thế giới, Vườn Quốc gia Cúc Phương 4 lần liên tiếp (từ năm 2019 đến năm 2022) được công nhận là công viên quốc gia hàng đầu châu Á. Sự ghi nhận này của bạn bè quốc tế góp phần quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư đến bạn bè trong nước và thế giới.

Trong chuyến tham quan Quần thể danh thắng Tràng An, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đánh giá cao mô hình quản lý di sản mà tỉnh Ninh Bình đang áp dụng, điển hình về kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.

Hoạt động du lịch ở khu vực di sản đã mang lại nhiều lợi ích về mặt bảo tồn và phát triển cộng đồng, góp phần bảo vệ các nguồn tài nguyên tự nhiên, văn hóa và lịch sử thông qua sự kết nối, tham gia của người dân trong cộng đồng. Thông qua việc tham gia vào các hoạt động du lịch và được giới thiệu về các di tích lịch sử của địa phương, người dân sẽ biết rõ hơn về lịch sử và truyền thống quê hương, góp phần tạo dựng niềm tự hào, giá trị văn hóa địa phương./.