05/04/2025 | 10:04 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Đô thị hóa và những vấn đề đặt ra đối với đô thị di sản

Thành Văn
Đô thị hóa và những vấn đề đặt ra đối với đô thị di sản Người dân và du khách xem biểu diễn hát xẩm tại phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội_Ảnh: vietnamplus.vn
Đô thị Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, nhiều giai đoạn thăng trầm. Trải qua gần 40 năm đổi mới, hệ thống đô thị có nhiều chuyển biến, tăng nhanh về số lượng và chất lượng đô thị từng bước được nâng cao. Bên cạnh những đô thị mới, việc lưu giữ, bảo tồn giá trị lịch sử - văn hóa của những đô thị di sản là bài toán được đặt ra cấp thiết.

1. Tính đến tháng 9-2023, toàn quốc có 902 đô thị (trong đó 2 đô thị loại đặc biệt, 22 loại I, 35 loại II, 46 loại III, 94 loại IV). Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt trên 42,6%. Nhiều đô thị được đánh giá đạt tiêu chí phân loại đô thị cao hơn các giai đoạn trước.

Hà Nội là 1 trong 2 thành phố ở Việt Nam có tốc độ đô thị hóa cao nhất cả nước, bao gồm quy mô diện tích, gia tăng dân số, đầu tư xây dựng trong gần 30 năm trở lại đây. Thành phố Hà Nội có nhiều cơ chế, chính sách và sáng kiến để nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của một đô thị lịch sử. 

Đơn cử trường hợp quận Hoàn Kiếm - quận nằm ở trung tâm thành phố, vốn được quy hoạch xây dựng tốt với mạng lưới các vườn hoa nhỏ, quảng trường các quy mô, có mặt nước hồ Hoàn Kiếm và sông Hồng. Tuy nhiên, với mật độ dân số cao và thường xuyên diễn ra những hoạt động công cộng thu hút hàng triệu lượt người tham gia nên diện tích không gian công cộng thiếu hụt.

Năm 2017, thành phố đã giao quận Hoàn Kiếm liên tục mở rộng hoạt động đi bộ trong khu phố cổ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận. Những năm qua, quận Hoàn Kiếm đã tạo điều kiện để các tổ chức trong nước và quốc tế, cộng đồng dân cư tổ chức những hoạt động đa dạng, với mục tiêu tạo ra sân chơi mở, mang đến cho người dân Thủ đô một không gian văn hóa nghệ thuật mang hơi thở đương đại. 

Bên cạnh đó, không gian công cộng còn hướng tới gắn kết mọi người trong cộng đồng, cải thiện ý thức và hưởng ứng lối sống lành mạnh, nâng cao thái độ ứng xử với văn hóa và giá trị chung của cộng đồng. 

Đây là những chuỗi hoạt động thúc đẩy khai thác về kinh tế dựa trên du lịch văn hóa, góp phần tích cực giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử của Thủ đô.

Hội An là thành phố nhỏ ở miền Trung, với khu phố cổ là một di sản thế giới. Với đặc điểm thành phố được quy hoạch với các đường phố nhỏ trong phạm vi hẹp nên điều kiện sử dụng giao thông chủ động là tốt. 

Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị tại Hội An đã tạo nhiều áp lực lên sử dụng đất công của thành phố nói chung, các không gian công cộng nói riêng. Năm 2013, thành phố Hội An quyết định xây dựng kế hoạch phát triển không gian công cộng trên phạm vi toàn thành phố.

Đô thị Huế với các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật phong phú, là đô thị còn bảo lưu khá nguyên vẹn diện mạo của một kinh đô cổ kính thời phong kiến. Thiên nhiên, kiến trúc và con người ở đây dường như hòa làm một tạo nên một tổng thể đô thị rất đặc trưng - đô thị cảnh quan, đô thị di sản. 

Kinh thành Huế có diện tích 520ha, được bao bọc bởi hệ thống tường thành kiên cố mà ngày nay vẫn còn lưu giữ được hình thái kiến trúc vốn có của nó. Hệ thống giao thông theo kiểu ô bàn cờ và tính linh hoạt trong việc bố cục các công trình kiến trúc dựa trên nền cảnh tự nhiên của Kinh thành Huế đã tạo ra một hệ thống không gian lịch sử - văn hóa phong phú...

Huế được chính quyền địa phương xác định là một đô thị di sản, văn hóa, cảnh quan thân thiện với môi trường. Đây là hướng đi đúng, phù hợp với đặc trưng của đô thị Huế. Thành phố Huế có nhiều ưu thế cạnh tranh ở một số khía cạnh nhất định như du lịch lịch sử - văn hóa hay cảnh quan thiên nhiên, đem lại lợi thế rất lớn về mặt xây dựng hình ảnh đặc trưng của một thành phố di sản, văn hóa của Việt Nam, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của đô thị một cách bền vững.

2. Hiện nay, quá trình phát triển các đô thị nói chung, các đô thị lịch sử - văn hóa nói riêng gặp nhiều khó khăn trong việc bảo tồn và phát triển. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng khiến các thành phố này có chiều hướng mất đi bản sắc cũng như sự độc đáo. Dấu ấn thời gian và yếu tố di sản dần bị thay thế. 

Các đô thị di sản, đặc biệt là các thành phố dọc bờ biển mà Hội An là một điển hình đang phải đối mặt với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên. Trong nhiều năm qua, chính quyền các địa phương đô thị di sản đã cho thấy sự lúng túng trong quản lý phát triển đô thị. Việc giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển vẫn còn không ít hạn chế.

Vì vậy, một trong những hướng tiếp cận nhằm giải quyết các yếu tố trên chính là nâng cao chất lượng các không gian công cộng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh giữa đô thị di sản với các đô thị khác. Trước giá trị và sức hút to lớn của đô thị di sản, cần kiến tạo, thúc đẩy cơ chế đặc thù để đô thị di sản giữ được bản sắc, không bị cuốn theo sự phát triển của đô thị nén và bê-tông hóa, gây xung đột với giá trị di sản. 

Cần xây dựng, đề xuất, áp dụng một bộ tiêu chí đặc thù của đô thị di sản, hoặc xây dựng cơ chế đô thị di sản làm cơ sở cho các địa phương tiến hành quy hoạch, sắp xếp đơn vị hành chính, giải quyết mối quan hệ giữa hiện đại hóa và bảo tồn di sản đô thị trong quá trình đô thị hóa.

Tương tự, từ thực tiễn vấn đề quản lý di sản của các thành phố như Hà Nội, Huế, Hội An..., việc xác định rõ những đặc tính, đặc thù của loại hình đô thị di sản để có cách ứng xử phù hợp cũng như bổ sung các thuật ngữ đô thị di sản để có cơ chế, chính sách trong công tác quản lý quy hoạch hiệu quả hơn. 

Cần sớm cụ thể thuật ngữ đô thị di sản và bổ sung một chương trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa năm 2009 quy định cụ thể về loại hình di sản này với các nội dung về tiêu chí công nhận, quy định mang tính đặc thù trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị,... nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý đối với các di sản mang yếu tố đô thị hiện nay.

Cần chuyển đổi tư duy quản lý hướng tới đô thị di sản trong quá trình đô thị hóa và toàn cầu hóa mạnh mẽ. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị. 

Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới, trong đó đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là với những đô thị lịch sử - văn hóa đặc thù là những nhiệm vụ trọng tâm...

Nghiên cứu, đề xuất cách thức bảo tồn, tiếp cận, xây dựng chương trình bảo tồn di sản tích hợp với phát triển đô thị, phù hợp với xu thế chung trên thế giới. Bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử của đô thị cần trở thành một phần được lồng ghép trong các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Huy động sự tham gia của cộng đồng vào chương trình bảo tồn và tiếp cận đa chiều trong quá trình phát triển các đô thị gắn với giá trị văn hóa - lịch sử - kiến trúc, hướng tới phát triển bền vững./.


Trang: 1 2 3 4 5 ... 25 Sau