06/10/2024 | 00:42 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tầm nhìn đô thị di sản thiên niên kỷ

Vũ Thanh Lịch
ThS, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình
Tầm nhìn đô thị di sản thiên niên kỷ Lễ rước nước truyền thống tại Lễ hội Hoa Lư năm 2024_Ảnh: nbtv.vn
Để thực hiện mục tiêu chiến lược xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ, việc nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong vùng đô thị với nhiệm vụ tối đa hóa các yếu tố độc đáo, tính khác biệt trong xây dựng, quản lý phát triển đô thị di sản thiên niên kỷ ở Ninh Bình có ý nghĩa quan trọng.

Nguồn lực xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ

Tỉnh Ninh Bình hiện có 1.821 di tích được kiểm kê, trong đó có 405 di tích đã xếp hạng (1 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 3 di tích quốc gia đặc biệt, 78 di tích quốc gia và 304 di tích cấp tỉnh). 

Ninh Bình đang lưu truyền và phát triển 393 di sản văn hóa phi vật thể thuộc tất cả các loại hình, trong đó có 6 di sản đã được ghi danh trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Các di sản văn hóa trên có giá trị đặc biệt, tạo nên dấu ấn đặc sắc riêng có của Ninh Bình, dấu ấn của vùng đất từng là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền tại Việt Nam, là nền tảng cho các thế hệ người dân Việt Nam đấu tranh, giữ gìn, bảo vệ nền độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc.

Trong hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú đó, có nhiều di sản có giá trị nổi bật, tạo nên nét độc đáo riêng của đô thị di sản Ninh Bình. Đó là dấu ấn vùng đất cổ, nơi có con người sinh sống từ cách nay hơn 3 vạn năm, với các di tích khảo cổ học tiền sử trong những mái đá, hang động vùng di sản Tràng An, tiếp theo là các giá trị văn hóa, văn minh Đông Sơn. 

Đến thế kỷ X, Ninh Bình được lựa chọn để đặt Kinh đô Hoa Lư của nhà nước Đại Cồ Việt - nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam. Ninh Bình còn có hàng trăm đền, chùa, miếu, phủ, các công trình kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng hiện hữu trong các hang động, mái đá hay bên sườn núi đồng điệu cùng thiên nhiên và có kiến trúc mang tính kỹ thuật, mỹ thuật cao, các lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc mang hồn cốt văn hóa của Ninh Bình nói riêng và Việt Nam nói chung.

Các giá trị đặc biệt, nổi bật toàn cầu về địa chất địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, chứa đựng kho tư liệu đồ sộ, đầy đủ, phong phú và nguyên vẹn về nhân loại thời tiền sử, thể hiện cách thích ứng của nhân loại trước những biến đổi lớn về môi trường địa cầu trong hàng vạn năm qua là điều kiện để Tràng An được ghi danh là di sản kép đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước - nơi duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được các văn bia ma nhai với số lượng lớn (48 văn bia), ghi dấu bút tích các bậc tao nhân mặc khách, công hầu khanh tướng, danh nhân văn hóa các triều đại từ thời Lý - Trần đến đầu thế kỷ XX - xứng đáng được ghi danh di sản tư liệu tầm quốc tế.

Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật hát Xẩm, nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, nghề thêu Ninh Hải, Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội làng Bình Hải, Mo Mường được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và nhiều di sản giá trị khác được người dân Ninh Bình sáng tạo, bảo lưu, trao truyền qua nhiều thế hệ đến ngày nay, là nguồn lực vô giá trong xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa Ninh Bình.

Cần đẩy nhanh, hoàn thiện mảnh ghép cơ chế

Với nguồn tài nguyên di sản văn hóa phong phú và đa dạng, tham khảo kinh nghiệm trên thế giới và các địa phương ở Việt Nam, cùng với đặc thù riêng của mình, tỉnh Ninh Bình đã và đang xây dựng các tiêu chí đô thị di sản thiên niên kỷ. 

Đó là đô thị có đầy đủ các yêu cầu của một đô thị văn minh, hiện đại; sở hữu các giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa và thiên nhiên, giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc được bảo tồn và phát huy tiếp nối; các giá trị văn hóa, thiên nhiên được bảo tồn theo cam kết quốc tế và pháp luật về di sản văn hóa của Việt Nam, được phát huy như một nguồn tài nguyên quan trọng trong phát triển bền vững các mặt kinh tế, xã hội; các cảnh quan nhân tạo, cấu trúc đô thị được tổ chức hài hòa với không gian di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên; phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để tỉnh Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước.

Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư - một trong những di tích quan trọng bậc nhất của Việt Nam - được Bộ Văn hóa xếp hạng cấp quốc gia đợt đầu tiên, năm 1962. Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước Đại Cồ Việt, nơi phát tích sự nghiệp 3 triều đại: Đinh - Tiền Lê và khởi đầu triều Lý ở thế kỷ X.

Để xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ phát triển nhanh và bền vững, tôn trọng các giá trị cốt lõi của tự nhiên, văn hóa, con người, dựa trên 3 trụ cột gồm di sản, công nghiệp văn hóa và đổi mới sáng tạo, bên cạnh nỗ lực của địa phương, rất cần có những cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển hạ tầng. 

Bởi vậy cần có nghiên cứu đầy đủ, toàn diện và thống nhất xây dựng bộ tiêu chí của đô thị di sản thiên niên kỷ, tập trung một số nội dung sau: Các tiêu chí đặc thù về đô thị di sản thiên niên kỷ; cơ chế về nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản; cơ chế bảo tồn, phát huy, phục dựng Kinh đô Hoa Lư, trong đó ưu tiên các ứng dụng công nghệ số; có các cơ chế chính sách về an sinh xã hội bảo đảm đời sống cho người dân trong vùng di sản; thành lập và vận hành tốt các quỹ văn hóa, di sản, đổi mới sáng tạo...

Bên cạnh đó, còn cần đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, thiết chế văn hóa đồng bộ, mang tầm quốc gia và khu vực, khẳng định bản sắc và dấu ấn của tỉnh như nhà hát, hệ thống thư viện, bảo tàng, trung tâm hội nghị, trung tâm triển lãm nghệ thuật, không gian sáng tạo nghệ thuật,... để xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành trung tâm tổ chức sự kiện văn hóa, trung tâm sáng tạo dựa trên các giá trị di sản tầm quốc gia và khu vực.

Ninh Bình cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách chung về công tác bảo tồn di sản; cho phép triển khai lập quy hoạch khảo cổ tỉnh Ninh Bình sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành thông tư quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật và hướng dẫn triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ thăm dò, khai quật khảo cổ. 

Triển khai công tác khai quật khảo cổ học quy mô lớn kèm theo phương án bảo tồn trên thực địa gắn với xây dựng Công viên lịch sử quốc gia tại khu vực trung tâm Cố đô Hoa Lư.

Tỉnh Ninh Bình đã, đang và sẽ quan tâm giới thiệu, tạo điều kiện mời các trí thức, nghệ sĩ, nhà khoa học, tác giả nổi tiếng đã có thành tựu tầm mức quốc tế trong các lĩnh vực di sản, công nghiệp văn hóa và đổi mới sáng tạo đóng góp ý tưởng, thực hiện các dự án trên địa bàn.

Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh Ninh Bình chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho phát triển công nghiệp văn hóa; có chính sách tài chính phù hợp để khuyến khích các đơn vị sự nghiệp lĩnh vực văn hóa, thể thao phát huy tính năng động, sáng tạo trong hợp tác, đầu tư, phát triển các sản phẩm dịch vụ văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa./.