Di sản đô thị trong kỷ nguyên số
Phan Lương
Bài toán khó
Dù di sản đô thị chắc chắn là một phần không thể thiếu trong bản sắc và lịch sử của mỗi thành phố, nhưng việc bảo tồn những công trình kiến trúc đó chưa bao giờ thực sự dễ dàng, khi không hề có giải pháp đơn giản nào có thể giải quyết vấn đề tận gốc rễ.
Các nhà hoạch định chính sách sẽ luôn phải đối mặt với bài toán hóc búa trong việc lựa chọn giữa bảo tồn di sản đô thị và đáp ứng nhu cầu trong một môi trường ngày càng phát triển nhanh chóng về không gian cũng như kết cấu hạ tầng.
Tại Philippines, một cuộc tranh luận về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản đô thị đã nổ ra gay gắt trong giai đoạn 2012 - 2017, liên quan đến Đài tưởng niệm Rizal mang tính biểu tượng ở Thủ đô Manila. Theo đó, một chung cư cao tầng được xây ngay phía sau tượng đài người anh hùng dân tộc đã khiến nhiều người dân phẫn nộ.
Sau một thời gian dài kiện tụng, tòa án ra phán quyết có lợi cho công ty phát triển địa ốc, khiến các nhà hoạt động văn hóa Philippines thật sự thất vọng. Đây chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ cho thấy bảo tồn di sản đô thị thực sự là một vấn đề mà nhiều thành phố ở Đông Nam Á đang phải đối mặt.
Theo ông David Ocón - Trợ lý Giáo sư về quản lý văn hóa và nghệ thuật Đại học quản lý Singapore (SMU) - với quy mô dân số lớn và thiếu không gian ở các đô thị Đông Nam Á hiện nay, việc kết nối giữa nhu cầu về hạ tầng đường sá mới, phát triển dân cư và những cơ sở hạ tầng cơ bản khác với nhu cầu bảo tồn di sản đô thị là một thách thức.
Trong số những giải pháp thường được nhắc tới, số hóa đang được xem là một biện pháp thay thế tiềm năng. Theo đó, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), lập mô hình và in 3D, hay công nghệ video 360 độ là một vài công cụ số cho phép các thế hệ hiện tại và tương lai tương tác với di sản đô thị.
Ở một mức độ nhất định, làn sóng số hóa mới hiện nay, với các công cụ đã kể trên, đang đại diện cho “cấp độ tiếp theo” của một xu hướng đã có lâu nay.
Có 2 lợi ích mà các công cụ số có thể mang lại. Trước hết là tính tương tác. Công nghệ mới giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về di sản đô thị và cho phép họ thăm những địa điểm này một cách toàn diện hơn.
Chẳng hạn VR và AR có thể giúp du khách cảm thấy như thể đang ở chính địa điểm đó, ngay cả khi cách di sản thật hàng nghìn ki-lô-mét hoặc không còn tồn tại. Điều này thật sự có giá trị không chỉ với di sản đô thị hữu hình mà còn cả với những di sản phi vật thể như truyền thống, chuyện kể và truyền miệng.
Số hóa cho phép chúng ta có thể tiếp cận từ xa những di sản vốn bị hạn chế vì lý do bảo tồn, cho phép nhiều đối tượng hơn có thể trải nghiệm và tìm hiểu.
Trách nhiệm chung
Đến nay vẫn có không ít ý kiến cho rằng nhiệm vụ bảo tồn di sản là trách nhiệm của các nước giàu và/hoặc các tổ chức quốc tế lớn như UNESCO, khi chỉ họ mới có đủ nguồn lực và chuyên môn để bảo tồn di sản đô thị và di sản văn hóa thế giới.
Đương nhiên, chắc chắn những quốc gia hay tổ chức như thế đã, đang và sẽ đóng một vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ tài chính, đưa ra hành động chiến lược cũng như đào tạo nhân sự chuyên sâu để bảo tồn di sản văn hóa đô thị, nhưng nếu chỉ dựa vào đó, vẫn còn nhiều hạn chế được đặt ra.
Tại Đông Nam Á, ASEAN thời gian qua cũng đã nỗ lực để bảo tồn di sản đô thị và văn hóa thông qua nhiều phương tiện khác nhau, chẳng hạn sáng kiến Lưu trữ số di sản văn hóa ASEAN (ACHDA) hồi năm 2020.
Tuy nhiên, những nỗ lực này đến nay chưa mang lại kết quả như mong muốn. Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, với nguồn lực còn hạn chế như ở Đông Nam Á, quan hệ đối tác công - tư (PPP) có thể được xem là một giải pháp thực chất.
Chính phủ và các bên liên quan ở mỗi quốc gia trong khu vực cần phải gánh vác trách nhiệm lớn hơn trong việc bảo tồn di sản đô thị của chính mình.
Có thể nói, PPP là một giải pháp mang tính tất yếu. Tất cả các bên liên quan cần phải hợp tác cùng nhau nhằm giúp những công trình kiến trúc lịch sử có được vai trò mới phù hợp hơn với xã hội ngày nay, qua đó khiến việc bảo tồn di sản đô thị được thực hiện một cách hiệu quả và bền vững.
Một ví dụ điển hình chính là dự án khu dân cư Nizamuddin Basti ở Thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Thông qua PPP, hơn 20 di tích và địa điểm lịch sử nơi đây đã được bảo tồn, trong khi nhiều ngành nghề thủ công địa phương được khôi phục, môi trường đô thị được cải thiện và nhiều việc làm mới được tạo ra.
Ưu tiên bền vững
Thực tế này đã nhấn mạnh, nếu có thể, bảo tồn di sản văn hóa vật thể cần luôn được ưu tiên bởi chắc chắn không một công cụ số hay trải nghiệm ảo nào có thể thay thế hoàn toàn việc tới thăm trực tiếp một địa điểm di sản đô thị và văn hóa.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý cần có sự thận trọng nhất định khi cải tạo công năng của công trình kiến trúc lịch sử, bởi bảo tồn chỉ vì mục đích bảo tồn có thể không phải lựa chọn tốt nhất để quản lý một di sản hay một không gian đô thị.
Những dự án bảo tồn di sản đô thị đòi hỏi kinh phí lớn và thời gian, trong khi công năng ban đầu của chúng có thể không còn phù hợp với xã hội ngày nay và ngay cả sau khi phục hồi cũng không có một vai trò hiệu quả và bền vững.
Nhà thờ St. Joseph trên đường Bras Basah ở Singapore là một ví dụ. Sau khi công trình kiến trúc này được chuyển đổi công năng để trở thành Bảo tàng Nghệ thuật Singapore (SAM) vào cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, tòa nhà đã gặp rất nhiều khó khăn do cấu trúc ban đầu vốn được thiết kế là một trường học, và buộc phải đóng cửa từ năm 2019, trong khi chờ đợi một đợt cải tạo lớn lần thứ hai.
Rõ ràng với những thành phố bị giới hạn về không gian như Singapore hay Hồng Kông (Trung Quốc), vốn có xu hướng bỏ qua lịch sử, ký ức và bản sắc của xã hội để đổi lấy sự tăng trưởng và phát triển, cần thiết phải nghiên cứu những giải pháp mới để có thể vừa bảo tồn được các di sản đô thị, trong khi cho phép chúng một vai trò mới, hữu ích và hiệu quả, trong không gian của một thành phố đang phát triển.
Biến những nơi này thành không gian cộng đồng, kết hợp giữa thiên nhiên và văn hóa, có thể là một giải pháp không tồi, để từ đó mở ra những mô hình bảo tồn di sản đô thị và văn hóa bền vững hơn cho các thành phố ở châu Á./.