Phát huy giá trị di sản của đô thị cổ Hội An
NGUYỄN TẤN TOÀN
1. Đô thị cổ Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam. Với vị trí địa lý thuận lợi, Hội An từng là thương cảng quốc tế sầm uất của những thuyền buôn đến từ Nhật Bản, Trung Hoa và các nước phương Tây. Ngày nay, đô thị cổ Hội An được xem là một điển hình về cảng thị truyền thống được bảo tồn cơ bản nguyên vẹn.
Đô thị cổ Hội An là một quần thể kiến trúc gồm nhiều ngôi nhà cổ, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ và những đường, hẻm nhỏ chạy ngang dọc, được thiết kế tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ. Đô thị cổ Hội An hiện có 1.439 di tích thuộc đủ 4 loại hình theo phân loại của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và các nghị định, thông tư liên quan.
Trong đó, có 24 di tích khảo cổ, 1.337 di tích kiến trúc nghệ thuật, 70 di tích lịch sử, 8 danh thắng, chiếm khoảng 80% là thuộc sở hữu tư nhân và tập thể.
Công tác khảo sát, đánh giá, kiểm tra tình hình các di tích của Hội An được thực hiện định kỳ, liên tục và thường xuyên đã kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong công tác quản lý di tích; đồng thời tạo cơ sở đánh giá, xác định mức độ xuống cấp, hư hại và có giải pháp tu bổ, tôn tạo di tích.
Công tác phát huy giá trị di sản của Hội An trong những năm qua được thực hiện tốt, khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Thống kê cho thấy, tổng lượt khách đến Hội An trong năm 2023 là 4 triệu, tăng 99,79% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế 3 triệu, tăng 327,63% so với cùng kỳ.
Cùng với sự gia tăng của khách đến, lượt khách mua vé tham quan các điểm di sản cũng tăng 130,53% so với cùng kỳ (3,23 triệu lượt). Tổng lượng khách lưu trú tại Hội An trong năm 2023 là 1,553 triệu lượt, tăng 100,47% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu toàn ngành du lịch của Hội An trong năm 2023 đạt 4.139,7 tỷ đồng, tăng 202,31% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy đô thị cổ Hội An đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức lớn, trong đó có những nguy cơ, thách thức đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của di sản. Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới - đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035[1] đưa ra 4 nguy cơ lớn mà Hội An đang phải đối mặt:
thứ nhất, nguy cơ mất cân bằng giữa quy hoạch bảo tồn tài nguyên di sản văn hóa với phát triển du lịch - dịch vụ. Hiện nay, tài nguyên di sản văn hóa chủ yếu khai thác tập trung vào “vùng lõi” trong khu phố cổ với 1.439 di tích, trong khi khu vực này chỉ có diện tích 30ha. Nhu cầu đa dạng của du khách dẫn đến hệ thống công trình dịch vụ - du lịch ngày càng nhiều, tạo áp lực lớn cho cơ sở hạ tầng;
thứ hai, nguy cơ về sức ép môi trường như chất thải, khói bụi, hỏa hoạn, mối mọt, côn trùng gây hư hại công trình kiến trúc và thiên tai tác động của quá trình biến đổi khí hậu đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của khu phố cổ;
thứ ba, nguy cơ tác động từ du lịch với biến đổi giá trị văn hóa. Đó là tình trạng biến dạng kiến trúc và công năng sử dụng di tích phục vụ mục đích kinh doanh du lịch dẫn đến những biến đổi trong “nếp nhà”, lối sống, nếp sống, giềng mối cố kết cộng đồng cư dân phố cổ vốn được coi là “hồn cốt” của văn hóa Hội An; thứ tư, nguy cơ mất đi tính chân xác trong hoạt động bảo tồn di sản.
Bởi Hội An là “bảo tàng sống”, vì vậy, nhiệm vụ bảo tồn di sản phải gắn với đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, vừa gắn với nhiệm vụ phát triển đa lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường..., vừa đòi hỏi giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa quan điểm về bảo tồn nguyên gốc với quan điểm bảo tồn thích nghi, phát triển bền vững.
2. Mục tiêu phát triển đô thị cổ Hội An của tỉnh Quảng Nam đến năm 2035 là phải được bảo vệ tính toàn vẹn, tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của di sản; bảo đảm tính thống nhất và hài hòa giữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển kinh tế - xã hội; góp phần tạo sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển tại khu vực vùng lõi, vùng đệm và khu vực xung quanh.
Bảo tồn và phát huy giá trị của quần thể di tích đô thị cổ Hội An cùng với các các giá trị về văn hóa vật thể và phi vật thể là nhiệm vụ quan trọng của địa phương. Do đó, chính quyền tỉnh Quảng Nam, thành phố Hội An và các cơ quan Trung ương phải có tầm nhìn, chiến lược dài hạn trong quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị của đô thị cổ Hội An, tránh làm tổn hại, gây biến dạng di tích; phải gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
Trước mắt, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh các quy hoạch, quy chế, quy định và những giải pháp tổng thể, căn bản, dài hạn về quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của thị cổ Hội An; lồng ghép mục tiêu bảo tồn và phát huy di sản trong quy hoạch chung thành phố Hội An gắn kết với quy hoạch tỉnh Quảng Nam, quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia.
Thứ hai, đầu tư hạ tầng khu di sản đồng bộ, bảo đảm công tác bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn minh - mỹ quan đô thị, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu phố cổ đạt chất lượng, đồng bộ, tiện tích cho người dân và du khách, nâng cấp các công trình công cộng phục vụ người dân và du khách; sử dụng một số ngôi nhà do Nhà nước quản lý để chuyển thành điểm sinh hoạt, giao lưu văn hóa cộng đồng trong khu phố cổ.
Thứ ba, triển khai công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn di sản văn hóa, trùng tu di tích, giáo dục, tuyên truyền di sản và hợp tác quốc tế. Đánh giá toàn diện mức độ tác động của các nguy cơ đe dọa đối với di sản, đặc biệt là sức chứa của khu phố cổ để có giải pháp kiểm soát, giảm tải áp lực; xây dựng phương án quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị cho các loại hình di sản.
Tập trung quản lý toàn diện khu phố cổ, bao gồm các yếu tố văn hóa vật thể, phi vật thể, hình thái kiến trúc, cảnh quan văn hóa và tự nhiên, cấp phép và thi công tu bổ, xây dựng, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, môi trường văn hóa và du lịch, mỹ quan đô thị, bảo vệ môi trường./.
[1] Đề án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thẩm định và tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.