23/11/2024 | 16:38 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Ấn Độ trong cuộc đua giành giật sự tồn tại của đô thị 600 năm tuổi

Thanh Nam
Ấn Độ trong cuộc đua giành giật sự tồn tại của đô thị 600 năm tuổi Một góc khu phố cổ Ahmedabad (Ấn Độ)_Ảnh: TL
Các chuyên gia bảo tồn di sản cảnh báo rằng Ahmedabad - một trong những thành phố bị ô nhiễm nặng nề nhất thế giới thuộc bang Gujarat (miền Tây Ấn Độ) - đang phải đối mặt với thử thách nặng nề nếu muốn giữ được danh hiệu Di sản đô thị của UNESCO. Thành phố biểu tượng của văn hóa Ấn Độ đang dần suy tàn bởi sự thờ ơ, giao thông hỗn loạn và ô nhiễm rác thải.

Mật độ giao thông dày đặc thường xuyên bóp nghẹt lối vào khu phố cổ Ahmedabad qua chiếc cổng vòm đá tuổi đời nhiều thế kỷ. Trên đường phố, hàng đoàn xe tuktuk và xe buýt bóp còi inh ỏi, di chuyển qua lại từ sáng tới đêm khiến đô thị di sản duy nhất của Ấn Độ luôn trong tình trạng được phủ một lớp bụi đen, nhờn.

Khu đô thị 600 năm tuổi được công nhận là “thành phố Di sản thế giới” đầu tiên của Ấn Độ vào tháng 7-2017, bất chấp những cảnh báo của một số chuyên gia UNESCO rằng thành phố này hoàn toàn thiếu một kế hoạch bảo tồn các bức tường thành cổ, những ngôi đền và lăng mộ vô giá.

Ahmedabad là nơi có pháo đài cổ Bhadra, hay ngôi đền mái vòm đá Sidi Saiyyed Hồi giáo huyền thoại từ thế kỷ XVI cùng vô số các công trình thánh tích đạo Hindu và đạo Hồi độc nhất vô nhị, vốn luôn cuốn hút các du khách quốc tế. 

Chính quyền thành phố Ahmedabad kỳ vọng việc được cơ quan Liên hợp quốc công nhận vị thế di sản toàn cầu sẽ giúp lấy lại niềm tự hào cho cộng đồng người dân ở một thành phố cổ đang chìm ngập trong sự lộn xộn, ô nhiễm và rác thải.

Chủ tịch Ủy ban Bảo tồn di sản thuộc Hội đồng thành phố Ahmedabad, ông P.K Ghosh từng mong muốn rằng bản thân những người dân địa phương sẽ tự kiềm chế trong việc đổ rác thải xung quanh nơi sinh sống. Tuy nhiên, nhiều gia đình bản địa sống trong các khu nhà gỗ lại có xu hướng muốn rời bỏ đô thị cổ để chuyển sang thành phố hiện đại ngoại vi Ahmedabad vì quá mệt mỏi với điều kiện sống chật chội và kém vệ sinh hiện nay.

Những “kho báu” trong tình trạng đổ nát

Jagruti Vyas - một cư dân sinh sống lâu đời trong Ahmedabad - cũng hy vọng việc được UNESCO đưa thành phố vào danh sách Di sản thế giới sẽ giúp nâng các tiêu chuẩn sống cho khu phố đổ nát, phù hợp với xu hướng vệ sinh ở vùng đô thị mới hơn phía bên ngoài tòa thành cổ. Bà Jagruti tâm sự: “chúng tôi hy vọng sẽ có những đổi thay tương tự, rằng những khu vực này của thành phố sẽ được sạch sẽ hơn”.

Nhưng đó cũng chính là những áp lực mà thành phố Ahmedabad hiện đại đang phải đối mặt. Đó là tình trạng ô nhiễm không khí kinh niên, giao thông hỗn loạn và quy hoạch đô thị lộn xộn mà nhiều chuyên gia cho rằng nó sẽ nhanh chóng hủy hoại thành phố đậm đà bản sắc văn hóa Ấn Độ.

Khu phố cổ di sản Ahmedabad vốn chưa bao giờ được thiết kế cho các loại xe ô-tô, nhưng ngày nay, hàng nghìn chiếc xe tải và xe tuktuk thường xuyên “cày nát” những lối đi chật hẹp và ngõ hẻm của đô thị cổ. Tình trạng tắc nghẽn giao thông đã “băm nát” các con đường tại đây trong khi không khí luôn nghẹt thở vì các loại khói bụi, khiến những công trình di tích luôn bị nhuốm bẩn bởi một màu đen kịt rất khó tẩy rửa. 

Dù đã có các quy định cấm xây dựng những công trình ở gần các điểm di sản, nhưng tình trạng coi thường luật lệ cũng phá hỏng những nỗ lực cứu các “kho báu”ở Ahmedabad rơi vào tình trạng đổ nát.

Ở trung tâm của khu phố cổ, người ta chỉ còn có thể nhìn thấy được vòm mái của một ngôi đền thời Trung cổ phía sau dãy các cửa hàng, hệ thống dây điện nhằng nhịt và những ngôi nhà xây dựng bất hợp pháp xung quanh thánh tích này. 

Rất nhiều ngôi nhà gỗ cổ đã bị phá dỡ và được thay thế bởi những cấu trúc lòe loẹt, mà Chủ tịch Ủy ban Bảo tồn di sản Ahmedabad, ông P.K. Ghosh cho rằng “hoàn toàn không phù hợp với cảnh quan lịch sử”. 

Chuyên gia này cho rằng, việc được UNESCO công nhận sẽ tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn kiến trúc di sản cổ của Ahmedabad. Ông nhấn mạnh: “chúng tôi đang cần thực thi pháp luật một cách chặt chẽ hơn, từ đầu năm 2024, người dân sẽ không dễ dàng mà phá dỡ các công trình cổ tại đây”.

Những thách thức bắt đầu

Một số góc phố Ahmedabad rơi vào tình trạng quên lãng lâu nay do bị cắt đứt hoàn toàn với thế giới bên ngoài bởi một mê cung các con đường. Rất nhiều khối nhà truyền thống tại đây, được UNESCO gọi là các “pols” bởi chứa đựng những giá trị lịch sử to lớn, đã bị bỏ hoang hoàn toàn, tới mức những khung cửa gỗ bị đổ sập do quên lãng. 

Ngay sau khi được UNESCO công nhận là thành phố Di sản thế giới, vào tháng 10-2017, đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm khi một cậu bé bị thương nặng vì một chiếc ban công gỗ đổ sập. 

Trước đó khoảng 3 tháng, báo chí Ấn Độ đưa tin ít nhất 2 người tử nạn khi các ngôi nhà đổ sập trong mùa mưa. Từng có thời các khu biệt thự khổng lồ, những tòa nhà gỗ nhiều tầng tại đây giờ được đem cho người nhập cư nghèo thuê, một phần được doanh nghiệp sử dụng làm kho chứa đồ.

Kiến trúc sư bảo tồn công trình cổ của Ấn Đọ, bà Khushi Shah đánh giá rằng, Ahmedabad là “một trong những đô thị cư trú độc nhất vô nhị của Ấn Độ”, rằng nó sẽ không bao giờ có thể được tái tạo một khi nó bị hủy hoại. “Thành phố mà chúng ta coi là một thực thể di sản sống sẽ không còn tồn tại được nữa nếu như mọi người bắt đầu rời khỏi đây”.

Từ năm 2017, Ủy ban Bảo tồn di sản Ahmedabad đã có khoảng thời gian 3 năm để ghi chép tài liệu về gần 3.000 ngôi nhà cổ mang giá trị di sản theo đúng các tiêu chuẩn của UNESCO. Đó thực sự là một nhiệm vụ nặng nề cho nhóm chuyên gia của Ghosh kể từ đó đến nay.

Phó Giáo sư Jigna Desai - Khoa Kiến trúc Đại học CEPT Ahmedabad - cho rằng, việc công nhận danh hiệu di sản của UNESCO sẽ là vô nghĩa nếu như khu đô thị cổ này không còn gì để bảo tồn. 

Chia sẻ với báo giới, bà Jigna Desai nói: “làm sao bạn bảo đảm rằng những dấu tích đô thị cổ không bị hư hại, để những dấu tích di sản đó còn lại cho thế giới, cho thế hệ sau được chiêm ngưỡng?”. 

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo tồn di sản Ahmedabad, ông P.K.V Nair cho rằng nhận danh hiệu của UNESCO chỉ là một việc, quan trọng hơn là phải đáp ứng được những tiêu chuẩn của cơ quan Liên hợp quốc./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện