12/09/2024 | 08:58 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Venice - di sản nổi theo dòng lịch sử

Gia Ngọc
Venice - di sản nổi theo dòng lịch sử Khách du lịch đi thuyền gondola tại Venice, Italia_Ảnh: TL
Venice là thành phố thịnh vượng vào thời Trung cổ, đóng vai trò quan trọng trong các cuộc thập tự chinh và từng có hạm đội hải quân hùng mạnh. Nó cũng từng điêu tàn bởi đại dịch Cái chết đen, bị tàn phá bởi những cuộc xung đột với các cường quốc láng giềng vào thế kỷ XIV. Khi suy tàn vào thế kỷ XVIII, Venice nằm dưới sự cai trị của Áo, nhưng sau đó lại trở thành một phần của nước Italia. Dù thịnh hay suy, Venice vẫn luôn nổi tiếng với di sản nghệ thuật và kiến trúc của mình.

Venice sơ khai đến đế chế thương mại

Venice được định hình bởi vị trí độc đáo ở trung tâm của nhiều hòn đảo trong đầm phá ven biển Địa Trung Hải. Lịch sử của Venice bắt nguồn từ thế kỷ thứ VI, từng là một trong những cường quốc thương mại lớn nhất ở châu Âu thời Trung cổ và Phục hưng. 

Nằm ở điểm cuối “Con đường tơ lụa”, Venice là một thành phố quốc tế có vận may nhờ buôn bán xa xỉ và hàng hóa từ châu Âu, Trung Đông và châu Á.

Venice phát triển như một trung tâm thương mại, kinh doanh cả với thế giới Hồi giáo và với Đế quốc Byzantine. Các thương gia Venice đã bán ngũ cốc và rượu vang Italia cho thành phố lớn Constantinople - nơi họ mua gia vị và bạc để bán sang Tây Âu. 

Thành công của Venice còn đến từ việc buôn bán muối, chất bảo quản thực phẩm quan trọng của thế giới thời Trung cổ được thu hoạch từ các vùng muối và đầm phá. Người Venice mô tả muối là “il vero fondamento del nostro stato” - nền tảng thực sự của nhà nước chúng ta.

Trên hết, Venice được thừa nhận như một trong những thủ đô vĩ đại nhất thế giới thời Trung cổ. Venice và địa lý đầm phá ven biển tạo thành một tổng thể không thể tách rời, trong đó thành phố là trung tâm lịch sử sôi động và là một thành tựu nghệ thuật độc đáo. 

Thành phố được xây dựng trên 118 hòn đảo nhỏ và dường như nổi trên mặt nước của đầm phá, tạo nên cảnh quan khó quên với vẻ đẹp không thể tưởng tượng nổi đã truyền cảm hứng cho Canaletto, Guardi, Turner và nhiều họa sĩ khác. 

Venice cũng là một trong những nơi tập trung nhiều kiệt tác nhất trên thế giới, từ Nhà thờ Torcello đến nhà thờ Santa Maria della Salute. Dấu ấn thời kỳ hoàng kim của nền cộng hòa được thể hiện bằng những tượng đài có vẻ đẹp không gì sánh được: San Marco, Palazzo Ducale, San Zanipolo, Scuola di San Marco, Frari và Scuola di San Rocco, San Giorgio Maggiore.

Venice sở hữu một loạt quần thể kiến trúc minh họa cho đỉnh cao huy hoàng của nền cộng hòa. Từ những di tích vĩ đại như Quảng trường San Marco và Piazzetta (nhà thờ Palazzo Ducale, Marciana, Museo Correr Procuratie Vecchie), đến những công trình khiêm tốn hơn bao gồm các bệnh viện Scuole thế kỷ XIII, Venice thể hiện một kiểu mẫu hoàn chỉnh của kiến trúc thời Trung cổ, có giá trị mẫu mực đi đôi với đặc điểm nổi bật của khung cảnh đô thị thích ứng với các yêu cầu đặc biệt của địa điểm.

Lịch sử thăng trầm - di sản hiếm có

Đằng sau các bức tường đá, những thánh đường, tượng đài của Venice là một lịch sử phong phú. Thời thập tự chinh, Venice chiếm được các đảo Aegean, Crete và các cảng chiến lược Modone và Corone. Nó sở hữu sự giàu có và quyền lực chưa từng có, nhưng cũng gặp sự cạnh tranh gay gắt với một cộng hòa hàng hải khác của Ý - thành phố Genoa. 

Trong hơn 1 thế kỷ, 2 thành bang Italia này đều dòm ngó quyền lực tối cao ở Đông Địa Trung Hải. Các cuộc chiến của họ trải dài từ Levant, Sicily, Aegean, Biển Đen đến Adriatic và lan rộng thành chiến tranh khu vực. 

Trong những cuộc chiến này, một thuyền trưởng người Venice tên là Marco Polo đã bị bắt làm tù binh và sử dụng thời gian trong nhà tù ở Genoa để kể lại chuyến đi của mình ở Trung Quốc.

Cuộc chiến kết thúc vào năm 1381 với Hiệp ước Turin. Venice phải nhượng bộ đáng kể, phải trao Dalmatia cho Vua Hungary và chấm dứt liên minh với Hoàng đế Byzantine và Vua Síp.

Sự suy tàn của Venice bắt đầu vào năm 1453, khi Constantinople rơi vào tay người Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman. Ngoài ra, các thủy thủ Bồ Đào Nha đã vòng quanh châu Phi, mở ra một tuyến đường thương mại khác về phía Đông.

Trong suốt thế kỷ XVII và XVIII, Venice ngày càng suy tàn khi các cường quốc hàng hải như Anh và Hà Lan “bảo kê” các tuyến đường thương mại Đại Tây Dương và châu Phi, khiến đế chế đường biển của Venice không thể hoạt động được.

Cộng hòa Venice chấm dứt vào năm 1797, khi quân đội Pháp của Napoléon buộc thành phố phải đồng ý với một chính phủ “dân chủ” thân Pháp mới, sau đó thành phố bị cướp phá các tác phẩm nghệ thuật vĩ đại. 

Venice một thời gian ngắn thuộc Áo sau hiệp ước hòa bình với Napoléon, rồi lại rơi vào tay người Pháp sau trận Austerlitz năm 1805 và hình thành một phần của Vương quốc Italia tồn tại trong thời gian ngắn. Sự sụp đổ của Napoléon khiến Venice lại bị đặt dưới sự cai trị của Áo. Venice không thịnh vượng dưới sự cai trị của Áo.

Venice lần đầu tiên được nối với đất liền bằng một tuyến đường sắt được xây dựng vào năm 1846, chẳng bao lâu sau lượng khách du lịch bắt đầu vượt quá dân số địa phương. Năm 1848, các cuộc cách mạng lan rộng khắp châu Âu và Venice nổi dậy chống lại quân xâm lược Áo. 

Daniele Manin trở thành tổng thống của Venice độc lập, tuy nhiên quân Áo đã bắn phá thành phố và Venice buộc phải đầu hàng năm 1849. Năm 1866 quân Áo bị quân Phổ đánh bại, Venice tham gia quốc gia mới của Ý, nơi nó vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Hải quân hùng mạnh, ảnh hưởng lan tỏa

Trong thời kỳ Venice phát triển thương mại mạnh mẽ, các tuyến đường biển về phía Đông bị cướp biển từ bờ biển Balkan và Bắc Phi cản trở, vì vậy Venice phát triển lực lượng hải quân và đóng quân đồn trú chiến lược dọc theo bờ biển Adriatic.

Chiếc tàu chiến đặc biệt của Venice là Galley, có 150 mái chèo và những cánh buồm hình tam giác được căng ở phía trước và phía sau. Được trang bị mũi nhọn và khoảng 30 tay nỏ, thuyền galley còn kiêm luôn chức năng vận chuyển những mặt hàng có giá trị cao như lụa, gia vị hoặc đá quý.

Năm 1103, Venice dựng lên Arsenale - xưởng đóng tàu khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước, sau này trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất châu Âu - sử dụng hơn 200 công nhân và sản xuất hàng trăm tàu mỗi năm. Arsenale đi tiên phong trong nhiều kỹ thuật công nghiệp hiện đại, củng cố sức mạnh hải quân của Venice trong nhiều thế kỷ và bằng cách sử dụng các phương pháp đóng tàu mang tính đột phá của mình, trung bình mỗi ngày có thể có 1 tàu chiến mới. 

Nhờ đó, Venice trở thành cường quốc hải quân và thương mại lớn nhất ở Đông Địa Trung Hải. Nhưng quyền lực của Venice cũng đến từ sự đàm phán khôn ngoan: trong thời đại của các cuộc thập tự chinh, Venice có quan hệ chặt chẽ với các quốc gia thập tự chinh với tư cách vừa là đồng minh vừa là đối tác thương mại.

Ảnh hưởng của Venice đến sự phát triển của kiến trúc và nghệ thuật hoành tráng thấy được trên phạm vi rộng: dọc theo bờ biển Dalmatian, ở tiểu Á và Ai Cập, tại các đảo thuộc biển Ionian, Peloponnesus, Crete và Síp, các di tích rõ ràng được xây dựng theo mô hình của Venice.

Thậm chí khi bắt đầu mất đi quyền lực trên biển, Venice vẫn phát huy ảnh hưởng của mình theo một cách rất khác nhờ vào những họa sĩ vĩ đại. Bellini và Giorgione, rồi Tiziano, Tintoretto, Veronese và Tiepolo đã thay đổi hoàn toàn nhận thức về không gian, ánh sáng và màu sắc, để lại dấu ấn quyết định cho sự phát triển của nghệ thuật hội họa và trang trí trên toàn châu Âu.

Di sản và vụ trộm thánh Mark

Ở Venice hiện tại có rất nhiều nơi lưu giữ các di sản kiến trúc, nghệ thuật, điêu khắc. Có thể kể đến Cung điện Tổng trấn, Phòng trưng bày Accademia, Bảo tàng thủy tinh, Bảo tàng Correr... 

Venice thu hút khách đến chiêm ngưỡng vô số tượng và tượng đài như Vittorio Emanuele, cột San Marco và San Teodoro, tượng Bartolomeo Colleoni cưỡi ngựa, tượng thằng gù xứ Rialto, chân dung tứ đại, tượng đài Giuseppe Garibaldi, tượng thuyền của Dante, đài tưởng niệm Antonio Vivaldi...

Trong lịch sử Venice, không thể không kể đến vụ trộm Saint Mark. Năm 828, 2 thương gia người Venice đến thăm Alexandria, đã “buôn lậu” thi thể được cho là của Saint Mark. Được giấu trong thùng thịt lợn, thánh tích của vị thánh không bị người Hồi giáo chú ý và sau đó được an táng tại nhà thờ mới của thành phố, Vương cung thánh đường San Marco. 

Vương cung thánh đường đầu tiên này đã bị hỏa hoạn thiêu rụi vào năm 976, sau nhiều lần thánh hiến thánh đường ngày nay vẫn nằm trên cùng một địa điểm. Saint Mark đã trở thành vị thánh bảo trợ của thành phố và hình tượng của ông - con sư tử có cánh - đã trở thành biểu tượng của nền cộng hòa và là vật trang trí tiêu chuẩn của nó.

Năm 1204, Constantinople - thành phố Thiên chúa giáo vĩ đại nhất thế giới - bị cướp phá bởi những chiến binh tự xưng là Chúa Kitô. Venice cũng có phần chiến lợi phẩm, trong đó nổi tiếng nhất là 4 con ngựa bằng đồng - thứ từng trang trí trường đua ngựa của Constantine đã tìm thấy ngôi nhà mới trên mặt tiền của Vương cung thánh đường Saint Mark. Ngày nay chúng được thay thế bằng các bản sao, còn bản gốc được trưng bày bên trong vương cung thánh đường./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện