21/11/2024 | 23:44 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Hệ thống pháp luật về bảo tồn và phát triển đô thị di sản của một số quốc gia

Tường Linh
Hệ thống pháp luật về bảo tồn và phát triển đô thị di sản của một số quốc gia Khách du lịch tham quan Quảng trường Thiên An Môn ở Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc_Ảnh: TL
Đô thị di sản luôn mang đậm dấu ấn của thời gian, chứa đựng nhiều lớp văn hóa. Tuy nhiên, nhiều đô thị di sản trên thế giới đang phải đối mặt với thách thức từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng, dẫn đến nguy cơ dần bị lấn át, thậm chí chấm dứt sự tồn tại. Để bảo tồn, gìn giữ các đô thị di sản, trước hết cần phải có hệ thống văn bản pháp luật và chính sách bảo tồn hợp lý.

Khái niệm thành phố lịch sử, văn hóa

Đây là vấn đề mà các nước trên thế giới rất quan tâm và thực tế cho thấy, nhiều nỗ lực đã được thực hiện. Ở Trung Quốc, đô thị di sản được quản lý theo Luật Bảo tồn di sản văn hóa của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. 

Luật này xác định “thành phố lịch sử và văn hóa” là các thành phố có di tích văn hóa đặc biệt phong phú, có giá trị lịch sử quan trọng hoặc có ý nghĩa cách mạng. Từ góc độ quy hoạch hành chính, “thành phố lịch sử và văn hóa” không nhất thiết phải là thành phố mà có thể là quận, huyện hoặc trấn.

Trên cơ sở Luật Bảo tồn di sản văn hóa và Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Trung Quốc đã thiết lập các hệ thống văn bản bảo vệ các thành phố, thị trấn và làng văn hóa. Tháng 10-2005, “Hướng dẫn bảo vệ và quy hoạch các thành phố lịch sử và văn hóa” được thông qua, chính thức xác lập các nguyên tắc, biện pháp, nội dung và ưu tiên bảo vệ đối với thành phố lịch sử văn hóa cấp quốc gia. 

Đến tháng 7- 2008, có thêm “Quy định về việc bảo vệ các thành phố, trấn và làng lịch sử và văn hóa”, góp phần tiêu chuẩn hóa việc phê duyệt và công nhận các thành phố, trấn và làng lịch sử, văn hóa.

Để đánh giá mức độ bảo tồn của các thành phố lịch sử và văn hóa, Trung Quốc đưa ra 5 nhóm tiêu chí lớn, đánh giá cả về định lượng và định tính. Mỗi tiêu chí lớn lại gồm nhiều tiêu chí nhỏ hơn, gắn với hướng dẫn tính điểm chi tiết, cụ thể. 

Nếu quy hoạch, môi trường và các đặc điểm lịch sử của một thành phố lịch sử và văn hóa cấp quốc gia bị phá hủy nghiêm trọng, danh hiệu thành phố lịch sử và văn hóa sẽ bị thu hồi. Trên cơ sở các văn bản nêu trên, tính đến ngày 2-5-2018, Trung Quốc đã công nhận 135 thành phố lịch sử và văn hóa cấp quốc gia và có những chính sách bảo vệ đặc biệt đối với các di sản văn hóa của những thành phố này, trong đó, có các thành phố như Bắc Kinh, Nam Kinh, Hàng Châu, Tô Châu, Lạc Dương, Quế Lâm, Thành Đô, Côn Minh, Thượng Hải, Lệ Giang, Vô Tích...

Cũng như Trung Quốc, để bảo tồn và gìn giữ các di sản kiến trúc đô thị, Liên bang Nga đưa ra khái niệm “khu định cư lịch sử”, được định nghĩa như sau: “khu định cư lịch sử là một khu định cư đô thị hoặc nông thôn mà trong đó có các di sản văn hóa như di tích kiến trúc, quần thể kiến trúc, danh lam thắng cảnh hay các giá trị văn hóa khác được tạo ra trong quá khứ có giá trị về khảo cổ, lịch sử, kiến trúc, quy hoạch đô thị, mỹ học, văn hóa, xã hội, có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc các dân tộc Liên bang Nga và đóng góp cho nền văn minh toàn nhân loại”.

Khái niệm về đô thị lịch sử được Nga đưa ra lần đầu tiên vào tháng 5-1970, kèm theo là một danh sách đô thị lịch sử gồm 115 thành phố, được chia thành 4 nhóm khác nhau tùy thuộc vào giá trị các di sản kiến trúc và đô thị của nó. 

Danh sách này sau đó được điều chỉnh vào các năm 1990, 2002, 2010. Đặc biệt là năm 2010, Nga đã đưa ra bộ tiêu chí đô thị di sản khắt khe hơn, số lượng các thành phố trong danh sách đô thị lịch sử cũng tăng lên thành 478 thành phố, trong đó có Thủ đô Moscow và các thành phố như Saint-Petersburg, Ekaterinburg...

Khung pháp lý trong bảo tồn và tôn tạo

Là quốc gia đông dân, Nhật Bản phải đối mặt với những thách thức trong việc bảo tồn và duy trì di sản phong phú của đất nước trước quá trình đô thị hóa nhanh chóng và những áp lực khác. 

Để giải quyết những thách thức này, một trong những biện pháp mà Nhật Bản áp dụng là triển khai khung pháp lý hiệu quả. Việc thiết lập các hướng dẫn, quy định rõ ràng, áp dụng những công cụ bảo vệ pháp lý cho các đô thị di sản đã giúp bảo đảm việc bảo tồn lâu dài và ngăn ngừa sự phát triển bừa bãi.

Điển hình trong triển khai khung pháp lý hiệu quả là Đạo luật Bảo tồn cố đô cùng các quy định, tập trung vào việc bảo tồn và phát huy các thủ đô cổ, như Kyoto và Nara. Nó quy định việc phát triển đô thị, bảo vệ cảnh quan và bảo tồn kiến trúc ở những thành phố này nhằm duy trì tính toàn vẹn lịch sử và văn hóa của chúng. 

Ngoài ra, còn có Pháp lệnh Bảo tồn và Cải thiện cảnh quan. Dựa vào văn bản pháp luật này, chính quyền thành phố Kyoto tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định về chiều cao tòa nhà, thiết kế mặt tiền và biển báo đô thị để duy trì đặc điểm lịch sử của thành phố, đồng thời ngăn chặn sự phát triển không tương thích.

Là khu hành chính đặc biệt của Trung Quốc, cũng giống như các thành phố khác trong khu vực, Ma Cao theo đuổi mục tiêu hiện đại hóa với trọng tâm là tiến bộ kinh tế. Tuy nhiên, khác với các thành phố như Hồng Kông (Trung Quốc) hoặc Singapore, Ma Cao được coi là khá thành công trong việc bảo tồn di sản đô thị trước nhu cầu phát triển. 

Nỗ lực này được khởi đầu bằng việc thành lập Ủy ban Di sản (Ủy ban Bảo tồn di sản kiến trúc, cảnh quan và văn hóa) vào năm 1976 và sự ra đời của Luật Di sản đầu tiên bảo vệ di sản kiến trúc đô thị của Ma Cao. Năm 1984, luật này được sửa đổi, chính thức hóa việc phân loại và quy định toàn diện hơn về các biện pháp bảo tồn khác nhau.

Từ giữa những năm 80 của thế kỷ XX trở đi, chính quyền Ma Cao bắt đầu áp dụng các quy định nhằm khuyến khích việc lưu giữ và tái sử dụng các vật liệu truyền thống, lưu giữ những kiến trúc trong sửa chữa và phục hồi để bảo đảm về thẩm mỹ và đặc tính văn hóa ở đô thị. 

Bất kỳ công việc phá dỡ hoặc sửa chữa nào tại các tòa nhà trong khu vực được bảo vệ đều phải được cấp phép. Chủ xây dựng phải tuân thủ các quy định chi tiết, bao gồm các hạn chế về chiều cao tòa nhà, khoảng lùi, phạm vi bao phủ khu đất, khối lượng xây dựng, kiến trúc mặt tiền, mái nhà và bên ngoài công trình.

Một trong những ví dụ thành công là dự án bảo tồn Avenida Almeida Ribeiro, trục giao thông huyết mạch Đông - Tây quan trọng cắt ngang các tuyến đường của thành phố. Người ta đã đưa ra các khuyến nghị cụ thể về hạn chế chiều cao xây dựng, bảo trì và cải tạo các tòa nhà cũ, cũng như các công trình bổ sung trong tương lai, cùng với các đề xuất chính sách về tiến độ thực hiện, cơ chế đền bù, khai thác tiềm năng thương mại và du lịch của khu vực. 

Chính việc thực hiện nghiêm túc các quy định bảo tồn đã giúp cho diện mạo đô thị của Ma Cao giữ được nét truyền thống, kết hợp giữa kiến trúc của các thành phố ven Địa Trung Hải với các khu định cư bản địa của người Hoa.

Cũng như Ma Cao, mục tiêu bảo tồn đô thị ở Pháp gặp nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Pháp lâm vào tình trạng thiếu nhà ở nghiêm trọng, phải đẩy mạnh việc xây dựng mới. Tuy nhiên, việc xây dựng ồ ạt đã phá vỡ kết cấu nhiều đô thị, để lại những “vết sẹo” sâu trên cảnh quan nhiều thành phố. 

Để ngăn chặn tình trạng này, năm 1962, Luật Malraux (lấy theo tên Andre Malraux, Bộ trưởng Văn hóa Pháp từ năm 1958 đến năm 1969 ) được thông qua, quy định chặt chẽ những tiêu chí về giá trị lịch sử hoặc kiến trúc trong bảo tồn, phục hồi và cải tạo các đô thị.

Trong việc bảo tồn không gian đô thị, Luật Malraux không đòi hỏi phải “bảo quản đông lạnh” hình dạng xưa cũ như đối với những di sản văn hóa, mà thực hiện “bảo tồn động”, liên tục thay đổi nhưng tổng thể vẫn giữ nguyên và kế thừa truyền thống. Việc đặt ra các quy định cụ thể như phân khu và giới hạn chiều cao công trình theo từng phân khu luôn được cân nhắc thận trọng. 

Các quy định đó đã được thực hiện trong các hoạt động bảo tồn, tôn tạo các di tích ở các thành phố lịch sử như Paris, Lyon, Rouen, Bordeaux..., hay các thành phố du lịch như Avignon, Chinon, Sarlat, Uzes, Bourges, Colmar.../.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện