21/11/2024 | 23:15 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Vận dụng hiệu quả mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm

NGÔ TRỌNG ĐỊNH - NGUYỄN CAO LÂM
Vận dụng hiệu quả mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (Metro số 1) Thành phố Hồ Chí Minh_Ảnh: baogiaothong.vn
Thí điểm “mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD)” là nội dung rất quan trọng trong Nghị quyết số 98, được kỳ vọng là động lực thúc đẩy Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) sớm trở thành đô thị văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, để vận dụng hiệu quả mô hình này vào thực tiễn, đòi hỏi TPHCM cần có những giải pháp mang tính đồng bộ.

Một số đặc điểm về mô hình TOD

TOD (Transit Oriented Development) được hiểu là mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm. Mô hình TOD là định hướng phát triển (đô thị) tận dụng năng lực của hệ thống vận tải công cộng sức chở lớn (đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị) làm nền tảng cho đi lại và phát triển bền vững. 

Mô hình này khi áp dụng vào thực tiễn sẽ khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng, giảm thiểu phương tiện cá nhân, tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường. 

Do vậy, các khu đô thị có mật độ dân cư cao, nhiều tiện ích (nhà ở, văn phòng, thương mại, dịch vụ, giải trí...) khi áp dụng mô hình TOD thường phát triển xung quanh hệ thống ga tàu điện ngầm, xe buýt hoặc các phương tiện giao thông công cộng khác nhằm mục đích tối ưu hóa phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ở nước ta, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải đã đưa ra 8 nguyên tắc phát triển đô thị theo mô hình TOD (gồm: điểm đến, khoảng cách, hỗn hợp, mật độ, thiết kế, nhu cầu, phát triển tại chỗ và dân số học), các nguyên tắc này được vận dụng để cụ thể hóa phát triển không gian xung quanh khu vực khuyến khích người đi bộ; ưu tiên mạng lưới giao thông phi cơ giới xe đạp; phát triển gần hệ thống giao thông công cộng chất lượng cao; quy hoạch hỗn hợp chức năng sử dụng, rút ngắn khoảng cách di chuyển.

Tại nhiều nước trên thế giới, việc phát triển đô thị và giao thông công cộng có mối liên hệ mật thiết, bởi vì khi phát triển đô thị theo mô hình TOD, các nhà thiết kế sẽ bố trí hỗn hợp các hoạt động dịch vụ chức năng để sử dụng đất nhằm tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn. 

Ưu điểm dễ nhận thấy là, đường sắt đô thị phát triển theo mô hình TOD không chỉ tối đa hóa giá trị tăng thêm từ đất nhằm bù đắp vốn đầu tư cho đường sắt đô thị, mà còn làm cho lưu lượng hành khách sử dụng đường sắt đô thị ngày càng tăng, giúp lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách công cộng sinh lời. 

Đó là chưa kể, việc phát triển đô thị theo mô hình TOD sẽ tạo điều kiện cho hành khách tiếp cận thuận tiện, an toàn các dịch vụ tới các ga đường sắt đô thị và ngược lại; góp phần cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân, bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại địa phương. 

Đặc biệt, khi đô thị có mật độ dân cư càng cao, nhu cầu đi lại lớn, bắt buộc đường sắt đô thị TOD phải tăng chuyến để phục vụ... Đó là điều kiện làm cho giá trị đất tại các khu vực gần nhà ga đường sắt đô thị sẽ tăng lên; thu hút được nhiều dự án đầu tư kinh doanh hơn; khi thu hút được nhiều dự án đầu tư kinh doanh, nghĩa là giá trị đất đô thị TOD sẽ tăng lên và cứ như thế tạo thành vòng tương hỗ hiệu quả nhất.

Những “điểm nghẽn” khi triển khai mô hình TOD

Với đặc thù là đô thị “nén”, quy mô dân số hiện nay khoảng hơn 10 triệu người, việc áp dụng mô hình TOD được xem là “chìa khóa” giúp TPHCM đột phá trong phát triển giao thông công cộng gắn với phát triển đô thị bền vững. Tuy nhiên, TPHCM đang đối mặt với nhiều “điểm nghẽn” cần sớm tháo gỡ.

Một thực tế của TPHCM cho thấy, nhu cầu phát triển hạ tầng đô thị ngày càng tăng trong bối cảnh nguồn lực công bị thu hẹp. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, để đáp ứng nhu cầu đi lại của 1,5 triệu cư dân tăng thêm sau mỗi thập niên, TPHCM cần chi tới 6 tỷ USD để đầu tư hạ tầng bổ sung; nếu tính cả nhu cầu nâng cấp hạ tầng cũ cho quy mô dân số hiện tại của TPHCM, chi phí có thể lên tới 1 tỷ USD/năm chỉ để cải thiện hạ tầng hiện hữu, chưa tính tới mở rộng. 

Hiện nay, TPHCM tồn tại 2 hệ sinh thái định cư và hệ sinh thái doanh nghiệp được kết nối với nhau qua các hoạt động đi làm hằng ngày và chuỗi dịch vụ, cung ứng hàng hóa trên nền tảng hạ tầng hiện hữu luôn xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông.

Cùng với đó, tốc độ gia tăng dân số cơ học tại TPHCM những năm gần đây rất cao, do người dân nhiều nơi đến học tập, kinh doanh, làm việc và tập trung chủ yếu ở khu vực lõi. 

Điều đó càng cho thấy, việc đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị gắn với mô hình TOD là lời giải giúp TPHCM phát triển theo xu hướng hình thành đô thị nén, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội thực sự cho hiện tại và tương lai. 

Trải qua quá trình xây dựng mô hình TOD ở TPHCM, nhiều chuyên gia cho rằng, các dự án trước đây khi triển khai chỉ thu hồi đất thuộc phạm vi của dự án, nên đã bộc lộ một số hạn chế khiến việc đấu nối hạ tầng giao thông, công trình phục vụ, điểm dân cư, khai thác quỹ đất hai bên hành lang dự án bị “tách rời” với dự án, không được khai thác hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn.

Khơi thông nguồn lực để mô hình TOD phát triển

Việc áp dụng mô hình TOD được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho TPHCM sớm trở thành đô thị văn minh, hiện đại. Để đạt được mục tiêu đó, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là TPHCM cần đẩy nhanh việc rà soát về chiến lược, hành lang pháp lý, quy hoạch và cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội; tham mưu sớm hoàn thiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 để triển khai vào thực tiễn. 

Đồng thời, giải quyết hiệu quả những vấn đề liên quan, từ xây dựng kế hoạch, bổ sung quy hoạch, xác định quỹ đất hai bên các dự án, tính toán sử dụng nguồn ngân sách làm dự án đầu tư công độc lập, quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, xã hội.

Việc xây dựng và sớm đưa vào vận hành hệ thống đường sắt đô thị sẽ nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông cho TPHCM.

Thế nhưng, sự phân bố dân cư tại TPHCM đã và đang làm cho khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ vận tải công cộng, đến các nhà ga đường sắt đô thị, đặc biệt là khu vực ngoại ô, vùng ven chưa cao, vì thế, TPHCM cần sớm xây dựng, hoàn thiện về quy hoạch, thiết kế đô thị phù hợp với mô hình TOD. 

Quá trình phát triển các đô thị vệ tinh, TPHCM cần gắn với những nhà ga đường sắt mới bảo đảm tính kết nối liên vùng; đồng thời, chú trọng phát triển không gian ngầm liên quan tới sông Sài Gòn trên cơ sở mô hình TOD.

Triển khai thực hiện mô hình TOD còn là phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Bởi vậy, để mô hình này huy động được thêm nguồn lực, phải cần có những cơ chế, chính sách để người dân, doanh nghiệp tham gia nhằm tạo ra các nguồn lực, nhất là nguồn lực về đất đai để hình thành khu đô thị dọc các tuyến giao thông công cộng, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội TPHCM phát triển bền vững hơn./.
Chuyên mục: Bên lề sự kiện