12/09/2024 | 10:05 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung

NGUYỄN CAO SIÊNG
Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung Hội nghị sinh hoạt chuyên đề “Xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới” tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 8-4-2023_Ảnh: vnanet.vn
Thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với những “rào cản” nhất định, song đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thành phố đã luôn tâm huyết, tận tụy, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Thành phố. Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 98, Thành phố Hồ Chí Minh cần có những giải pháp sát hợp để phát huy tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vì lợi ích chung.

Những con số đáng suy ngẫm

Chiếm khoảng 9,3% dân số, 8% lực lượng lao động, 0,6% diện tích đất của cả nước, thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh luôn là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới.

Đóng góp vào thành công chung đó, những năm qua, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Thành phố đã nỗ lực tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức phục vụ nhân dân, về thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; xây dựng hình ảnh người đảng viên, công chức, viên chức có tác phong chuẩn mực trong công việc và cuộc sống; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, “nói đi đôi với làm”; từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ; mức độ hài lòng của tổ chức, nhân dân được tăng lên..., góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thành phố, xây dựng Đảng bộ Thành phố ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2020 - 2022, Thành phố Hồ Chí Minh có tổng cộng 676 cán bộ, công chức nghỉ việc theo nguyện vọng. Trong đó, ở cấp Thành phố, cán bộ, công chức nghỉ việc nhiều nhất là ở Sở Xây dựng với 23 người, Sở Kế hoạch và Đầu tư với 22 người, Sở Du lịch 21 người. 

Ở cấp huyện, thành phố Thủ Đức có 40 cán bộ, công chức nghỉ việc, quận 6 là 35 người, quận Tân Phú 33 người. Thành phố cũng thống kê có 5.501 viên chức xin nghỉ việc theo nguyện vọng. Trong đó, lĩnh vực giáo dục có 2.436 người, y tế có 2.145 người, còn lại là các lĩnh vực sự nghiệp khác. 

Tổng cộng, số cán bộ, công chức, viên chức Thành phố Hồ Chí Minh nghỉ việc là 6.177 người. Tính riêng, từ tháng 5-2023 đến tháng 9-2023, Thành phố Hồ Chí Minh có 23 cán bộ, công chức và 179 viên chức xin nghỉ việc.

Đâu là nguyên nhân?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức, viên chức Thành phố nghỉ việc, tựu trung có 3 nguyên nhân chính, đó là:

Thứ nhất, chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ chưa thật sự ổn định. Trên cơ sở Nghị quyết số 54/2017/QH14, ngày 24-11-2017, của Quốc hội, “Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” và Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND, ngày 16-3-2018, của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, “Về ban hành Quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý”, bên cạnh việc thực hiện chế độ tiền lương theo quy định hiện hành, Thành phố còn triển khai thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào kết quả đánh giá thực hiện nhiệm vụ hằng quý. 

Mặc dù Thành phố đã có chính sách đãi ngộ để cải thiện thu nhập, nhưng tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc trong thời gian qua tại các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập ở Thành phố vẫn chưa giảm. 

Điều đó cũng chứng tỏ rằng, chính sách đãi ngộ tiền lương hiện tại vẫn chưa thực sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được điều kiện sống, chưa đủ sức để tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố an tâm làm việc, cống hiến.

Thứ hai, còn hạn chế trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Hiện nay, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý trong một số cơ quan, đơn vị còn tư tưởng về bệnh “kinh nghiệm”, việc tuyển chọn lãnh đạo, quản lý hiện nay thiếu tính cạnh tranh, chưa tạo được động lực để cán bộ, công chức, viên chức trẻ rèn luyện, phấn đấu. 

Ngoài ra, cơ chế bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự, tiêu chí đánh giá cán bộ cũng chưa phát hiện, trọng dụng được hết những người có tài năng, phẩm chất đạo đức để bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Thứ ba, áp lực công việc cao. Áp lực công việc là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến số lượng lớn nhân sự của khu vực công xin thôi việc. Căng thẳng công việc chủ yếu đến từ việc quá tải công việc, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực y tế, giáo dục và cán bộ, công chức, viên chức công tác ở xã, phường, thị trấn. 

Điển hình, trong đợt cao điểm phòng, chống đại dịch COVID-19, khối lượng công việc tăng cao đã gây ra những ảnh hưởng nhất định về mặt tâm lý và xã hội đối với nhóm đối tượng này nói riêng, nhân sự khu vực công nói chung.

Ngày 16-4-2023, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Thành phố nêu một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng sụt giảm sâu là do có sự e ngại, thiếu tính chủ động, sáng tạo, chưa quyết liệt trong thực hiện các công việc của cán bộ, công chức, thậm chí là có tình trạng “co cụm, cầu an và thận trọng quá mức”. 

Tồn tại tình trạng nhiều cơ quan, tổ chức và địa phương trước khi quyết đáp vấn đề gì đều hỏi ý kiến, xin chủ trương, thỏa thuận, thống nhất cơ quan cấp trên hoặc cơ quan liên quan. Cụ thể, trong năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh có 584 văn bản hỏi ý kiến và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có 604 văn bản trả lời. Như vậy, trung bình mỗi ngày, bộ phải trả lời 2 văn bản trong khi các vấn đề được hỏi hầu hết thuộc thẩm quyền Thành phố.

Cần phát huy vai trò xung kích của cán bộ, công chức, viên chức

Để phát huy vai trò đội cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trong thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, Thành phố có thể thực hiện đồng bộ một số nhóm giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đãi ngộ tương xứng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, gắn kết hài hòa giữa trách nhiệm, nghĩa vụ với quyền lợi, tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc.

Thực hiện cải cách cơ bản chế độ tiền lương, các chế độ theo lương; ban hành chính sách về nhà ở, nhà công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức, giúp nâng cao mức sống, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức.

Thực hiện cơ chế ủy quyền, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức (đạt mức tối đa 1,8 lần mức lương theo ngạch bậc), phù hợp với năng suất thực tế của người lao động Thành phố (đạt gấp 2,7 lần bình quân chung cả nước). Sử dụng một phần nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Thành phố để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức (trên cơ sở tuân thủ quy định tại điểm b khoản 5 Điều 9 của Nghị quyết số 98). 

Có cơ chế thu hút tài năng, trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện môi trường làm việc, bảo đảm lợi ích vật chất và tinh thần tương xứng với giá trị, kết quả cống hiến...

Hai là, phát huy tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Thành phố, nhất là người đứng đầu trong thực hiện công vụ. 

Với phương châm trung thành, trung thực, đoàn kết, tận tụy, sáng tạo, nêu gương, bản thân người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị tại Thành phố phải thật sự là đầu tàu; thể hiện được bản lĩnh, dũng cảm với tổ chức, tạo niềm tin đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức bằng cách chủ động bắt tay vào việc khó, việc cần sớm tháo gỡ; xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để giải quyết dứt điểm nội dung còn tồn đọng.

Ba là, đổi mới cơ chế quản lý nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có tinh thần 6 dám - dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách. 

Cần tạo mọi điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, đặc biệt chú trọng tạo điều kiện phát triển sự nghiệp, tạo động lực làm việc và khuyến khích, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, cần đổi mới cơ chế đánh giá đối với cán bộ, công chức, viên chức theo hướng gắn với kết quả (sản phẩm) đầu ra cụ thể của từng vị trí, chức danh cán bộ, công chức, viên chức. 

Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế, biện pháp cụ thể để thực hiện Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Bốn là, kịp thời tuyên dương, biểu dương, khen thưởng những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thể hiện rõ tinh thần nói đi đôi với làm, tận tụy với công việc, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có tác động mạnh mẽ, tạo động lực cho quá trình nhận thức và rèn luyện của nhiều người, có sức lay động và sự lan tỏa trong xã hội./.