20/09/2024 | 18:57 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Cần cơ chế đột phá về phân cấp, phân quyền trong quản lý để quản trị đô thị

NGUYỄN HỮU SƠN
Cần cơ chế đột phá về phân cấp, phân quyền trong quản lý để quản trị đô thị Một góc Thành phố Hồ Chí Minh_Ảnh: TL
Phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước không chỉ phát huy tính năng động, sáng tạo, mà còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước. Để tận dụng tốt nhất những ưu thế vượt trội của Nghị quyết số 98, cần có những cơ chế phân cấp, phân quyền đủ lớn, đủ mạnh, tạo điều kiện cho Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) tăng tốc phát triển.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhiều năm qua, Đảng, Quốc hội và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện, cơ hội cho TPHCM phát triển bứt phá đi lên. 

Tuy nhiên, thực tiễn và yêu cầu phát triển trong xu thế mới đòi hỏi TPHCM cần có những bước đi nhanh hơn, mạnh hơn, hiệu quả thiết thực và lan tỏa hơn, trong đó, cần có sự đột phá về phân cấp, phân quyền quản lý vừa tăng cường tính liên kết vùng, vừa quản trị đô thị vệ tinh xung quanh TPHCM như thành phố Thủ Đức một cách hiệu lực, hiệu quả hơn. 

Vì vậy, việc xây dựng cơ chế đột phá về phân cấp, phân quyền tạo điều kiện cho TPHCM cần hướng vào 2 vấn đề.

1. Phân cấp, phân quyền quản lý cho TPHCM và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để hình thành cơ chế liên kết vùng, liên kết đô thị cùng phát triển gắn với công tác quy hoạch, triển khai dự án đầu tư, xây dựng cơ bản. 

Có thể nhận thấy, hầu hết những dự án phát triển kinh tế, đô thị và hạ tầng kỹ thuật, xuất nhập khẩu, thương mại của TPHCM đều có tính liên kết vùng, liên quan đến nhiều lĩnh vực của các tỉnh lân cận (Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An). 

Chính vì thế, khi các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được hưởng một số cơ chế, chính sách đặc thù thì việc phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước sẽ tạo sự thống nhất và phối kết hợp thuận lợi, tránh “độ vênh” giữa cơ chế của các tỉnh với TPHCM, thúc đẩy phát triển các dự án nhanh và hiệu quả hơn. 

Khi sự liên kết chính sách và cơ chế phân cấp, phân quyền quản lý được đồng bộ, có thể áp dụng các dự án mang tính liên vùng để có thể kết nối đồng loạt trong đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư một cách thống nhất trong sự phát triển chung không chỉ của riêng TPHCM mà sẽ lan tỏa ra toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đây là chính sách mang tính đặc biệt, bởi các dự án dù độc lập nhưng tính liên kết rộng và mở sẽ tạo ra cơ hội cho giá trị quỹ đất tăng lên, làm cơ sở phát triển hệ thống hạ tầng kết nối giao thông công cộng trong toàn vùng. 

Điều này cũng là một trong những quan điểm chính được chỉ đạo trong Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30-12-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Mặt khác, phương thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) cần được nghiên cứu lại để tăng đột phá cơ chế mở thực hiện hợp đồng theo hướng chủ động hơn. Phương thức này nếu tổ chức thực hiện cùng với cơ chế kiểm tra, giám sát, thúc đẩy đồng bộ sẽ có ý nghĩa rất lớn và quan trọng không kém đối với sự phát triển đô thị, đầu tư công trong y tế, giáo dục, giao thông và văn hóa - xã hội đối với TPHCM. 

Cùng với đó, phương thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) cần vận dụng một cách linh hoạt, chủ động hơn nhằm tạo ra hiệu quả trong các lĩnh vực như thể thao, văn hóa, du lịch, bảo tàng - bảo tồn di sản và thúc đẩy hệ thống hạ tầng giao thông bằng các phương thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).

Để thực hiện được nội dung này, Nghị quyết số 98 đã tạo ra hành lang pháp lý về cơ chế để có thể vượt qua những rào cản hiện nay ở một số quy định pháp luật, thúc đẩy hoàn thiện các dự án, hoàn thành những công trình của TPHCM mà từ trước đến nay vẫn vướng mắc do luật định. 

Tuy nhiên, vấn đề là ở khung pháp lý về phân cấp quản lý và sự phân quyền để tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cũng như chủ động trong quyền tự quyết.

Để huy động các nguồn lực trong xã hội, nhất là nguồn lực trong tư nhân đối với sự phát triển của TPHCM, đòi hỏi việc vận dụng Nghị quyết số 98 phải bằng những biện pháp cụ thể, đó là cho phép TPHCM có thể huy động trực tiếp các nguồn lực tại chỗ trong xã hội và những nguồn lực khác một cách chủ động so với hiện nay, thay vì phải trông chờ vào cơ chế “xin ý kiến” và sự “cho phép” từ những cấp có thẩm quyền. 

Do đó, việc ban hành một nghị định mới thay thế Nghị định số 93/2001/NĐ-CP, ngày 12-12-2001, của Chính phủ “Về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho Thành phố Hồ Chí Minh” là cần thiết.

2. Phân cấp quản lý gắn với phân quyền và giao quyền tự chủ về tổ chức, bộ máy, mô hình chính quyền đô thị hiện đại. Một vấn đề không kém phần quan trọng trong tổng thể chung đó là sự phát triển thành phố Thủ Đức, bởi lẽ, hiện nay thành phố Thủ Đức vẫn bị ràng buộc bởi những cơ chế quản lý, vận hành bộ máy, điều hành kinh tế tương đương như một quận của TPHCM mà không có sự khác biệt nhiều so với trước khi sáp nhập. 

Trong khi, tốc độ đô thị hóa ở TPHCM vốn dĩ đã nhanh, mạnh hơn so với cả nước thì ngay trong thành phố, tốc độ đô thị hóa của thành phố Thủ Đức còn đặc biệt nhanh, phát triển không ngừng so với sự quản lý, điều hành của chính quyền hiện nay có phần chưa theo kịp.

Trong đó, nổi lên rõ là vấn đề về bất động sản, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở thành phố Thủ Đức mang tính cấp bách. Mặc dù các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như các ban, ngành đã nhiều lần họp bàn cách tháo gỡ nhưng chưa được giải quyết thấu đáo đối với những vấn đề phát sinh. 

Mặc dù Nghị quyết số 98 là sự kế thừa, phát huy mạnh mẽ những cơ chế đột phá về phân cấp, phân quyền cho các đô thị đáp ứng kịp thời tốc độ phát triển, nhưng cần quan tâm đến cơ chế “đặc biệt” về phân cấp, phân quyền từ Chính phủ và các bộ, ngành cho phép người đứng đầu dám quyết định, chịu trách nhiệm thay vì phải tham mưu các bộ, ngành và Chính phủ hay Thủ tướng quyết định, cho phép.

Sự phát triển của đô thị với tổng hòa các ngành kinh tế trên các lĩnh vực, không thể thiếu kinh tế “nền” là bất động sản, đặc trưng quan trọng của các trung tâm đô thị phát triển. 

Nhưng thực tế thời gian qua, thị trường bất động sản gần như “đứng yên” đã tác động đến sự phát triển nhiều lĩnh vực không chỉ đối với thành phố Thủ Đức, mà cả những địa bàn khác của TPHCM. Do đó, cũng cần phải xem xét, thay thế Nghị định số 48/2017/NĐ-CP, ngày 24-4-2017, của Chính phủ, “Quy định cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh” để có thể góp phần quan trọng vào việc sử dụng nguồn lực tài chính tại chỗ, đáp ứng nhu cầu của thị trường, trong đó có thị trường bất động sản.

Để đạt được mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đặt ra đối với TPHCM “sớm trở thành trung tâm kinh tế tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu”, thực tiễn đang đòi hỏi Thành phố có được những quy định mang tính pháp lý đáp ứng nhu cầu về tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phân cấp quản lý. 

Đó là điều kiện để TPHCM đủ sức huy động, phát huy mọi nguồn lực nội tại và các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đạt được mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã đề ra./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện