21/11/2024 | 23:44 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Để xứng đáng là ngọn cờ đầu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

LÂM QUÂN
Để xứng đáng là ngọn cờ đầu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh - ngọn cờ đầu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo_Ảnh: happy.vietnam.vn
Nghị quyết số 98 được thực thi đã trao cho Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) nhiều cơ chế đặc thù, trong đó có chính sách tạo điều kiện phát triển khoa học - công nghệ mạnh mẽ hơn, nên thời gian qua cộng đồng đổi mới sáng tạo có xu hướng chọn TPHCM làm nơi khởi nghiệp. Tuy nhiên, để xứng đáng là ngọn cờ đầu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thực tiễn đòi hỏi Thành phố tiếp tục có những giải pháp phù hợp và kịp thời.

“Đất lành chim đậu”

Trong quá trình quản lý, điều hành hướng đến phát triển nhanh, bền vững, TPHCM nhận thấy thủ tục hành chính đang thực hiện rất rườm rà, ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Đó là lý do để TPHCM quyết tâm đột phá cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số để xây dựng nền hành chính điện tử nhanh gọn, minh bạch, thuận lợi hơn, đáp ứng nhu cầu của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp, phục vụ xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh. 

Bên cạnh đó, sau những thành tựu bước đầu Nghị quyết số 54/2017/QH14, ngày 24-11-2017, của Quốc hội khóa XIV, “Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” đem lại, Nghị quyết số 98 ra đời đã mang đến nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để TPHCM tháo gỡ được những điểm nghẽn, mở ra nhiều cơ chế, chính sách phát triển khoa học - công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo[1].

Để tạo điều kiện, môi trường tốt cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công, những năm qua, TPHCM không chỉ tổ chức các chương trình hội nghị, tọa đàm gặp gỡ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách hỗ trợ quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; mà còn cam kết bằng việc ban hành “Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TPHCM giai đoạn 2021 - 2025” với nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Đó là lý do vì sao cộng đồng đổi mới sáng tạo đã chọn TPHCM làm nơi khởi nghiệp.

Đến nay, theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nơi đây không ngừng phát triển mạnh mẽ, tăng cả số lượng và chất lượng. 

Chỉ tính riêng năm 2023, TPHCM đã hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 2.586 doanh nghiệp; ươm tạo phát triển 308 dự án, trong đó có 27 đơn vị được đăng ký tài sản trí tuệ; hỗ trợ 40 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm; có 1.871 lượt doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào hoạt động sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng.

Vì vậy, năm 2023, hệ sinh thái khởi nghiệp TPHCM được đánh giá năng động nhất và xếp hạng đứng đầu cả nước. Hiện nay, TPHCM có 50% số lượng startup, 40% cơ sở ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, 44% lượng vốn đầu tư, 60% số thương vụ của cả nước và là nơi có 3 trong 4 “kỳ lân”[2] của Việt Nam gắn bó. 

Cũng trong năm 2023, Startup Genome (tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách hàng đầu thế giới) đã xếp hạng TPHCM nằm trong nhóm 81 - 90 thị trường khởi nghiệp sáng tạo mới nổi của toàn cầu, trong khi Startup Blink (trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu) xếp hạng TPHCM đứng thứ 113/1.000 hệ sinh thái năng động nhất toàn cầu.

Còn những khó khăn, vướng mắc

Những thành quả đạt được bước đầu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TPHCM là rất đáng ghi nhận. Thế nhưng, từ thực tiễn cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nơi đây đang đối diện với những khó khăn, vướng mắc.

Nhìn một cách khái quát, sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TPHCM hiện nay vẫn chưa tương xứng với vị trí, vai trò và tiềm năng sẵn có. 

Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa đa dạng; chất lượng các dịch vụ cung cấp cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn ở mức cơ bản, chưa đạt yêu cầu so với thực tế vận động phát triển không ngừng của xã hội; chất lượng tăng trưởng và năng lực của các thành phần hệ sinh thái chưa cao; vai trò của các trường đại học chưa phát huy gắn kết giữa hoạt động đào tạo, nghiên cứu và thị trường, chưa có nhiều doanh nghiệp hình thành từ việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ.

Bên cạnh đó, chính sách về đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang trong giai đoạn dần được hoàn thiện; hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công còn chậm; chưa khai thác tối đa hiệu quả hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, cá nhân và nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài; môi trường đầu tư, kinh doanh dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn một số điểm nghẽn, ảnh hưởng đến việc huy động các nguồn lực khởi nghiệp, như thị trường quyền sử dụng đất, các sản phẩm công nghệ, lao động chất lượng cao.

Phấn đấu trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mang tầm châu lục

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh để bảo đảm sự phát triển nhanh, bền vững của từng địa phương, cũng như mỗi quốc gia. 

Nhận thức rõ vấn đề này, TPHCM ra sức phấn đấu trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên nền trung tâm khoa học - công nghệ tầm khu vực ASEAN, hướng đến mang tầm châu lục vào năm 2030.

Để đạt được các mục tiêu đó, thời gian tới, TPHCM cần làm tốt một số nội dung cơ bản là: chú trọng hoàn thiện chính sách hỗ trợ tài chính, nguồn vốn; sớm xây dựng được chính sách thu hút đầu tư vượt trội, tương xứng với tiềm năng, vị thế và cạnh tranh được với các quốc gia, khu vực khác; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng cơ chế hợp tác, gắn kết chặt chẽ để các thành viên trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát huy được thế mạnh của mình.

Tiếp tục tạo mọi điều kiện để các nhà khởi nghiệp, chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài nước chia sẻ, tham vấn về cơ chế, chính sách phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo một cách hiệu quả trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu. 

Chỉ đạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận cấu thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, như công tác truyền thông, tiếp nhận chính sách, thành lập và quản lý các quỹ hỗ trợ đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm; sự phối hợp giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các vườn ươm khởi nghiệp để hình thành các giải pháp đồng bộ và có tính khả thi. 

Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo ra động lực tăng trưởng mới.

TPHCM sớm hoàn thiện và đưa Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào vận hành. Theo đó, trung tâm này phải thể hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ là đầu mối kết nối, hình thành mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo bao gồm tổ chức ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; liên kết chặt chẽ với các trường, viện, cơ quan, tổ chức, tập đoàn trong và ngoài nước có liên quan.

Triển khai các chính sách hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TPHCM khi thực hiện Nghị quyết số 98 như miễn giảm thuế, hỗ trợ không hoàn lại đối với dự án khởi nghiệp từ 40 - 400 triệu đồng; thử nghiệm chính sách về sản phẩm dịch vụ mới, thu hút chuyên gia và nhà khoa học cho các trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế. 

Phát huy công năng để trung tâm làm tốt việc lan tỏa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho cộng đồng; cung cấp các dịch vụ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát triển và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho TPHCM trong bối cảnh phát triển mới./.


[1] Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Startup) được hiểu là quá trình khởi nghiệp dựa vào ý tưởng sáng tạo để tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới; hoặc phát triển dịch vụ, sản phẩm cũ, nhưng có những ưu điểm vượt trội để phát triển nhanh, hiệu quả hơn.

[2] (2) Cách gọi những doanh nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD.