16/10/2024 | 01:24 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Từng bước xây dựng nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, hội nhập

LÊ TÙNG LÂM
Từng bước xây dựng nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, hội nhập Các học viên thực hành lập trình và vận hành robot tại Trung tâm Đào tạo khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP-Training)_Ảnh: vnanet.vn
Thành phố đặt mục tiêu phát triển giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, hội nhập, trở thành trung tâm GD-ĐT chất lượng cao của cả nước và khu vực châu Á, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển giáo dục và chất lượng giáo dục. Để đạt được mục tiêu đó, việc thực hiện hiệu quả, vận dụng linh hoạt Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24-6-2023, của Quốc hội để thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục Thành phố từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là rất cần thiết.

Ngày 16-1-2024, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 192/QĐ-UBND về Chiến lược phát triển giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Theo đó, mục tiêu quan trọng là “đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ, năng lực chuẩn quốc tế, xây dựng Thành phố thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước, khu vực ASEAN, tiến đến đào tạo công dân toàn cầu”. 

Điều đó khẳng định rằng, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24-6-2023, “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” (Nghị quyết số 98) là cơ sở pháp lý quan trọng để Thành phố thực hiện những quyết sách cần thiết, kịp thời nhằm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để vận dụng linh hoạt Nghị quyết số 98 vào phát triển GD-ĐT, xây dựng nền GD-ĐT Thành phố tiên tiến, hiện đại, hội nhập, trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực châu Á, thời gian tới nên triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Tạo động lực cho đổi mới và phát triển ngành GD-ĐT Thành phố

GD-ĐT Thành phố hiện nay là phải có cơ chế, chính sách đặc thù để đổi mới quản lý GD-ĐT, tuyển chọn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành, nhằm phát huy cao nhất vai trò của một trung tâm kinh tế, GD-ĐT, khoa học - công nghệ của đất nước. 

Nghị quyết số 98 cho phép Thành phố thực hiện “thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để chính quyền Thành phố mạnh dạn đổi mới trong tư duy quản lý, tăng cường cho GD-ĐT.

Linh hoạt trong sử dụng ngân sách nhằm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong GD-ĐT

Theo Nghị quyết số 98, Hội đồng nhân dân Thành phố được quyền “cho phép các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư để tăng chi đầu tư, mua sắm, hoạt động chuyên môn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, chi thu nhập tăng thêm”. 

Sự linh hoạt trong sử dụng ngân sách sẽ thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong GD-ĐT. Đây còn là biện pháp quan trọng để thu hút nhân tài, đội ngũ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành GD-ĐT chuyên nghiệp, năng động, có tư duy đổi mới, sáng tạo.

Mở rộng, hoàn thiện hệ thống GD-ĐT của Thành phố

Theo Nghị quyết số 98, Thành phố sẽ thực hiện “thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước” và có quyền tự chủ về các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (sau đây gọi là dự án PPP). 

Quy định “quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa do Hội đồng nhân dân Thành phố quy định” là cơ sở quan trọng để Thành phố tập trung nhiều nguồn lực, kêu gọi đầu tư nhằm đạt chỉ tiêu phát triển giáo dục đến năm 2030 như: bảo đảm sĩ số ở các bậc học từ 30 đến 35 học sinh/lớp; 100% số trường tiểu học, 70% số trường trung học cơ sở dạy và học 2 buổi/ngày; 100% số trường học triển khai thực hiện “Trường học hạnh phúc”; 100% số trường học xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh... 

Như vậy, Nghị quyết số 98 là cơ sở pháp lý quan trọng để Thành phố xây dựng nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, hội nhập, trở thành trung tâm GD-ĐT chất lượng cao của cả nước và khu vực châu Á.

Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong GD-ĐT, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học

Nghị quyết số 98 cho phép “thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Quy định này giúp ngành GD-ĐT Thành phố đầu tư phát triển mạnh theo định hướng ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy - học, quản lý nhà trường... 

Vì vậy, Thành phố cần tiếp tục triển khai thực hiện đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên các cấp. Lãnh đạo ngành GD-ĐT cần chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức nghiên cứu, đổi mới công tác tuyển dụng giáo viên các cấp; xây dựng cơ chế, chính sách tuyển dụng giáo viên một số môn đặc thù, phục vụ giảng dạy cho các cấp học trên địa bàn trong thời gian tới.

Bảo đảm nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho phát triển GD-ĐT

Theo Nghị quyết số 98, Hội đồng nhân dân Thành phố được quyết định “sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách, chi thu nhập tăng thêm”. 

Như vậy, Nghị quyết cho phép Thành phố được sử dụng ngân sách để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị hiện đại, bảo đảm đủ chỗ học đạt chuẩn. Đây là điều kiện để từng bước thực hiện thành công mục tiêu đưa nền giáo dục Thành phố phát triển hàng đầu về giáo dục trong nước, khu vực ASEAN và bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành nghề đào tạo.

Phát huy vai trò của các đơn vị chuyên môn trong các trường học

Đảng bộ các cơ sở GD-ĐT của Thành phố phải xem việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và phải được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Các cấp ủy trong ngành GD-ĐT cần chỉ đạo các chi bộ của các phòng, ban, khoa, bộ môn, viện nghiên cứu,... tổ chức nghiên cứu những nội dung của Nghị quyết số 98 liên quan đến phát triển GD-ĐT. 

Quan trọng hơn, cần chọn một số nội dung cụ thể, liên quan trực tiếp đến thẩm quyền, trách nhiệm, yêu cầu thực tiễn của đơn vị để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động phù hợp; bám sát, cụ thể hóa Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 98 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. 

Bên cạnh đó, cần có cơ chế bảo vệ đối với những cán bộ, giảng viên tích cực làm việc trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Có như thế mới có thể khơi thông mạnh mẽ nguồn lực đổi mới, sáng tạo từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành GD-ĐT Thành phố./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện