“Chìa khóa vàng” để huyện Cần Giờ phát huy tiềm năng phát triển du lịch sinh thái
TRẦN THẾ VŨ
Thách thức trong phát triển du lịch sinh thái
Ngành du lịch Cần Giờ có tốc độ tăng trưởng về khách du lịch khá cao so với tăng trưởng về khách du lịch chung của Thành phố Hồ Chí Minh. Để phát huy lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn, huyện Cần Giờ đã phát triển được nhiều loại hình, sản phẩm du lịch.
Xây dựng các mô hình du lịch mới, phát huy giá trị văn hóa, sản phẩm đặc trưng để hình thành các điểm du lịch phong phú, làm tăng giá trị sản phẩm du lịch của địa phương như tuyến du lịch cộng đồng tại xã đảo Thạnh An và Thiềng Liềng; du lịch sinh thái nhà vườn tại thị trấn Cần Thạnh; du lịch làng nghề làm muối truyền thống xã Lý Nhơn.
Ngoài ra, Cần Giờ đã triển khai công tác kết nối để đưa mô hình du lịch sinh thái nhà vườn vào khai thác, đồng thời nhân rộng mô hình này để đa dạng hóa sản phẩm du lịch địa phương dựa trên tiềm năng và lợi thế của từng xã, thị trấn.
Tuy nhu cầu du lịch đến Cần Giờ ngày càng cao nhưng hiện nay vẫn chưa trở thành điểm tham quan hấp dẫn, chưa trở thành địa điểm ưu tiên để người dân Thành phố và khách du lịch lựa chọn. Huyện Cần Giờ chưa phát huy hết lợi thế sẵn có của địa phương, chưa tạo sự đột phá để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cụ thể là:
Thứ nhất, các tuyến điểm tham quan, sản phẩm du lịch đơn điệu, chưa phong phú. Chưa khai thác hết những tiềm năng về các giá trị văn hóa của địa phương để gắn kết giá trị sinh thái tự nhiên và giá trị nhân văn thành sản phẩm du lịch ấn tượng của địa phương.
Thứ hai, hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch còn yếu kém, chưa đồng bộ (giao thông đi lại khó khăn; hệ thống lưu trú nhỏ lẻ, tỷ lệ đạt chuẩn rất ít), thiếu các loại hình giải trí hiện đại và các thiết chế văn hóa hiện đại. Hạ tầng giao thông kết nối giữa Cần Giờ và các khu lân cận còn hạn chế, là điểm mấu chốt kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng.
Đặc biệt, Cần Giờ có nhiều sản phẩm nông nghiệp OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm), mang đặc trưng riêng. Nhưng các sản phẩm nông nghiệp chưa được gắn kết với các điểm tuyến tham quan du lịch, chưa được quảng bá rộng rãi tới khách du lịch nên chưa khai thác tối đa chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Thứ ba, nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có các mô hình, sản phẩm gắn với phát triển du lịch sinh thái còn thiếu và yếu, các kỹ năng về quản lý, điều hành; trình độ lao động trong ngành chậm về kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ là hạn chế rất lớn để phát triển du lịch ở địa phương trong thời gian tới.
Những nội dung cần thực hiện
Nghị quyết số 98 là cơ hội và là chìa khóa vàng để Cần Giờ tận dụng những lợi thế về đa dạng sinh học và văn hóa đặc sắc, bảo đảm khai thác mô hình du lịch sinh thái có hiệu quả và phát triển bền vững. Trước mắt, cần thực hiện những nội dung sau:
Một là, huyện Cần Giờ phải tập trung, định hướng và quy hoạch quỹ đất riêng dành cho phát triển du lịch và nông nghiệp trên địa bàn huyện. Trong đó, tập trung xây dựng đề án phát triển du lịch huyện Cần Giờ định hướng đến năm 2030, tập trung hệ thống lại các sản phẩm du lịch, trong đó du lịch sinh thái giữ vai trò chủ lực.
Phát huy các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương. Thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại để lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và cùng đồng hành với doanh nghiệp.
Hai là, tổ chức các hoạt động kêu gọi đầu tư hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm đến du lịch sinh thái - văn hóa, và hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ lưu trú và ăn uống bằng các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi phù hợp. Vận động các cơ sở du lịch nâng cấp đạt chuẩn về cơ sở lưu trú du lịch và các dịch vụ liên quan.
Quản lý tốt các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch và ăn uống, mua sắm; tránh tình trạng tăng giá hoặc giảm giá dịch vụ bất hợp lý, gây mất hình ảnh du lịch Cần Giờ.
Ba là, phát triển các loại hình hoạt động tư vấn, hỗ trợ, bồi dưỡng về kỹ năng quản lý điều hành, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, định giá sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu, hệ thống phân phối...
Hình thành quỹ hỗ trợ đào tạo nhân lực cấp trung (tổ trưởng, quản lý bộ phận, trưởng ca...) nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực, thông qua đó tạo động lực thu hút nhà đầu tư cho địa phương.
Đặc biệt, việc đặc thù hóa và đa dạng hóa sản phẩm du lịch Cần Giờ thông qua việc thí điểm triển khai các loại hình du lịch đặc trưng gắn với việc khai thác “di sản xanh”, “không gian mặt nước”, “văn hóa cảng thị cổ”,... tại huyện Cần Giờ để tạo ra các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với văn hóa bản địa./.