12/09/2024 | 09:06 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Cấp thiết khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng phát triển

TRẦN VĂN
TS, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
Cấp thiết khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhà ở trong giai đoạn 2021 - 2030 đồng bộ với cơ sở hạ tầng, hạ tầng kỹ thuật giao thông và xã hội_Ảnh: vnanet.vn
Nếu ví von cả nước là một “đoàn tàu”, thì “đầu tàu” Thành phố Hồ Chí Minh giữ vị trí cực kỳ quan trọng, là “sức kéo” trọng yếu để “đoàn tàu” tăng tốc, phát triển. Sau gần 1 năm triển khai thực hiện, việc tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24-6-2023, của Quốc hội (Nghị quyết số 98) để giải phóng tiềm năng phát triển là nhiệm vụ cấp thiết của Thành phố trong thời gian tới.

Để phát triển hạ tầng đô thị

Nghị quyết số 98 quy định ngoài các lĩnh vực đầu tư theo Luật Đầu tư, Thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư cả đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa, y tế, giáo dục - đào tạo. 

Quy định này cho phép áp dụng cơ chế nhượng quyền đầu tư xây dựng các công trình, dự án nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và chính quyền Thành phố về xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, công trình y tế, giáo dục quy mô lớn, chất lượng cao, tương xứng với vị trí, vai trò của Thành phố, quy mô dân số và thu nhập người dân.

Hiện nay, Thành phố có quyền quyết định và thực hiện thủ tục đầu tư, quy hoạch xây dựng và giao đất, cho thuê đất theo quy định căn cứ hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) đã ký kết, quy hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Giá tính thu tiền sử dụng đất, thuê đất được xác định tại thời điểm quyết định giao đất, cho thuê đất. 

Đối với diện tích đất hình thành sau khi thực hiện lấn biển, Thành phố được thực hiện thủ tục về giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai. 

Tuy nhiên, sự thành công của cơ chế này phụ thuộc nhiều vào việc ban hành các quy định hướng dẫn chi tiết dưới luật/nghị quyết của Quốc hội, nhất là trong: đấu giá quyền sử dụng đất công; xây dựng chiến lược, kế hoạch quản lý, sử dụng đất; quy chế bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất...

Tăng cường tài chính, ngân sách để tạo nguồn lực phát triển

Sự chủ động về các loại phí, lệ phí trên địa bàn (chưa có trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí) hay điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí (đã có trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách Trung ương hưởng 100%) là một thế mạnh của đại đô thị như Thành phố Hồ Chí Minh với quy mô dân số và sự đa dạng nhất nước về các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhỏ, siêu nhỏ, kinh tế không chính thức... 

Điều này càng quan trọng hơn khi ngân sách Thành phố được hưởng toàn bộ số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, các chính sách phí, lệ phí mới cần được xây dựng trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc lợi ích, cân bằng và khả năng nộp của đối tượng được điều chỉnh, đánh giá tác động của phí, lệ phí đến đời sống kinh tế, xã hội và thu nhập của người dân, cũng như khuyến khích và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, dịch vụ. 

Chính sách phí, lệ phí cần chú ý đến các khía cạnh đăng ký, kê khai, thu nộp và quản lý, sử dụng để tránh những rủi ro, sai sót trong kiểm soát, tính toán, áp dụng mức phí, lệ phí, để có thể điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm nguyên tác công bằng trong thực thi chính sách.

Thành phố được tạo chính sách vay vốn thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh được hưởng theo phân cấp. 

Với chính sách này, Thành phố hoàn toàn có thể huy động nguồn lực tài chính xanh cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; thực hiện cơ chế tài chính trong trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế; huy động nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng xanh.

Tối ưu hóa công tác quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường

Nghị quyết số 98 đã quy định các biện pháp tối ưu hóa công tác quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và tạo môi trường sống lành mạnh, tốt nhất cho người dân. 

Việc Thành phố được chủ động chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp quy mô dưới 500ha, thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai và có quy mô từ 300ha trở lên để xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, kết cấu hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, hạ tầng giao thông, khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí cộng đồng cũng là những đột phá quan trọng của Nghị quyết.

Với định hướng phát triển về phía biển, hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt đang được tích cực đầu tư cải tạo, nâng cấp, Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn có lợi thế phát triển nền kinh tế xanh nếu giải quyết tốt về hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông công cộng nhằm đáp ứng đủ nhu cầu vận chuyển, giảm phương tiện cá nhân gây ô nhiễm không khí, giải quyết tốt việc thu gom, xử lý nước thải và chất thải để dần làm sạch môi trường và nguồn nước, khuyến khích và ưu đãi thực chất để thu hút nguồn lực tài chính, đẩy mạnh đầu tư vào công nghiệp tái tạo, công nghệ xanh. 

Bên cạnh đó, vấn đề nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng, lợi ích của phát triển kinh tế xanh cộng đồng thông qua hành vi tiêu dùng và sử dụng tài nguyên; tăng cường đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có kỹ năng và kiến thức về kinh tế xanh và công nghệ xanh cũng cần được quan tâm.

Các mô hình xe buýt điện, taxi, xe máy điện, điện Mặt trời mái nhà,... cần được tiếp tục khuyến khích. Trên cơ sở bài toán chi phí - hiệu quả, Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể xây dựng chương trình “Mái nhà năng lượng Mặt trời” để khuyến khích người dân phát triển năng lượng Mặt trời lắp trên mái nhà ở, nhà máy, kho hàng; hỗ trợ tài chính trực tiếp cho thiết bị, phương tiện, công trình, cao ốc tiết kiệm năng lượng...

Ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược và quản lý khoa học - công nghệ

Nghị quyết số 98 đã quy định Danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố như đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong công nghệ thông tin (IT), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch; công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, chip, pin công nghệ mới, công nghiệp năng lượng sạch; Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; trung tâm tài chính quốc tế...

Tuy nhiên, các ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược còn khá mỏng, khi mới chỉ được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi chi phí R&D thực tế được xác định theo quy định của pháp luật về kế toán. 

Do đó, ngoài những hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố quy định tại Nghị quyết, cần có những ưu đãi cao hơn, hỗ trợ cụ thể hơn từ ngân sách địa phương, như: vị trí việc làm/lao động mới thu hút; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hạch toán rủi ro, tổn thất trong sản xuất thử nghiệm...; niêm yết, huy động vốn trên thị trường vốn, nhất là đối với các start-up công nghệ.../.