Nhìn lại Công đoàn Đoàn kết Ba Lan và bài học “ổ kiến hổng sụt toang đê vỡ”
Nguyễn Sơn
Công đoàn Đoàn kết - một lịch sử phát nhanh tàn chóng
Cuộc “bùng nổ kinh tế Ba Lan” nửa cuối thập niên 70 của thế kỷ XX dựa trên viện trợ của Liên Xô và vay mượn của phương Tây kết thúc vào đầu năm 1980 bằng một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Công nghiệp đình đốn, thực phẩm thiếu thốn, bộ máy quản lý nhà nước quan liêu, thiếu hiệu quả.
Khó khăn kinh tế dẫn đến bất bình lan rộng trong xã hội. Tháng 8-1980, các cuộc đình công phản đối thả nổi giá thịt, đòi tăng lương và phản đối chính sách kinh tế lan rộng.
Ủy ban Đình công toàn quốc được thành lập do Lech Walesa - một thợ điện ở Nhà máy đóng tàu Gdansk - làm chủ tịch, quy tụ hầu hết các tổ chức xã hội bất hợp pháp ở Ba Lan lúc đó.
Chính quyền buộc phải đồng ý tăng lương và Ủy ban Đình công toàn quốc chuyển thành Liên hiệp Công đoàn tự quản Đoàn kết (Công đoàn Đoàn kết).
Sau cuộc chiến pháp lý căng thẳng với sự can thiệp của đích thân Thủ tướng Ba Lan Józef Pinkowski, Tòa án Tối cao Ba Lan đồng ý công nhận Công đoàn Đoàn kết là tổ chức hợp pháp.
Đổi lại, Công đoàn Đoàn kết cam kết công nhận Hiến pháp hiện hành với vai trò lãnh đạo của Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan.
Thỏa thuận giữa chính quyền và Công đoàn Đoàn kết không những không làm dịu tình hình, mà còn khuyến khích đình công và bạo lực lan rộng hơn, vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Nhận thấy những chính sách nửa vời không giải quyết được vấn đề, Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan đưa Bộ trưởng Quốc phòng Wojciech Jaruzelski lên làm Bí thư thứ nhất và thi hành chính sách cứng rắn.
Ngày 13-12-1981, Hội đồng Nhà nước phải ban bố tình trạng chiến tranh trên toàn quốc. Hội đồng quân sự cứu quốc được thành lập, tiếp quản bộ máy chính quyền từ trung ương đến các địa phương. Quốc hội ra nghị quyết giải thể Công đoàn Đoàn kết.
Sự ra đi của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev vào tháng 10-1982 dẫn tới những thay đổi chính trị quan trọng “mang tính mềm hóa” ở Liên Xô và Đông Âu.
Một tháng sau, Lech Walesa được trả tự do và nhận Giải Nobel Hòa bình ngay năm sau đó. Công đoàn Đoàn kết trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Lao động và Công đoàn thế giới, nhận được sự ủng hộ của Giáo hoàng John Paul II và Hạ viện Mỹ thông qua ngân sách 1 triệu USD giúp đỡ hoạt động.
Mikhain Gorbachev lên nắm quyền và cải tổ ở Liên Xô nhanh chóng lan đến Ba Lan. Tháng 11-1988, Lech Walesa thắng lớn trong cuộc tranh luận truyền hình trực tiếp với Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Ba Lan về các vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội.
Đảng cầm quyền buộc phải chấp nhận “hội nghị bàn tròn” với Công đoàn Đoàn kết và đồng ý tổ chức bầu cử dân chủ. Tòa án Warszawa, một lần nữa, cấp lại đăng ký pháp lý cho Công đoàn Đoàn kết. Tháng 12-1990, Lech Walesa trở thành Tổng thống Ba Lan, đưa Công đoàn Đoàn kết lên đến đỉnh cao của nó.
Nhưng từ “người đập phá” chuyển sang làm “người xây dựng” không phải là việc dễ dàng. Lech Walesa loay hoay trên ghế tổng thống kém đến nỗi các cuộc bãi công lại tiếp tục nổ ra trên toàn quốc, thợ mỏ thậm chí còn kéo đến tận Dinh Tổng thống để chất vấn ông.
Không khí chính trị Ba Lan u ám hơn bao giờ hết. Các Chính phủ Ba Lan qua các đời Thủ tướng Jan Krzysztof Bielecki, Jan Olszewski, Waldemar Pawlak, Hanna Suchocka,... với Công đoàn Đoàn kết làm nòng cốt thay phiên nhau sụp đổ.
Cuối cùng, Lech Walesa buộc phải thỏa hiệp bằng cách bổ nhiệm Leszek Miller - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan trước đây - vào chính phủ.
Ông này nhanh chóng trở nên nổi bật, thành ngọn cờ quy tụ những người từng kiên quyết phản đối Công đoàn Đoàn kết trước đây. Bước lùi này của Lech Walesa là tiền đề cho thất bại của ông trong cuộc bầu cử năm 1995.
Những cải biến sâu rộng và thành công trong 10 cầm quyền của Kwasniewski khiến Công đoàn Đoàn kết mất uy tín nghiêm trọng.
Từ một tổ chức chính trị - xã hội có tới 10 triệu hội viên lúc đỉnh cao tụt xuống còn khoảng 0,5 triệu hội viên năm 2015 và tự thu mình về các hoạt động công đoàn thuần túy.
Nhà máy đóng tàu Gdansk bị bán cho một nhóm tư bản Ukraina và kinh doanh rất khó khăn vì “bãi công đã đi vào máu công nhân ở đây”, nhất là sau khi Thủ tướng Donald Tusk thẳng thừng tuyên bố “chẳng vì lý do gì mà chúng tôi phải giải cứu cho một nhà máy của người Ukraina cả”.
Những “ổ kiến hổng sụt toang đê vỡ”
Nhìn lại lịch sử Ba Lan nửa thế kỷ nay với sự thăng hoa và suy tàn mau chóng của Công đoàn Đoàn kết, chúng ta không thể không ngạc nhiên: điều gì đã khiến một quốc gia xã hội chủ nghĩa như Ba Lan sụp đổ kéo theo sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Tuy nhiên, đi sâu vào các chuỗi sự kiện giai đoạn đó, dễ thấy có đến 4 “ổ kiến hổng” khổng lồ.
Thứ nhất, Chính phủ Ba Lan những năm 70 của thế kỷ XX chạy theo một chính sách kinh tế rất “ăn xổi”, kiểu “nồi sữa sôi”. Toàn bộ “kỳ tích kinh tế Ba Lan” lúc đó dựa trên viện trợ của Liên Xô và vay mượn từ phương Tây.
Năm 1978, trong báo cáo gửi Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, Cố vấn An ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski cho biết, lãi vay từ nợ nước ngoài của Ba Lan đang chiếm tới 90% thu nhập từ xuất khẩu của nước này.
Lúc đó “bẫy nợ” chưa phải là khái niệm phổ biến như hiện nay, nhưng chính Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan đã bị các chủ nợ (chủ yếu từ Mỹ và Tây Âu) ép phải hợp pháp hóa phe đối lập và “dân chủ hóa” xã hội.
Khi Ba Lan từ chối, họ “rút củi đáy nồi” và “nồi sữa sôi” xẹp ngay lập tức, gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế đầu tiên ở một nước xã hội chủ nghĩa, dẫn tới bãi công, bạo động và sự ra đời của Công đoàn Đoàn kết.
Thứ hai, giữa lúc khủng hoảng gia tăng, ban lãnh đạo đảng lại dao động, mất đoàn kết, chia phe. Đầu tiên là Bí thư thứ nhất Edward Gierek sa thải Thủ tướng Edward Babiuch vì “chính sách kinh tế thiếu chín chắn” (ngày 24-8-1980) rồi chính mình bị ban lãnh đạo đảng cho nghỉ “vì lý do sức khỏe” 2 tuần sau đó.
Người kế vị là đối thủ chính của ông - Stanislaw Kania - Bí thư phụ trách nội vụ và an ninh. Chính sách nửa vời đối với những cuộc bãi công và bạo động của ông khiến đảng bị phân hóa sâu sắc.
Gần 1 triệu trong số 3 triệu đảng viên gia nhập Công đoàn Đoàn kết. Còn Gierek, trong suốt phần đời còn lại, liên tục tố cáo ông đã “lợi dụng Công đoàn Đoàn kết để lật đổ mình”.
Một năm sau, đến lượt mình, Kania lại bị thay bởi một nhân vật phe cứng rắn - Bộ trưởng Quốc phòng Wojciech Jaruzelski. Rồi chính Jaruzelski cũng dao động, “lựa gió Moscow mà nương tay hay đối đầu Công đoàn Đoàn kết”.
Thứ ba, Liên hiệp Công đoàn Ba Lan - tổ chức công đoàn chính thống duy nhất trước năm 1980 - gần như hoàn toàn bất lực trước các cuộc đấu tranh của công nhân và đứng ngoài vòng xoáy thời cuộc.
Họ nhanh chóng để Công đoàn Đoàn kết chiếm hết các kênh tuyên truyền, tiêm nhiễm và điều khiển tâm trí những người công nhân đang bất bình với chính quyền. Họ tự vô hiệu hóa mình bằng cách đứng sang một bên, để mặc cho Công đoàn Đoàn kết điều phối các cuộc bãi công và bạo động, sau đó tự tuyên bố giải thể vì “tòa án đã công nhận Công đoàn Đoàn kết”.
Những cố gắng khôi phục công đoàn này năm 1984 bằng việc thành lập Thỏa ước công đoàn toàn quốc quy tụ 79 công đoàn ngành với 550 nghìn hội viên hầu như không để lại dấn ấn nào, và không có hoạt động nào đáng kể.
Chủ tịch Alfred Miodowicz thường xuyên dẫn đầu các cuộc xuống đường nhưng rất ít người tham gia. Năm 1988, ông còn thua thảm bại Lech Walesa trong cuộc tranh luận trực tiếp trên sóng truyền hình, gián tiếp làm Công đoàn Đoàn kết tỏa sáng.
Thứ tư, tư duy buông thả, dễ dãi, “chủ nghĩa xã hội với khuôn mặt con người” len lỏi trong các tầng lớp lãnh đạo và thanh niên Ba Lan làm chủ nghĩa xã hội ở đây trở nên lỏng lẻo, khiến Ba Lan trở thành “khâu yếu nhất của hệ thống xã hội chủ nghĩa”, thu hút sự chú ý và tập trung tấn công của các thế lực thù địch phương Tây và tôn giáo.
Những bất bình trong lịch sử quan hệ Ba Lan - Nga/Liên Xô bị khai thác triệt để. Dân chủ tự do bị đẩy lệch tới mức đối lập tuyệt đối với chủ nghĩa xã hội. Lối sống phương Tây cũng thâm nhập sâu vào giới trẻ và đẩy đến mức độ lệch lạc hơn nữa.
Bốn “ổ kiến” hổng nói trên khiến “khúc đê” không chịu nổi áp lực của thời cuộc và sụt toang năm 1989. Đến lượt mình, chính Ba Lan lại thành “ổ kiến hổng” khiến hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ./.