21/11/2024 | 16:57 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Kết nối việc làm và vai trò của công đoàn

Khánh Linh
Kết nối việc làm và vai trò của công đoàn Ngày hội việc làm cho lao động nữ 2024 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức đem lại niềm tin về hoạt động tuyển dụng minh bạch, tin cậy_Ảnh: laodongcongdoan.vn
Với một thị trường việc làm đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, các tổ chức công đoàn có vai trò rất lớn trong việc kết nối việc làm nhờ những lợi thế vượt trội của mình.

Thị trường việc làm còn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo Tổng cục Thống kê, quý I-2024 cả nước có khoảng 52,4 triệu người trong độ tuổi lao động từ 15 tuổi trở lên, trong đó 51,3 triệu người lao động có việc làm, chiếm tỷ lệ khá cao so với các thị trường lao động khác trong khu vực. 

Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động chỉ gần 933.000 người (chiếm 2,03%), thấp hơn đáng kể so với các giai đoạn trước đó. 

Việc số lao động có việc làm đã trở lại cao hơn thời kỳ trước dịch COVID-19 cho thấy thị trường lao động đang có dấu hiệu ấm lên đáng khích lệ.

Tuy nhiên, dễ nhận thấy thị trường lao động có dấu hiệu khởi sắc nhưng chưa ổn định. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức (làm các công việc bấp bênh, dễ thay đổi, dễ mất việc, dễ bị xâm hại quyền lợi) vẫn chiếm tỷ trọng lớn. 

Trong quý I-2024, con số này là 64,8% (khu vực thành thị là 49,3% và nông thôn là 74,4%), tăng nhẹ so với trước dịch. Lao động thời vụ vẫn còn nhiều, khiến tỷ lệ thất nghiệp giảm ở những tháng giáp tết, nhưng tăng trở lại sau mùa cao điểm ấy qua đi. Vẫn còn một lượng không nhỏ thanh niên thất nghiệp, chiếm tới gần 8% số thanh niên trong độ tuổi 15 - 24. 

Đào tạo nghề cho lao động ở khu vực nông thôn còn hạn chế do thiếu cơ sở vật chất và nguồn lực, thiếu khát vọng tiếp cận các khóa đào tạo chuyên sâu, khiến thanh niên nông thôn không thể cải thiện kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh mẽ.

Cùng với sự bấp bênh của thị trường, các điều kiện lao động trong các doanh nghiệp cũng có nhiều vấn đề tiềm ẩn rủi ro. Tình hình ký kết hợp đồng lao động chưa đồng đều, với gần 20% số người lao động chưa được ký hợp đồng lao động không thời hạn. 

Trong số 80% còn lại, không ít hợp đồng lao động thiếu hoặc né tránh các điều khoản bảo vệ quyền lợi của người lao động như nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các nghĩa vụ khác đối với người lao động nếu xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...

Thời gian lao động của lao động Việt Nam vẫn ở mức cao so với thế giới. Khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn cuối năm 2023 cho thấy, số giờ làm việc trung bình trong các doanh nghiệp cổ phần hóa và doanh nghiệp nhà nước là 45,04 giờ/tuần (tăng 0,19 giờ/tuần so với năm 2022); còn trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân là 46,57 giờ/tuần (tăng 0,7 giờ/tuần so với năm 2022), trong khi hiện nay, nhiều quốc gia tiên tiến đã giảm giờ làm xuống chỉ còn 40 giờ/tuần như Trung Quốc, Mông Cổ và Nhật Bản.

Nhìn chung, điều kiện lao động trong phần lớn các doanh nghiệp được cải thiện khá tốt, nhưng áp lực công việc vẫn gia tăng mạnh, chủ yếu do doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự để tối ưu hóa sản xuất, từ đó dẫn đến việc người lao động phải làm nhiều hơn và gánh thêm những công việc ngoài chuyên môn hơn. Việc đối thoại lao động - doanh nghiệp tại nơi làm việc chủ yếu liên quan đến thu nhập và điều kiện làm việc mà ít chú trọng đến các vấn đề khác như cơ hội nâng cao tay nghề, nghỉ dưỡng, cam kết việc làm bền vững... Không ít doanh nghiệp còn nợ lương thưởng, tùy tiện gia tăng giờ làm và giảm đơn giá sản phẩm.

Những vấn đề nêu trên cho thấy, bên cạnh sự ấm lên của thị trường việc làm vẫn còn nhiều bất cập tiềm ẩn khiến người lao động chưa hoàn toàn yên tâm. 

Theo dự báo của Ngân hàng HSBC, trong vòng 5 năm tới sẽ có khoảng 83 triệu việc làm bị cắt giảm mà chỉ có khoảng 69 triệu việc làm mới được tạo ra trên phạm vi toàn cầu. 

Điều đó chắc chắn sẽ gây áp lực lên thị trường việc làm nước ta và kích hoạt các rủi ro tiềm tàng nói trên. Chúng ta cần chủ động có biện pháp ứng phó, trong đó kết nối việc làm, tạo cơ hội tham gia thị trường cho người lao động trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu.

Kết nối người lao động với doanh nghiệp - thế mạnh đặc biệt của công đoàn

Trong thời gian vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp đang trở lại dưới mức 3% như tình trạng trước dịch COVID-19. Thành tích đó có được nhờ nỗ lực của Chính phủ trong việc tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm... 

Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, cung - cầu lao động vẫn chưa tạo ra được những kết nối hiệu quả để hình thành một thị trường linh hoạt và hiện đại. Phần lớn các phương pháp kết nối còn rất thủ công, manh mún, mang tính địa phương và thường coi cầu lao động là trọng tâm. 

Các hoạt động kết nối tập trung chủ yếu ở các sở lao động, thương binh và xã hội, trong khi tiềm năng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan trực thuộc rất lớn lại chưa được phát huy đúng mức.

Thứ nhất, công đoàn có ưu thế đặc biệt về việc duy trì việc làm và bảo đảm chất lượng việc làm cho người lao động hiện hữu. Thực tế cho thấy, ở các doanh nghiệp có công đoàn cơ sở hoạt động tích cực, người lao động ít bị sa thải hơn, ít bị tăng ca, tăng kíp hơn và thu nhập cũng như các quyền lợi khác được bảo đảm hơn. 

Sự kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp tạo nên môi trường làm việc hài hòa hơn, hạn chế xuất hiện các tranh chấp lao động không đáng có, nhất là những tranh chấp phát sinh từ việc không hiểu đúng nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh và sinh hoạt chung. 

Có công đoàn, người lao động yên tâm hơn với doanh nghiệp và doanh nghiệp yên tâm hơn với tập thể lao động của mình. Đây là thế mạnh cơ bản mà công đoàn đang làm tốt và cần làm tốt hơn nữa.

Thứ hai, do gần gũi, sâu sát với hoạt động của doanh nghiệp, các tổ chức công đoàn cơ sở nắm bắt nhu cầu tuyển dụng nhạy bén và chắc chắn hơn bất cứ đơn vị nào khác. 

Thế mạnh này mở ra khả năng chuyển dịch trọng tâm thị trường lao động từ thế chủ động của cầu sang cân đối cả cung lẫn cầu, chuyển dịch tư duy cung lao động (phổ thông) vô hạn sang cung có chọn lọc theo nhu cầu cụ thể của các doanh nghiệp. 

Với sự phát triển của chuyển đổi số, các cơ sở công đoàn có thể liên kết với nhau trong một mạng lưới thông tin phong phú, tạo ra sự hợp lý hơn trong việc giúp doanh nghiệp tuyển dụng và sử dụng lao động.

Thứ ba, với lực lượng cán bộ công đoàn to lớn và am hiểu tâm lý người lao động, với tổ chức nhiều tầng nấc và rộng khắp, công đoàn có điều kiện hơn ai hết để kiến tạo một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt và hiệu quả. 

Các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm, các ngày hội việc làm, các thông tin trên báo chí và mạng xã hội nếu được số hóa vào một hệ thống thống nhất toàn quốc có thể hiệu quả không kém gì sàn giao dịch chứng khoán điện tử đang vận hành trong việc kết nối việc tìm người với người tìm việc.

Thứ tư, việc tăng cường kết nối việc làm bao gồm từ bảo đảm duy trì việc làm, nâng cao chất lượng việc làm đến việc tạo thêm cơ hội việc làm mới như trên sẽ là các cơ hội tốt để công đoàn gần gũi với người lao động hơn, hiểu và bảo vệ quyền lợi của người lao động tốt hơn, đứng về phía người lao động trong các thỏa ước lao động tập thể tốt hơn, phù hợp với tiêu chuẩn của các nền kinh tế thị trường hiện đại, góp phần thúc đẩy quá trình các nước còn lại công nhận nền kinh tế thị trường của ta suôn sẻ hơn./.