21/11/2024 | 14:47 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Đẩy mạnh Phát triển đoàn viên tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước

Gia Minh
Đẩy mạnh Phát triển đoàn viên tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở ngoài khu vực ngoài nhà nước nhằm phát huy hiệu quả hoạt động công đoàn từ cơ sở_Ảnh: laodongcongdoan.vn
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, là trách nhiệm chính và trực tiếp của các cấp công đoàn.

Phấn đấu đến năm 2028 phát triển mới 3 triệu đoàn viên

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, giai đoạn 2013 - 2023 cả nước phát triển mới 8.880.561 đoàn viên, thành lập 52.346 công đoàn cấp cơ sở; sau khi đã trừ đi số giảm, tính đến ngày 31-12-2023, cả nước có 11.224.831 đoàn viên và 124.325 công đoàn cấp cơ sở.

Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) nhận định, công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) còn một số khó khăn như việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS chưa tương xứng với sự phát triển các loại hình doanh nghiệp và người lao động; hoạt động công đoàn nhiều nơi chưa thực sự đổi mới để thu hút người lao động; việc nắm bắt tình hình tư tưởng, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động có lúc chưa kịp thời; số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ chiếm tỷ lệ cao, sử dụng rất ít lao động; công tác quản lý nhà nước ở một số địa phương, ngành về doanh nghiệp, lao động chưa chặt chẽ; nhận thức của một số người sử dụng lao động về vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn còn hạn chế; mặt khác, tình hình dịch bệnh COVID-19 giai đoạn từ cuối năm 2019 đến giữa năm 2022 diễn biến phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như việc làm, đời sống của người lao động...

Những năm tới, Việt Nam vẫn trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với quy mô dân số trong độ tuổi lao động dồi dào và tăng nhanh. 

Đây là lợi thế để bổ sung lực lượng lao động, thị trường lao động việc làm có một số điểm tích cực, nhu cầu việc làm tăng, số lượng công nhân lao động tăng, hoạt động công đoàn tiếp tục được đổi mới, mở rộng, phát triển và có xu hướng dịch chuyển nhanh sang khu vực ngoài nhà nước; việc cho phép thành lập tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp sẽ tác động đến tư tưởng, việc làm, đời sống của người lao động, hoạt động của doanh nghiệp. 

Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu tổ chức công đoàn đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là cấp bách, cần thiết.

Ngày 27-8-2024, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN đã ban hành Nghị quyết 06/NQ-BCH về đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đến năm 2028, tầm nhìn đến năm 2033. 

Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2028 phấn đấu phát triển đoàn viên tăng thêm trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là 3 triệu đoàn viên; thành lập CĐCS ở 100% số doanh nghiệp có 25 lao động trở lên. 

Giai đoạn 2029 - 2033, phấn đấu phát triển đoàn viên tăng thêm trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là 3,5 triệu đoàn viên; thành lập CĐCS ở 100% số doanh nghiệp có 20 lao động trở lên.

Để hoàn thành các mục tiêu, Tổng LĐLĐVN đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, Tổng LĐLĐVN tham mưu Ban Bí thư chỉ thị về lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng bộ, đảng ủy lãnh đạo các cấp ủy đảng cấp dưới, cơ quan quản lý nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện để Tổng LĐLĐVN chỉ đạo các cấp công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn nhằm đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, góp phần chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Công đoàn các cấp chủ động, kịp thời xây dựng kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tại địa phương, ngành; phối hợp các cơ quan, ngành chức năng làm tốt công tác khảo sát, thống kê doanh nghiệp, lao động làm cơ sở, phân bổ chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS hằng năm và cả giai đoạn. 

Hằng năm, xây dựng kế hoạch và chọn tháng 5 (tháng công nhân) và tháng 7 (tháng thành lập Công đoàn Việt Nam) là tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.

Cùng với đó, các cấp công đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Nghiên cứu đổi mới toàn diện nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về lợi ích và hiệu quả khi tổ chức công đoàn được thành lập trong doanh nghiệp; lợi ích khi người lao động tham gia công đoàn; làm cho người sử dụng lao động, người lao động hiểu được bản chất của tổ chức công đoàn, chức năng và vai trò của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo, đại diện bảo vệ quyền lợi của người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Tỉnh Hưng Yên: Lấy địa bàn các khu công nghiệp là trọng điểm

Ông Lê Quang Toản - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hưng Yên - cho biết, tính đến hết tháng 8-2024, LĐLĐ tỉnh quản lý 1.639 CĐCS, với gần 170.000 đoàn viên, tăng gần 30.000 đoàn viên so với năm 2018. 

“Trên cơ sở chỉ tiêu được Tỉnh ủy, Tổng LĐLĐVN giao, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Cùng với đó, năm 2024, LĐLĐ tỉnh giao LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố, công đoàn các ngành phát triển tăng thêm 20.000 đoàn viên và thành lập mới 60 CĐCS. Kết quả thực hiện công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS được xem làm tiêu chí, cơ sở quan trọng trong việc đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động và bình xét thi đua, khen thưởng cho tập thể, cá nhân từng đơn vị... Với những biện pháp triển khai hiệu quả, từ đầu năm đến nay, tỉnh Hưng Yên phát triển mới 8.792 đoàn viên, trong đó có 6.644 đoàn viên trong đơn vị kinh tế tư nhân, đạt tỷ lệ 55,4% chỉ tiêu Tỉnh ủy Hưng Yên giao; phát triển 39 đoàn viên khu vực phi chính thức đạt tỷ lệ 7,8% chỉ tiêu Tổng LĐLĐVN giao”, ông Toản cho biết.

Trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh Hưng Yên thành lập mới được 59 CĐCS, trong đó có 7 CĐCS khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); 51 CĐCS trong đơn vị kinh tế tư nhân, đạt 85% chỉ tiêu Tỉnh ủy Hưng Yên giao; 1 nghiệp đoàn cơ sở, đạt tỷ lệ 33,3% chỉ tiêu Tổng LĐLĐVN giao.

Để đạt được kết quả trên, các cấp công đoàn tỉnh Hưng Yên đã tập trung đổi mới công tác tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.

Cụ thể như tổ chức các hội nghị tuyên truyền trực tiếp cho người lao động; thông qua công tác tư vấn pháp luật; công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, dịp Tháng Công nhân; thông qua các buổi làm việc cùng các phòng, ban khác hoặc thông qua các lãnh đạo của những cá nhân có ảnh hưởng đối với doanh nghiệp;... để nhắc nhở, tuyên truyền thành lập tổ chức công đoàn.

Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh cũng chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung vào hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; chỉ đạo các LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, công đoàn các ngành xây dựng kế hoạch tập huấn cho đội ngũ cán bộ công đoàn, nội dung tập trung vào: kỹ năng thương lượng và ký thoả ước lao động tập thể; kỹ năng tham gia giải quyết tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể; kỹ năng tuyên truyền, vận động; công tác tài chính, nữ công, kiểm tra giám sát...

Các cấp công đoàn trong tỉnh chú trọng việc thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp phát triển đoàn viên như đổi mới và đa dạng hóa phương thức tiếp cận người lao động bằng cách sử dụng các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo, Fanpage...; vận dụng, kết hợp linh hoạt, phù hợp giữa việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS theo phương pháp mới và phương pháp truyền thống, nhờ đó nhiều tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước đã được thành lập từ chính yêu cầu của người lao động, thông qua sự vận động của cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

Theo ông Lê Quang Toản, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục tăng cường đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, kết hợp nhiều hình thức và nội dung tuyên truyền trong một buổi tuyên truyền; chỉ đạo các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình lao động trên địa bàn; xây dựng kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS từng tháng, từng quý, tổ chức giao ban nắm bắt tình hình, trong đó đặc biệt chú trọng các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng chưa thành lập tổ chức công đoàn. 

Lấy địa bàn các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và những nơi có nhiều doanh nghiệp làm trọng điểm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tập trung tuyên truyền đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên trong các doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn và đẩy mạnh việc thành lập các nghiệp đoàn cơ sở, nhất là nghiệp đoàn tiểu thương, mầm non tư thục.../.