Công đoàn Tỉnh Bình Dương: Nỗ lực, sáng tạo vì đoàn viên và người lao động
LÂM KHANG
Đặc điểm đoàn viên và người lao động
Hiện nay, tỉnh Bình Dương có 26 khu công nghiệp, 10 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút lực lượng lớn người lao động khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước về làm việc, sinh sống.
Bình Dương có khoảng 1,2 triệu công nhân lao động (đứng thứ hai cả nước); 4.121 tổ chức công đoàn cơ sở, 794.100 đoàn viên công đoàn/842.212 người lao động, đạt 94,2%.
Hầu hết lực lượng lao động là lao động phổ thông, nhưng để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, gần đây nhiều doanh nghiệp đã xem trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nên số lao động có tay nghề chuyên môn, kỹ năng làm việc có xu hướng tăng.
Đồng thời, trong công tác tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp đòi hỏi các tiêu chí ngày càng cao nên sự cạnh tranh việc làm thêm gay gắt, khiến lao động phổ thông khó tìm được việc làm có thu nhập ổn định, ngược lại, người lao động có trình độ chuyên môn cao lại thiếu, khó tuyển dụng.
Do đoàn viên và người lao động hầu hết từ các tỉnh, thành phố khác đến sinh sống, làm việc ở tỉnh Bình Dương, đa số còn thuê nhà trọ, điều kiện sống có nhiều hạn chế, nên nhu cầu về nhà ở, dịch vụ xã hội ngày một tăng.
Trong khi đó, tình trạng nhiều loại tội phạm len lỏi vào các khu, cụm công nghiệp, nơi ở của công nhân để hoạt động; tệ nạn cờ bạc, rượu chè, trộm cắp tài sản trong công nhân lao động,... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự ở cơ sở và cuộc sống yên bình của họ.
Vì thế, vấn đề sức khỏe của người lao động, nhu cầu về an sinh xã hội như nhà ở, trường học, nơi khám chữa bệnh và bảo đảm trật tự an toàn xã hội,... cần được quan tâm đúng mức.
Nhiều chương trình mang ý nghĩa thiết thực
Để phát huy vai trò, chức năng và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, những năm qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Dương luôn chú trọng phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành chức năng, hội đoàn thể, các địa phương, doanh nghiệp và vận dụng hiệu quả các nền tảng xã hội do tổ chức công đoàn thành lập để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đồng thời, làm tốt vai trò đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.
Với tinh thần gần gũi để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt tình hình việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên và người lao động, các cấp công đoàn tỉnh Bình Dương đã trăn trở, tìm tòi, sáng tạo xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động sát hợp, khoa học, khả thi.
Tiếp đó, các cấp công đoàn tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương những vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống của đoàn viên và người lao động, cũng như các hoạt động của công đoàn làm sao hiệu quả thiết thực nhất.
Từ những việc làm đó đã xuất hiện nhiều chương trình, hoạt động dành cho đoàn viên và người lao động mang ý nghĩa giá trị nhân văn cao, với tinh thần tương thân tương ái, nổi bật là: “Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình”, “Phiên chợ 0 đồng”, “Mái ấm Công đoàn”, “Chuyến xe Xuân - Chuyến tàu Xuân nghĩa tình”, “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, gần đây nhất là “Lễ cưới tập thể” tổ chức cho đoàn viên và công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Theo báo cáo của LĐLĐ tỉnh Bình Dương, hằng năm, các cấp công đoàn đã chi 350 tỷ đồng để chăm lo cho đoàn viên và người lao động. Với mục tiêu chủ động san sẻ với đoàn viên và người lao động không có việc làm hoặc bị chậm lương hay đang gặp khó khăn, năm 2020, LĐLĐ tỉnh Bình Dương quyết định thành lập “Quỹ hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.
Với nguồn quỹ thu được, từ năm 2020 đến nay, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng và đại diện lãnh đạo doanh nghiệp hỗ trợ hơn 1.200 trường hợp, với số tiền là 11.463 triệu đồng cho đoàn viên và người lao động bị bệnh hiểm nghèo, bị tại nạn lao động, trong đó, chỉ tính riêng tháng 7-2024, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã trích từ nguồn “Quỹ hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” hỗ trợ cho 41 trường hợp với tổng số tiền 382 triệu đồng.
Thông qua kết quả khảo sát, LĐLĐ tỉnh Bình Dương nhận thấy nhu cầu về nhà ở của đoàn viên và người lao động rất cao, họ đều mong muốn có thể sở hữu được căn nhà ở xã hội để an cư, lạc nghiệp.
Do vậy, cùng với việc bám sát tinh thần chỉ đạo của cấp trên về thực hiện chính sách nhà ở cho người lao động, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành của tỉnh quan tâm, xây dựng cơ chế, chính sách nhà ở xã hội cho đoàn viên và người lao động làm việc ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, nhà ở xã hội cần bố trí xây dựng ở những nơi gần khu, cụm công nghiệp tập trung và có nhiều dịch vụ lợi ích đi kèm; ưu tiên cho đoàn viên và người lao động được tiếp cận hoặc mua với mức giá ưu đãi, với hình thức trợ vốn vay tiền mua nhà ở.
Xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chính đáng đó, ngày 10-6-2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 1696-QĐ-UBND, về “phê duyệt Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, là cơ sở để đoàn viên và người lao động trên toàn tỉnh Bình Dương có cơ hội mua, thuê nhà ở xã hội với chính sách tốt nhất.
Điểm đáng ghi nhận nữa là LĐLĐ tỉnh Bình Dương còn mở rộng ký kết chương trình phúc lợi với các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người có thu nhập thấp,... với sự hỗ trợ ưu đãi về giá, cũng như thủ tục mua, thuê nhà với chính sách tốt nhất. Tính đến nay, có hơn 5.000 đoàn viên và người lao động mua được nhà ở xã hội, từng bước ổn định đời sống, yên tâm làm việc.
Tiếp tục hướng mạnh về cơ sở để khẳng định vị thế tổ chức công đoàn
Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh Bình Dương - khẳng định: những kết quả đạt được thời gian qua của các cấp công đoàn không chỉ tạo sức lan toả và xây dựng niềm tin cho đoàn viên và người lao động với tổ chức công đoàn; mà các tổ chức công đoàn ngày càng được củng cố, phát triển, mở rộng về quy mô và nâng cao chất lượng, khẳng định vị thế, uy tín trong hệ thống chính trị.
Thời gian tới, các cấp công đoàn tỉnh Bình Dương tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên và người lao động; phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát bảo đảm các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động.
Bên cạnh đó, các cấp công đoàn tiếp tục đổi mới công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở và nâng cao số lượng, chất lượng thỏa ước lao động tập thể.
Đặc biệt, xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động chăm lo cho đoàn viên và người lao động nhân dịp tết nguyên đán 2025; làm tốt việc xét tặng vé xe, vé tàu cho đoàn viên và người lao động về quê, cũng như phân bổ quà tặng cho người khó khăn ở lại tỉnh Bình Dương đón tết./.