Nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của các cấp công đoàn
Nguyễn Mạnh ThắngTS, Trường Đại học Công đoàn
Dấu ấn đậm nét
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, nhằm đổi mới chiến lược tập hợp, PTĐV, thành lập CĐCS, Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam linh hoạt trong chỉ đạo, tập trung thực hiện phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các loại hình doanh nghiệp; phát động, khuyến khích, tạo điều kiện để các cấp công đoàn tìm những cách làm mới, hiệu quả hơn để tiếp cận doanh nghiệp, gặp gỡ được người lao động vận động PTĐV, thành lập CĐCS.
Song song với việc tăng cường đầu tư các nguồn lực cho công tác PTĐV, thành lập CĐCS, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng xây dựng chủ đề của từng năm công tác, đồng thời ban hành hướng dẫn về việc thực hiện chủ đề hoạt động công đoàn từng năm.
Năm 2019 là chủ đề “Vì lợi ích đoàn viên công đoàn”; năm 2020 “Nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS”; năm 2021 “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐCS”; năm 2022 “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐCS” và năm 2023 với chủ đề “Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS”.
Từ các chủ đề xác định từng năm, công đoàn các cấp chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chăm lo cho đoàn viên, người lao động, quyết tâm đạt và vượt mục tiêu của từng năm; qua đó PTĐV, củng cố, kiện toàn CĐCS hiện có và thành lập thêm CĐCS.
Kết quả, công tác PTĐV, thành lập CĐCS tại các doanh nghiệp luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; được chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi mọi mặt.
Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, các chỉ tiêu về PTĐV, thành lập CĐCS nhiệm kỳ 2018 - 2023 đều đạt, nhiều đơn vị vượt cao so với chỉ tiêu đề ra, trong đó phát triển mạnh ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Kết nạp mới được 4.460.933 đoàn viên, đạt 185,87% chỉ tiêu nhiệm kỳ so với Nghị quyết Đại hội XII và thành lập mới 24.320 CĐCS, nâng tổng số đoàn viên cả nước lên 11.224.831 đoàn viên và 124.325 CĐCS.
Có 14 đơn vị hoàn thành và vượt chỉ tiêu, một số đơn vị đạt số lượng tăng thêm đoàn viên cao. Trong đó, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có 7.433.984 đoàn viên (chiếm tỷ lệ 66,23%) và 52.181 CĐCS (chiếm tỷ lệ 41,97%).
Công tác PTĐV, thành lập CĐCS theo phương pháp mới cũng được các cấp công đoàn đẩy mạnh thực hiện, theo hướng giúp đỡ người lao động tự liên kết thành lập CĐCS và thu được kết quả quan trọng.
Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, cả nước đã vận động tuyên truyền, phát triển được 971 CĐCS với 190.272 đoàn viên công đoàn theo phương pháp mới. Để nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam còn xây dựng phần mềm quản lý đoàn viên và thu thập thông tin.
Từ việc triển khai xây dựng phần mềm quản lý đoàn viên và đổi thẻ công đoàn, công tác quản lý đoàn viên có bước phát triển vượt bậc so với các giai đoạn trước đây, giúp các cấp công đoàn có thể nắm chắc số lượng, sự biến động về số lượng và thống kê được các chỉ số liên quan đến chất lượng đoàn viên.
Quá trình thực hiện công tác PTĐV, thành lập CĐCS cho thấy, các cấp công đoàn đã có sự đổi mới vượt bậc, toàn diện về cả nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền vận động PTĐV, thành lập CĐCS.
Qua đó, từng bước thu hút người lao động tự nguyện gia nhập tổ chức công đoàn, chủ động, tích cực tham gia trực tiếp và đóng vai trò chủ đạo trong thành lập CĐCS tại nơi làm việc, tạo bước đột phá về PTĐV, thành lập CĐCS, tăng tỷ lệ đoàn viên trên tổng số công nhân, lao động ở những nơi đã thành lập công đoàn, thúc đẩy công tác PTĐV trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Một số hạn chế
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác PTĐV, thành lập CĐCS cũng còn những điểm hạn chế. Công tác chỉ đạo thực hiện PTĐV, thành lập CĐCS ở một số đơn vị thiếu tập trung, chưa có kế hoạch cụ thể.
Kinh phí cho các nội dung về PTĐV, thành lập CĐCS ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chưa được đầu tư thỏa đáng. Có nơi chưa chủ động chuẩn bị tài liệu tuyên truyền PTĐV, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, nên việc thu hút sự quan tâm của đông đảo người lao động còn hạn chế, hiệu quả PTĐV, thành lập CĐCS chưa cao.
Hoạt động của ban chỉ đạo PTĐV, thành lập CĐCS các cấp công đoàn chưa thường xuyên trong công tác chỉ đạo, đôn đốc PTĐV, thành lập CĐCS. Việc triển khai thực hiện theo phương pháp mới chưa được quan tâm triển khai rộng rãi đến các cấp công đoàn, chủ yếu mới chỉ tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn, khu công nghiệp và nơi có đông công nhân lao động.
Kết quả điều tra, khảo sát về công tác PTĐV, thành lập CĐCS từ tháng 8 đến tháng 9-2024 cho thấy, 87,5% số người lao động trả lời công đoàn có tiến hành khảo sát, nắm bắt các doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn; 92,6% số công đoàn có tuyên truyền về vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc PTĐV, thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp; 93,1% số công đoàn có xây dựng mạng lưới cán bộ công đoàn, cộng tác viên, tuyên truyền viên làm công tác PTĐV, thành lập CĐCS...
Bên cạnh đó, theo cán bộ CĐCS đánh giá, công tác PTĐV, thành lập CĐCS gặp một số khó khăn như: 31,2% cho rằng, công tác chỉ đạo thực hiện ở một số đơn vị thiếu tập trung, chưa có kế hoạch cụ thể, chưa chủ động chuẩn bị tài liệu tuyên truyền phát triển đoàn viên; 23,6% số cán bộ công đoàn thiếu kiến thức và kinh nghiệm vận động, thuyết phục người lao động làm nòng cốt thành lập CĐCS; 12,1% số người sử dụng lao động có hành vi can thiệp vào công tác tổ chức, nhân sự, tài chính và hoạt động của công đoàn...
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên là do năng lực, kỹ năng về PTĐV, thành lập CĐCS còn hạn chế. Cán bộ công đoàn chưa mạnh dạn thuyết phục chủ doanh nghiệp để vận động những lao động mới tuyển dụng, lao động chưa phải là đoàn viên được gia nhập vào tổ chức công đoàn.
Cán bộ công đoàn kiêm nhiệm nhiều việc và phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp, do vậy chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm, chưa tạo được sức hút và lòng tin đối với người lao động.
Kết quả khảo sát cho thấy, 23,4% số cán bộ công đoàn thiếu kinh nghiệm nắm tình hình công nhân lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; 16,8% số cán bộ công đoàn rất thiếu kinh nghiệm tuyên truyền, vận động với nội dung cô đọng, diễn đạt dễ hiểu, hướng đến quyền và nhiệm vụ của đoàn viên; 34,6% số cán bộ công đoàn còn yếu về kỹ năng và phương tập hợp, PTĐV...
Bên cạnh đó, hoạt động của ban chỉ đạo PTĐV ở một số đơn vị chưa thường xuyên và hiệu quả; công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc còn lỏng lẻo; công tác báo cáo chất lượng chưa cao, nội dung báo cáo sơ sài, chưa tìm ra những yếu kém, tồn tại, nguyên nhân để có giải pháp khắc phục.
Việc thiết lập mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác tuyên truyền, vận động PTĐV, thành lập CĐCS mới được triển khai thực hiện ở một số ít đơn vị và chưa đánh giá được hiệu quả, khiến công tác PTĐV trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đạt kết quả chưa cao.
Giải pháp cần thực hiện
Ngày 27-8-2024, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn ban hành Nghị quyết số 06/NQ-BCH, với quan điểm công tác PTĐV, thành lập CĐCS phải được thực hiện đồng bộ, bài bản, linh hoạt, kiên trì, cả trước mắt và lâu dài để thu hút, tập hợp đông đảo người lao động tham gia vào tổ chức công đoàn một cách tự nguyện, tự giác và tích cực.
Mục tiêu đến năm 2028: phấn đấu PTĐV tăng thêm trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là 3 triệu đoàn viên; thành lập CĐCS ở 100% số doanh nghiệp có 25 lao động trở lên.
Giai đoạn 2029 - 2033, phấn đấu PTĐV tăng thêm trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là 3,5 triệu đoàn viên, thành lập CĐCS ở 100% số doanh nghiệp có 20 lao động trở lên. Để đạt mục tiêu, các cấp công đoàn cần thực hiện một số giải pháp sau.
Thứ nhất, các cấp công đoàn cần coi PTĐV, thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, là trách nhiệm chính và trực tiếp.
Cần chủ động, kịp thời xây dựng kế hoạch PTĐV, thành lập CĐCS các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tại địa phương, ngành.
Tập trung làm tốt công tác khảo sát, thống kê doanh nghiệp, lao động để làm cơ sở đánh giá, phân tích, xây dựng chỉ tiêu thực hiện trong nhiệm kỳ. Kịp thời phân bổ giao chỉ tiêu cho các cấp công đoàn thực hiện.
Thứ hai, các cấp công đoàn hình thành các tổ tư vấn, tổ tuyên truyền, mạng lưới cộng tác viên, liên kết tập hợp các nhóm cán bộ, đoàn viên, người lao động nòng cốt tại doanh nghiệp làm công tác tuyên truyền, vận động PTĐV, thành lập CĐCS ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Thứ ba, đa dạng hóa phương thức thu hút, vận động PTĐV, thành lập CĐCS, gắn với thương lượng tập thể và nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể.
Tích cực triển khai PTĐV, thành lập CĐCS theo phương pháp mới, theo hướng có sự tham gia tích cực của người lao động vào quá trình vận động thành lập CĐCS. Các cấp công đoàn xác định những nhiệm vụ trọng tâm để ưu tiên thực hiện, đồng thời hướng dẫn cấp CĐCS từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động.
Thứ tư, tăng cường tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn làm công tác PTĐV, hướng dẫn hoạt động cho CĐCS và cán bộ CĐCS, nhằm cụ thể hóa việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của CĐCS, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, để thu hút đoàn viên tham gia sinh hoạt công đoàn, thu hút người lao động vào tổ chức công đoàn./.