Kinh nghiệm phát triển đoàn viên công đoàn trên thế giới
Phạm NhẫnTầm quan trọng sống còn
Tổ chức công đoàn có mạnh hay không, có vị thế, uy tín, vai trò, ảnh hưởng hay không phụ thuộc chủ yếu và trước hết vào 2 yếu tố.
Yếu tố thứ nhất là tổ chức công đoàn được luật pháp quốc gia dành cho những quyền hạn nào, chịu những trách nhiệm gì, được luật pháp quốc gia quy định cụ thể ra sao về tổ chức, tôn chỉ mục đích.
Yếu tố thứ hai là tổ chức công đoàn có đông thành viên hay không.
Vì thế, việc thu hút NLĐ tham gia tổ chức công đoàn, trở thành thành viên công đoàn có ý nghĩa và tầm quan trọng sống còn đối với sự tồn tại và tương lai của tổ chức công đoàn.
Việc này càng cần thiết và quan trọng đối với tổ chức công đoàn vì NLĐ tham gia công đoàn song cũng có thể ra khỏi tổ chức công đoàn, hoặc không còn là thành viên công đoàn nữa do về hưu, tử vong...
Bởi vậy, bài toán luôn đặt ra cho các tổ chức công đoàn trên phương diện thành viên là vừa thu hút NLĐ tham gia tổ chức công đoàn, vừa giữ chân NLĐ trong các tổ chức công đoàn; đồng thời phải luôn lưu ý thỏa đáng đến mọi biến động về chính trị đối nội, kinh tế và xã hội ảnh hưởng, tác động trực tiếp, cũng như gián tiếp trước mắt, hay lâu dài tới số lượng, cơ cấu chuyên môn và tuổi tác, biến động thành viên công đoàn.
Tổ chức công đoàn và luật pháp quốc gia về công đoàn ở các nước khác nhau, mức độ phát triển của các tổ chức công đoàn ở các nước khác nhau, mỗi nơi lại có đặc thù riêng về điều kiện và bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng riêng.
Vì thế, cách thức các tổ chức công đoàn thu hút, tranh thủ, phát triển số lượng thành viên công đoàn có nét giống nhau nhưng cũng có phần khác nhau.
NLĐ tham gia các tổ chức công đoàn vì công đoàn là chỗ dựa cho họ, đại diện cho lợi ích chính đáng và bảo vệ lợi ích chính đáng của họ.
Tất cả các tổ chức công đoàn ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở những nước công nghiệp phát triển, muốn thu hút thành viên công đoàn đều trước hết tập trung gây dựng hình ảnh và thể hiện trên thực tế là tổ chức đại diện xứng đáng, bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi chính đáng, hợp pháp, hợp lý và hợp tình của NLĐ.
Cho nên, các tổ chức công đoàn ở các nước trên thế giới đều coi việc đại diện, bảo vệ lợi ích cho NLĐ là tôn chỉ, mục đích, sứ mệnh lịch sử của tổ chức công đoàn; nỗ lực gây dựng mối quan hệ hợp tác hiệu quả như có thể được với các cơ quan quyền lực của nhà nước, đặc biệt với quốc hội và chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội, giới truyền thông, liên minh và liên kết các tổ chức công đoàn với nhau; tăng cường hợp tác quốc tế trong tất cả các vấn đề liên quan đến công đoàn, lao động và xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức và nhiều nước châu Âu, các tổ chức công đoàn đều sử dụng phương châm và phương cách “đưa tổ chức công đoàn đến với NLĐ” để thu hút NLĐ tham gia tổ chức công đoàn, tự giới thiệu tổ chức với NLĐ, thể hiện là có ích cho NLĐ, là chỗ dựa cho NLĐ trong công việc và cuộc sống.
Diện đối tượng được các tổ chức công đoàn đặc biệt ưu tiên là NLĐ trẻ tuổi và những người sắp bước vào mối quan hệ lao động với giới chủ.
Ở Đức và ở Mỹ, các tổ chức công đoàn tìm đến các trường đại học và dạy nghề, các cơ sở hướng nghiệp, chứ không chỉ tìm đến các xí nghiệp, doanh nghiệp thuần túy như hình thức thu hút thành viên công đoàn thường thấy ở mọi nơi.
"Từ năm 2021, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hoạt động Công đoàn và công tác phát triển đoàn viên có nhiều thành tích quan trọng. Trung Quốc đã phát triển được hơn 3,5 triệu đoàn viên ở những lĩnh vực việc làm mới, đưa công tác bảo vệ quyền lợi cho người lao động lên vị trí quan trọng. Công hội Trung Quốc mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng bảo vệ quyền lợi người lao động, đến nay đã lập được 86.000 trạm phục vụ cho lao động ngoài trời; phục vụ được hơn 62 triệu lượt người lao động ngoài trời, các cấp công đoàn giới thiệu được hơn 7 triệu việc làm mới, đào tạo kỹ năng việc làm cho 1,53 triệu lao động... Năm 2022, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Tổng Công hội Trung Quốc đưa ra là hoàn thành nhiệm vụ cơ bản bảo vệ quyền lợi người lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định việc làm. Đặc biệt, bảo đảm hơn nữa quyền và lợi ích của người lao động thuộc hình thái làm việc mới, trọng điểm là tài xế xe tải, xe công nghệ, nhân viên giao hàng, giao đồ ăn..., tập trung đưa lao động nhóm việc làm này gia nhập công đoàn...", Phó Chủ tịch Tổng Công hội Trung Quốc Giang Quảng Bình. (Theo TTXVN) |
Khái quát hóa kinh nghiệm thành công của rất nhiều tổ chức công đoàn ở các nơi trên thế giới về thu hút NLĐ trở thành thành viên công đoàn, có thể xây dựng nên mô hình hay chiến lược phát triển đoàn viên bao gồm 8 điểm chung sau.
Thứ nhất, nghiên cứu về các nhóm NLĐ được chủ định vận động tham gia các tổ chức công đoàn. Những thành viên công đoàn tiềm năng này có nhu cầu, lợi ích khác nhau mà các tổ chức công đoàn cần phải xác định cụ thể, rõ ràng, phân tích và đánh giá xác thực để từ đó tìm ra cách thức, lập luận tranh thủ, vận động họ thích hợp, hiệu quả nhất.
Thứ hai, tự giới thiệu và cung cấp thông tin về các tổ chức công đoàn, quảng bá để giới thiệu, giải thích về những quyền lợi và thuận lợi đối với NLĐ khi trở thành thành viên của tổ chức công đoàn. Chẳng hạn, được trợ giúp, tư vấn về pháp lý, đặc biệt trong thương thảo về lương và điều kiện lao động, các cơ hội về bồi dưỡng chuyên môn và tiếp tục đào tạo nghề nghiệp.
Thứ ba, làm đầu mối giúp NLĐ ở các ngành, nghề khác nhau xây dựng mạng lưới các mối quan hệ trực tiếp với nhau, tư vấn và hậu thuẫn lẫn nhau.
Thứ tư, trực tiếp gặp gỡ NLĐ để vận động, thuyết phục và thu hút NLĐ tham gia các tổ chức công đoàn.
Thứ năm, sử dụng các mạng xã hội và nền tảng trực tuyến liên tục cung cấp, cập nhật thông tin về tổ chức công đoàn. Biện pháp này đặc biệt công dụng ở diện NLĐ trẻ tuổi và thường xuyên tương tác trên các mạng xã hội và nền tảng số.
Thứ sáu, tổ chức các sự kiện, chiến dịch hành động, chương trình hành động chung để củng cố, tăng cường tinh thần cộng đồng của các thành viên công đoàn; khích lệ, thúc đẩy sự tham gia tích cực, chủ động và xây dựng của các thành viên công đoàn vào các hoạt động chung của tổ chức công đoàn.
Thứ bảy, hợp tác với các tổ chức, thể chế khác để theo đuổi những mục tiêu chung và mở rộng phạm vi lan tỏa ảnh hưởng của các tổ chức công đoàn. Vị thế và uy tín, ảnh hưởng và vai trò của tổ chức công đoàn đối với các tổ chức và thể chế bên ngoài có tác động rất mạnh mẽ tới quyết định của NLĐ về tham gia tổ chức công đoàn.
Thứ tám, thiết kế, xây dựng những chương trình, kế hoạch và sản phẩm dịch vụ đem lại lợi ích thiết thực cho công đoàn viên, dùng đó làm điều khích lệ, thu hút NLĐ tham gia các tổ chức công đoàn.
Thực tiễn cho thấy, các tổ chức công đoàn ở các nước trên thế giới áp dụng mô hình trên theo từng nội dung, hoặc kết hợp nhiều nội dung với nhau để thu hút NLĐ tham gia các tổ chức công đoàn./.