06/10/2024 | 00:36 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Đô thị di sản


Ngoại trừ các đô thị mới được hình thành bởi những quyết định hành chính, đa số các đô thị trên thế giới đều trải qua quá trình hình thành, phát triển tự nhiên kéo dài hàng trăm năm, thậm chí là trong nhiều thế kỷ. Đó cũng là lý do để mỗi thành phố, thị trấn ít nhiều đều sở hữu những di sản giá trị và di sản đô thị đã trở thành hạng mục chiếm tỷ lệ cao nhất trong Danh sách Di sản thế giới được UNESCO công nhận; nhiều đô thị được công nhận là đô thị lịch sử...

Tuy nhiên, bên cạnh danh tiếng, uy tín và cả cơ hội phát triển kinh tế - xã hội có được từ thương hiệu đô thị di sản, trong quá trình phát triển, nhiều đô thị nói chung, di sản đô thị nói riêng đã và đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng từ hoạt động du lịch không được kiểm soát; tình trạng đô thị hóa nhanh chóng trong điều kiện quy hoạch yếu kém; sự gia tăng dân số cùng với những thay đổi trong lối sống của cư dân hay biến đổi khí hậu đi kèm với những diễn biến thời tiết khắc nghiệt...

Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia, chính quyền đô thị đã dành sự quan tâm đặc biệt tới việc xây dựng và thực thi các kế hoạch, quy hoạch phát triển đô thị di sản phù hợp, dựa trên cách tiếp cận toàn diện về văn hóa, lấy con người làm trung tâm,... để hướng tới sự phát triển bền vững.

I. ĐÔ THỊ DI SẢN

Đô thị là gì?

Các nhà khảo cổ cho rằng, đô thị đầu tiên trên thế giới là làng Uruk ở vùng Lưỡng Hà (Iraq ngày nay), được hình thành cách đây gần 5.000 năm.

Việc phân tích lịch sử, khảo cổ,... cho thấy, sự ra đời của đô thị với những cư dân phi nông nghiệp đầu tiên gắn liền với thặng dư trong sản xuất nông nghiệp, cho phép một nhóm người làm nông nghiệp có thể tạo ra lượng nông sản không chỉ đủ nuôi sống chính họ mà còn cung cấp cho những người không làm nông nghiệp. 

Khác với nông thôn, đô thị là nơi sinh sống tập trung với mật độ dân số cao của cộng đồng người với những hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực phi nông nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác định đô thị - nông thôn phụ thuộc vào các tiêu chí pháp lý, hành chính, chính trị, kinh tế hoặc văn hóa ở mỗi quốc gia và khu vực, trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.

Hiện nay, nhiều quốc gia sử dụng quy mô dân số tối thiểu để xác định một khu vực đô thị. Một số quốc gia căn cứ vào mật độ dân số và các tiêu chí khác như tỷ lệ người làm việc trong các lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, kết cấu hạ tầng, cơ cấu kinh tế theo ngành,... để phân loại thành thị và nông thôn. 

Một số quốc gia lại phân định các khu vực đô thị theo quyết định hành chính. Đây thường là nơi có trụ sở chính quyền, hội đồng thành phố hoặc khu vực quân sự, là thủ đô hay các trung tâm khu vực...

Để tạo thuận lợi cho thực hiện các thống kê, so sánh quốc tế, tháng 3-2020, dựa trên đề xuất của 6 tổ chức quốc tế gồm Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Chương trình Định cư con người của Liên hợp quốc (UN-Habitat) và Ngân hàng Thế giới (WB); Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc đã thông qua các tiêu chí toàn cầu về đô thị. 

Theo đó, thành phố là khu vực có dân số từ 50.000 người trở lên trong các ô lưới dày đặc liền kề (lớn hơn 1.500 dân/km2); thị trấn, vùng bán dày đặc là khu vực có dân số từ 5.000 dân trở lên nằm trong các ô lưới liền kề với mật độ từ 300 dân/km2 trở lên; các khu vực nông thôn, bao gồm hầu hết các ô lưới mật độ thấp.

Tại Việt Nam, theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ, địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã, thị trấn.

Đô thị được phân thành 6 loại dựa trên 5 tiêu chí: vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đô thị; quy mô dân số; mật độ dân số; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; sự phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan.

Di sản

Khái niệm di sản

Hiểu một cách đầy đủ nhất, di sản là những giá trị vật chất, tinh thần, tự nhiên và tài sản mà thế hệ trước đã tích lũy, gìn giữ và để lại cho thế hệ sau. Mỗi di sản đều mang trong mình những giá trị nội tại vô cùng to lớn và phong phú.

Các loại di sản

Di sản được chia thành nhiều loại, bao gồm di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, di sản thừa kế...

- Di sản văn hóa: là tất cả những gì con người sáng tạo ra, khám phá ra và đã bảo vệ, gìn giữ được trong quá trình lịch sử. Di sản văn hóa bao gồm những sản phẩm vật chất và phi vật chất hay sản phẩm hữu hình, vô hình do con người sáng tạo ra. Đó là những yếu tố cốt lõi của văn hóa, tiềm ẩn bản sắc văn hóa của cộng đồng xã hội.

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), di sản văn hóa bao gồm 2 loại:

+ Di sản văn hóa vật thể: là những sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm: di tích lịch sử - văn hóa; danh lam thắng cảnh và di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

+ Di sản văn hóa phi vật thể: là những sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác. 

Di sản phi vật thể bao gồm tiếng nói; chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; ngữ văn truyền miệng; diễn xướng dân gian; lối sống, nếp sống; lễ hội; bí quyết về nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian.

- Di sản thiên nhiên: là các di sản tự nhiên được tạo thành bởi những cấu trúc hình thể và sinh vật học hoặc bởi các nhóm cấu trúc như vậy, có một giá trị đặc biệt về phương diện thẩm mỹ hoặc khoa học.

Di sản đô thị và đô thị di sản

Di sản đô thị

Ngoại trừ những đô thị mới được hình thành theo quyết định hành chính, hầu hết đô thị trên thế giới đều trải qua quá trình phát triển trong hàng trăm năm, thậm chí là nhiều thế kỷ. Trong tiến trình phát triển đó, các đô thị luôn được kế thừa những di sản của nền văn minh, sự phát triển trong giai đoạn trước. 

Đây là toàn bộ các di sản cá nhân, cộng đồng, những tài sản có giá trị được tạo ra trong quá trình hình thành và phát triển đô thị. Di sản đô thị bao gồm cả cơ cấu đô thị, di sản thiên nhiên, di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) và các di sản khác...

Hiện nay, trong số gần 1.100 di sản sản có giá trị phổ biến vượt trội nằm trong Danh sách Di sản thế giới, có tới hơn 250 di sản đô thị.

Các di sản được xem là một phần không thể thiếu của các đô thị, là một bộ phận, cấu trúc đã hình thành ở một hoặc nhiều thời kỳ của lịch sử, có giá trị về lịch sử, văn hóa - nhân văn, kiến trúc, thẩm mỹ, cảnh quan, giá trị vật chất và các giá trị khác, tạo nên vẻ riêng biệt, nét đặc trưng của mỗi đô thị, mang đến cho con người cảm nhận khác biệt so với những nơi khác.

Đô thị di sản

Trên thế giới chưa có khái niệm thống nhất về “đô thị di sản” mà chỉ có một thuật ngữ được UNESCO thường xuyên sử dụng là “đô thị lịch sử” (historic urban). Theo khuyến nghị năm 2011 của tổ chức này về Cảnh quan đô thị lịch sử (UHL), đô thị lịch sử bao gồm địa hình, địa mạo, thủy văn và các đặc điểm tự nhiên của khu vực cũng như hệ thống kết cấu hạ tầng trên và dưới mặt đất, không gian mở và vườn, mô hình sử dụng đất và tổ chức không gian. 

Đô thị lịch sử không chỉ bao gồm các di tích mà còn là kết cấu đô thị nói chung cùng các khía cạnh phi vật thể liên quan đến tính đa dạng và bản sắc, các giá trị và thực tiễn văn hóa - xã hội của đô thị.

Khuyến nghị HUL của UNESCO hướng dẫn những nhà hoạch định chính sách tích hợp các chính sách và thực tiễn bảo tồn môi trường xây dựng vào các mục tiêu rộng hơn của phát triển đô thị, tôn trọng các giá trị và truyền thống kế thừa của các bối cảnh văn hóa khác nhau.

Từ định nghĩa này, chúng ta có thể hiểu đô thị di sản là những khu định cư của con người được cấu thành từ những bộ phận như: môi trường, cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên được con người thích nghi, khai thác để tạo lập môi trường đô thị. 

Bên cạnh các yếu tố nhân tạo như công trình kiến trúc, không gian đường phố, quảng trường..., đô thị di sản còn bao gồm cảnh quan thiên nhiên và con người với lối sống, phong tục, tập quán. 

Theo đó, đô thị di sản khác hoàn toàn với đô thị có/sở hữu di sản, bởi nó nhấn mạnh tính chỉnh thể của đô thị, trong đó yếu tố vật thể và phi vật thể nằm trong mối quan hệ không thể tách rời.

II. PHÁT HUY GIÁ TRỊ ĐÔ THỊ DI SẢN: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

Nguồn lực cho sự phát triển

Không chỉ là một địa điểm tập trung đông dân cư với những hoạt động chủ yếu là phi nông nghiệp, đô thị thường là các trung tâm chức năng về hành chính, thương mại của một vùng hoặc quốc gia. 

Mạng lưới giao thông, hệ thống giáo dục, chăm sóc y tế, nhà ở và các điều kiện sống hoàn thiện hơn so với những khu vực khác,... là những điều kiện cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội cho chính đô thị cũng như các vùng lân cận, giúp hệ thống đô thị trở thành động lực phát triển của mỗi vùng lãnh thổ, mỗi quốc gia. 

Theo thống kê của Liên hợp quốc, hiện nay hơn 80% nền kinh tế toàn cầu được tạo ra ở các đô thị.

Riêng với các đô thị di sản, sự kết hợp giữa nhiều yếu tố như lịch sử, văn hóa, thiên nhiên,... không chỉ giúp các đô thị trở nên độc đáo và là một phần không thể thiếu trong sự đa dạng của thế giới mà còn trở thành nguồn sống cho các cư dân, tạo động lực quan trọng cho sự phát triển.

Tại các đô thị di sản trên thế giới, chúng ta có thể thấy rất rõ sự phát triển của các hoạt động kinh tế, đặc biệt là hoạt động thương mại, dịch vụ. Bản thân mỗi di sản ở đô thị đều có thể trở thành “nguồn vốn” rất giá trị cho các hoạt động này. 

Trong đó, các nhà kinh tế đánh giá rất cao tiềm năng của di sản đô thị đối với sự phát triển du lịch. Ngành du lịch các quốc gia đều xem đây là nền tảng, trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế du lịch bên cạnh các yếu tố khác như hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành và nguồn nhân lực. 

Di sản đô thị còn thu hút khách tìm đến những giá trị về cảnh quan, lịch sử để tìm hiểu, tương tác, trải nghiệm, thẩm thấu những giá trị văn hóa đô thị đặc sắc... Thông qua đó, du lịch tại các đô thị di sản mang lại sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhiều người, góp phần tăng nguồn thu, tạo tiền đề cho sự phát triển của các đô thị di sản.

Ngoài ra, một đóng góp quan trọng khác của những di sản trong phát triển kinh tế đô thị là vấn đề việc làm - những việc làm được tạo ra từ nhu cầu bảo tồn, trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa và các hoạt động liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể. 

Một số nghiên cứu ở châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông cho thấy, khả năng tạo việc làm trong lĩnh vực tu bổ, tôn tạo các công trình di sản, nhất là di sản tại các đô thị là lớn hơn so với các công trình xây dựng mới.

Ngoài những giá trị nội tại của di sản nói chung, di sản đô thị nói riêng cho các thế hệ hiện tại và tương lai, các di sản đô thị còn được xem là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững. Trên thực tế, một di sản đô thị được bảo vệ tốt có thể trực tiếp góp phần giảm nghèo và giảm bất bình đẳng thông qua việc cung cấp nơi trú ẩn, bảo đảm điều kiện sống cần thiết cho con người. 

Thương hiệu đô thị di sản cùng những di sản có giá trị cũng là cơ sở quan trọng để thu hút đầu tư, tạo việc làm xanh; cung cấp cho người dân đời sống tinh thần phong phú, tăng cường sự gắn kết cộng đồng.

Ngoài ra, một di sản được bảo tồn tốt cũng góp phần quan trọng trong việc giải quyết các rủi ro liên quan đến tự nhiên hay do chính con người gây ra. Trong các tình huống xung đột và hậu xung đột, việc thừa nhận và bảo tồn di sản dựa trên các giá trị và lợi ích chung có thể thúc đẩy sự công nhận, khoan dung và tôn trọng giữa các cộng đồng khác nhau, là tiền đề cho sự phát triển hòa bình của xã hội...

Còn nhiều thách thức

Mặc dù có những đóng góp tích cực trong quá trình phát triển, nhưng các di sản đô thị nói riêng, đô thị di dản nói chung trên thế giới đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Điều đó thể hiện khá rõ nét qua kết quả cuộc tham vấn lần thứ ba của các quốc gia thành viên UNESCO về việc thực hiện Khuyến nghị HUL được thực hiện năm 2023.

Cuộc tham vấn lần thứ ba của các quốc gia thành viên UNESCO về việc thực hiện Khuyến nghị HUL nhận được 187 báo cáo, trong đó có 62 báo cáo quốc gia và 125 báo cáo địa phương. Trong số 125 đô thị có phản hồi, 51% có các di sản được công nhận là Di sản thế giới và 29% có các địa điểm được ghi vào Danh sách di sản quốc gia.

Sức ép từ đô thị hóa

Báo cáo tổng hợp của UNESCO cho thấy, tại cuộc tham vấn này, hơn 50% số quốc gia cho rằng áp lực phát triển kinh tế với các thành phố được coi là trung tâm tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa ngày càng tăng, trong đó hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là xây dựng nhà cao tầng trong và xung quanh đô thị lịch sử đặt ra những thách thức lớn đối với việc bảo vệ di sản đô thị. 

Trong khi đó, khoảng 1/3 số thành phố có phản hồi cho biết tình trạng đô thị hóa nhanh chóng, áp lực phát triển, việc xây dựng các dự án hạ tầng như đường sắt hạng nhẹ, hoạt động du lịch và sự thay đổi trong việc sử dụng đất nông nghiệp ảnh hưởng nhiều tới các di sản đô thị. 

Sự phát triển đô thị không được kiểm soát ở hầu hết các nơi trên thế giới cũng làm tăng quá mức mật độ dân cư, ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường của các đô thị lịch sử.

Quản lý, bảo vệ đô thị di sản chưa đáp ứng yêu cầu

Trong khi việc lồng ghép các kế hoạch quản lý di sản vào kế hoạch, quy trình phát triển thành phố là rất quan trọng để bảo vệ di sản đô thị thì tính đến năm 2023, khoảng 50% số chính quyền địa phương chưa có kế hoạch quản lý, bảo vệ di sản đô thị; chưa đầy 20% các đô thị có kế hoạch quản lý di sản tích hợp với kế hoạch phát triển thành phố và các kế hoạch khác như quản lý du lịch, quản lý giao thông...

Dù hầu hết các thành phố cho biết có quy định yêu cầu các công trình xây dựng lớn ở những khu đô thị lịch sử phải được cơ quan di sản phê duyệt, nhưng phần lớn đều không yêu cầu việc xây dựng các công trình mới phải phù hợp với nét kiến trúc độc đáo của đô thị lịch sử.

Điều đáng chú ý là mặc dù việc quản lý các đô thị lịch sử đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng, từ quản lý di sản đến du lịch, từ phát triển đô thị đến kết cấu hạ tầng và giao thông..., nhưng hầu hết các quốc gia và thành phố đều không có ban chỉ đạo hoặc cơ chế phối hợp liên ngành ở cấp quốc gia hoặc địa phương. 

Khoảng 1/3 số quốc gia và địa phương không có danh sách kiểm kê các khu đô thị, công trình kiến trúc, di tích và di tích lịch sử ở quốc gia và thành phố mình.

Bất ổn và rủi ro trước biến đổi khí hậu

Cũng như những di sản khác, các di sản đô thị và đô thị di sản khá “nhạy cảm” trước tình trạng biến đổi khí hậu. Hầu hết các quốc gia và địa phương tham gia tham vấn đều cho biết di sản đô thị của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các đợt nắng nóng, hạn hán hay các trận mưa lớn, lũ lụt cũng như những vụ lở, sụt lún đất thường xuyên và nghiêm trọng.

Mặc dù chỉ có 50% số quốc gia đã xây dựng chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu hoặc chính sách quản lý thiên tai, nhưng việc bảo vệ di sản đô thị hầu như không được đề cập trong các chiến lược và chính sách hành động này.

III. PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÁC ĐÔ THỊ DI SẢN: KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA

Tại Nhật Bản

Là quốc gia đông dân, Nhật Bản phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc bảo tồn và duy trì di sản phong phú của mình trước sự phát triển nhanh chóng của các đô thị và những áp lực khác. 

Để giải quyết những thách thức đó, quốc gia này đã thực hiện một gói biện pháp chính sách toàn diện, bao gồm các cơ cấu quản trị mạnh mẽ dưới dạng luật và quy định, quy tắc, hướng dẫn việc bảo tồn,... để bảo đảm rằng tài sản di sản không bị mất hoặc hư hỏng do phát triển bừa bãi.

Cụ thể, ngay từ năm 1975, Nhật Bản đã ban hành Luật Bảo vệ tài sản văn hóa, xác định các “Khu bảo tồn quan trọng dành cho các nhóm công trình lịch sử” (IPD). Theo luật này, các hoạt động xây dựng, mở rộng, xây dựng lại và các hoạt động khác có thể làm thay đổi cảnh quan trong khu vực được bảo vệ phải được sự đồng ý của cơ quan quy hoạch đô thị. 

Cơ quan này cũng có trách nhiệm lập danh sách các công trình kiến trúc truyền thống và các cảnh quan lịch sử cần được bảo vệ và lên kế hoạch bảo vệ. Trên cơ sở luật này, năm 1976, Chính phủ Nhật Bản công nhận 7 IPD đầu tiên. Hai mươi năm sau, 44 khu vực bảo tồn cảnh quan thị trấn ở cấp địa phương như vậy đã được công nhận.

Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục và đào tạo các chuyên gia, cộng đồng địa phương và thậm chí cả công chúng tham gia quản lý và bảo tồn di sản; đồng thời thúc đẩy ý thức trách nhiệm và quyền sở hữu tập thể trong việc bảo tồn và duy trì chúng.

Nhật Bản cũng đặc biệt sử dụng các giải pháp công nghệ để hỗ trợ việc bảo tồn và bảo tồn tài sản di sản của mình. Các kho lưu trữ và cơ sở dữ liệu số cho phép bảo tồn và phổ biến các thông tin và hồ sơ có giá trị liên quan đến tài sản di sản, bảo đảm khả năng tiếp cận chúng cho mục đích nghiên cứu và giáo dục.

Ngoài các gói chính sách chiến lược, Nhật Bản đã công nhận mối liên hệ nội tại giữa bảo tồn di sản đô thị và chiến lược du lịch. Việc bảo tồn và phát huy tài sản di sản đã được lồng ghép vào các sáng kiến du lịch.

Tại Liên bang Nga

Để bảo tồn và gìn giữ các di sản kiến trúc đô thị, ngay từ năm 1970, Nga đã đưa ra khái niệm “đô thị lịch sử” kèm theo danh sách 115 đô thị lịch sử được công nhận. Từ đó đến nay, danh sách này đã được điều chỉnh nhiều lần.

Hiện các đô thị lịch sử của Nga được chia làm 4 nhóm, tùy thuộc vào giá trị các di sản kiến trúc của nó. Trong đó, nhóm 1 là các đô thị lịch sử có ý nghĩa quốc tế, các di sản của nó chứa đựng những bản sắc độc đáo được quốc tế công nhận cần được bảo tồn với những biện pháp và quy chế đặc biệt. Nhóm này bao gồm các thành phố trong đó các khu vực lịch sử chiếm 50% đất đô thị trở lên.

Nhóm 2 là các đô thị lịch sử ở cấp quốc gia, có các di sản nổi bật đòi hỏi các chương trình tổng thể và dự án chuyên ngành đặc thù để tái thiết và khôi phục. Nhóm này bao gồm các thành phố, trong đó các khu vực lịch sử chiếm khoảng 30 - 50% đất đô thị đã xây dựng.

Nhóm 3 là các đô thị lịch sử cấp vùng, có các di sản có giá trị riêng biệt cần được bảo tồn và sử dụng như những di sản đô thị. Nhóm này bao gồm các thành phố, trong đó các khu vực lịch sử chiếm khoảng 15 - 30% đất đô thị đã xây dựng.

Nhóm 4 là các đô thị lịch sử còn lại, trong đó khu vực lịch sử chiếm không quá 5 - 15% diện tích đất đô thị.

Chính phủ Nga cũng đã phê duyệt chương trình tổng thể “Bảo tồn và phát huy kiến trúc các đô thị lịch sử” với mục tiêu bảo tồn các di sản kiến trúc và quy hoạch đô thị, đồng thời phát triển kinh tế, nâng cao điều kiện sống, các dịch vụ xã hội, giáo dục, du lịch cho các khu đô thị lịch sử...

Để được nằm trong danh sách các đô thị lịch sử, một đô thị hoặc một phần của đô thị phải đáp ứng 8 tiêu chí cơ bản được Bộ Văn hóa Liên bang Nga đưa ra.

 

Tại Trung Quốc

Tại Trung Quốc, “thành phố lịch sử và văn hóa cấp quốc gia” là cơ chế bảo vệ di tích văn hóa ra đời năm 1982. Theo Luật Bảo tồn di sản văn hóa, “thành phố lịch sử và văn hóa” bao gồm các thành phố có di tích văn hóa đặc biệt phong phú, có giá trị lịch sử quan trọng hoặc có ý nghĩa cách mạng. 

“Thành phố lịch sử và văn hóa” không nhất thiết phải là thành phố, mà cũng có thể là quận, huyện hoặc trấn.

Trên phạm vi quốc tế, cùng với Khuyến nghị năm 2011 của UNESCO về UHL, việc bảo vệ các di sản đô thị, đặc biệt là các Di sản thế giới được thực hiện thông qua một loạt công ước, hiến chương và thỏa thuận khu vực, bao gồm Công ước về Bảo vệ tài sản văn hóa trong trường hợp xung đột vũ trang; Hiến chương quốc tế về Bảo tồn và Phục hồi di tích và di chỉ; Công ước về Bảo vệ di sản kiến trúc; Hiến chương quốc tế về Bảo tồn các khu đô thị và thị trấn lịch sử...

Tính đến giữa năm 2018, Trung Quốc đã công nhận 135 thành phố lịch sử và văn hóa cấp quốc gia; đồng thời có những chính sách bảo vệ đặc biệt đối với các di sản văn hóa của những thành phố này.

Các thành phố lịch sử và văn hóa cấp quốc gia của Trung Quốc được chia thành 7 loại theo đặc điểm của từng thành phố, đó là: Kinh đô cổ, thành phố mang phong cách truyền thống, thành phố thắng cảnh, thành phố mang các đặc điểm, phong tục, văn hóa riêng biệt của địa phương, dân tộc, thành phố hiện đại và lịch sử, thành phố có chức năng đặc biệt, có vị trí rất nổi bật trong lịch sử, thành phố lịch sử nói chung.

Năm 2005, “Hướng dẫn bảo vệ và quy hoạch các thành phố lịch sử và văn hóa” chính thức xác lập các nguyên tắc, biện pháp, nội dung và ưu tiên bảo vệ đối với thành phố lịch sử văn hóa cấp quốc gia. 

Năm 2008, “Quy định về việc bảo vệ các thành phố, trấn và làng lịch sử, văn hóa” đã tiêu chuẩn hóa việc phê duyệt và công nhận các thành phố, trấn và làng lịch sử, văn hóa. Để đánh giá mức độ bảo tồn của các thành phố lịch sử văn hóa, người ta đưa ra 5 nhóm tiêu chí lớn gồm cả việc đánh giá định lượng và đánh giá định tính.

IV. NHỮNG BÀI HỌC THÀNH CÔNG

Phát huy vai trò cộng đồng trong quá trình phát triển thành phố George Town (Malaysia)

George Town là thành phố nằm ở Penang,được thành lập năm 1786 như một cảng tự do phục vụ lợi ích của Anh ở Đông Nam Á. Việc thành lập cảng đã biến George Town trở thành trung tâm thương mại toàn cầu.

Ngày nay, các cộng đồng văn hóa và tôn giáo khác nhau sinh sống tại George Town tiếp tục chung sống hài hòa thông qua sự hiểu biết về các truyền thống đa văn hóa đã được truyền qua nhiều thế hệ. Cộng đồng địa phương cũng có ý thức rất cao về quyền sở hữu bản sắc văn hóa của họ và đóng vai trò là người bảo vệ di sản độc đáo này. 

Thông qua việc tiếp tục các hoạt động kinh doanh và hoạt động truyền thống khác, cộng đồng địa phương và các hiệp hội cộng đồng đảm bảo rằng George Town được bảo tồn không chỉ về hình thức vật chất mà còn về các khía cạnh văn hóa và xã hội phong phú.

Các hoạt động bảo tồn của George Town như phục hồi, bảo tồn công viên Armenian, Pháo đài Cornwallis, các tòa nhà di sản loại I, Đền Tua Pek Kong, Phòng thương mại tại Lebuh Light,... được thực hiện với sự hợp tác giữa chính phủ và cộng đồng. 

Nhiều biện pháp can thiệp khôi phục nhà ở tư nhân được chính người dân thực hiện. Trong khi đó, các doanh nghiệp địa phương thường tài trợ các sự kiện và lễ hội văn hóa do các thành viên cộng đồng tình nguyện chuẩn bị và thực hiện.

Với những nỗ lực này, George Town đã trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch, mang lại động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Xây dựng thương hiệu cho thành phố Trogir (Croatia)

Thành phố lịch sử Trogir của Croatia được ghi vào Danh sách Di sản thế giới năm 1997. Các đường phố của khu định cư trên đảo này có từ thời kỳ Hy Lạp và được các nhà cai trị kế tiếp tôn tạo với nhiều tòa nhà, công trình công cộng và sinh hoạt đẹp mắt mang phong cách Phục hưng, Baroque...

Năm 2019, Trogir đưa ra chiến lược xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao sức hấp dẫn của thành phố này như một điểm đến du lịch văn hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Thành phố tìm cách xây dựng một câu chuyện tập trung vào văn hóa và di sản, đồng thời tạo sự khác biệt với các điểm đến Địa Trung Hải khác. 

Chiến lược này được xây dựng dựa trên các giá trị di sản của thành phố, chẳng hạn như lịch sử lâu đời kể từ năm 3600 Trước công nguyên, dấu vết được bảo tồn qua nhiều thời kỳ lịch sử, sự hiện diện của nghệ thuật và các tác phẩm điêu khắc nổi tiếng cũng như truyền thống lâu đời của các ngành thủ công và sáng tạo.

Quá trình xây dựng thương hiệu của thành phố kéo dài hơn 1 năm, trên cơ sở các nghiên cứu, khảo sát liên ngành sâu rộng về nhận thức, tiềm năng và thách thức của Trogir.

Bằng cách tạo ra chiến lược xây dựng thương hiệu tập trung vào các giá trị di sản, thành phố Trogir hướng tới phát triển mô hình du lịch bền vững nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, duy trì sinh kế địa phương, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và các ngành công nghiệp sáng tạo.

Lồng ghép các giá trị vào quá trình phát triển thành phố Lyon (Pháp)

Lyon được người La Mã thành lập vào thế kỷ I Trước công nguyên, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chính trị, văn hóa và kinh tế của châu Âu.

Hiện nay, trung tâm lịch sử của thành phố vẫn giữ được các tòa nhà mang tính biểu tượng và cơ cấu đô thị từ mỗi thời kỳ phát triển của thành phố, thể hiện bức tranh hài hòa của các quận từ thời Phục hưng đến thế kỷ XIX, kết hợp các di tích và tòa nhà La Mã quan trọng từ thời Trung cổ...

Trong lần sửa đổi lớn của quy hoạch đô thị địa phương năm 2019, Lyon đã đưa di sản thiên nhiên và văn hóa của mình vào công cụ quy hoạch này. Với bản sửa đổi này, chính quyền Lyon đặt mục tiêu chuẩn bị tốt hơn để quản lý di sản của thành phố và tìm ra sự cân bằng giữa phát triển và bảo tồn đô thị. Theo đó, việc điều chỉnh quy hoạch hướng tới việc giải quyết 4 thách thức, bao gồm:

- Thách thức đô thị: biến trung tâm thành phố thành trung tâm của đô thị, chuẩn bị điều kiện cho các dự án quy mô lớn trong tương lai;

- Thách thức kinh tế: bảo đảm sự phát triển đa dạng và các hoạt động phục vụ thành phố và người dân;

- Thách thức về nhà ở và kết nối giao thông: cung cấp nguồn cung nhà ở cho tất cả các đối tượng và phát triển giao thông công cộng;

- Thách thức về môi trường và lối sống: cải thiện khả năng sinh sống của trung tâm lịch sử, tôn trọng đặc điểm độc đáo của các khu vực lân cận khác nhau, tăng cường khả năng tiếp cận và cung cấp không gian tự nhiên cho tất cả mọi người.

Thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu ở phố cổ Lamu (Kenya)

Phố cổ Lamu nằm trên hòn đảo cùng tên thuộc quần đảo Lamu trên bờ biển phía Bắc Kenya, có diện tích khoảng 16ha và vùng đệm rộng khoảng 1.200ha.

Lamu nổi bật như một hình mẫu còn sót lại của các thành bang Swahili thời Trung cổ. Các tòa nhà chủ yếu được xây dựng bằng vật liệu xây dựng địa phương. Đây là đô thị độc đáo với những con đường hẹp, các công trình kiến trúc truyền thống và lối sống truyền thống không bị xáo trộn. Phố cổ Lamu được ghi vào Danh sách Di sản thế giới năm 2001.

Tuy nhiên, phố cổ Lamu phải đối mặt với nhiều mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, nhu cầu năng lượng và sự chuyển đổi kinh tế và xã hội nhanh chóng... Để giải quyết vấn đề trên, kế hoạch quản lý phố cổ Lamu và chính sách quản lý chất thải của đô thị Lamu được ban hành, tập trung vào việc tích hợp các giải pháp vật lý, xã hội và môi trường với những hoạt động truyền thống có thể giúp xây dựng khả năng phục hồi trước thảm họa, bao gồm cả những thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra.

Cụ thể, Văn phòng Bảo tồn Di sản thế giới Lamu và Ủy ban Quy hoạch được giao trách nhiệm giám sát và giải quyết các vấn đề mới nổi trong khu bảo tồn. Việc giám sát tình trạng ngập lụt tại các tuyến phố ven biển và bảo vệ rừng ngập mặn được thực hiện thường xuyên. Thành phố cũng đẩy mạnh việc sử dụng đèn đường năng lượng Mặt trời để tận dụng năng lượng tái tạo...

Ngoài ra, cộng đồng địa phương, với sự hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức khác cũng đang đẩy mạnh thực hiện các chương trình tái chế nhựa và kim loại nhằm giảm khối lượng chất thải, từ đó giảm lượng khí thải độc hại.

V. PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÁC ĐÔ THỊ DI SẢN VIÊT NAM

Nhiều tiềm năng

Việt Nam là quốc gia có nhiều đô thị cổ như cố đô Huế, cố đô Hoa Lư, Hội An và nhiều đô thị có bề dày lịch sử như Hà Nội, Nam Định, Phố Hiến (tỉnh Hưng Yên), Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng)...

Theo thống kê, quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế) đang sở hữu hệ thống di sản vật thể và phi vật thể quý giá và đồ sộ. Với hơn 1 thế kỷ là Kinh đô của một triều đại phong kiến với thiết chế chính trị dựa trên nền tảng Nho giáo, lại từng là thủ phủ của Phật giáo, bên cạnh những kiến trúc cung đình lộng lẫy như Kinh thành, Hoàng thành, Tử cấm thành và lăng tẩm của các vua Nguyễn cũng như các công trình kiến trúc độc đáo gắn liền với các thể chế của hoàng quyền, Huế còn lưu giữ hàng trăm ngôi chùa thâm nghiêm cổ kính... 

Ngoài ra, Huế còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể như các lễ hội và hình thức âm nhạc lễ nghi dân gian, giải trí; các nghề thủ công truyền thống rất hấp dẫn...

Trong khi đó, đô thị cổ Hội An sở hữu hơn 1.400 di tích được kiểm kê phân loại, trong đó có 27 di tích cấp quốc gia, 49 di tích cấp tỉnh và hơn 1.330 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố. Riêng khu phố cổ có 1.130 di tích, trong đó có 9 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh.

Tương tự, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng có hệ thống di tích lịch sử văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử. Toàn tỉnh có 1.821 di tích, trong đó 395 di tích đã được xếp hạng. Ngoài quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh ở hạng mục Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Ninh Bình còn có cố đô Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và di tích núi Non Nước được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Bên cạnh những khu đô thị cổ nêu trên, nhiều thành phố ở Việt Nam còn sở hữu số lượng di sản, di tích lớn hoặc chứa đựng các yếu tố di sản độc đáo và đặc thù... Ngoài ra, với diện mạo đặc trưng, thành phố Đà Lạt cũng mang dáng dấp đô thị di sản vùng cao nguyên khi sở hữu khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và phong cách kiến trúc riêng biệt; còn Sa Pa (tỉnh Lào Cai) là thành phố trong sương với cảnh quan thơ mộng, địa hình đồi núi tự nhiên cùng phong tục, văn hóa bản địa riêng biệt...

Với những di sản mang nhiều giá trị đặc sắc, trong những năm qua, các di sản đô thị nói riêng, đô thị di sản nói chung tại Việt Nam đã trở thành những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, tạo điều kiện để các địa phương thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Một số khó khăn đặc thù

Cũng như nhiều đô thị trên thế giới, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã khiến bản sắc các thành phố di sản tại Việt Nam ngày càng mai một. Dấu ấn thời gian và yếu tố di sản dần bị thay thế bởi các công trình mới hoặc chịu sức ép từ sự gia tăng dân số nhanh chóng. Tuy nhiên, do khái niệm đô thị di sản chưa cụ thể hóa, chưa có bộ tiêu chí đặc thù của đô thị di sản trong các văn bản pháp luật nên chính quyền ở một số địa phương đang khá lúng túng trong công tác quản lý và bảo tồn di sản, cũng như việc giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

Ở nhiều nơi, mặc dù việc quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị của di sản được chính quyền và người dân quan tâm, chung tay thực hiện nhưng một số quy định pháp luật liên quan đến tu bổ, tôn tạo di tích chưa phù hợp đã làm nảy sinh nhiều trở ngại trong công tác này...

Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24-1-2022, của Bộ Chính trị, “Về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đã nêu rõ quan điểm “kết hợp đồng bộ và hài hòa giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các đô thị mới, bảo đảm kiến trúc đô thị hiện đại, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy”.

Trong số các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Nghị quyết nhấn mạnh việc “nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng cho xây dựng và lựa chọn mô hình phát triển đô thị bền vững, phù hợp cho từng vùng, miền, tại những địa bàn vùng đồi núi, cao nguyên, vùng có tính trọng yếu về quốc phòng, an ninh, các đô thị có nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên cần bảo tồn, gìn giữ” và “đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch, đô thị gắn với những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch”.

Giải pháp nào để phát triển bền vững các đô thị di sản?

Để giải quyết những vấn đề đặt ra, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trước hết, chúng ta cần sớm cụ thể thuật ngữ đô thị di sản và bổ sung 1 chương trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa năm 2009 để quy định cụ thể về loại hình di sản này với các nội dung như tiêu chí công nhận, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị...

Cùng với đó, cần thúc đẩy việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù trong quy hoạch và quản lý quy hoạch để các đô thị di sản giữ được bản sắc, không bị cuốn theo sự phát triển của đô thị hiện đại gây xung đột với những giá trị của di sản đô thị; đồng thời đáp ứng yêu cầu phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Đặc biệt, chính quyền Trung ương và địa phương cũng như các cơ quan liên quan cần quan tâm thực hiện những khuyến nghị đã được nêu tại Tuyên bố Hội An về bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị 2017.

Tháng 6-2017, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Chương trình Định cư con người của Liên hợp quốc (UN-HABITAT) tại Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản”. Thành công lớn nhất của hội thảo là việc các bên liên quan tìm được tiếng nói chung để ra Tuyên bố Hội An về bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị 2017.

Theo đó, việc bảo tồn các đô thị lịch sử và di sản đô thị cần hướng tới cách tiếp cận toàn diện và xem xét bối cảnh nhận thức rộng lớn, bao hàm cả địa hình, địa mạo, thủy văn và các đặc điểm tự nhiên, môi trường được xây dựng, cả trong lịch sử và hiện tại, kết cấu hạ tầng trên và dưới lòng đất, các không gian mở và vườn tược, mô hình sử dụng đất và tổ chức không gian, nhận thức và các mối tương quan thị giác cũng như các yếu tố khác thuộc về cấu trúc đô thị của một khu di sản. 

Bối cảnh này cũng bao gồm các khía cạnh phi vật thể liên quan đến sự đa dạng và bản sắc, chẳng hạn như các thực hành và giá trị văn hóa - xã hội hay các tiến trình kinh tế.

Để hỗ trợ việc gắn kết các mục tiêu bảo tồn với công bằng xã hội và cuộc sống của người dân địa phương cũng như các chủ nhân và những người quản lý truyền thống của các yếu tố tạo nên di sản đô thị, cần có các chính sách và cơ chế rõ ràng, áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền con người, bảo đảm sự tham gia tích cực của cộng đồng trong việc thiết kế, quản lý và chia sẻ công bằng lợi ích...

Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, các chính sách và thực hành nhạy cảm sinh thái cần được xây dựng, đầu tư hướng tới tăng cường tính bền vững và chất lượng cuộc sống đô thị. 

Cùng với đó, phải tăng cường tính liên kết giữa các quy định của địa phương và quốc gia với các cam kết quốc tế, hợp tác khu vực và chia sẻ kinh nghiệm thông qua việc giám sát, đánh giá thường xuyên của các cơ quan chính quyền Trung ương và địa phương với sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của các tổ chức quốc tế.../.

Thành Nam - Khôi Nguyên - Tiến Thắng - Công Minh - Duy Anh (thực hiện)

Chuyên mục: Hồ sơ