21/11/2024 | 14:25 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Xu hướng hình thành trật tự thế giới đa cực: Nhìn từ Hội nghị các nhà lãnh đạo BRICS mở rộng năm 2024

Lê Thế Mẫu
Xu hướng hình thành trật tự thế giới đa cực: Nhìn từ Hội nghị các nhà lãnh đạo BRICS mở rộng năm 2024 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin - Chủ tịch Nhóm BRICS năm 2024 - tại thành phố Kazan (Nga), ngày 24-10-2024_Ảnh: TTXVN
Từ ngày 22 đến 24-10-2024, tại thành phố Kazan (Nga), Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tổ chức Hội nghị các nhà lãnh đạo BRICS mở rộng (BRICS+) với sự tham dự của gần 20.000 đại biểu đến từ 35 quốc gia và 6 tổ chức quốc tế trên thế giới. Trong bối cảnh tình hình quốc tế đang trải qua nhiều biến động mang tính thời đại, kết quả của hội nghị cho thấy xu hướng không thể đảo ngược trong cục diện chính trị toàn cầu hướng tới một trật tự thế giới đa cực.

Những bước phát triển mạnh mẽ

BRIC được thành lập vào năm 2006 với 4 thành viên, bao gồm: Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ. Năm 2011, Nam Phi gia nhập và liên kết này trở thành BRICS. Mục tiêu của BRICS là trở thành một thể chế chính trị, kinh tế và tài chính toàn cầu nhằm phản ánh tương quan lực lượng theo hướng công bằng, cân bằng và có tính đại diện cao hơn. 

Nga và Trung Quốc là 2 thành viên chủ chốt trong BRICS luôn đi đầu trong công cuộc đấu tranh hướng tới xây dựng trật tự thế giới đa cực trong thế kỷ XXI. 

Chủ trương này từng được xác định trong Tuyên bố chung Nga - Trung Quốc về xây dựng trật tự thế giới đa cực trong thế kỷ XXI nhân chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân năm 1997.

Tại Hội nghị An ninh quốc tế Munich năm 2007, Tổng thống Nga Vladimir Putin là nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới nhấn mạnh không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực sau Chiến tranh lạnh, mà chủ trương xây dựng trật tự thế giới đa cực, trong đó tất cả các quốc gia có chủ quyền được tôn trọng và cùng hợp tác để phát triển.

Kể từ ngày 1-1-2024, bên cạnh việc Ai Cập, Ethiopia, Iran, các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Arab Saudi chính thức trở thành thành viên của BRICS, đã có hơn 30 quốc gia khác bày tỏ nguyện vọng gia nhập BRICS, đánh dấu giai đoạn phát triển có ý nghĩa đột phá của liên kết này. 

Với sự tham dự của khoảng 20.000 đại biểu đến từ 35 quốc gia và 6 tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Hội nghị BRICS tại Kazan là minh chứng rõ nét cho thấy uy tín, vai trò và tầm ảnh hưởng của BRICS ngày càng gia tăng trên trường quốc tế, cũng như sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia có chủ quyền theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ.

Thúc đẩy xu hướng hình thành trật tự thế giới đa cực

Năm 2024, Nga đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên thường niên của BRICS với phương châm “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển công bằng và an ninh toàn cầu”. 

Theo đó, Tuyên bố chung Kazan của Hội nghị BRICS mở rộng năm 2024 thể hiện rõ những nỗ lực của BRICS nhằm tạo dựng một trật tự thế giới đa cực.

Về chính trị, Tuyên bố khẳng định cương lĩnh chính trị của BRICS dựa vào Hiến chương Liên hợp quốc và các điều luật quốc tế đã được thừa nhận rộng rãi để liên kết tất cả các quốc gia mà không phân biệt thể chế chính trị, mô hình phát triển, giàu hay nghèo, lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu về quân sự, đặc tính văn hóa, cùng hợp tác vì lợi ích của tất cả các bên, cùng ứng phó với những nguy cơ và thách thức mang tính toàn cầu trong bối cảnh không một quốc gia đơn lẻ nào, dù lớn mạnh đến đâu, cũng không thể hóa giải được.

Tuy nhiên, Tuyên bố cho rằng, Liên hợp quốc được thành lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai cần được cải tổ để đáp ứng yêu cầu của thế giới đương đại theo hướng tăng cường tính dân chủ, tính đại diện và hiệu quả, trước hết là mở rộng sự hiện diện của các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latin trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như các cơ quan chủ yếu của Liên hợp quốc. 

Nguyên tắc hoạt động của BRICS là tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia, hiểu biết lẫn nhau, bình đẳng, đoàn kết, dân chủ, cởi mở, toàn diện và đồng thuận.

Về lĩnh vực hợp tác, BRICS chủ trương hợp tác trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội và an ninh, phản ánh nhu cầu tất yếu của sự phát triển thế giới đương đại, kể cả khoa học - công nghệ, giáo dục, văn hóa, thể thao - du lịch. 

Chính sự liên kết đa dạng này đã tạo nên sức mạnh và tiềm năng hợp tác to lớn của các quốc gia có cùng chí hướng xây dựng một trật tự thế giới đa cực công bằng, bình đẳng và dân chủ.

Về kinh tế - tài chính, BRICS khẳng định vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cam kết tương tác trong khuôn khổ các mục đích và nguyên tắc của WTO để giải quyết những tranh chấp thương mại. 

Tuy nhiên, BRICS nhận thấy WTO cần cải tổ để tăng cường tính hiệu quả và minh bạch của tổ chức này. Ngoài ra, BRICS khẳng định nhu cầu cần cải cách cấu trúc hệ thống tài chính quốc tế hiện hành, như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế (SWIFT).

Đồng thời, BRICS nhấn mạnh vai trò quan trọng của Ngân hàng Phát triển mới (NDB) và Quỹ dự phòng rủi ro do BRICS thành lập đang đóng vai trò thúc đẩy phát triển bền vững của các quốc gia tham gia. 

BRICS cũng chủ trương thiết lập hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng đồng nội tệ của các quốc gia để hạn chế vị thế độc tôn của đồng USD trong giao dịch thương mại quốc tế. 

BRICS phản đối những biện pháp cưỡng chế, trừng phạt đơn phương trái với luật pháp quốc tế và gây tổn hại đối với hoạt động thương mại toàn cầu; kêu gọi các nước phát triển hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển để thực hiện chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp gắn với chuyển đổi năng lượng.

Về an ninh, BRICS kêu gọi phối hợp nỗ lực quốc tế để hóa giải những nguy cơ mang tính toàn cầu, như khủng bố quốc tế, chạy đua vũ trang, ma túy, xung đột và bất ổn, biến đổi khí hậu, mất cân bằng môi trường sinh thái, tội phạm sử dụng trí tuệ nhân tạo và các tội phạm xuyên biên giới khác. 

Ngoài ra, để tăng cường đoàn kết trong một thế giới đa dạng, BRICS nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của hoạt động trao đổi và giao lưu văn hóa, giáo dục - đào tạo, du lịch - thể thao giữa các quốc gia; đẩy mạnh hoạt động trao đổi kinh nghiệm và đối thoại giữa nghị viện và đảng chính trị cầm quyền của các nước.

Cùng hiện thực hóa ý tưởng “xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”

Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu tham dự Hội nghị BRICS+ tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, cũng như chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương. 

Đồng thời, chuyển tải những thông điệp mạnh mẽ, hình ảnh về một đất nước Việt Nam bản lĩnh, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. 

Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Nga cũng như với các quốc gia trên thế giới.

Tại hội nghị, nhận định sâu sắc về “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên kết nối và hội nhập sâu rộng, kỷ nguyên công nghệ thông minh và đổi mới sáng tạo”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm nhìn, cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện và đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, xây dựng một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, chia sẻ chung trách nhiệm để giải quyết thách thức chung chưa từng có. 

Để cùng kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn, hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất 5 kết nối chiến lược, bao gồm: kết nối nguồn lực; kết nối hạ tầng chiến lược; kết nối con người với con người; kết nối trong cải cách các cơ chế quản trị toàn cầu theo hướng liên kết, chia sẻ, cân bằng, bình đẳng, hiệu quả, bao trùm, toàn diện để phát triển nhanh, bền vững. 

Đặc biệt, chia sẻ bài học phát triển của Việt Nam về “kết nối, hội nhập, cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh 3 quan điểm lớn về mục tiêu phát triển, đường lối đối ngoại và chính sách quốc phòng “4 không”.

Bày tỏ tin tưởng BRICS trong thời gian tới sẽ đoàn kết hơn nữa, phát huy sức mạnh nội sinh để cùng xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng BRICS và cộng đồng quốc tế để hiện thực hóa ý tưởng “cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn” cho tất cả mọi người dân.

Đánh giá cao phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhất là quan điểm về những giá trị truyền thống, những giá trị chung, mang tính nền tảng, Tổng thống Nga V. Putin cho rằng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập đến nhiều chủ đề rất quan trọng, đang được các nước hết sức quan tâm hiện nay./.

10 November 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 Sau