04/04/2025 | 12:32 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tình hình thế giới nhìn từ Tuyên bố chung Nga - Trung Quốc

Lê Minh Hoàng
Tình hình thế giới nhìn từ Tuyên bố chung Nga - Trung Quốc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Thủ đô Moscow, Nga, ngày 21-3-2023_Ảnh: AP
Tuyên bố chung Nga - Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện trong kỷ nguyên mới được ký kết nhân chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 20 đến ngày 22-3-2023, khẳng định vai trò của Nga và Trung Quốc trong cục diện chính trị thế giới đang thay đổi mạnh mẽ.

Về cục diện chính trị thế giới

Nga và Trung Quốc thống nhất nhận định, những biến đổi trong cục diện chính trị thế giới đang diễn ra nhanh chóng; cấu trúc chính trị quốc tế có sự biến đổi sâu sắc; các xu thế hòa bình, phát triển, hợp tác là không thể đảo ngược; quá trình thiết lập trật tự thế giới đa cực ghi nhận sự tăng tốc; vị thế của các nước có thị trường mới nổi và các nước đang phát triển được củng cố... Bên cạnh đó, Nga và Trung Quốc kêu gọi các nước thúc đẩy những giá trị phổ quát của nhân loại như hòa bình, phát triển, bình đẳng, công bằng, dân chủ và tự do, đối thoại thay vì đối đầu, áp dụng cách tiếp cận bao trùm thay vì loại trừ lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình, theo đuổi hợp tác cùng có lợi, thúc đẩy sự phát triển hòa bình thế giới; phản đối sự can thiệp của các thế lực bên ngoài vào công việc nội bộ của các quốc gia.

Đồng thời, 2 nước khẳng định kiên quyết bảo vệ hệ thống quốc tế do Liên hợp quốc đóng vai trò trung tâm, trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế xuất phát từ mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc; phản đối mọi hình thức bá quyền, cách tiếp cận đơn phương và chính trị cường quyền, tư duy Chiến tranh lạnh, hình thành các khối đối đầu và tạo ra các định dạng hẹp nhằm chống một số quốc gia. Phía Nga ghi nhận ý nghĩa tích cực của Tầm nhìn “Cộng đồng chung vận mệnh” của Trung Quốc nhằm tăng cường tình đoàn kết của cộng đồng thế giới và chung sức ứng phó với các thách thức chung. Phía Trung Quốc đánh giá tích cực những nỗ lực mang tính xây dựng và nhất quán của Nga nhằm hình thành một hệ thống quan hệ quốc tế đa cực công bằng.

Về thách thức đối với an ninh quốc tế

An ninh quốc tế đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực. Xuất phát từ thực tế không quốc gia nào được bảo đảm an ninh bằng cách đánh đổi an ninh của các quốc gia khác, Nga và Trung Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế, trên cơ sở nguyên tắc thảo luận tập thể và hành động chung, tích cực tham gia quản lý an ninh thế giới, tăng cường hiệu quả ổn định chiến lược toàn cầu và bảo đảm an ninh phổ quát, toàn diện, bền vững dựa trên sự hợp tác thông qua sử dụng các cơ chế quốc tế thích hợp, bao gồm những công cụ kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Để đạt được mục tiêu này, cần đổi mới toàn diện và cải thiện cấu trúc an ninh quốc tế theo hướng bền vững hơn trước các cuộc khủng hoảng. Một trong những trụ cột trung tâm của an ninh quốc tế là các nguyên tắc và tham số đã được thống nhất và tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình trong giai đoạn lịch sử hiện nay sẽ giúp giảm thiểu khả năng xung đột trong quan hệ giữa các quốc gia.

Theo đó, Nga và Trung Quốc tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu, bao gồm cả trong khuôn khổ triển khai “Sáng kiến An ninh toàn cầu” do Trung Quốc đề xuất; thiết lập hợp tác hiệu quả theo các hình thức song phương và đa phương trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Hai bên bày tỏ quan ngại sâu sắc về những tác động và rủi ro đối với sự ổn định chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương liên quan đến việc thiết lập Thỏa thuận quốc phòng ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) và kế hoạch chế tạo tàu ngầm hạt nhân của các bên.

Về trật tự kinh tế thế giới

Nga và Trung Quốc ủng hộ xây dựng nền kinh tế thế giới mở, hệ thống thương mại đa phương, trong đó Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) giữ vai trò trung tâm; thúc đẩy tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư; kêu gọi xây dựng môi trường phát triển mở, công bằng, bình đẳng, không phân biệt đối xử; phản đối các cách tiếp cận đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ, tạo dựng rào cản, phá vỡ các mối quan hệ và chuỗi cung ứng, các biện pháp trừng phạt đơn phương và những chính sách hạn chế cưỡng bức. Hai bên tiếp tục khuyến khích cộng đồng quốc tế tập trung vào các vấn đề phát triển, cùng đóng góp vào việc thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Ngoài ra, 2 nước thực hiện các biện pháp có hiệu quả, phát triển hợp tác và đóng góp quan trọng trong lĩnh vực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; tái khẳng định cam kết đối với Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và các mục tiêu, nguyên tắc và điều khoản của Thỏa thuận Paris; tái khẳng định sự cần thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt và tăng cường nhất quán Công ước về tiêu hủy và cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí sinh học. Hai nước phản đối quân sự hóa công nghệ thông tin và truyền thông; ủng hộ việc hình thành một hệ thống quản trị Internet toàn cầu đa phương, bình đẳng và minh bạch, đồng thời bảo đảm chủ quyền và an ninh của các quốc gia trong lĩnh vực này; ủng hộ các hoạt động của Nhóm công tác mở của Liên hợp quốc về an ninh trong việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông giai đoạn 2021 - 2025; phản đối những quốc gia đang biến không gian vũ trụ thành đấu trường đối đầu vũ trang và phản đối các hoạt động nhằm đạt được ưu thế quân sự và sử dụng ưu thế đó trong các hoạt động tác chiến; nhấn mạnh tầm quan trọng trong Tuyên bố chung của 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân về ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và chạy đua vũ trang, khẳng định không bên nào có thể chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân và không để chiến tranh hạt nhân nổ ra.

Phối hợp hành động tại các diễn đàn khu vực và quốc tế

Nga và Trung Quốc quyết tâm tăng cường phối hợp trong khuôn khổ Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-20) và các cơ chế đa phương khác, khuyến khích G-20 ứng phó với những thách thức hiện nay trong lĩnh vực kinh tế và tài chính quốc tế, cải thiện hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu trên cơ sở công bằng và hợp lý; ủng hộ Liên minh châu Phi gia nhập G-20; chủ trương phát triển hợp tác theo định dạng “Nga - Ấn Độ - Trung Quốc” và “Nga - Trung Quốc - Mông Cổ”; tăng cường tương tác tại các diễn đàn như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và các đối tác đối thoại. Hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm tăng cường vai trò và ảnh hưởng của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định trong không gian của tổ chức này; đóng góp tích cực vào các cuộc thảo luận về việc mở rộng Nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS) và tăng số lượng thành viên tham gia.

Về giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina

 Nga đánh giá tích cực lập trường khách quan của Trung Quốc đối với vấn đề Ukraina; đồng thời hoan nghênh thái độ sẵn sàng của Trung Quốc đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina bằng các biện pháp chính trị, ngoại giao và những cân nhắc mang tính xây dựng được nêu trong đề xuất 12 điểm “về lập trường của Trung Quốc trong việc giải quyết chính trị cuộc khủng hoảng Ukraina”. Hai nước lưu ý rằng, để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina cần tôn trọng mối quan tâm chính đáng của các quốc gia trong lĩnh vực an ninh và ngăn chặn hình thành đối đầu theo khối, ngăn chặn các hành động tiếp tục thúc đẩy xung đột; nhấn mạnh đối thoại có trách nhiệm là phương cách tốt nhất để giải quyết bền vững cuộc khủng hoảng Ukraina và cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ các nỗ lực mang tính xây dựng trong vấn đề này; kêu gọi chấm dứt leo thang căng thẳng và kéo dài chiến sự, tránh làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng cho đến khi chuyển sang giai đoạn không thể kiểm soát; phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương được áp đặt mà không được phép của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc./.

14 June 2023
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 ... 7 Sau