Việt Nam tăng cường hợp tác với các nước khu vực trong bối cảnh mới
Thanh HằngVai trò của Singapore và Nhật Bản trong triển khai quan hệ đối ngoại của Việt Nam
Singapore là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á. Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2024) và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (2013 - 2024), quan hệ Việt Nam - Singapore không ngừng phát triển, đạt nhiều dấu mốc quan trọng trong tất cả các lĩnh vực, trên các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ và giao lưu nhân dân.
Hai bên thống nhất chủ trương sớm nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào thời điểm phù hợp. Hai bên đều coi trọng lẫn nhau là đối tác quan trọng hàng đầu trong khu vực, chia sẻ lợi ích và tầm nhìn chiến lược chung đối với nhiều vấn đề khu vực và quốc tế.
Hợp tác Việt Nam - Singapore đến nay được nhìn nhận là một hình mẫu của hợp tác song phương tại khu vực Đông Nam Á. Singapore đứng thứ 2/145 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Singapore tham gia hầu hết ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam tại 51 tỉnh, thành phố.
Trong giai đoạn 2022 - 2023, nhân các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao 2 nước, hai bên ký kết một loạt thỏa thuận trong những lĩnh vực hợp tác mới, nhất trí triển khai thỏa thuận về thiết lập quan hệ đối tác kinh tế số - kinh tế xanh, tạo tiền đề triển khai hợp tác giữa 2 nước trong lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, tài chính xanh, mua bán năng lượng sạch, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đối với Nhật Bản, trong chặng đường 51 năm qua, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản có nhiều bước tiến vượt bậc với hợp tác ngày càng rộng mở và thực chất hơn trên tinh thần tin cậy và tôn trọng lẫn nhau giữa lãnh đạo và nhân dân 2 nước.
Trong nhiều năm liên tiếp, Nhật Bản duy trì vị trí là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đối tác viện trợ phát triển không hoàn lại (ODA) lớn nhất, đối tác lớn thứ hai về hợp tác lao động, đối tác lớn thứ ba về hợp tác đầu tư và du lịch, đối tác lớn thứ tư về trao đổi thương mại. Quan hệ 2 nước trong những năm qua đã có những bước phát triển về chất và đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất, với mức độ tin cậy chính trị cao.
Việc trao đổi đoàn các cấp giữa 2 nước, nhất là cấp cao, diễn ra thường xuyên và mật thiết trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Hợp tác kinh tế ngày càng chặt chẽ và đi vào chiều sâu. Hợp tác địa phương, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân và hợp tác nguồn nhân lực ngày càng hiệu quả.
Năm 2023, 2 nước kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Là nước có nhiều kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật và đào tạo chuyên gia pháp lý, Nhật Bản có thể hỗ trợ hiệu quả cho Việt Nam trong việc nâng cao năng lực xây dựng pháp luật.
Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, sự đồng hành hỗ trợ của bạn bè quốc tế, trong đó có Singapore và Nhật Bản có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Thúc đẩy lợi ích song phương từ dư địa hợp tác
Trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp với tầm mức tin cậy cao, quan hệ Việt Nam - Singapore, Việt Nam - Nhật Bản còn nhiều dư địa để phát triển mạnh mẽ và thực chất hơn nữa.
Chính vì vậy, đối với Singapore, để thúc đẩy hợp tác thực chất giữa 2 Quốc hội, hai bên nhất trí cần tiếp tục triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội 2 nước, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore ngày càng phát triển và sớm nâng lên tầm cao mới; tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm của mỗi nước về hoàn thiện thể chế, chính sách, hệ thống pháp luật, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; triển khai các hoạt động hợp tác giữa các ủy ban, cơ quan của Quốc hội, giữa các nghị sĩ của 2 nước.
Chuyến thăm Singapore lần này của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng những thỏa thuận đạt được sẽ giúp sự hợp tác giữa hai bên ngày càng hiệu quả hơn, thực chất hơn, không chỉ củng cố mối quan hệ giữa nghị viện 2 nước nói riêng, mà còn góp phần tăng cường tình đoàn kết của nghị viện ASEAN nói chung.
Bên cạnh đó, lãnh đạo cơ quan lập pháp 2 nước đều khẳng định hợp tác kinh tế - thương mại tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương. Là 2 nền kinh tế mang tính bổ trợ lẫn nhau, Việt Nam và Singapore thúc đẩy thực thi các hiệp định thương mại mà hai bên cùng tham gia nhằm tăng cường hợp tác kinh tế song phương.
Đồng thời, khuôn khổ hợp tác đối tác kinh tế số - kinh tế xanh là cơ sở mở ra nhiều cơ hội lớn cho 2 nước tăng cường kết nối kinh tế trong các lĩnh vực đầy tiềm năng, như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu...
Trên cơ sở đó, hai bên nhất trí tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi và đẩy mạnh việc giám sát các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong triển khai các hiệp định, thỏa thuận đã ký kết.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Singapore nhất trí hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong việc hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc, đưa quan hệ 2 nước ngày càng đi vào chiều sâu, nhất là trong những lĩnh vực 2 nước có thế mạnh, như giáo dục - đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao, y tế và các lĩnh vực mới, như đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số.
Singapore sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy những mô hình hợp tác điển hình, như Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, tận dụng hơn nữa cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực mới, như chuyển đổi số, thị trường tín chỉ carbon; tăng cường hợp tác năng lượng, kết nối mạng lưới điện, trong đó có mạng lưới điện ASEAN; tăng cường hợp tác, giao lưu văn hóa và du lịch...
Đối với Nhật Bản, hai bên nhấn mạnh chú trọng và coi hợp tác địa phương giữa 2 nước là kênh hợp tác quan trọng, thực chất và hiệu quả để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, lao động, thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa 2 nước.
Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Nhật Bản sẽ tăng cường các cơ chế trao đổi kinh nghiệm trong công tác lập pháp, nhất là trong việc xây dựng thể chế, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi nước và quan hệ song phương.
Hai bên cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả tại các diễn đàn nghị viện đa phương khu vực và thế giới, như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF)...
Việc Thượng viện Nhật Bản lần đầu tiên ký kết Thỏa thuận hợp tác với một Quốc hội nước ngoài là thành quả quan trọng của chuyến thăm, tạo cơ sở pháp lý để cơ quan lập pháp 2 nước tiếp tục triển khai, cụ thể hóa những kết quả đã đạt được cũng như mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản.
Tháng 11-2024 đánh dấu mốc 1 năm 2 nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi 2 nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với sự tin cậy cao, gắn bó mật thiết và dư địa phát triển rộng mở, toàn diện.
Do vậy, Việt Nam có thể tranh thủ thúc đẩy Nhật Bản cung cấp nguồn vốn ODA thế hệ mới giúp phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế; tranh thủ cơ hội doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong quá trình dịch chuyển sản xuất, đa dạng hóa chuỗi cung ứng để thúc đẩy làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, tập trung thu hút đầu tư chất lượng cao, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản./.